Vì Sao đau đầu Thường Kèm Theo Buồn Nôn? - VnExpress Sức Khỏe
Có thể bạn quan tâm
Đau đầu và buồn nôn thường xảy ra khi bạn thay đổi môi trường sống hay chế độ ăn uống so với thường ngày. Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), tuy đây là triệu chứng thường gặp nhưng một số trường hợp đau đầu kèm buồn nôn nên được điều trị, phòng các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn có hại cho sức khỏe. Dưới đây là các lý do dẫn đến tình trạng đau đầu và buồn nôn.
Mất nước
Người trưởng thành được khuyến nghị uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Nếu tình trạng mất nước kéo dài thường dễ gây ra đau đầu. Theo tờ Harvard Health, người có đường huyết thấp bỏ bữa hoặc ăn quá ít cũng có thể gây hạ đường huyết, dẫn đến đau đầu và buồn nôn.
Uống thức uống có cồn
Uống rượu bia cũng có thể dẫn đến mất nước và rối loạn đường huyết cũng như biến động lượng đường trong máu; gây đau đầu kèm theo các triệu chứng sau khi say rượu bia như khô miệng, khó tiêu, buồn nôn, mất tập trung, chóng mặt.
Tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể gây ra những triệu chứng của đau đầu và buồn nôn. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng một số thuốc giảm đau để tránh mắc phải tình trạng đau đầu do lạm dụng thuốc.
Cà phê
Người có thói quen uống cà phê hoặc trà cũng có thể bị đau đầu và buồn nôn khi không nạp đủ lượng caffeine so với thường ngày. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), caffeine ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu trong não, có thể giúp giảm cơn đau đầu nhưng cũng có thể gây ra đau đầu không mong muốn.
Nicotin
Nicotin có trong thuốc lá là tác nhân gây tổn hại sức khỏe, gây thu hẹp mạch máu não, cản trở lượng máu lên não dẫn đến mắc chứng đau đầu.
Căng thẳng, lo lắng
Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm (Mỹ) cho biết, người thường xuyên căng thẳng, lo lắng quá mức hoặc rối loạn lo âu cũng dễ mắc các chứng đau đầu. Một số bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu kèm theo buồn nôn. Căng thẳng và lo lắng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch gây suy giảm sức khỏe thể chất.
Nhiễm trùng
Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), bệnh nhân mắc bệnh cúm, cảm cúm, viêm dạ dày ruột, viêm amidan trở nặng hoặc bệnh gây nhiễm trùng cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn.
Dị ứng thực phẩm
Buồn nôn và đau đầu có thể khởi phát như một phản ứng dị ứng của cơ thể với một số thực phẩm. Viện Đau đầu Quốc gia (Mỹ) thống kê trong nghiên cứu các thực phẩm dị ứng gây bệnh đau đầu năm 2020, có các sản phẩm từ sữa, lúa mì, ngô, đường mía, men, cam quýt và một số loại hạt. Người bệnh có thể gặp phải thêm các vấn đề về tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, nghẹt mũi, sốc phản vệ, mệt mỏi gây suy nhược. Bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm nặng có thể nguy hiểm tính mạng.
Cao huyết áp
Người bị huyết áp cao có thể bị suy nhược cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim có thể gây suy nhược và nguy hiểm đến tính mạng. Nó làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và nhiều vấn đề khác. Theo Tổ chức Tim mạch Mỹ, triệu chứng đau đầu buồn nôn khởi phát báo hiệu cơn tăng huyết áp rất cao ở người bệnh, cần được cấp cứu y tế kịp thời.
Natri trong máu thấp
Khi lượng muối (natri) trong máu thấp cũng có thể gây ra tình trạng khó chịu này. Người có lượng natri trong máu thấp có thể bị khó chịu, bồn chồn, mệt mỏi, co giật, ăn mất ngon, co thắt cơ, chuột rút và nôn mửa.
Ngộ độc thực phẩm
Người bệnh ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn hoặc virus gây ngộ độc có thể bị đau bụng, chuột rút, sốt, buồn nôn, tiêu chảy dẫn đến đau đầu do thiếu nước.
Mắc Covid-19
Bệnh nhân bị nhiễm nCoV có thể gặp phải các triệu chứng nặng hoặc nhẹ, trong đó, đau đầu và buồn nôn là một trong những triệu chứng phổ biến.
Thay đổi nồng độ hormone
Cơ thể bị thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone có thể khiến chị em bị đau đầu và buồn nôn trước, trong kỳ kinh và trong thai kỳ kèm theo ốm nghén.
Tùy cơ địa và tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân các giải pháp trị đau đầu hay đau đầu buồn nôn. Người bệnh có thể được khuyến nghị nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ. Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), bệnh nhân nên dừng công việc, nghỉ ngơi, tìm nơi yên tĩnh và chợp mắt khi vừa bị đau đầu. Rèn thói quen thư giãn để quản lý căng thẳng cũng có thể giúp giảm đau đầu buồn nôn, như tập thở, nghe nhạc nhẹ, thư giãn cơ bắp và thiền chánh niệm. Uống đủ nước và ăn uống có kế hoạch cũng được khuyến nghị là giải pháp cải thiện.
Chế độ ăn giúp giảm bớt các vấn đề tiêu hóa cũng có thể làm dịu cơn buồn nôn do đau đầu. Người bệnh có thể ăn thức ăn làm từ lúa mì, sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, các loại ngũ cốc, thịt nạc, thịt gia cầm, hải sản, trứng. Bác sĩ có thể khuyến nghị kiêng ăn thực phẩm giàu chất béo, kiêng rau sống, thức ăn cay đậm vị, đường, đồ ngâm chua...
Người bệnh cũng có thể được bác sĩ kê thuốc trị đau đầu buồn nôn. Bệnh nhân đang dùng thuốc giảm đau đầu không kê đơn nhiều hơn hai lần một tuần nên cân nhắc thăm khám sớm do có thể đang mắc chứng lạm dụng thuốc giảm đau.
Mai Trinh (Theo Verywell Health)
Từ khóa » Vì Sao Nhức đầu Buồn Nôn
-
Thường Xuyên Bị đau đầu, Buồn Nôn, Chóng Mặt Có Nguy Hiểm Không?
-
Nguyên Nhân Gây đau đầu Và Buồn Nôn? | Vinmec
-
Điều Trị đau đầu Hoa Mắt Chóng Mặt Buồn Nôn | Hapacol
-
Chóng Mặt, đau đầu Buồn Nôn Kéo Dài Là Bị Bệnh Gì? Có Chữa được ...
-
Đau đầu Chóng Mặt Buồn Nôn Có Phải Là Triệu Chứng Của Rối Loạn ...
-
11 Nguyên Nhân Khiến Bạn Bị Nhức đầu, Buồn Nôn - Hello Bacsi
-
Buồn Nôn đau đầu Chóng Mặt Do đâu? Cách điều Trị Và Phòng Tránh ...
-
Chóng Mặt, Buồn Nôn, đau đầu, Mệt Mỏi: Những điều Cần Biết
-
Đau đầu, Buồn Nôn, Chóng Mặt Nguyên Nhân Do đâu?
-
Đau đầu Buồn Nôn Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì? - Sức Khỏe
-
Đau Nửa đầu Chóng Mặt Buồn Nôn Chớ Chủ Quan | TCI Hospital
-
Nhức đầu, Buồn Nôn Là Bệnh Gì?
-
Đau đầu: Phân Loại, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị Hiệu Quả | ACC
-
Cảm Giác đau, Nhức đầu, Chóng Mặt Buồn Nôn Là Bệnh Gì?