Vì Sao Diện Tích Rừng Việt Nam Thấp Hơn Các Nước Xung Quanh?

Vì sao diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh?

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng NNPTNT nhận định diện tích rừng nước ta có tỉ lệ đất tự nhiên bình quân đầu người thấp, dân cư đông. Trong khi đó, Lào và Campuchia có mật độ dân cư thấp, diện tích đất rộng và diện tích rừng tự nhiên vốn đã lớn.

Chất lượng rừng ở Việt Nam thấp hơn Lào, và Campuchia

Sáng nay (6/11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên trong 3 ngày làm việc về nội dung này.

Theo báo Tuổi trẻ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) về tỉ lệ che phủ rừng 42%. Vấn đề ông Hiển đặt ra là tỉ lệ cao như vậy, nhưng chỉ cần chụp qua Google map thì thấy rõ chất lượng rừng ở Việt Nam thấp so với Lào, Campuchia.

"Phải chăng chúng ta không bảo vệ rừng tốt hơn các nước khác?", ông Hiển hỏi.

Vì sao diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh? - Ảnh 1
Chất lượng rừng ở Việt Nam thấp so với Lào, Campuchia. (Ảnh: Internet)

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay ý kiến diện tích rừng của Việt Nam thấp hơn các nước chung đường biên giới là chính xác. Cụ thể, tỉ lệ che phủ rừng của Lào là 58%, của Campuchia là 47%, trong khi Việt Nam là gần 42%.

Hiện tại, Nhà nước đã kiên quyết không để diện tích rừng tự nhiên hiện tại bị can thiệp, chuyển đổi. Bằng những cơ chế, chính sách, người tham gia bảo vệ, quản lý rừng được tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phục hồi rừng tự nhiên. Ngoài ra, Chính phủ đã có đề án phát triển rừng tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và ven biển.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung việc phát triển rừng tại 3 khu vực trọng yếu này. Đặc biệt, nước ta có 4,3 triệu ha rừng trồng nhưng chủ yếu là cây keo. Loại cây này có độ sinh khối nhanh nhưng độ che phủ, chống chịu thiên tai yếu hơn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thay dần các loại cây này bằng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa.

Bộ trưởng NNPTNT nhận định diện tích rừng nước ta có tỉ lệ đất tự nhiên bình quân đầu người thấp, dân cư đông. Trong khi đó, Lào và Campuchia có mật độ dân cư thấp, diện tích đất rộng và diện tích rừng tự nhiên vốn đã lớn.

“Nước ta có độ che phủ rừng thấp một phần do tính chất lịch sử, chất lượng rừng còn non. Đối với những nguyên nhân do cấp quản lý, bộ sẽ tập trung rà soát và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng”, Bộ trưởng NNPTNT trả lời.

Vì sao diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh? - Ảnh 2
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Diện tích rừng tự nhiên tăng lên có gì đó sai sai

Trước đó, sáng 5/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã tranh luận về con số hơn 14,6 triệu ha rừng được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra trong phiên thảo luận hôm 3/11 vừa qua.

"Bây giờ chúng ta có 14 -15 triệu ha rừng, trong đó bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng? Bởi vì vai trò của 2 loại rừng này khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada mà người ta kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên, chỗ này chưa làm rõ", ông Nghĩa đặt vấn đề với Người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Chiều 5/11, trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện tổng diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha.

"Như vậy sau 30 năm (tính từ năm 1990), diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha", ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chất lượng rừng tự nhiên của chúng ta chưa được tốt. Trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt.

Vì sao diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh? - Ảnh 3
Đại biểu Ksor H' Bơ Khăp (Gia Lai).

Nhưng ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Ksor H' Bơ Khăp (Gia Lai) đã có phần tranh luận lại. Theo bà, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói 9 triệu lên 14 triệu ha là con số đáng phấn khởi, nhưng con số này "rất vô lý và có điều gì đó sai sai".

Bởi ít nhất trong kỳ họp Quốc hội này, mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

"Do vậy con số 14 triệu ha không thể là diện tích rừng tự nhiên tăng lên được. Cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỉ lệ cây phủ rừng. Nhưng rừng là nơi cây xanh hấp thụ CO2 để thải ra O2, song cây cao su là loại cây ngược lại, hút O2 và thải ra CO2, do vậy không có một con gì có thể sống được trong rừng cây cao su", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Mà cây cao su không chỉ là cây trồng ở các dự án ở Tây Nguyên mà còn ở Tây Bắc. Do vậy, bà cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần phải nghiên cứu lại, điều chỉnh các dự án này như thế nào đối với các cây gỗ rừng tự nhiên.

Thủy điện có làm mất rừng tự nhiên?

Theo báo Pháp luật VN, trong Nghiên cứu triển vọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam xuất bản năm 2009, ông Patrick Durst, Cán bộ lâm nghiệp cấp cao Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá, Việt Nam từng là nước có tỉ lệ đất rừng và trữ lượng gỗ bình quân đầu người thấp nhất trên toàn cầu.

Theo ông Patrick Durst, năm 1943, Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm 43% tổng diện tích đất quốc gia. Tuy nhiên, diện tích rừng đã giảm nhanh chóng và đến năm 1990 chỉ còn 9,18 triệu ha. Trong giai đoạn 1980-1990, Việt Nam mất trung bình 100.000 ha rừng/năm. Ngoài việc giảm diện tích rừng, chất lượng rừng cũng giảm.

Từ năm 1995, diện tích rừng đã tăng lên do cải tạo và các chương trình trồng rừng. Tuy nhiên, theo số liệu công bố năm 2006, rừng phân bố không đều trong cả nước. Rừng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đông Bắc độ che phủ cao trên 40%, ở Đông Nam Bộ độ che phủ gần 20%. Ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn diện tích được sử dụng cho nông nghiệp và độ che phủ của rừng là 10%.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), giai đoạn bắt đầu phát triển mạnh của thủy điện nhỏ (dưới 30MW) bắt đầu từ năm 2008-2009 kéo dài đến năm 2016. Đối chiếu với thời điểm này, căn cứ vào các quyết định về công bố hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT có thể thấy, tổng diện tích đất rừng có sự tăng lên, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên bị giảm.

Cụ thể, Quyết định 1267/QĐ-BNN-KL năm 2009 cho thấy, năm 2008 diện tích có rừng 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.348.591 ha; Quyết định 1819/QĐ-BNN-TCLN năm 2017 cho thấy, năm 2016, diện tích đất rừng có 14.377.682 ha, trong đó, rừng tự nhiên 10.242.141ha.

Như vậy, giai đoạn 10 năm phát triển mạnh thủy điện nhỏ, rừng tự nhiên bị giảm 106.450 ha và diện tích giảm chỉ bằng 1 năm so với giai đoạn chưa phát triển mạnh về thủy điện.

Vì sao diện tích rừng Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh? - Ảnh 4
Giai đoạn 10 năm phát triển mạnh thủy điện nhỏ, rừng tự nhiên bị giảm 106.450 ha. (Ảnh: Internet)

Thủy điện có phá rừng nhưng phá không đáng kể

“Thời điểm 1980-1990 chưa phát triển thủy điện nhỏ, vậy mất rừng đâu phải vì phát triển thủy điện” - ông Quân nói. Đồng quan điểm với ông Quân, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng cho rằng, không có số liệu nào khẳng định, toàn bộ diện tích đất rừng mất là do thủy điện.

Nhiều chuyên gia kinh tế, năng lượng cho rằng, nếu có cuộc khảo sát và thống kê diện tích rừng tự nhiên hàng năm bị mất do nạn phá rừng lấy đất canh tác, do xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh tế, dân sinh (bao gồm cả xây dựng thủy điện) thì sẽ thấy ngay tác nhân nào gây mất rừng tự nhiên là chính.

PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định “Thủy điện có phá rừng nhưng phá không đáng kể”. Tổng diện tích các loại đất làm thủy điện từ 1970 (thời điểm làm thủy điện Thác Bà), theo ông Quân là 285.000 ha. Tuy nhiên, không có con số thống kê cụ thể, trong số này thì diện tích đất rừng chiếm bao nhiêu.

“Nhưng chỉ làm một phép so sánh đã cho thấy, so với 100.000 ha đất rừng mất (do nhiều nguyên nhân) trong 10 năm phát triển mạnh về thủy điện nhỏ với 285.000 ha tất cả các loại đất, bao gồm cả đất ở, đất màu, đất trồng cây, sông hồ, ao suối… cho các hệ thống thủy điện lớn, nhỏ trong 50 năm qua thì diện tích đất rừng làm thủy điện chỉ chiếm rất ít” - ông Quân nói. Do đó, không thể khẳng định, do phá rừng làm thủy điện đã gây nên những trận lũ lụt vừa qua với miền Trung.

Bảo My

Từ khóa » Tổng Diện Tích Rừng Của Nước Ta Hiện Nay