Vì Sao đau Xương Sườn Khi Mang Thai? Mẹ Nên Làm Gì để Giảm đau?

Trong tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu thường trải qua nhiều cơn đau như đau lưng, đau hông, đau dây chằng và thêm một cơn đau phổ biến không kém đó chính là đau xương sườn. Nhiều chị em sẽ cảm thấy đau xương sườn khi mang thai là cơn đau gây nhiều khó chịu và đau đớn. Mẹ có thể bị đau ở cả phía trước và sau cơ thể, đôi khi kèm theo khó thở.

Khi mẹ bầu bị đau xương sườn, nguyên nhân chính thường là do sự thay đổi của tử cung, do em bé của bạn đá vào vùng xương sườn hoặc bé di chuyển nhiều bên trong tử cung. Một số trường hợp khác có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp chi tiết những nguyên nhân gây đau xương sườn khi mang thai và cách giúp mẹ bầu giảm đau hiệu quả để bạn tham khảo.

Vì sao mẹ bị đau xương sườn khi mang thai? 6 nguyên nhân phổ biến 

Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn cơ thể mẹ có nhiều thay đổi để sẵn sàng cho việc sinh nở. Đây cũng là thời điểm mẹ thường bị đau xương sườn khi mang thai. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng này: 

1. Tử cung lớn hơn gây ra sự thay đổi về cơ xương khớp

Trong tam cá nguyệt thứ ba, tử cung của mẹ ngày càng lớn hơn để đáp ứng sự phát triển của em bé. Dưới áp lực của ngày càng lớn của tử cung, các cơ trên khung xương sườn sẽ trở nên ngày càng căng và siết chặt hơn. Đồng thời, sự phát triển của thai thi cũng gây áp lực lên cơ hoành. Điều này thường khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở, dễ bị đau xương sườn khi mang thai và gần như không thể cúi người xuống.

2. Sự thay đổi nội tiết tố

Khi mức hormone progesterone tăng lên, các cơ và dây chằng xung quanh vùng xương chậu lẫn cột sống có thể trở nên mềm để chuẩn bị cho việc sinh nở. Điều này thường dẫn đến cảm giác căng ở lưng và khung xương sườn, từ đó gây ra một số cơn đau vào những tháng cuối của thai kỳ.

3. Đau xương sườn khi mang thai liên quan đến chứng ợ nóng

đau xương sườn khi mang thai

Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, cơ thể mẹ thường tiết hormone relaxin có tác dụng làm giãn các dây chằng tử cung để đáp ứng việc sinh con qua ngả âm đạo dễ dàng hơn. Tuy nhiên, relaxin cũng có tác dụng làm giãn mạch và gây ra một số vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như làm giãn quá mức các cơ vòng dưới thực quản dẫn đến chứng ợ nóng (ợ chua) trong thai kỳ. Tình trạng này thường sẽ góp phần gây ra cảm giác như đau vùng xương sườn.

4. Sỏi mật khi mang thai

Mang thai khiến phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh sỏi mật. Nguyên nhân thường do sự tăng cao của nồng độ estrogen khiến khả năng làm rỗng túi mật và ống dẫn mật trở nên chậm hơn. Cả hai vấn đề này đều có thể dẫn đến sự hình thành sỏi mật. Bệnh lý này nhiều khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng đôi khi, sỏi có thể nặng đến mức gây đau ở vùng hạ sườn bên phải.

5. Đau xương sườn khi mang thai do khối u

Nếu bạn bị đau xương sườn khi mang thai một cách dữ dội, đặc biệt là đau ở vị trí dưới xương sườn bên phải, nguyên nhân có thể là do có khối u phát triển và chèn ép gan vào khung xương sườn. Ngoài ra, khi mang thai bạn cũng có nhiều nguy cơ bị đông máu hơn. Điều này có thể xảy ra trong một tình trạng hiếm gặp được gọi là hội chứng Budd-Chiari gây ảnh hưởng đến thận và gan. Do đó, bạn nên sớm đi khám nếu cơn đau xương sườn (thực tế là đau bụng bên dưới xương sườn khiến bạn lầm tưởng) trở nên nghiêm trọng.

6. Các vấn đề sức khỏe khác

Đau ở vùng bụng trên bên phải có thể là dấu hiệu bệnh gan, tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP. Trong đó, hội chứng HELLP là một bệnh thường gắn liền với tiền sản giật ở mẹ bầu và có thể đe dọa tính mạng.

Hội chứng này bao gồm các tình trạng như thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu. HELLP thường xảy ra vào giai đoạn cuối thai kỳ và đôi khi xảy ra sau sinh. Hầu hết các vấn đề này đều gây nguy hiểm nên mẹ cần đi khám ngay lập tức nếu bị đau hạ sườn phải hoặc vùng dưới mũi ức đột ngột, dữ dội và kèm theo những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu nhiều, mờ mắt, buồn nôn, nôn, chảy máu bất thường…

Làm thế nào để giảm đau xương sườn khi mang thai?

đau xương sườn khi mang thai

Nếu những cơn đau xương sườn khi mang không liên quan đến bệnh lý và không nghiêm trọng, bạn có thể tham khảo một số bí quyết sau đây để cảm thấy dễ chịu hơn trong những tháng cuối thai kỳ:

1. Duy trì tư thế tốt

Khi bụng bầu của mẹ ngày càng to và nặng nề hơn thì điều quan trọng là bạn nên hạn chế cúi người hoặc khom lưng vì tư thế này có thể tạo nhiều áp lực lên các cơ liên sườn của bạn. Thay vào đó, mẹ bầu nên đứng thẳng nhiều hơn, tránh ngồi quá lâu và nên đứng dậy đi lại sau một vài giờ sẽ góp phần hạn chế đau xương sườn khi mang thai.

2. Chườm lạnh hoặc ấm

Một số mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi chườm lạnh vào vùng xương sườn bị đau trong khi một số mẹ khác sẽ thích sự ấm áp khi được chườm ấm hay tắm vòi sen. Thực tế thì mỗi giải pháp đều có ưu điểm riêng.

Việc chườm lạnh và nâng cao cánh tay qua đầu có thể giúp giảm đau xương sườn rất tốt. Song song đó, việc tắm nước ấm sẽ giúp bạn thư giãn và làm dịu các cơ đau nhức.

3. Mẹ nên mặc trang phục rộng rãi

Trong những tháng cuối thai kỳ, việc mặc quần áo bó sát có thể gây thêm áp lực lên xương sườn của mẹ. Do đó, để tránh đau xương sườn khi mang thai và dễ thở hơn thì mẹ nên mặc quần áo, đầm bầu rộng rãi. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bắt đầu sử dụng áo ngực dành cho mẹ nuôi con bú. Loại áo ngực này thường nâng đỡ ngực rất tốt và đem đến sự thoải mái.

Có thể bạn quan tâm Bí quyết chọn áo ngực cho bà bầu giúp đem lại sự thoải mái trong thai kỳ!

4. Dùng gối hỗ trợ khi nằm

Mẹ bầu được khuyến khích nằm nghiêng bên trái để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và ngăn rủi ro trong thai kỳ. Thêm vào đó, mẹ nên sử dụng thêm gối ngủ dành cho bà bầu để duy trì tư thế nằm thoải mái và giúp giảm đau lưng, đau xương sườn một cách hiệu quả.

5. Xoa bóp để giảm đau xương sườn khi mang thai

Xoa bóp thường xuyên sẽ làm dịu và thư giãn các cơ đang bị căng. Điều này có thể góp phần xoa dịu cơn đau xương sườn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần chú ý chỉ nên thực hiện các động tác nhẹ nhàng, tránh ấn mạnh vào vùng tử cung vì có thể gây các tác động bất lợi cho thai nhi; kết hợp với xoa bóp những cơ và khớp khác giúp tinh thần thoải mái cũng có ích trong việc giúp giảm đau.

Trong hầu hết trường hợp, những cơn đau xương sườn khi mang thai có thể biến mất hoàn toàn sau khi bạn sinh em bé. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng về tình trạng này. Việc hiểu hơn về các nguyên nhân đau xương sườn và áp dụng giải pháp giảm đau phù hợp sẽ giúp mẹ vượt qua cơn đau một cách dễ dàng.

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » đau Sườn Trái Phía Trước Khi Mang Thai