Vì Sao Chiếc Grand I10 Có Giá 84 Triệu Từ Ấn Độ Nhưng Về Việt Nam ...

Thể Thao 247 - Tháng 1/2017 vừa qua, lượng ôtô nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam có giá trị trung bình chỉ 3.700 USD/xe (khoảng 84 triệu đồng), vậy tại sao khi đến tay người tiêu dùng lại có giá cao ngất ngưởng?

Xe nào từ Ấn Độ về Việt Nam?

Một điều đáng quan tâm là dù thuế nhập khẩu từ Ấn Độ cao hơn hẳn so với xe lắp ráp trong khu vực ASEAN (70% so với 30% nếu đáp ứng đủ điều kiện nội địa hóa), nhưng lượng xe từ Ấn Độ vẫn nhiều. Nguyên do là các mẫu xe đến từ đây đều là xe nhỏ, có giá trị không cao so với các dòng xe đến từ các nước khác trong khu vực ASEAN.

Hầu hết xe nhập từ Ấn Độ là xe nhỏ như Huyndai Grand i10

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam trong tháng 1 vừa qua đạt hơn 1.800 chiếc, có giá trị nhập khẩu (giá CIF) là 35 triệu USD (giá trung bình khoảng 440 triệu đồng/chiếc); xe nhập từ Thái Lan là khoảng 2.600 chiếc, với giá trị 51,7 triệu USD (giá trung bình 407 triệu đồng/chiếc); và xe nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam là 1.000 xe, với giá trị 3,7 triệu USD (giá trung bình 84 triệu đồng/chiếc).

Hiện nay, trong các dòng xe du lịch nhập khẩu về Việt Nam từ Ấn Độ chỉ còn duy nhất xe Hyundai do Hyundai Thành Công nhập khẩu nguyên chiếc, bao gồm các mẫu Creta, i20 Active, nhưng được ưa thích và bán được nhiều nhất đặc biệt nhiều nhất là mẫu xe nhỏ Grand i10. Những chiếc Hyundai Grand i10 tại Việt Nam hiện có giá bán trung bình khoảng 410 triệu đồng, sử dụng hai loại động cơ nhỏ dưới 1.500cc với các phiên bản 4 cửa và 5 cửa. Năm 2016, Hyundai Grand i10 tại Việt Nam có doanh số bán khoảng 18.000 chiếc.

Vậy những mức thuế và phí nào tác động vào giá bán các dòng xe từ Ấn Độ (cũng như từ các thị trường khác) khi mà giá xe khi nhập khẩu chỉ là 3.700 USD?

Xe nhập khẩu chịu những loại thuế nào?

Ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cho biết: Mức giá nhập khẩu (CIF) bao gồm giá xuất xưởng của nhà sản xuất và chi phí vận chuyển tới Việt Nam. Và để đến tay người tiêu dùng, sẽ có 3 khâu chính ảnh hưởng tới giá bán cuối cùng là: khâu nhập khẩu, phân phối và bán lẻ với các loại thuế và phí kèm theo khiến giá bán sẽ cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.

Cụ thể, các loại thuế ở khâu nhập khẩu mà các loại xe này phải chịu là thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Ấn Độ (70%), sau đó là thuế Tiêu thụ đặc biệt tính theo dung tích xe và cuối cùng sẽ là thuế Giá trị gia tăng (10%). Chưa hết, giá bán xe cuối cùng tới tay người tiêu dùng còn phải cõng những chi phí không thể công bố như chi phí về vận chuyển nội địa, chi phí bảo hành, thuế nhập khẩu và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu và phân khối... những loại chi phí đều phải gánh thêm cả thuế Tiêu thụ Đặc biệt từ ngày 1/7/2016.

Cơ cấu thuế trong giá xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam từ Ấn Độ, lấy ví dụ là một mẫu xe Hyundai:

Như vậy, một chiếc Hyundai Grandi i10 khi đến tay người tiêu dùng sẽ có các chi phí về thuế như sau: giá CIF tạm tính tại khâu nhập khẩu là 3.700 USD, thì giá sau thuế nhập khẩu là 6.290 USD; sau khi nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt giá xe sẽ cộng thêm 2.516 USD và sau cùng sẽ là mức thuế GTGT 10% (thêm 880 USD) và giá xe sau tất cả các loại thuế sẽ là 9.686 USD, tăng 2,6 lần so với giá nhập khẩu.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đây mới chỉ là cơ cấu thuế đối với xe nhập khẩu; trong giá bán xe cuối cùng đến tay người tiêu dùng còn phải bao gồm các loại chi phí liên quan đến vận chuyển, chi phí về quảng cáo, nhà xưởng và nhân sự, và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu/phân phối (Hyundai Thành Công và các đại lí bán xe).

Giấy Chứng nhận xuất xứ (C/O) - Bài thuốc chống gian lận thương mại?

Người tiêu dùng Việt Nam đang đặt ra câu hỏi, liệu có tình trạng khai gian giá xe nhập khẩu để làm giảm chi phí nhập khẩu, tăng lợi nhuận sau bán hàng? Hiện bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu cơ quan hải quan tăng cường biện pháp quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, trong đó có biện pháp quản lý, kiểm tra xuất xứ đối với xe ô tô nhập khẩu (trừ xe ô tô nhập khẩu của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao) với yêu cầu phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan và yêu cầu hải quan phải kiểm tra chặt chẽ đối với C/O để làm cơ sở xác định nguồn gốc xuất xứ xe ô tô nhập khẩu và làm căn cứ tính thuế đối với xe ô tô nhập khẩu. Bộ Tài chính, cho rằng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không chỉ là chứng từ để cơ quan hải quan quản lý về thuế mà còn là chứng từ quan trọng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ xe, qua đó kiểm soát chất lượng xe ô tô nhập khẩu, bảo vệ môi trường kinh doanh cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Theo: Dantri

Từ khóa » Giá I10 Tại ấn độ