Vì Sao GDP được Chọn Là Chỉ Tiêu đánh Giá Tăng Trưởng Kinh Tế?

GDP và GNI trong đo lường tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Product – GDP) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất trong phạm vi lãnh thổ kinh tế của một quốc gia. Nội dung của GDP được xét dưới các góc độ khác nhau, từ đó đưa tới ba phương pháp để tính chỉ tiêu kinh tế tổng hợp này.

Cụ thể, theo góc độ sử dụng cuối cùng, GDP là tổng cầu của nền kinh tế gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích luỹ tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiếm), chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Theo góc độ thu nhập, GDP bằng tổng thu nhập tạo nên từ các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất như lao động, vốn, đất đai, máy móc. Theo góc độ sản xuất, GDP là tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của các ngành kinh tế và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

Với nội hàm của chỉ tiêu GDP, các nhà hoạch định chính sách và Ngân hàng Nhà nước có thể đánh giá thực trạng nền kinh tế đang dư thừa hay thiếu hụt, liệu có cần thúc đẩy hay kiềm chế, có các mối đe dọa như suy thoái hoặc lạm phát tràn lan không, từ đó kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết cho nền kinh tế quốc dân.

Các nhà đầu tư chú ý đến GDP vì một tỷ lệ phần trăm thay đổi đáng kể trong GDP - tăng hoặc giảm - có thể có tác động đáng kể đến thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Ngoài ra, có thể dựa vào diễn biến của GDP để phân tích tác động của các biến số như chính sách tiền tệ và tài khóa, thuế, chi tiêu của chính phủ, các cú sốc kinh tế… đến nền kinh tế làm cơ sở đưa ra các quyết định quản lý hiệu quả.

chỉ tiêu GDP, tăng trưởng kinh tế
GDP là chỉ tiêu quan trọng nhất mà các Chính phủ lựa chọn để đánh giá và so sánh tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Ảnh T.L

Một khái niệm khác để đo lường hiệu quả kinh tế của quốc gia là tổng thu nhập quốc gia (GNI). Tiếp cận theo hướng thu nhập thực tế, GNI phản ánh kết quả thu nhập lần đầu được tạo ra từ các yếu tố sở hữu của một quốc gia tham gia vào hoạt động sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đó hay ở nước ngoài trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.

Nói cách khác, GNI là tổng thu nhập người lao động và chủ thế kinh tế [NDH1] của quốc gia đó nhận được bất kể họ ở trong nước hay nước ngoài trừ đi phần thu nhập người lao động và thương nhân nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. Chỉ tiêu này được sử dụng bổ sung cho GDP để đo lường và theo dõi sự giàu có của một nền kinh tế, một quốc gia theo thời gian.

Đối với nhiều quốc gia, chỉ có sự khác biệt nhỏ giữa GDP và GNI, nghĩa là thu nhập sở hữu thuần không đáng kể, không có hoặc có ít sự chênh lệch giữa thu nhập người lao động nhận được và các khoản thanh toán của quốc gia đó cho nước ngoài. Ngược lại, GNI có xu hướng cao hơn GDP khi quốc gia nhận được nhiều thu nhập sở hữu từ đầu tư và thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài. Trong trường hợp nước ngoài có quyền kiểm soát lớn đối với sản lượng quốc gia và thu nhập sở hữu nhận được không đáng kể, GNI sẽ thấp hơn GDP.

Điểm mạnh của GNI là thước đo kinh tế ghi nhận tất cả khoản thuần thu nhập đi vào nền kinh tế quốc dân, không tính đến phạm vi lãnh thổ kinh tế của thu nhập đó. Nói cách khác, đó là thuần thu nhập thực tế từ sản xuất và sở hữu tài sản của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm). Do đó, đây cũng là một chỉ tiêu hữu ích hỗ trợ các nhà nghiên cứu, hoạch định xây dựng được bức tranh toàn cảnh hơn về hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nội hàm và cách tiếp cận của GDP và GNI không giống nhau, dẫn đến vai trò của từng chỉ tiêu trong đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng khác nhau.

Nếu như GDP đánh giá khả năng sản xuất của một nền kinh tế hay tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia, đo lường quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì GNI là thu nhập thực tế do người lao động và các chủ thể kinh tế thuộc sở hữu quốc gia tạo ra và nhận được, không phân biệt vị trí của họ là ở trong hay ngoài nước. Từ đó, vai trò của từng chỉ tiêu trong đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng khác nhau. GDP giúp chúng ta thấy được quy mô, sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia trong khi GNI thể hiện tiềm lực kinh tế của quốc gia đó.

GDP là chỉ tiêu quan trọng để xây dựng chính sách điều hành vĩ mô

Với những phân tích ở trên, GDP được hầu hết quốc gia trên thế giới sử dụng trong đánh giá tăng trưởng kinh tế bởi các lý do chính sau:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế dựa vào chỉ tiêu GDP giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và phân tích thị trường đưa ra quyết định phù hợp với thực trạng nền kinh tế. GDP tăng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hoạt động tốt, các doanh nghiệp tự tin đầu tư nhiều hơn. Đây là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Ngược lại, khi tăng trưởng GDP rất thấp hoặc nền kinh tế đi vào suy thoái, điều ngược lại sẽ xảy ra: người lao động có thể bị thôi việc, trả lương thấp hơn và các doanh nghiệp không có ý định muốn đầu tư mở rộng thêm.

Thứ hai, việc sử dụng GDP trong đo lường tăng trưởng kinh tế rất hữu ích cho các ngân hàng trung ương khi xác định các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách... so với GDP, từ đó có những điều chỉnh phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Đó còn là cơ sở để tính các chỉ tiêu cân đối khác trong nền kinh tế như tổng tích lũy tài sản trong GDP, tiêu dùng cuối cùng trong GDP, tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP, tỷ lệ xuất nhập khẩu so với GDP... Nhờ việc tiếp cận từ hoạt động sản xuất và đo lường kết quả sản xuất của nền kinh tế, GDP được sử dụng trong tính toán các cân đối lớn của nền kinh tế, phản ánh rõ ràng đặc điểm, tính chất tăng trưởng của một quốc gia.

Thứ ba, cách tính và tiếp cận GDP cho phép họ đánh giá cơ cấu cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và nhóm ngành kinh tế. GDP được tính và phân tổ theo ngành kinh tế, theo khu vực kinh tế và theo tỉnh/thành phố (GRDP) trong khi GNI do tính thêm phần thu nhập sở hữu thuần, không thể thực hiện phân tổ theo ngành kinh tế và theo tỉnh, thành phố mà chỉ phân tổ theo khu vực thể chế. Để trở thành cơ sở lập kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế quốc gia, chỉ tiêu GDP giúp phản ánh rõ ràng hơn thực trạng sản xuất của nền kinh tế, của từng ngành kinh tế, từ đó các Chính phủ sẽ có định hướng tập trung phát triển khu vực kinh tế, vùng kinh tế quan tâm.

Hơn nữa, do chỉ phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia, các Chính phủ dễ dàng và thuận lợi hơn trong thu thập dữ liệu công bố chỉ tiêu GDP theo một số kỳ nhất định trong năm. Trong khi đó, để xác định được GNI cần phải thu thập số liệu của thương nhân và người lao động ở nước ngoài cũng như bóc tách thu nhập của thương nhân và người lao động nước ngoài làm việc tại quốc gia – việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Với những ưu điểm trên, dù còn một số hạn chế nhất định trong nội dung phản ánh, GDP vẫn là chỉ tiêu quan trọng mà các Chính phủ lựa chọn để đánh giá và so sánh tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Từ đó, các quốc gia sẽ có các chính sách phát triển kinh tế phù hợp, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để ra quyết định đầu tư, mở rộng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ khóa » Mức Tăng Trưởng Gdp Là Gì