VÌ SAO CÁC TRƯỜNG HỌC KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC GIÁO VIÊN?

Nếu ai đó nói với tôi là, giáo viên bây giờ không thể tìm được công việc, tôi dám mạnh dạn mà đáp trả rằng, điều đó là hoàn toàn sai sự thật. Vì sao ư, vì năm nay riêng thành phố Hà Nội đã có 8 trường mới được xây dựng và đi vào hoạt động. Cùng đồng thời với đó, thành phố Hà Nội sẽ tuyển thêm 11.000 giáo viên. Với số lượng tuyển dụng như vậy, tôi nghĩ không có lý gì mà chúng ta không kiếm tìm được một vị trí trong cả một guồng máy vĩ đại đó. Nhưng trong bài viết này, tôi lại không muốn đề cập nhiều đến việc vì sao giáo viên chưa tìm được việc mà chỉ tập trung vào một nội dung là vì sao, các trường lại chưa tuyển dụng được đội ngũ giáo viên cho năm học mới.

Bây giờ đã là giữa tháng 7, các trường học gần như đã ổn định đội ngũ, chuẩn bị để bước vào năm học mới, nhưng vẫn còn rất nhiều trường vẫn tiếp tục đăng tin tuyển dụng, tuyển dụng bổ sung,… cũng đồng thời với đó, nhiều giáo viên vẫn chưa tìm được cơ hội việc làm, cố gắng gửi CV, nhưng vẫn không nhận được phản hồi. Vấn đề thật nan giải!

Sau một thời gian rất dài, để thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh, về những ngôi trường có điều hòa toàn trường, có bể bơi bốn mùa, có phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế, có nhiều giáo viên bản ngữ, có thư viện với hàng vạn đầu sách và những chương trình quốc tế… bỗng nhiên cả phụ huynh và nhà trường nhận ra thêm một yếu tố cũng cần quan tâm đó là đội ngũ giáo viên Việt Nam và chương trình Việt Nam. Đây cũng là khoảnh khắc mà tất cả cùng giật mình nhận ra khi những đội ngũ giáo viên tinh hoa của một số trường đã đi theo tiếng gọi của tình yêu đến một chân trời mới nơi các trường mới được xây dựng với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Trong bối cảnh chương trình quốc tế và đội ngũ giáo viên bản ngữ chỉ là một trong số những lợi thế cạnh tranh, thì đội ngũ giáo viên Việt Nam đang được trọng dụng hơn bao giờ hết. Điều đó có nghĩa là nhu cầu về đội ngũ giáo viên Việt Nam có chuyên môn giảng dạy tốt tăng đột ngột mà quá trình đào tạo lại chưa thể theo kịp. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến việc thiếu hụt một đội ngũ giáo viên lớn dẫn đến việc thiếu giáo viên cho năm học mới.

Thứ hai, do yêu cầu của các nhà trường khá cao so với chất lượng của các ứng viên hiện tại. Một số giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực giảng dạy tốt, họ đã yên vị tại các nhà trường và được các nhà trường nâng niu, gìn giữ như “bảo bối”, số luân chuyển giữa các trường cũng không phải là quá lớn (vì tâm lý của giáo viên muốn sự ổn định). Trong khi đó những giáo viên chưa có việc làm lại chủ yếu là những giáo viên có ít kinh nghiệm giảng dạy hơn, hoặc họ có những kinh nghiệm không phù hợp với vị trí công việc giáo viên trong nhà trường (giáo viên ở các trung tâm, giáo viên gia sư)…

Thứ ba, nguồn sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc giảng dạy. Một cách rất thành thực, phải khẳng định rằng, chất lượng sinh viên ra trường khó có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở các trường dân lập, song ngữ và quốc tế. Thực tiễn giáo dục được đề cập đến trong các chương trình đào tạo sư phạm vẫn là hệ thống giáo dục công lập với một chương trình đồng nhất. Rất nhiều những vấn đề mới chưa được cập nhật, bổ sung như vấn đề quản lý lớp học, giao tiếp với phụ huynh, tư duy dịch vụ trong giáo dục, khả năng kiểm soát và cân bằng cảm xúc,… Điều đó khiến cho, mặc dù số lượng CV gửi về các trường khá lớn, nhưng số ứng viên lọt được qua vòng hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ tư, các nhà trường không/ chưa chú ý đến việc đào tạo nguồn giáo viên. Để đào tạo được một giáo viên có thể bắt nhịp được với công việc giảng dạy, vững vàng đứng lớp, thời gian tối thiểu phải mất 2 năm. Trong 2 năm đó, nhà trường vẫn phải trả lương cho các giáo viên thực tập, phải chi phí cho các giáo viên hướng dẫn, hoặc thuê chuyên gia đào tạo… Với mức học phí hiện tại của các trường, kể cả các trường dân lập, hầu như chi phí dành cho việc đào tạo rất thấp, lại bị phân bổ thành chi phí cho đào tạo phát triển chuyên môn thường xuyên, vì thế nên chi phí đầu tư cho việc chuẩn bị nguồn giáo viên rất hạn chế. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ, nếu đầu tư cho việc chuẩn bị nguồn giáo viên, thì đến khi đào tạo xong, rất nhiều giáo viên lại phá bỏ hợp đồng, không muốn cam kết làm việc cho nhà trường. Thậm chí một số đơn vị săn đầu người sẵn sàng đền bù phạt hợp đồng để thu hút được nhân sự tốt.

Trong bối cảnh đó, chắc chắn sẽ xuất hiện những bên thứ ba làm công việc kết nối nghề nghiệp, cung ứng nhân sự cho các nhà trường. Nhưng công việc này hiện tại đang gặp phải một khó khăn lớn, đó là chính các nhà trường cũng không biết chính xác họ đang muốn điều gì. Hay nói đúng hơn là, các trường không mô tả được các tiêu chí tuyển dụng rõ ràng để các đơn vị đào tạo có thể cung ứng được nguồn giáo viên theo đúng yêu cầu. Nếu không tin, các bạn hãy thử lên website của bất kì trường nào, vào mục tuyển dụng, sau đó click vào các thông tin tuyển dụng của các trường, các bạn sẽ nhận ra những tiêu chí giống nhau, yêu cầu giống nhau được viết chung chung và được dùng đi dùng lại cho rất nhiều năm. Phải chăng đó cũng là lý do khiến cho các trường không tuyển được nguồn giáo viên tốt?

Thứ năm, do tâm lý giáo viên muốn nhàn hạ, trong các trường công lập. Đây là vấn đề xưa như trái đất, rõ như ban ngày và cũng không cần phải bàn cãi nhiều thêm. Đã rất nhiều lần tôi giới thiệu cơ hội nghề nghiệp cho các ứng viên, nhưng các bạn đều nói là, làm trường ấy lương có cao không? Có vất vả lắm không? Có bị áp lực không?… thậm chí có bạn còn từ chối thẳng thừng, em thà dạy hợp đồng, rồi đi gia sư hay mở lớp dạy thêm còn nhàn hơn. Vâng, đến như vậy thì các trường làm sao mà có cơ hội tuyển được giáo viên tốt cơ chứ.

Nhưng vẫn có nhiều bạn cũng vượt qua được rào cản áp lực để ứng tuyển vào các trường tư. Nhưng khi tham gia phỏng vấn, không bạn nào muốn làm giáo viên thực tập, ai cũng muốn ngay lập tức được đi dạy và làm giáo viên đứng lớp chính thức. Dường như các bạn đã được lập trình một tư duy rằng: tốt nghiệp trường sư phạm = có đủ năng lực và trình độ để trở thành giáo viên. Nhưng thực tế khi cho các bạn đi dạy, các bạn lại không đáp ứng được yêu cầu. Nếu bạn nào phải làm các công việc ít liên quan đến giảng dạy, là phản ứng ngay lập tức là bỏ việc mà không chịu học hỏi từ chính công việc mà bạn đang làm.

Thứ sáu, kênh tuyển dụng không đến được với giáo viên từ cả hai phía, nhà trường và giáo viên và đơn vị đào tạo. Đây có lẽ thuộc về lỗi kĩ thuật nhiều hơn. Các trường thường đăng tin tuyển dụng vào khoảng tháng 2 và tháng 3 (thời điểm sau Tết Âm lịch), trong lúc đó các bạn sinh viên còn đang chìm đắm trong không khí Tết, hay đang sốt vó chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp hay khóa luận tốt nghiệp, không có nhiều bạn có ý thức trong việc chuẩn bị công việc. Và thế là cơ hội dần qua, đến khi các bạn bảo vệ khóa luận xong vào khoảng tháng 5, và giật mình tỉnh giấc khi nhận ra “tốt nghiệp rồi mình sẽ làm ở đâu?” khi ấy, các bạn đổ xô đi tìm việc nhưng các trường đã tuyển gần đủ nhân sự. Số tuyển dụng bổ sung cũng là để lấy các bạn sinh viên tốt nhất, chuẩn bị nguồn cho năm học sau nhiều hơn. Tôi còn biết, có nhiều bạn sinh viên còn tranh thủ xả hơi, nghỉ ngơi sau kì làm khóa luận và bình tĩnh đợi đến khi nhận được bằng tốt nghiệp rồi lúc đó mới bắt đầu đi xin việc. Mà khi các bạn có được bằng, thì đã sang tháng 6, các trường đã chuẩn bị đi làm hè, tập huấn giáo viên, hoàn chỉnh đội ngũ mất rồi.

Vâng, sẽ có nhiều lý do khác nữa khiến cho các nhà trường không tuyển được giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên có năng lực và trình độ. Vấn đề là ai cũng biết, ai cũng nhận ra, ai cũng thấy nó bất cập, nhưng phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào để có thể khắc phụ được tình trạng đó. Có lẽ chúng ta cần phải xuất phát từ chính các nguyên nhân ở trên, đưa ra một giải pháp đồng bộ từ tất cả các bên: các trường phổ thông, các trường sư phạm, sinh viên, các đơn vị kết nối nghề nghiệp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giải quyết được bài toán giáo viên cho các nhà trường hiện nay.

Nguyễn Hữu Long – Táo Giáo Dục www.taogiaoduc.vn 

Từ khóa » Trường Dân Lập Hà Nội Tuyển Dụng