VÌ SAO NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĂN CHAY? - - Chùa Xá Lợi

VÌ SAO NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĂN CHAY?

VÌ SAO NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĂN CHAY?

Cư sĩ NGUYỄN MINH TIẾN

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, một Phật tử ở vùng Westminster (California) đã hỏi tôi: "Vì sao người cư sĩ Phật giáo phải ăn chay, trong khi ngay cả những vị xuất gia theo Nam tông vẫn không ăn chay?"

Mở rộng nghi vấn này, một số người khác cho rằng ăn chay không phải là điều kiện để giải thoát hay giác ngộ, vốn là mục đích của sự tu tập trong Phật giáo. Và như thế, có vẻ như những người Phật tử ăn chay đang làm một việc không cần thiết. Bởi nếu như các pháp môn khác nhau trong đạo Phật vẫn có thể tu tập mà không cần thiết phải ăn chay thì việc gì chúng ta phải bận tâm đến việc ăn chay hay không?

Mặc dù nhìn chung thì hiện nay số lượng người ăn chay đang có khuynh hướng gia tăng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng nếu chỉ xét riêng về nhận thức của đa số Phật tử đối với việc ăn chay thì số người nhận thức đúng thực sự không nhiều lắm. Ngược lại, những sự hoài nghi như trên và lập luận biện bác việc ăn chay dường như ngày càng nhiều hơn, thậm chí đã xuất hiện ngay cả ở một số người xuất gia theo truyền thống Nam tông.

Trong thực tế, số người Phật tử ăn chay trường hiện vẫn chiếm một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất thấp, so với tuyệt đại đa số chỉ ăn chay vào một số ngày trong tháng, hoặc thậm chí là không ăn chay. Điều này có vẻ như không thích hợp lắm với giáo pháp từ bi cũng như những lời dạy về nhân quả mà người Phật tử nào cũng tin nhận và noi theo.

Chương trình Phật pháp ứng dụng kỳ này sẽ cố gắng giải tỏa những nghi vấn nêu trên, cũng như đề cập đến một số những ý nghĩa của việc ăn chay mà người Phật tử cần nhận hiểu trên đường tu tập.

Vì sao người Phật tử nên ăn chay?

Trước hết, người Phật tử có hai lý do để ăn chay. Thứ nhất là vì lòng từ bi. Nếu bạn không có lòng từ bi, hoặc ít nhất là không tán thành với lòng từ bi của người khác, ắt hẳn bạn đã không có thiện cảm với đạo Phật, đừng nói gì đến việc trở thành một Phật tử. Vì thế, điều tất nhiên là mọi người Phật tử đều đang trong tiến trình nuôi dưỡng tâm từ bi, hoặc ít nhất cũng là có sự tán trợ, đồng tình với sự tu tập từ bi của người khác.

Nếu còn hoài nghi về lòng từ bi của chính mình, bạn có thể tự kiểm chứng qua một vài câu hỏi đơn giản. Khi xem tin tức hằng ngày trên tivi, mỗi lần thấy có thiên tai xảy ra đâu đó trên thế giới này khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người khác mất nhà cửa, sống lây lất khổ sở và thiếu thốn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Liệu bạn có thể lạnh lùng vô cảm chăng? Hay từ trong đáy lòng bạn sẽ cảm thấy có một sự nhói đau nào đó, nó khiến cho bạn hoặc rơm rớm nước mắt, hoặc thấy thôi thúc muốn làm một điều gì đó để chia sẻ cùng đồng loại? Hoặc có những lúc đi trên đường phố và vô tình chứng kiến một tai nạn thương tâm, bạn có thể dửng dưng bước đi không chút động lòng được chăng? Hay bạn sẽ tự nhiên dừng lại và sẵn lòng giúp đỡ nếu cần? Ngay cả khi không thể giúp được gì, chắc hẳn trong lòng bạn cũng không thể không có sự bồi hồi thương cảm.

Những cảm xúc được khơi dậy trước nỗi khổ đau là hoàn toàn tự nhiên ở hầu hết mọi con người, không chỉ riêng ở người Phật tử. Tuy nhiên, người Phật tử học theo lời Phật dạy nên luôn nuôi dưỡng lòng từ bi và sẽ biến những cảm xúc ấy thành ý nghĩ, lời nói và việc làm theo hai mục tiêu cụ thể: cứu vớt khổ đau và mang lại niềm vui cho người khác. Cứu khổ và ban vui chính là ý nghĩa của hai chữ từ bi.

Như vậy, khi tin nhận và làm theo lời Phật dạy thì người Phật tử phải là người nuôi dưỡng lòng từ bi, hoặc ít nhất cũng là hoan hỷ tán trợ với sự tu tập từ bi của người khác. Đứng trên quan điểm này mà xét thì việc giết hại bất kỳ loài vật nào để ăn thịt, hoặc tán thành những sự giết hại ấy, đều là đi ngược lại với lòng từ bi, đi ngược lại với lời Phật dạy.

Lòng từ bi của đạo Phật hướng đến đối tượng là tất cả chúng sinh, là muôn loài có tri giác, chứ không chỉ riêng đối với con người. Nền văn minh tiến bộ của nhân loại ngày nay đã đi đến chỗ tương đồng với quan điểm này khi hầu hết các quốc gia văn minh đều có chủ trương bảo vệ động vật hết sức rõ ràng, nghiêm ngặt. Cho dù nhân loại vẫn chưa thực sự chấm dứt việc ăn thịt, nhưng việc giết hại động vật ngày nay ở nhiều nơi đã bị xem như một tội ác.

Vì thế, người Phật tử cần phải hướng đến việc ăn chay như một điều tất yếu để phù hợp với nhận thức và sự tu tập nuôi dưỡng lòng từ bi. Bởi khi suy xét một cách khách quan, chúng ta hoàn toàn không thể biện bạch gì được cho hành vi giết hại sinh mạng loài vật để nuôi sống bản thân mình. Hơn thế nữa, nếu thử làm một phép tính so sánh để thấy rằng giá trị của một sinh mạng, hoặc thậm chí là nhiều sinh mạng, chỉ đủ để đổi lấy một vài bữa ăn, nghĩa là chỉ nuôi sống riêng ta trong một ngày, thì đây quả là một sự bất công không gì có thể bù đắp được.

Lý do thứ hai để người Phật tử hướng đến việc ăn chay là niềm tin về nhân quả. Nói một cách khách quan, nếu bạn chưa ăn chay thì điều đó có nghĩa là bạn chưa thực sự tin nhân quả. Vì sao vậy? Luật nhân quả nói rõ rằng khi bạn gieo nhân nào, bạn sẽ gặt quả ấy. Cho dù bạn trốn chạy đến bất cứ nơi đâu hay trải qua một dòng thời gian bao lâu đi chăng nữa, thì cuối cùng điều chắc chắn là bạn vẫn phải nhận chịu kết quả những hành vi của chính mình.

Trong thực tế, nếu chỉ cần phải hứng chịu một trận đòn đau để đổi một bữa ăn, chắc chắn sẽ không ai trong chúng ta chọn lấy điều đó cả! Thế nhưng, theo đúng luật nhân quả thì với mỗi một bữa ăn bằng máu thịt loài vật, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả lại bằng một kiếp sống khổ đau, vì sẽ bị chấm dứt bằng sự giết hại, bằng sự đau đớn do bị hành hạ cho đến chết. Quả thật là một cái giá quá đắt cho chỉ một bữa ăn, đừng nói gì đến hàng trăm ngàn bữa ăn trong suốt cuộc đời ta! Như vậy, nếu bạn không nghĩ đến cái giá quá đắt này, không nghĩ đến hậu quả chắc chắn phải nhận lãnh trong tương lai vì những bữa ăn của mình, phải chăng điều đó đã nói lên rằng

bạn chưa thực sự tin chắc vào nhân quả?

Phải chăng bạn vẫn luôn ảo tưởng rằng mình là một ngoại lệ, và những hậu quả đáng sợ kia chắc sẽ không đến với mình? Phải chăng bạn đang cho rằng sự giết hại sẽ mang đến kết quả bị giết hại, nhưng điều đó chỉ đúng với ai khác chứ hoàn toàn không áp dụng cho trường hợp của bạn?

Cho nên, nếu thực sự tin sâu vào nhân quả, người Phật tử không thể không hướng đến việc ăn chay.

Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.

Và nếu chúng ta không khởi sự làm điều đó ngay hôm nay thì cũng có nghĩa là ta sẽ còn phải tiếp tục kéo dài nhiều kiếp sống khổ đau bất tận trong sinh tử luân hồi, bởi luật tắc vay trả trả vay là điều căn bản nhất trong sự vận hành của cuộc đời này.

Hiểu đúng về khái niệm ăn chay trong đạo Phật

Ăn chay có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với các tôn giáo hoặc niềm tin khác nhau. Ăn chay trong đạo Phật được hiểu theo khái niệm "trai giới" (齋戒) được đề cập trong kinh điển và mang nghĩa là thanh tịnh, trong sạch.

Với ý nghĩa này, ăn chay có nghĩa là ăn những thức ăn thanh tịnh, trong sạch, chứ không chỉ đơn thuần là không ăn thịt cá. Tuy nhiên, trước hết và quan trọng hơn hết, tất nhiên là ăn chay phải bao gồm việc không ăn thịt cá, hay nói rộng ra là bất kỳ loại thức ăn nào do sự giết hại mà có.

Một số loại thức ăn không phải do "giết", nhưng do "hại" mà có. Ngành chăn nuôi ngày nay nuôi bò lấy sữa, nuôi gà lấy trứng... tuy không giết những con vật này ngay, nhưng rõ ràng đang làm hại đến sự sống, không để cho những con vật này được sống một cuộc đời tự nhiên, và do đó những thực phẩm có được như vậy cũng không phải là thanh tịnh, trong sạch.

Một số thức ăn thực vật cũng được đề cập đến trong kinh điển như là không thanh tịnh, không trong sạch, vì những tính chất, mùi vị đặc biệt của chúng, cụ thể là những thức ăn cay nồng được xếp vào nhóm ngũ vị tân gồm: hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu. Dựa trên tiêu chí tương đồng, một số thức ăn khác như boa-rô, hành tây... cũng có thể xếp vào nhóm này. Lý do người ăn chay không ăn những món này không chỉ vì mùi vị cay nồng của chúng, mà chính là vì chúng có tác dụng kích thích dục tính rất mạnh nên được xem như không thanh tịnh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng các món này như thuốc men trị bệnh khi cần thiết, vì trong trường hợp đó chúng không được xem là thức ăn.

Đạo Phật có bắt buộc Phật tử phải ăn chay hay không?

Câu trả lời là không. Sự thật là, chính đức Phật và các vị tỳ-kheo đệ tử của ngài vào thuở ban đầu lập giáo cũng không phải những người ăn chay. Khi đạo Phật vừa mới hình thành sau khi đức Phật thành đạo và khởi đầu sự giáo hóa, đức Phật và Tăng đoàn sống bằng những thức ăn có được từ việc khất thực ở các làng mạc, khu dân cư mà các ngài đi qua. Hầu hết những cư dân ở đó chưa hề biết đến việc ăn chay, và họ có thể cúng dường vào bình bát của chư tăng bất kỳ thức ăn nào họ có, bao gồm cả thịt cá. Trong hoàn cảnh đó, các vị tỳ-kheo không thể chọn lựa ăn chay và từ chối những thức ăn bất tịnh. Các ngài phải thọ nhận tùy duyên mà thôi.

Trong kinh điển Nam truyền không nói đến việc cấm ăn thịt cá, và có đề cập đến "ba loại thịt sạch" (tam tịnh nhục) mà vị tỳ-kheo có thể thọ dụng, bao gồm các trường hợp:

1. Không nhìn thấy người giết con vật.

2. Không nghe tiếng con vật bị giết kêu la.

3. Không nghi ngờ rằng người khác đã giết con vật đó vì mình, để có thịt cho mình ăn.

Một số nơi khác còn thấy đề cập đến hai trường hợp khác:

1. Thịt của con thú tự chết.

2. Thịt của con thú khác ăn còn dư.

Tuy nhiên, hai trường hợp sau này thật ra cũng có thể xem như đã được bao gồm trong ba trường hợp kể trên. Như vậy, có một số các tăng sĩ tu tập theo truyền thống Nam tông không ăn chay và họ ăn thịt cá dựa trên ba định nghĩa về "tam tịnh nhục" như được nêu trên.

Trong Kinh điển Bắc truyền, cụ thể là kinh Lăng Nghiêm và kinh Đại Bát Niết-bàn, thì nêu rõ việc người Phật tử vì lòng từ bi nên không ăn thịt các loài vật. Bởi nếu không có sự giết hại, dù là trực tiếp hay gián tiếp, thì không thể có các món thịt cá trong bữa ăn của chúng ta. Bồ Tát giới tại gia cũng quy định rằng người đã thọ giới phải ăn chay, dứt bỏ hẳn việc ăn thịt cá.

Vì thế, mặc dù không có sự bắt buộc người Phật tử phải ăn chay, nhưng trên con đường tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi thì người Phật tử trước hết phải hướng dần đến việc ăn chay. Đó là lý do có những hướng dẫn, khuyến khích người Phật tử ăn chay mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày cho đến 10 ngày, hoặc ăn chay một số tháng trong năm...

Vì sao đức Phật không bắt buộc Phật tử phải ăn chay?

Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên duy nhất là chỉ bày cho tất cả chúng sinh con đường thoát khổ. Việc tu tập để giải thoát khổ đau bao gồm nhiều tầng bậc, nhiều phương thức, và chỉ riêng việc ăn chay thôi thì không đủ để đưa đến sự giải thoát.

Trong thực tế, ăn chay không phải là điều kiện giúp ta giải thoát,

nhưng nếu thực sự muốn đạt đến sự giải thoát, chúng ta không thể không hướng đến việc ăn chay.

Trên con đường tu tập, một số người – có thể là đa số hiện nay – tuy chưa ăn chay nhưng không có nghĩa là họ sẽ mãi mãi không ăn chay. Chẳng hạn như những người tu tập theo truyền thống Nam tông, tất nhiên là vẫn phải tu tập từ bi như một phần thiết yếu trong các pháp hành. Và như vậy, điều tất nhiên là đến một lúc nào đó, khi tâm từ bi phát triển, họ sẽ không có hứng thú với các món ăn có được từ sự giết hại, vì điều đó làm tổn thương nghiêm trọng đến lòng từ bi của họ.

Trong tiến trình tu tập theo đạo Phật, một người có thể chọn tu theo pháp môn nào thích hợp với mình. Việc thực hành một pháp môn nào đó không nhất thiết đòi hỏi hành giả phải ăn chay. Tuy nhiên, dù bạn tu theo bất kỳ pháp môn nào – và không khởi đầu từ việc ăn chay – thì đến một lúc nào đó trên chặng đường tu tập, bạn cũng sẽ thấy việc ăn chay là một lựa chọn thích hợp hơn cho sự tu tập của mình.

Đức Phật là bậc Đại Y Vương nên có khả năng tùy bệnh cho thuốc, tùy căn cơ chúng sinh mà chỉ dạy những pháp tu thích hợp. Việc ăn thịt đối với đa số chúng sinh là một thói quen đã có từ lâu đời, không thể nhất thời từ bỏ, vì thế ngài không bắt buộc mọi người phải ăn chay mới có thể đến với Phật pháp, mà khuyến khích họ vẫn có thể thực hành các pháp tu khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể nhận hiểu rõ ràng qua những lời dạy của Phật rằng, tuy không bắt buộc việc ăn chay nhưng đức Phật cũng hoàn toàn không khuyến khích hay tán thành việc cướp đi mạng sống của muôn loài để nuôi sống chính mình.

Hơn thế nữa, việc không ăn chay của Tăng đoàn vào thời đức Phật là một điều kiện tùy duyên, do cộng đồng xã hội vào thời đó chỉ là những Phật tử sơ cơ hoặc thậm chí rất nhiều người chưa từng là Phật tử, và chư tăng không thể bắt buộc họ chỉ cúng dường các món chay. Điều kiện ngày nay hoàn toàn khác hẳn. Chư tăng đều có trú xứ cố định chứ không còn là những vị du tăng ngủ dưới gốc cây và khất thực ở nhiều làng mạc khác nhau như vào thời đức Phật. Người Phật tử hiện nay cũng sẽ hoan hỷ cúng dường những gì đúng với nhu cầu của chư tăng. Do đó, việc ăn thịt trong điều kiện ngày nay sẽ không phải là tùy duyên nữa.

Con đường tu tập theo Phật pháp có thể ví như tiến trình phát quang một khu vườn rậm. Tâm thức hoang hóa lâu đời của mỗi chúng ta chứa đầy những thói hư tật xấu cần trừ bỏ, cần chuyển hóa, như tham lam, sân hận, ích kỷ... và kể cả thói quen ăn thịt. Chúng ta không thể nhất thời thành tựu tất cả các pháp tu hay nhất thời trừ bỏ mọi thói quen xấu, những tập khí đã huân tập từ lâu đời. Lấy ví dụ, ai cũng biết rằng sân hận là điều bất thiện và dẫn đến nhiều hệ quả khổ đau cho cuộc sống, nhưng không ai có thể nhất thời trừ bỏ hoàn toàn sự sân hận trong tâm mình. Thói quen ăn thịt cũng là một tập khí đã có từ lâu đời nên nhiều người trong chúng ta không thể nhất thời từ bỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tu tập Phật pháp. Khu vườn tâm thức vẫn còn nhiều lùm bụi khác cần chặt phá, và ta có thể chừa lại một số lùm bụi, gai góc nào đó để phát quang sau. Tuy nhiên, cho đi khi hoàn tất công việc phát quang thì chắc chắn là mọi lùm bụi, gai góc trên mảnh vườn tâm thức đều cần phải được phá sạch.

Cũng vậy, bạn có thể dành nhiều thời gian hiện nay cho các pháp tu tập khác và chưa quan tâm đến việc ăn chay, nếu điều đó thực sự chưa thích hợp với bạn. Nhưng chắc chắn một điều là trên tiến trình tu tập, đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy việc ăn chay là một điều rất tự nhiên. Đó là lý do vì sao đức Phật không đưa ra điều kiện bắt buộc mọi người Phật tử phải ăn chay ngay khi bắt đầu đến với Phật pháp.

Những quan điểm và biện luận sai lầm đối với việc ăn chay

1. Sai lầm của người ăn chay

- Xem việc ăn chay như thước đo của sự tu tập

Như đã nói, tự thân việc ăn chay không giúp chúng ta đạt đến sự giải thoát. Nếu bạn là người ăn chay trường và xem đó như một thành quả tu tập mà không quan tâm đến các pháp tu khác thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Một người có thể ăn chay qua mười năm, hai mươi năm, nhưng điều đó không nói lên được sự tiến bộ tâm linh trong tu tập. Ăn chay có thể là một bước tiến, một thay đổi tốt trong sự tu tập nói chung của bạn, nhưng nếu chỉ biết ăn chay mà không hành trì bất kỳ một pháp môn nào khác, không quan tâm đến việc tu dưỡng tâm tánh, thì sự ăn chay của bạn sẽ không thực sự mang lại lợi ích.

- Xem việc ăn chay như một phương tiện tạo công đức

Rất nhiều người phát tâm ăn chay để cầu nguyện điều này, điều khác... và gọi đó là "hồi hướng công đức ăn chay". Thật ra, việc ăn chay tự nó không tạo ra công đức gì cả. Nếu bạn từ bỏ việc ăn thịt, đó là bạn bắt đầu dừng lại những nghiệp ác của mình, nhưng không có nghĩa là bạn đang tạo tác nghiệp lành. Hơn thế nữa, sự chuyển hóa tâm thức trên con đường tu tập đòi hỏi bạn phải có những nỗ lực tu dưỡng, sửa đổi và hoàn thiện chính mình, và những điều đó không tự nhiên diễn ra chỉ vì bạn ăn chay.

- Ăn chay như một sự thúc ép, kiềm chế bản thân mình

Nhiều người ăn chay vì nghĩ đó là điều bắt buộc phải làm, vì cho đó là điều tốt chẳng hạn. Do đó, họ phải luôn tự thúc ép, kiềm chế bản thân mình, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng để ăn chay. Những người này ăn chay nhưng vẫn thèm thuồng các món thịt cá và không có một ý niệm gì khác hơn ngoài việc cố ra lệnh cho bản thân mình phải ăn chay! Ăn chay như vậy sẽ là một cực hình và không thể kéo dài. Do đó, có những người ăn chay trường trong nhiều năm rồi sau đó "ngả mặn"! Họ đã ăn chay nhưng chưa hề có được một nhận thức đúng về việc ăn chay.

Kinh Pháp cú dạy rằng: "Ý dẫn đầu các pháp." Vì thế, trước khi bắt đầu ăn chay, bạn cần có một sự phát tâm chân chánh, đúng đắn. Ăn chay vì muốn nuôi dưỡng lòng từ bi, ăn chay vì tin sâu nhân quả... đó là những ý nghĩa bạn cần quán niệm một cách sâu xa để phát khởi động lực ăn chay, để hướng tâm ý của bạn về việc ăn chay trước khi thân xác bạn làm theo. Khi đã có một động lực rõ ràng và mạnh mẽ, cho dù bạn có thể vẫn còn những ham muốn theo thói quen từ lâu đời, nhưng bạn sẽ dễ dàng chế ngự được chúng mà không cảm thấy quá khó khăn. Hơn thế nữa, những ham muốn đó sẽ ngày càng giảm đi cho đến lúc triệt tiêu hẳn trên con đường tu tập của bạn. Những người ăn chay với động lực chân chánh sẽ không bao giờ cảm thấy khổ sở vì sự thèm thuồng hay phải tự ức chế mình, mà họ sẽ dần tập thành thói quen ăn chay như một điều tự nhiên, không cần phải quan tâm đến nữa.

Thật ra, ăn chay vốn dĩ đã là một điều hoàn toàn tự nhiên đối với cơ thể con người. Chính việc ăn thịt động vật mới là một thói quen mà con người tự tạo ra và huân tập qua nhiều đời. Trong tự nhiên, các loài hổ báo có thể thản nhiên xé xác con mồi để ăn thịt, nhưng con người không thể nào nuốt nổi dù chỉ một miếng thịt sống! Chúng ta cần phải nấu nướng, chế biến đủ cách trước khi có thể đưa máu thịt động vật vào cơ thể mình. Chúng ta không có móng vuốt, răng nanh... là những đặc thù của loài ăn thịt. Cấu trúc ruột của con người cũng không chấp nhận được việc tiêu hóa thịt sống, mà hoàn toàn phù hợp với việc ăn rau quả, ngũ cốc... Cho nên, nếu ý thức được việc ăn chay là quay về với nếp sống tự nhiên của chính mình, ta sẽ không thấy quá khó khăn trong sự từ bỏ việc ăn thịt.

- Công kích, chê bai những người không ăn chay

Sai lầm này cũng chỉ thường gặp ở những người ăn chay mà không thực sự hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm. Vì thế, nó có thể xem là một biến dạng của những sai lầm đã nói trên. Một số người tự xem việc ăn chay của mình là một thành tựu ghê gớm và do đó họ cảm thấy tự mãn rồi xem thường, kích bác những người không ăn chay.

Nếu bạn ăn chay được, tất nhiên đó là một điều tốt, hãy tận dụng điều kiện tốt đẹp đó để thực hành các pháp tu mà đức Phật đã dạy. Và nếu bạn thực sự có tu tập như thế, chắc chắn sẽ không có chỗ cho những sự kiêu mạn, kích bác hay tranh biện khởi lên trong tâm bạn. Hãy luôn nhớ rằng, những người không ăn chay – hoặc chưa ăn chay – không có nghĩa là họ không tu tập Phật pháp.

2. Những biện luận sai lầm của một số người không ăn chay

- Lập luận rằng đức Phật và chư tăng ngày xưa không ăn chay

Điều này đã đề cập ở một phần trên, nhưng cần nhấn mạnh là có một số người sai lầm khi cho rằng đây là lý do để người Phật tử không cần thiết phải ăn chay. Như trên đã nói, việc đức Phật và chư tăng ngày xưa không ăn chay là một ứng xử tùy duyên, để thích hợp với môi trường hoằng hóa trong thời đại đó. Mặc dù vậy, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy đức Phật bác bỏ việc ăn chay hay khuyến khích việc ăn thịt. Ngược lại, trong nhiều kinh điển Bắc truyền, đức Phật có dạy rất rõ về ý nghĩa người Phật tử nên ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi. Vì thế, nếu người Phật tử chưa thực hiện việc ăn chay thì cũng không nên chỉ trích những người ăn chay là không cần thiết. Dựa vào những lời dạy về lòng từ bi của đức Phật trong cả kinh điển Nam truyền lẫn Bắc truyền, chúng ta có thể nói chắc rằng nếu đức Phật thị hiện vào ngày nay, ngài cũng sẽ ăn chay thay vì là nhận sự cúng dường những món thịt cá từ thí chủ.

Việc không ăn chay do điều kiện môi trường quy định ngày nay vẫn còn thấy ở chư tăng Tây Tạng. Đức Đạt-lai Lạt-ma trong một bài giảng pháp có nói về việc này như sau:

"Although it was reasonable for Tibetans to eat meat in Tibet, because of the climatic conditions and the scarcity of vegetables, in countries where there are vegetables in abundance, it is far better to avoid or reduce your consumption of meat. Particularly when you invite many people to a party, it is good if you can provide vegetarian food."

(Việc người Tây Tạng phải ăn thịt khi sống ở Tây Tạng là có lý do, vì khí hậu và sự khan hiếm các loại rau cải, nhưng ở những nước dồi dào rau cải thì việc từ bỏ hoặc hạn chế việc ăn thịt là tốt hơn nhiều. Đặc biệt khi quý vị có dịp mời mọc đông người đến để chiêu đãi thì việc sử dụng thức ăn chay là rất tốt.)

Như vậy, rõ ràng lập luận như trên để biện hộ cho việc ăn thịt là hoàn toàn không đúng.

- Lập luận rằng người ăn chay vẫn gây tổn hại đến chúng sinh

Một số người lập luận rằng ngay cả khi ăn chay, bạn vẫn đang gây tổn hại đến đời sống của vô số sinh vật. Việc trồng lúa, bắp, rau cải v.v... đều cần phải cày xới đất đai, sử dụng thuốc trừ sâu... và luôn luôn có vô số sinh vật bị giết hại trong suốt tiến trình đó. Như vậy, họ cho rằng việc ăn chay cũng "chẳng hơn gì" ăn mặn, bởi vẫn làm tổn hại đến đời sống của vô số sinh vật.

Trong Phật pháp ứng dụng, tôi đã có đề cập đến điều này. Đừng nói gì đến việc ăn chay hay ăn mặn, ngay cả việc bước chân đi trên mặt đất này, chúng ta cũng đã có thể vô tình gây tổn hại đến đời sống của rất nhiều sinh vật nhỏ bé. Tuy nhiên, lập luận theo cách như trên là vô lý vì chẳng khác nào nói rằng, ngay cả khi dứt trừ đi một số phiền não thì chúng ta cũng vẫn còn phải chịu khổ đau, bởi còn có rất nhiều phiền não khác (!), và do đó sự tu tập để dứt trừ "một số" phiền não là vô ích (!).

Trong kinh điển Nam truyền, đức Phật dạy rằng điều quan trọng nhất trong sự tạo nghiệp chính là tác ý. Quả thật là đã có những chúng sinh bị tổn hại trong quá trình làm ra một bó rau cải, nhưng khi bạn nhìn thấy bó rau cải đó và muốn ăn một bát canh, bạn không thể khởi lên ý nghĩ:

"Vì muốn ăn một bát canh cải, tôi quyết định tán thành việc giết chết bao nhiêu là sâu bọ."

Hoặc là:

"Để cứu sống nhiều sâu bọ, tôi quyết định sẽ không ăn canh cải nữa."

Ngược lại, khi bạn nhìn thấy một chú gà đi trong sân và muốn ăn một đĩa thịt gà, bạn cũng không thể khởi lên ý nghĩ rằng:

"Tôi chỉ muốn ăn thịt gà thôi chứ không hề có ý muốn giết chết chú gà trống dễ thương này!"

Bạn không thể khởi lên những ý nghĩ như trên, chỉ vì lý do đơn giản là chúng phi logic, không phù hợp với tiến trình suy nghĩ thông thường của lý trí. Nhưng chính việc không thể khởi lên những ý nghĩ như thế cho thấy rằng, khi ăn một bó rau cải bạn không hề khởi lên những tác ý giết hại. Ngược lại, bạn không thể không khởi lên những tác ý giết hại khi muốn ăn thịt gà.

Việc ăn thịt loài vật gắn liền với những tác ý giết hại là điều tất nhiên, cũng giống như đóa hoa hồng luôn đi kèm với hương thơm của nó. Nếu bạn là người ăn chay đã thuần thục, khi nhìn những con thỏ đùa giỡn trên bãi cỏ xanh trước mặt mình, bạn có thể thích thú với những nét ngây thơ ngộ nghĩnh của chúng và chỉ thế mà thôi. Ngược lại, với một người ăn thịt thì hình ảnh đó sẽ đi kèm ngay với những đánh giá rằng các chú thỏ này mập hay ốm, có thích hợp với món cà-ri hoặc xào lăn hay không... Tệ hại hơn nữa, khi tự tay cắt cổ gà để chuẩn bị cho một bữa tối thịnh soạn, nếu vẫn đang trong trạng thái tỉnh táo thì chắc chắn bạn không thể nào khởi lên ý nghĩ rằng:

"Tôi chỉ muốn ăn thịt gà thôi, còn việc giết con gà này tôi không hề muốn làm!"

Như đã nói, chúng ta ăn chay vì muốn nuôi dưỡng lòng từ bi chứ không hề ảo tưởng rằng ăn chay có thể giúp chấm dứt mọi sự tổn hại cho chúng sinh trên mặt đất này. Trong cõi Ta-bà, sự sống của mọi chúng sinh tự nó đã mang tính cạnh tranh khốc liệt và những tổn hại mà loài này gây ra cho loài khác vốn đã hiện hữu triền miên trong suốt dòng chảy tiến hóa của sự sống. Đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời này là để giúp mọi chúng sinh được giảm nhẹ khổ đau, nhưng sự giảm nhẹ đó đạt được đến mức độ nào tất nhiên còn tùy thuộc vào sự vận dụng Phật pháp của mỗi một chúng sinh trong đời sống của riêng mình. Khi từ bỏ việc ăn thịt, tự thân mỗi người chúng ta sẽ giảm bớt được vô số những hành vi giết hại trực tiếp trong đời sống, nhưng điều tất nhiên là chỉ riêng việc ăn chay thôi không thể biến cõi Ta-bà này trở thành Tịnh độ.

Mặt khác, những tổn hại gây ra cho mọi sinh vật khác trên trái đất này do việc canh tác nông nghiệp, sản xuất rau quả, ngũ cốc... đúng là không thể phủ nhận. Nhưng những người đưa ra lập luận như trên lại quên mất một điều là khi duy trì thói quen ăn thịt, chúng ta cũng không hề giúp giảm bớt những tổn hại này. Nếu cho rằng khi chấp nhận ăn thịt bạn sẽ giúp nhân loại giảm bớt việc sản xuất ngũ cốc, rau quả... thì điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Ngược lại, lượng ngũ cốc cần thiết để duy trì những trại chăn nuôi với quy mô lớn đòi hỏi con người phải sản xuất nhiều hơn gấp bội. Thay vì sản xuất ra ngũ cốc và trực tiếp tiêu thụ, người ta sử dụng một lượng ngũ cốc khổng lồ để nuôi súc vật rồi sau đó mới giết thịt chúng và cung ứng ra thị trường. Quy trình này rõ ràng không làm giảm bớt mà thực tế là tăng thêm sự tổn hại nghiêm trọng đến môi trường. Nhiều vấn nạn khác cũng được nêu ra trong quá trình chăn nuôi súc vật để giết thịt. Theo thống kê, súc vật ở các trang trại tại Hoa Kỳ thải ra mỗi ngày một lượng phân nhiều gấp ba lần số lượng phân do người dân Mỹ thải ra. Người ta ước tính mỗi năm có hơn 9 tỷ con vật được nuôi để giết thịt tại Hoa Kỳ, và những tài nguyên thiên nhiên mà chúng tiêu thụ như thức ăn, nước sạch, đất canh tác... chiếm một khối lượng lớn hơn nhiều so với nhu cầu cần có để sản xuất thực phẩm ngũ cốc trực tiếp cho con người tiêu thụ. Chưa hết, việc giải quyết các ô nhiễm mà những động vật này tạo ra trong quá trình sống của chúng cũng không đơn giản chút nào. Nhiều khu vực chung quanh các trại chăn nuôi lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng do phân súc vật không được xử lý tốt. Năm 2011, một trại nuôi heo ở Illinois đã thải khoảng 200.000 ga-lon phân lỏng vào một con lạch và giết chết hơn 110.000 con cá...

Vì thế, không phải việc ăn chay mà chính là thói quen ăn thịt đang đặt ra cho nhân loại hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng về môi trường.

- Lập luận rằng đức Phật cho phép ăn "ba loại thịt sạch" (tam tịnh nhục)

Việc nêu ra khái niệm về "ba loại thịt sạch" có thể là một phương tiện thích hợp cần thiết vào thuở ban đầu khi việc ăn chay là hoàn toàn xa lạ với hầu hết những người cúng dường cho Tăng đoàn. Thay vì cấm hẳn việc ăn thịt vào một thời điểm chưa thích hợp, có thể đức Phật đã sử dụng phương tiện này để hạn chế cũng như gợi lên ý thức tỉnh giác cho người ăn thịt, nhắc nhở họ khi sử dụng các món thịt phải biết quan tâm đến sự sống của con vật bị giết. Như đã nói ở một phần trên, "ba món thịt sạch" đó là:

1. Không nhìn thấy người giết con vật.

2. Không nghe tiếng con vật bị giết kêu la.

3. Không nghi ngờ rằng người khác đã giết con vật đó vì mình, để có thịt cho mình ăn.

Trong điều kiện thông tin toàn cầu như hiện nay, rõ ràng không thể nào tồn tại "ba món thịt sạch" như thế nữa. Bất kỳ món thịt nào xuất hiện trên bàn ăn, chúng ta đều biết rõ rằng đó là do sự cố ý giết hại mà có. Tác ý giết hại đó thậm chí còn hình thành ngay từ lúc người ta bắt đầu việc nhân giống các con vật, cho đến suốt quy trình nuôi dưỡng và giết hại chúng. Vì thế, trong một thời đại như hiện nay, chúng ta không thể nêu ra lý do để ăn thịt một con vật là vì "tôi không biết đến nỗi đau đớn của con vật này khi bị giết".

Hơn thế nữa, bất kỳ khoản tiền nào bạn chi ra cho việc mua thịt từ các siêu thị hay cửa hàng thịt cũng đều là nguyên nhân, động lực để tiếp tục duy trì sự giết hại những con vật. Và theo lời dạy của đức Phật thì nghiệp ác không chỉ tạo ra bởi những hành vi trực tiếp, mà còn bởi sự vui vẻ tán trợ của chúng ta nữa. Như vậy, ác nghiệp giết hại được tạo ra trong cả ba trường hợp: hoặc tự mình giết hại, hoặc bảo người khác giết hại, hoặc thấy người khác giết hại mà hoan hỷ tán trợ. Xét theo các tiêu chí này thì khi tiếp tục duy trì việc ăn thịt, chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm của mình đối với sự giết hại đang diễn ra đâu đó, cho dù không nằm trong tầm mắt của chúng ta.

Kết luận

Việc thay đổi một thói quen, bất kể là thói quen gì, đều đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm, kiên trì. Thói quen ăn thịt là điều mỗi chúng ta mặc nhiên thừa hưởng từ nhiều thế hệ trước đây. Thói quen ấy được huân tập không chỉ từ khi ta sinh ra mà còn là từ trước đó nữa. Điều này khiến cho hầu hết chúng ta khi lớn lên đều thấy rằng việc ăn thịt loài vật là một điều hết sức "bình thường". Tuy nhiên, chính quá trình tu tập theo Phật pháp đã chỉ ra cho ta thấy rằng điều đó thật ra không bình thường chút nào. Nếu không tỉnh táo và nỗ lực dứt trừ thì quả thật là chúng ta đang tự mình tạo ra ngày càng nhiều hơn nữa những sợi dây trói buộc ta vào sinh tử luân hồi, bởi chu kỳ vay trả, trả vay sinh mạng của muôn loài sẽ là một vòng khổ đau không có ngày kết thúc.

Đừng bao giờ tự ép buộc mình ăn chay nếu trong tâm bạn chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng ngay từ hôm nay, bạn hãy bắt đầu suy ngẫm một cách nghiêm túc về những ý nghĩa của việc ăn chay như tôi đã trình bày trên, và rồi tự thân bạn sẽ có thể đưa ra phán đoán về những ý nghĩa ấy. Điều đó là hoàn toàn có thể thực hiện được trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và tôi tin chắc rằng nó sẽ gieo cấy vào tâm thức bạn những hạt mầm cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn thế nữa, hãy thực hành ngay những gì bạn thấy là đúng đắn nhưng đừng bao giờ để bản thân mình bị lôi kéo vào những cuộc tranh biện.

Theo lienphathoi.org

Bình luận bài viết

Tin tức khác

  • ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
  • CHÁNH KIẾN
  • SỰ YÊN LẶNG CỦA PHẬT
  • BÁT NƯỚC CỦA NGÀI ANAN
  • BÁT QUAN TRAI
  • BỐ-TÁT TỤNG GIỚI LÀ GÌ?

Từ khóa » Nói ăn Chay Mà Không ăn