Vì Sao Nghệ Sĩ Thích Tấu Hài?

Hoàng Sơn thẳng thắn: “Tôi đi tấu hài vì cần kiếm sống, bởi thù lao ở đây hấp dẫn hơn. Chúng tôi cũng là con người, phải nuôi cha mẹ, vợ con, thì không lẽ phải sống nghèo khổ. Tấu hài giúp chúng tôi cải thiện đời sống, nhờ vậy có thể yên tâm đóng kịch nghiêm túc, khi cần. Sân khấu kịch giúp chúng tôi làm nghề đàng hoàng, nhưng sân khấu tấu hài lại“nuôi” chúng tôi theo nghĩa đen. Thôi thì, cái nào cũng cần cả”.

Ngọc Trinh, cũng như Hoàng Sơn, dù có nhiều vai rất tốt bên Phú Nhuận và IDECAF nhưng vẫn tranh thủ đi tấu hài, vì: “Tôi cần có một căn nhà, một mái ấm gia đình, nên nói thiệt là cần... tiền. Có gì xấu đâu khi mình cũng lao động nghệ thuật. Tấu hài có doanh thu cao, đỡ gánh nặng cho chúng tôi”.

Chính vì lẽ đó mà nhìn vô các tụ điểm hình như có rất nhiều tên tuổi, dù đó là “sao”. Bởi so ra, một tiểu phẩm hài 15 phút lãnh 300 - 400.000đ, một đêm có thể chạy 4-6 sô, chia cho 2-3 người trong nhóm vẫn nhiều hơn diễn cả một vở mà cátsê chừng 500.000đ nhưng phải tập tuồng toát cả mồ hôi, khóc cười vật vã. Tập cho nhiều, mà vở diễn sống được 10 suất coi như... tiêu. Đâu phải vở nào cũng may mắn sống 50 suất để ăn mừng, hoặc tuyệt vời như Dạ cổ hoài lang hơn 400 suất, Tình gần 100 suất... Trong khi đó mỗi tiểu phẩm hài sống 200 suất là chuyện... thường! Như tiểu phẩm Vì sao lên chùa (nhóm Tấn Beo), Chiều đồng quê, Đi chùa Hương (nhóm Anh Vũ), Ra mắt (nhóm Ngọc Trinh), Xích lô (nhóm Tuổi đôi mươi) v.v... diễn 3, 4 năm, thậm chí gần 10 năm đem “tút” lại vẫn có khách! Bởi con số tụ điểm hài rất nhiều, kể cả quán bar, nhà hàng, thì chắc gần trăm, nên cũ ở chỗ này vẫn thành mới ở chỗ khác. Chưa kể, khi đi tỉnh thì càng “mới” và cátsê phải 3 triệu trở lên. Khi diễn nhừ tử rồi thì lại quay băng, quay đĩa phát hành, thu lợi cú chót.

Tóm lại, một tiểu phẩm hài nếu thành công thì vòng quay có thể lên đến 400, 500 suất, quá thọ và quá... khỏe! Thế dại gì mà không đi tấu! Cuộc sống đặt ra những tình huống khách quan, không trách người nghệ sĩ phải chọn lựa.

Cũng là thư giãn

Nhiều diễn viên vẫn chọn tấu hài làm kế sinh nhai, dù “sự nghiệp chính” của họ là đóng các vở kịch dài tử tế.Tuy nhiên, cũng có nhiều người xem tấu hài là một cách thư giãn sau những vai bi kịch nặng nề. Có thể nói, nghệ sĩ cũng là con người như bao người khác, họ cũng cần một đời sống ổn định. Những vở kịch dài với những số phận nhân vật nghiệt ngã rất dễ làm nghệ sĩ stress theo. Vì vậy, cách một thời gian là người ta muốn “xả hơi”. Mà cách xả hơi tốt nhất không bị ảnh hưởng thu nhập cho gia đình là... đi tấu hài. Cũng lao động đấy, nhưng nhẹ hơn. Hoàng Sơn sau hàng loạt vai bi kịch mệt mỏi, anh quyết định... cắt. “Tôi phải bảo vệ mình trước khi tái sản xuất sức lao động. Nói cần tiền cũng đúng, mà nói cần thư giãn cũng đúng”. NSƯT Ngọc Giàu sau những vai bà mẹ đau khổ trong cải lương, tốn nhiều nước mắt, cũng đi tìm thư giãn với nhóm Anh Vũ. Còn Hữu Châu: “Tôi nghỉ tấu hài lâu lắm rồi, nhưng sau này quay trở lại chút chút. Bởi đóng kịch dài có khi quá mệt, quá căng thẳng theo nhân vật, mình quay sang tấu hài để cười vui lấy lại thăng bằng. Nói thiệt, mỗi lần đóng vai bi về nhà ngủ không được, cứ ám ảnh cái cảm xúc phức tạp trên sân khấu. Còn tấu hài thì về nhà ngủ thẳng cẳng”. NSƯT Bảo Quốc cũng vậy, anh có một nhà hàng tiệc cưới dư sức sống sung sướng, lại có những vai kịch dài chen kín lịch hàng tuần, vậy mà vẫn “phá rào” đi tấu hài cho vui. “Mình lớn tuổi rồi mà cô bác vẫn còn thích cười với mình, cũng là một hạnh phúc, cho nên không muốn bỏ. Làm nghề, chừng nào sân khấu chê mới nghỉ thôi, chứ sân khấu còn “duyên” là còn làm”.

Nhanh nhạy và linh động

Có một sự thật là tấu hài cũng hỗ trợ ít nhiều cho diễn viên trong kịch dài (nếu đừng quá lạm dụng, sẽ gây tác dụng ngược). Bởi nói như Ngọc Trinh: “Diễn hài cũng có cái hay và cái khó của nó, chứ không hẳn nhẹ nhàng thư giãn. Nó đòi hỏi diễn viên một sự nhanh nhạy, linh động, không chỉ bài bản mà còn phải ngẫu hứng và thanh xuân. Có nhiều tiết mục khán giả đã thuộc lòng, nên mình phải làm “mới” luôn luôn, mà vẫn bảo đảm đường dây đã duyệt”. Chính đòi hỏi ấy đã tạo cho diễn viên khả năng nắm bắt, tung hứng mỗi khi lên sàn diễn. Xem Trái tim nhảy múa mới thấy Ngọc Trinh thành công ngay chính điểm ấy. Và cả Đức Thịnh, Đại Nghĩa của IDECAF đã thay đổi khá nhiều sau một thời gian đi tấu hài cùng Hữu Châu. Hai gương mặt trẻ này khoảng 6 năm trước đóng chính kịch rất nghiêm túc, nhưng thật tình là còn “cứng”. Bây giờ, các bạn vẫn đóng chính kịch đấy thôi, nhưng sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.

Dẫu vậy, có không ít dư luận ngại ngần khi lớp trẻ tham gia tấu hài. Ảnh hưởng đến tay nghề chính kịch? Đạo diễn Vũ Minh cho biết: “Có ảnh hưởng đôi chút. Nhưng diễn viên nào bản lĩnh thì điều chỉnh được. Quan trọng là đạo diễn cũng phải bản lĩnh, đừng cho họ lấn khỏi đường dây kịch bản. Qua thực tế tôi dựng vở, diễn viên tấu hài vẫn diễn rất tốt”.

Nói chung, trong phạm vi có sự định hướng, trình duyệt nghiêm túc, cũng có nhiều tác phẩm tấu hài rất tốt ra đời. Rõ ràng tấu hài sẽ còn phát triển hơn nữa. Quan trọng là định hướng cho nó, đồng thời với việc các nghệ sĩ giữ vững uy tín của mình. Nếu xem tấu hài cũng là một loại hình nghệ thuật đàng hoàng thì không nghệ sĩ nào lại bán đứng tên tuổi, dù vẫn rất cần tiền. Thực tế, nhiều nhóm hài đã làm rất nghiêm túc như nhóm Anh Vũ, Tấn Beo, Cát Phượng, Ngọc Trinh, Trung Dân, Bảo Quốc... mà họ vẫn đắt sô đó thôi

Từ khóa » Nghệ Sĩ Hài Nghĩa Là Gì