Vì Sao Nhiều Nước Xếp Hàng Mua S-400?

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Trung Quốc được hưởng niềm vui sở hữu "bảo bối" này khi họ vừa chính thức trở thành khách hàng đầu tiên được Nga bán hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Hôm qua (14/4) hãng tin Nga Sputnik dẫn lời Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport - ông Anatoly Isaykin cho biết: Thông tin chi tiết của hợp đồng sẽ không được tiết lộ. Nhưng có thể nói Trung Quốc đã thực sự trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng không của Nga. Ông này nói thêm rằng, nhiều nước đã ngỏ ý muốn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Quốc phòng của Nga phải ưu tiên cung cấp S-400 cho quân đội của mình trước. Và ngay cả khi mở rộng các cơ sở sản xuất, thì việc bán các hệ thống này sang một số nước cũng là chuyện phức tạp. Trong vấn đề này, Trung Quốc là cánh én đầu tiên.

Trước đó, trong một bản tin phát đi từ năm 2013, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời người đứng đầu Rosoboronexport cho biết, các quốc gia đang xếp hàng đến tận năm 2021 để được mua hệ thống phòng không này, cho dù giá của mỗi tổ hợp lên tới 500 triệu USD.

Liên quan tới các quốc gia muốn mua S-400, ngoài các đồng minh của Nga là Kazakhstan, Belarus, giới truyền thông còn thống kê một loạt khách hàng tiềm năng như: Ả Rập Saudi, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Serbia,…

Trong một lần trả lời hãng thông tấn RIA cuối năm 2014, Tổng thống Putin khẳng định: “Các tổ hợp tên lửa S-300, S-400, Pantsis-S1 đều có thông số tốt, tin cậy và đơn giản trong sửa chữa. Vì thế chúng đang đứng đầu danh sách vũ khí phòng không được quan tâm. Chúng ta nên tăng cường năng lực chế tạo chúng, thậm chí là phát triển các phiên bản mở theo yêu cầu của khách hàng với mục đích tạo ra vũ khí phòng không hiệu năng cao nhất”. Hiện tại, vũ khí phòng không Nga đang nằm trong quân đội, lực lượng vũ trang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo ông V. Putin, trọng tâm sắp tới của vũ khí phòng không Nga sẽ là khu vực Mỹ Latinh.

* Được biết, để trở thành quốc gia đầu tiên được mua S-400, Trung Quốc đã trải qua chặng đường đàm phán lâu dài.

Năm 2012, giới truyền thông lần đầu tiên loan tin Trung Quốc muốn mua tổ hợp S-400 từ Nga. Trong trường hợp Moscow và Bắc Kinh ký hợp đồng, Trung Quốc có thể nhận tổ hợp S-400 đầu tiên từ năm 2017, sau khi Công ty Almaz-Antey hoàn thành các hợp đồng cung cấp dòng vũ khí phòng không hiện đại này cho quân đội Nga.

Đầu năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép xuất khẩu S-400 tới Trung Quốc. Tới tháng 7/2014, Chánh văn phòng Tổng thống Nga, Sergey Ivanov khẳng định, Bắc Kinh sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên được cung cấp S-400. Cuối năm 2014, giới truyền thông loan tin hợp đồng cung cấp S-400 giữa Nga và Trung Quốc đã được ký kết. Hợp đồng cung cấp S-400 cho Trung Quốc đã ký từ đầu mùa Thu 2014. Với hợp đồng này Nga sẽ bán cho Trung Quốc ít nhất 6 tiểu đoàn S-400, trị giá hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đài tiếng nói nước Nga đã dẫn lời đại diện Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật-quân sự (FSMTC) bác bỏ thông tin này.

Vậy S-400 có gì đặc biệt để các nước phải mong muốn sở hữu nó đến thế?

Được Nga phát triển từ những năm 1990 và chính thức hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cấp quốc gia vào năm 2004, S-400 kế thừa các tinh hoa của dòng sản phẩm tên lửa phòng không S-300 vốn đã rất nổi tiếng. Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao thấp và rất thấp. Kết hợp các công nghệ radar, thiết kế đạn tên lửa… đảm bảo khả năng đối phó với các phương tiện bay có áp dụng công nghệ tàng hình.

Hệ thống này còn hoạt động được trong môi trường nhiễu nặng và có khả năng vô hiệu hóa các thiết bị gây nhiễu chủ động/thụ động của đối phương.

Với sức mạnh của mình S-400 đủ khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa (tầm bắn tới 3.500km). S-400 cũng có thể đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo có tốc độ bay tới 5.000 m/giây; tầm bắn tăng gấp đôi, chiều cao không gian kiểm soát tăng 1,5 lần; hiệu suất chiến đấu của tổ hợp tăng 2,5 lần… Tổ hợp này cũng đủ khả năng đối phó cao với các mục tiêu bay giá trị như: AWACS, máy bay đối kháng điện tử, máy bay tàng hình… Điểm đặc biệt nữa là S-400 có tính cơ động, tự động hóa cao, thời gian chuyển trạng thái ngắn. Ngoài ra, thiết kế của S-400 là thiết kế mở để đảm bảo khả năng nâng cấp sau này và tích hợp với các thế hệ tên lửa phòng không thế hệ cũ. Nhờ áp dụng công nghệ mới trong chế tạo, số lượng binh sĩ điều khiển tổ hợp S-400 giảm một nửa so với phiên bản mới nhất S-300PMU2, nhưng khả năng chiến đấu lại tăng lên rõ rệt.

PV (tổng hợp)

Từ khóa » Việt Nam Sở Hữu S400