Vì Sao ông Nguyễn Văn Nên Bị Loại Ngũ? - Tiền Phong

>> Bắt tạm giam một cán bộ xã ăn chặn tiền chính sách

Trong đó có thượng tá Nguyễn Văn Nên (Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Sai phạm của ông Nên bắt nguồn từ một vụ án được ông thụ lý cách đây hơn 7 năm. Vào thời điểm đó, ông Nên là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh này…

Hình sự hóa một vụ tranh chấp dân sự

Khu công nghiệp Đồng An (huyện Thuận An, Bình Dương) có chủ đầu tư là Cty Cổ phần Hưng Thịnh, do các cổ đông chủ chốt góp vốn gồm: Các ông Bùi Mạnh Lân - (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng (Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc).

Hai ông Bằng và Hướng sau đó góp vốn cùng hai ông Nguyễn Viết Tạo (giữ chức Tổng giám đốc), Nguyễn Đức Bình thành lập Cty TNHH Gas Bình Dương (nằm trong KCN Đồng An).

Vào năm 2000, nội bộ các thành viên Cty Gas Bình Dương phát sinh tranh chấp. Nhóm ông Bằng, Bình, Hướng cho rằng ông Tạo có dấu hiệu gian lận tài chính, vụ việc được đưa ra tòa phân giải.

Ngày 18-9-2000, nghi ngờ ông Tạo có ý đồ tẩu tán tài sản Cty nên hai ông Bằng và Bình đã đưa một số người đến Cty Gas Bình Dương với mục đích bảo vệ tài sản Cty. Hai bên xảy ra xô xát và được công an địa phương lập biên bản xác định không có việc gì xảy ra.

Bất ngờ, gần hai năm sau vào tháng 6-2002, ông Tạo làm đơn tố cáo nhóm ông Bằng gửi đến Ban chỉ đạo điều tra chuyên án Năm Cam và đồng phạm.

Trong đơn tố cáo, ông Tạo cho rằng, một số thành viên trong HĐQT Cty Hưng Thịnh thuê các đối tượng là đàn em Năm Cam đến Cty Gaz Bình Dương gây rối và chiếm giữ tài sản.

Ông Nguyễn Việt Thành khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phía Nam, Trưởng Ban chuyên án đồng ý cho tổ A4 thuộc chuyên án tiếp nhận đơn tố cáo này thụ lý. Tổ A4 gồm một số điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Tiền Giang do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh này là Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng. Lạm dụng lệnh bắt khẩn

Tháng 3-2003, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng ông Bằng và Bình có ý định bán nhà, bán cổ phần để tẩu tán tài sản, có ý định bỏ trốn, nên đã chỉ huy một tổ công tác bắt khẩn cấp đối với 2 ông này và 3 cá nhân khác.

Một tháng sau, ông Nên ký lệnh tiếp tục bắt, khám xét khẩn cấp đối với các ông Lân và Hướng ngay tại trụ sở Cty Hưng Thịnh và di lý về Trại giam Công an Tiền Giang.

Sau đó cả nhóm 7 người đều bị Cơ quan CSĐT – Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng” vì hành vi liên quan đến cuộc gây rối vào ngày 18-9-2000 và ủy quyền cho cơ quan CSĐT – Công an Tiền Giang thụ lý điều tra.

Sau đó ông Nên đã đề nghị Viện KSND tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam 2 ông Lân và Hướng. Đến ngày 28-5-2003, hết thời hạn tạm giữ, Viện KSND tối cao đã từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam vì lý do ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng không đồng phạm với ông Đỗ Cao Bằng gây rối trật tự công cộng.

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, đã có văn bản báo cáo vụ việc và ông Nguyễn Việt Thành đã ghi ý kiến chỉ đạo: C16 (Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an) tiếp tục bổ sung chứng cứ, xin Viện KSND tối cao phê chuẩn Lân và Hướng.

Sau đó, ngày 11-6-2003, Viện KSND tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam trong thời hạn 3 tháng đối với ông Lân. Còn trường hợp ông Hướng, phía Viện vẫn không phê chuẩn. Trên bảo, dưới…làm ngơ

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT đã cho ông Hướng tại ngoại và giao quyết định này cho ông Nên thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 7-7-2003, ông Nên mới chuyển quyết định này đến trại giam công an tỉnh và ông Hướng.

Vì thế, ông Hướng đã phải chịu cảnh bị giam oan tổng cộng 60 ngày. Nhóm ông Lân, Bằng, Bình cũng được Viện KSND tối cao ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam từ ngày 27-8-2003, nhưng đến ngày 1-9-2003 ông Nên mới cho triển khai các quyết định này.

Vụ án “Gây rối trật tự công cộng” nói trên đã chính thức khép lại ngày 16-8-2004, khi Viện KSND tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với các ông Lân, Hướng, Bằng, Bình và 3 bị can khác.

Nhóm các ông Lân, Bằng, Hướng sau khi được trả tự do, lập tức đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền trung ương tố cáo nhóm ông Nên. Nhưng hơn 6 năm sau, Cục Điều tra – Viện KSND tối cao mới được chỉ đạo vào cuộc.

Ban đầu, cơ quan này đã xác định việc bắt khẩn cấp các ông Lân, Hướng là vi phạm quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ việc tranh chấp, xô xát đã diễn ra trước đó gần 3 năm tại tỉnh Bình Dương (nghĩa là đến thời điểm cuối tháng 4-2003, hậu quả đã không còn nguy hiểm để làm căn cứ bắt khẩn cấp – PV); đồng thời ông Lân và ông Hướng không cư trú, làm việc tại tỉnh Tiền Giang nên việc ông Nên và tổ công tác của Công an tỉnh Tiền Giang “vươn tay” bắt người ở tỉnh Bình Dương là không đúng thẩm quyền.

Kỷ luật 3 sĩ quan Công an Tiền Giang

Chiều 23-12, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã công bố các quyết định kỷ luật của Bộ Công an đối với 3 sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang. Đại tá Nguyễn Hữu Trí - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Theo các quyết định kỷ luật của Bộ Công an thì 3 sĩ quan công an Tiền Giang đã có một số sai phạm trong quá trình xử lý một số vụ án trước đó.

Cụ thể, Đại tá Ngô Thanh Phong - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ bị kỷ luật với hình thức cách chức; hạ một cấp hàm xuống thượng tá do có vi phạm về quản lý và xử lý vật chứng và vi phạm nguyên tắc của ngành.

Cách chức, loại ngũ ông Nguyễn Văn Nên - Trưởng Công an huyện Châu Thành (nguyên Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh), hạ một cấp hàm từ thượng tá xuống trung tá do vi phạm quy định bắt, giam giữ; và quản lý vật chứng.

Cách chức Đội trưởng Đội tham mưu Văn phòng Cơ quan CSĐT công an tỉnh đối với ông Nguyễn Văn Út; hạ một cấp hàm xuống đại úy do vi phạm quy định về quản lý vật chứng.

Nhóm PV Theo Báo giấy

Từ khóa » Giám đốc Công An Nguyễn Văn Nên