Vì Sao Không Nên Phí Hoài Tuổi 20? - VnExpress

Những người trẻ đang phải đối mặt với sự lo lắng, bất ổn chưa từng có. Tại Mỹ, ước tính 50 triệu người ở độ tuổi 20 không biết sẽ làm gì, sống ở đâu hay cùng với ai trong 2-10 năm tới. Họ chọn làm công việc bồi bàn, nhân viên pha chế và hẹn hò với những đối tượng không phù hợp vì nghĩ rằng mình "còn nhiều thời gian". Trong suy nghĩ của họ, từ 20 đến 29 tuổi là quãng thời gian tận hưởng.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay, phó giáo sư giáo dục tại Đại học Virginia (Mỹ), cuộc sống thực sự bắt đầu từ những năm 20 tuổi. Phần lớn các khoảnh khắc ý nghĩa nhất đời người sẽ diễn ra trước tuổi 35 nên từ 20 đến 29 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng mà giới trẻ lại dường như đang bỏ phí.

"Độ tuổi 20 là quãng thời gian mang tính quyết định. Tận dụng tốt thời gian này là một trong những điều đơn giản nhưng hiệu quả nhất đối với công việc, tình yêu và hạnh phúc của bạn", vị chuyên gia nói.

20 đến 29 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng mà giới trẻ lại dường như đang bỏ phí. Ảnh: Shutterstock.

20 đến 29 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng mà giới trẻ lại dường như đang bỏ phí. Ảnh: Shutterstock.

Trong bài diễn thuyết "Vì sao tuổi 30 không phải tuổi 20 kéo dài", Jay nhận định ai cũng biết năm năm đầu đời quan trọng thế nào với sự phát triển ngôn ngữ, khả năng học tập, giao tiếp và giải quyết vấn đề của trẻ. Tuy nhiên, ít người hiểu được độ tuổi 20 quan trọng thế nào với sự phát triển của người lớn.

"Sau giai đoạn này, việc học tập sẽ không bao giờ trở nên dễ dàng nữa. Các chọn lựa nghề nghiệp và mối quan hệ ở tuổi 20 sẽ dần dần định hình nên nếu muốn thay đổi điều gì đó, hãy bắt đầu làm ngay", Jay khuyến cáo.

Ngày nay, một số nhà khoa học gọi độ tuổi 20 là "thời thiếu niên kéo dài" bởi nhiều người trẻ trở về nhà sau khi tốt nghiệp đại học, không muốn tìm việc hay đưa ra các quyết định khó khăn mà chỉ thích vui chơi, khám phá bản thân trong 10 năm tới.

Thực tế, 2/3 số lần bạn được tăng lương suốt cuộc đời tập trung trong 10 năm đầu của sự nghiệp bởi từ 20 đến 29 tuổi là cơ hội thay đổi công việc và nâng cao bằng cấp trước lúc lập gia đình.

Về tình cảm, việc có các mối quan hệ nghiêm túc ở tuổi 20 đem tới cho con người nhiều lợi ích. Dù kéo dài hay không, chúng vẫn khiến bạn cảm thấy an toàn và sống có trách nhiệm, bớt nguy cơ trầm cảm và lo âu hơn. Chưa kể, các mối quan hệ ấy sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để tìm thấy bạn đối tượng kết hôn phù hợp.

Nếu cứ thong thả, sau này bạn sẽ phải trả giá. Theo Jay, không tận dụng những năm tháng tuổi 20 khiến bạn của năm 30 tuổi cùng lúc chịu quá nhiều áp lực, từ tích lũy tài chính, kết hôn, mua nhà, học lên cao, bắt đầu kinh doanh, tiết kiệm tiền nghỉ hưu, sinh con...

Vậy làm thế nào để những người còn ở độ tuổi 20 tận dụng tối đa "giai đoạn mang tính quyết định" của mình? Jay khuyên bạn đầu tư vào "vốn cá nhân", tức là những gì giúp bồi đắp con người, sự nghiệp, tình cảm, gia đình của bạn như học lên cao, tìm kiếm người cố vấn, mở rộng các mối quan hệ, bổ sung kỹ năng mới.

"Hãy kiếm tìm những công việc cùng mối quan hệ đem tới giá trị cho con người bạn và khiến bạn hạnh phúc. Đừng giữ công việc hay một mối quan hệ chỉ vì như thế dễ hơn việc bắt đầu lại", Jay nói.

Đặc biệt, Jay khuyên mỗi người hãy thận trọng khi chọn bạn đời. "Hãy kén chọn. Hãy nghĩ về điều bạn muốn ở người khác thay vì tìm kiếm người muốn bạn", bà nói.

Tuổi 20 cũng là thời điểm học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Ngoài ra, Jay tiết lộ những người hạnh phúc nhất, thành công nhất thường biết cách cân bằng giữa cuộc sống hiện tại và những kế hoạch cho tương lai.

"Tôi đã làm việc với những khách hàng, chủ yếu là người châu Á, dành tất cả thời gian để làm việc cho tương lai. Họ kiệt sức và đau khổ", nữ chuyên gia kể. "Tất nhiên, tôi cũng gặp những người tận hưởng tuổi 20 quá nhiều và chẳng làm gì cho tương lai. Mấu chốt ở đây là làm thế nào để đổi xử tốt với cả hiện tại lẫn tương lai của mình".

Thu Nguyệt (Theo SMCP)

Từ khóa » độ Tuổi Từ 20 Trở Lên