Vì Sao Hải Phòng Nâng Cấp độ Dịch Lên Vùng đỏ Dù Chưa đến Mức?

Vì sao Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên vùng đỏ dù chưa đến mức? - Ảnh 1.

Hàng loạt xe khách phải tạm dừng hoạt động sau khi Hải Phòng nâng cấp độ dịch COVID-19 trên quy mô toàn thành phố lên cấp độ 4 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ngày 8-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng công bố cấp độ dịch COVID-19 trên quy mô toàn thành phố lên cấp độ 4 (vùng đỏ, có nguy cơ rất cao) sau khi 131/218 xã, phường trên địa bàn chuyển cấp độ 4.

Để cảnh báo sự lơ là của người dân trước dịch?

Ngày 9-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP kiêm giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng - cho rằng việc nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất nhằm mục tiêu giảm số ca mắc ngoài cộng đồng, khi những ngày gần đây liên tục có chiều hướng gia tăng.

Đồng thời, TP cũng muốn nhắc nhở người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch khi thực tế hiện nay đang có tâm lý chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh.

Theo ông Nam, những ngày qua trung bình ghi nhận liên tục từ 500 đến hơn 1.000 ca COVID-19, dù xét theo các tiêu chí hướng dẫn của trung ương, Hải Phòng chưa đến mức phải áp dụng vùng đỏ cho toàn thành phố.

Hải Phòng có khoảng 2 triệu dân, tỉ lệ người dân trong diện chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cơ bản đạt 100%. Trong đợt dịch này, TP ghi nhận 19 trường hợp tử vong đều là người chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền và tuổi cao.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 9-1, dù nhiều nơi ở Hải Phòng đã trở thành vùng đỏ nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Tại các khu vực thuộc vùng đỏ, hàng quán chỉ được phép bán mang về nhưng người dân tại các vùng đỏ vẫn có thể thoải mái di chuyển sang hàng quán ở vùng xanh, vùng vàng để được ăn uống tại chỗ.

Người dân mong sự thay đổi về phương hướng ứng phó dịch

Việc nâng cấp độ dịch tại Hải Phòng hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh dịch vụ ăn uống tại những vùng đỏ và hoạt động vận tải khách của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hương (65 tuổi, bán cháo lòng ăn sáng tại khu vực phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết nhiều ngày nay phải nghỉ bán do chính quyền địa phương không cho bán hàng ăn tại chỗ nên khách gần như không có.

"Kinh tế gia đình tôi gần như dựa cả vào việc bán hàng ăn sáng, nhưng giờ không bán được nên rất khó khăn. Tết đến còn nhiều thứ cần phải chi tiêu, mua sắm mà như thế này thì không biết xoay xở ra sao", bà Hương buồn rầu.

Theo bà Hương, với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc phân vùng cấp độ dịch không còn phù hợp bởi thực tế hiện nay người dân không còn quan tâm đâu là vùng đỏ, vùng xanh nữa.

Vì sao Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên vùng đỏ dù chưa đến mức? - Ảnh 2.

Không được ngồi tại các hàng quán ở vùng đỏ, người dân tìm đến quán ở vùng xanh để ngồi

"Chính quyền cấm người vùng đỏ bán hàng ăn tại chỗ, nhưng người vùng đỏ lại có thể đi sang vùng xanh để ăn uống và dịch vẫn cứ lây lan vì ai mà giám sát, quản lý hết được. Vì thế điều người dân mong muốn hiện nay là chính quyền nên tập trung nguồn lực cho việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men điều trị bệnh nhân nặng cũng như vắc xin tiêm phòng mũi tăng cường" - bà Hương nêu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại Hải Phòng cũng bày tỏ sự khó hiểu với quyết định tạm dừng hoạt động vận tải khách khi Tết đã cận kề, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

"Hải Phòng cấm xe khách hoạt động nhưng chắc chắn không thể ngăn được nhu cầu đi lại của người dân. Không đi xe khách thì với người ít tiền họ sẽ đi xe máy, còn người có điều kiện có thể sẽ thuê xe cá nhân để đi. Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi phương hướng chống dịch, không thể cấm chỗ này, hở chỗ kia", vị lãnh đạo doanh nghiệp vận tải chia sẻ.

Trước những băn khoăn của người dân, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - thừa nhận có những tác động khi nâng cấp độ dịch, tuy nhiên TP kỳ vọng số ca mắc sẽ giảm trong những ngày tới khi ý thức người dân nâng cao, không lơ là với dịch bệnh.

"Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là cảnh báo để mọi người vui xuân được an toàn nhất, chứ không cấm việc đi lại, buôn bán của người dân. Khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực, thành phố sẽ điều chỉnh để thích ứng an toàn, linh hoạt" - ông Nam nêu.

Tính đến cuối ngày 8-1, Hải Phòng có thêm 4 quận, huyện, gồm: Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Kiến Thụy thành vùng đỏ, nâng tổng số nhóm nguy cơ rất cao lên 10 quận, huyện.

Hải Phòng chỉ còn huyện đảo Bạch Long Vỹ - nơi cách đất liền khoảng 110km vẫn duy trì được vùng xanh tuyệt đối, không có ca mắc COVID-19. Thành phố này có 8.875 ca đang được điều trị; hồi phục, xuất viện có 6.508 ca và 47 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Chủ tịch Hải Phòng kêu gọi người dân tự mua kit test để tầm soát COVID-19 Chủ tịch Hải Phòng kêu gọi người dân tự mua kit test để tầm soát COVID-19

TTO - Ngày 11-12, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiêm trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP - kêu gọi người dân chủ động mua kit test giống như mua sắm thiết bị y tế thiết yếu trong tủ thuốc gia đình.

Từ khóa » Số Cdc Hải Phòng