Vì Sao Cây Có Lá Rộng? - VnExpress

  • Mới nhất
  • Thời sự
  • Góc nhìn
  • Thế giới
  • Video
  • Podcasts
  • Kinh doanh
  • Bất động sản
  • Khoa học
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Số hóa
  • Xe
  • Ý kiến
  • Tâm sự
  • Tất cả
  • Trở lại Khoa học
  • Khoa học
Thứ ba, 6/7/2004, 12:00 (GMT+7) Vì sao cây có lá rộng?

400 triệu năm trước, các loài thực vật trên trái đất chưa hề có những chiếc lá to kềnh càng với công năng của những tấm pin mặt trời như ngày nay. Thay vào đó là những mấu lồi tí hon được gọi là vi hình thái lá...

Mặc dù bộ gene và các chức năng sinh lý để phát triển những chiếc lá to bè đã xuất hiện từ thời điểm đó, chúng vẫn chần chừ chưa mở rộng cơ quan quang hợp cho mãi đến 20 triệu năm sau.

Sự trì hoãn này làm bối rối nhiều nhà cổ sinh vật học. Mới đây, David Beerling và Colin Osborne (tại Đại học Sheffield) và William Chaloner (Đại học London, Anh) đã phát triển một giả thuyết cho rằng tiết trời trong khoảng thời gian này rất nóng bức, và hàm lượng CO2 đặc xịt trong khí quyển đã khiến lá cây không thể nào phổng phao được.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy so với hiện tại, hàm lượng CO2 ở đầu kỷ Devon (khoảng 400 triệu năm trước) cao gấp 10 lần, do đó thực vật chỉ cần ít lỗ thở cũng hút đủ khí carbon dioxide vào cơ thể. Tuy nhiên, ngoài chức năng hít CO2, lỗ thở còn hoạt động giống như tuyến mồ hôi, nghĩa là giải phóng nước làm mát lá. Trong trường hợp đó, nếu diện tích bề mặt lá tăng lên - đồng nghĩa với việc tăng lượng bức xạ mặt trời nhận được - sẽ gây ra hiện tượng thừa nhiệt, khiến lá cây bị đốt nóng.

Theo các nhà nghiên cứu, phải đến khoảng 370 năm trước, khi hàm lượng CO2 bắt đầu giảm đi, thực vật phải tăng số lỗ thở để lấy đủ lượng CO2 cần thiết. Việc này cũng tạo cho chúng khả năng làm mát tốt hơn. Các loài cây khi đó cũng có lý do để tăng diện tích bề mặt lá.

Để kiểm tra giả thuyết trên, họ tìm kiếm các dữ liệu hoá thạch và đo đạc kích cỡ lá của 300 loài thực vật, cũng như đếm số lượng lỗ thở trên một vài mẫu hiếm hoi còn lớp biểu bì nguyên vẹn. Công trình của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra sự phù hợp rõ ràng giữa việc giảm nhanh hàm lượng CO2 trên toàn cầu với việc tăng diện tích lá, cũng như tăng mật độ lỗ thở.

B.H. (theo NewScientist)

Trở lại Khoa họcTrở lại Khoa học Copy link thành công ×

Từ khóa » Cây Có Lá Rộng