Vì Sao Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp Kết Dư 89.100 Tỷ đồng? - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 hôm 17/8, đại diện Ủy ban Xã hội Quốc hội đánh giá các quỹ ngắn hạn đều đảm bảo chi trả và "có kết dư lớn". Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 89.100 tỷ đồng.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được coi là công cụ "chống sốc" cho kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra.
Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".
Thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho thấy từ 2009 đến 2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Tổng số tiền thu tính đến hết năm 2020 là 133.256 tỷ đồng; số chi hơn 71.000 tỷ đồng. Hơn 13,3 triệu lao động đang đóng quỹ và hơn 6,2 triệu người đã được thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số kết dư quỹ lớn do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, quy mô sản xuất mở rộng, doanh nghiệp tăng, lực lượng đóng bảo hiểm thất nghiệp đông, nguồn thu ngày càng lớn. 2009 là năm đầu tiên thu bảo hiểm thất nghiệp với 5,9 triệu lao động tham gia, tiền thu vào 3.500 tỷ đồng. Song theo quy định đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề.
Do vậy, năm đầu tiên chỉ thu vào mà không phải chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến năm 2020, cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5 % lực lượng lao động cả nước. Số tiền thu vào của năm này đạt hơn 18.700 tỷ đồng.
Thứ hai, lực lượng tham gia đông nhưng số người thụ hưởng ở mức thấp. Từ khi thực hiện chính sách, tổng số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp trên 6,2 triệu người. Năm 2010 có hơn 160.000 người và năm 2020 là hơn một triệu người. Đây cũng là năm có số lao động xin nhận trợ cấp thất nghiệp đông nhất.
Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp có nhiều nguyên do, như kinh tế phát triển, tạo việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp theo thống kê mười năm qua dao động ở mức 1,84 % đến 2,42 % và chỉ tăng vọt lên 2,73 % vào năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm lao động khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn lao động ngoài quốc doanh.
Lượng người hưởng thấp một phần còn vì khó nhận trợ cấp bởi thủ tục chặt chẽ. Theo quy định, họ phải đáp ứng các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa tìm được việc sau 15 ngày từ lúc nộp hồ sơ; đặc biệt phải đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi bị mất việc làm. Quy định này khiến nhiều lao động dù có hợp đồng nhưng ngắn hạn hoặc không đóng đủ thời gian thì không thể làm hồ sơ.
Thứ ba, mức đóng duy trì ổn định, chưa điều chỉnh trong khi nguồn thu tăng. Theo quy định, người lao động đóng 1% tiền lương hằng tháng và người sử dụng lao động 1% quỹ tiền lương tháng. Tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào tiền lương tháng. Khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng, tiền đóng vào quỹ cũng tăng theo.
Lương cơ sở tăng 2,3 lần, từ mức 650.000 đồng năm 2009 lên 1,49 triệu đồng vào năm 2020. Tương tự trong khoảng thời gian trên, lương tối thiểu vùng I áp dụng với doanh nghiệp tăng 5,5 lần, từ 800.000 đồng lên 4,42 triệu đồng.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, người từng phụ trách lao động, tiền lương nhiều năm, nhấn mạnh với những quỹ tọa chi (chi trừ dần), cần thường xuyên phải rà soát mức đóng - hưởng xem đã phù hợp chưa để cân đối và sửa đổi nếu cần thiết.
Ông phân tích, nhiều nước điều chỉnh bằng cách khi nguồn thu lớn, chi ít thì phải điều chỉnh giảm đóng, tăng chi và ngược lại: thu ít, chi nhiều thì tăng tỷ lệ đóng. Thường sau 3 - 5 năm, cơ quan quản lý sẽ phải xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng một lần, kể cả các quỹ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Ở Việt Nam, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mỗi bên 1% với người lao động và chủ doanh nghiệp đã áp dụng nhiều năm mà chưa thay đổi.
Nguyên Thứ trưởng chia sẻ thêm, trước năm 2014 khi soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội, trong các cuộc họp lấy ý kiến, nhiều cấp ngành, doanh nghiệp đã đề xuất điều chỉnh lại. Bởi mặt bằng tiền lương ngày càng nâng lên, việc duy trì mức đóng trên khiến nguồn thu vào quỹ ngày càng lớn, trong khi chi phí doanh nghiệp không kham nổi. Theo ông, tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các cấp cũng nên nghiên cứu rà soát lại tỷ lệ đóng – hưởng của quỹ này.
Thứ tư, số lao động được hỗ trợ học nghề thấp nên số tiền chi cũng thấp. Từ khi chính sách có hiệu lực đến hết năm 2020, hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Số này chưa đến 4% so với lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp bởi tâm lý lao động mất việc muốn nhận "tiền tươi" hơn.
Để khuyến khích, Chính phủ đã tăng tiền hỗ trợ học nghề tối đa 9 triệu đồng, từ ngày 15/5. Song lao động vẫn không mặn mà, khi danh mục các nghề được học chưa đa dạng. Chương trình học nghề cũng chưa phù hợp với chuyên môn của lao động trước khi thất nghiệp.
Quy định hiện hành có chính sách chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên khâu hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động mất việc vẫn do Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện miễn phí, nên chưa chi đối với chế độ này.
Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động do chuyển đổi công nghệ, các điều kiện đặt ra khó tiếp cận khiến chưa doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện.
Trước đó tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 17/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, hàng năm chỉ giữ lại 10% dự phòng. "Như vậy hoàn toàn không bình thường", ông nói và đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, báo cáo chi tiết các mục chi.
Vì tính chất quan trọng của hai nhóm Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Huệ nói "không chỉ xem xét ở Thường vụ, tới đây sẽ bố trí để Quốc hội thảo luận".
- Hơn một triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020
- Việc làm trong vòng xoáy Covid-19
- Hai nhóm quỹ kết dư trên 935.100 tỷ đồng
Từ khóa » Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp
-
Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp đảm Bảo An Toàn
-
Quỹ Kết Dư Bảo Hiểm Quá Lớn, Cần Mở Rộng đối Tượng Hỗ Trợ Cho ...
-
Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Kết Dư Tốt, đạt Gần 1 Triệu Tỉ đồng - Báo Tuổi Trẻ
-
Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung: Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp An Toàn
-
Sử Dụng 30.000 Tỷ đồng Từ Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp Hỗ Trợ ...
-
Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp đảm Bảo An Toàn - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp Kết Dư Hơn 89.000 Tỉ đồng
-
Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp Còn Khoảng 56.000 Tỷ đồng
-
Ông Đào Ngọc Dung: Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp đảm Bảo An ...
-
Kết Dư Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội đạt Gần 1 Triệu Tỷ đồng
-
Từ Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp - Tin Bộ Tài Chính
-
Công Bố 3 Thủ Tục Liên Quan đến Nhận Hỗ Trợ Từ Quỹ BHTN
-
Hỗ Trợ Người Lao động Từ Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp
-
Gần 11,8 Triệu Người Nhận Hỗ Trợ Theo Nghị Quyết 116 - Báo Nhân Dân