Vì Sao Tên Lửa Siêu Thanh Zircon được Gọi Là “bất Khả Chiến Bại”?
Có thể bạn quan tâm
Chiến hạm Đô đốc Gorshkov của Nga đã phóng thành công tên lửa siêu thanh Zircon từ biển Barents và đánh trúng mục tiêu ở biển Trắng, cách điểm phóng 1.000km. Các cuộc thử nghiệm cho thấy khả năng hoạt động của loại vũ khí mới từ khoảng cách rất xa.
Nhìn lại lịch sử Hải quân Nga
Kể từ năm 1905, sau khi chịu thất bại trong trận hải chiến gần đảo Tsushima của Nhật Bản, Hải quân Nga thường xuyên gặp những điều không thuận lợi. Trong Thế chiến thứ nhất, Đế chế Nga đã chế tạo một số thiết giáp hạm, nhưng ảnh hưởng rõ ràng duy nhất của chúng đối với lịch sử là việc chúng chỉ nằm yên tại các cảng, trong khi các thủy thủ tàu thì hăng hái tham gia cách mạng để tránh bị xung trận.
Năm 1937, trong các cuộc tập trận ở vịnh Phần Lan, những chiếc tàu nhỏ không người lái của Liên Xô đã phá hủy giả định các thiết giáp hạm, nhưng các đô đốc có vẻ thờ ơ với điều này, nên vào đầu Thế chiến thứ hai, những chiếc tàu không người lái này đã được chuyển đổi thành tàu ca nô thông thường.
Hình minh họa tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Các đô đốc Liên Xô thời đó đã bỏ lỡ một cuộc cách mạng kỹ thuật quan trọng nhất cho chiến tranh trên biển. Kết quả là trong Thế chiến thứ hai, nước này đã mất 1.000 chiếc tàu chiến, bao gồm một thiết giáp hạm, trong khi đối phương chỉ mất 50 chiếc, chiếc lớn nhất trong số đó chỉ là tàu tuần dương hạng ba.
Ngay cả trong cuộc chiến ngắn ngày vào năm 2008, Hải quân Nga cũng chỉ đánh chìm được một chiếc thuyền của Gruzia. Tuy nhiên, kết quả này không phải do tên lửa chống hạm tiêu chuẩn làm được vì nó “không thể”, mà là do tên lửa từ tổ hợp phòng không trên tàu. Rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra với thắc mắc rằng, tại sao Hải quân Nga lại rất chừng mực trong các cuộc xung đột thực sự. Thế nhưng, có lẽ tình hình hiện đã thay đổi đáng kể với việc Nga thử nghiệm và đưa vào phục vụ tên lửa siêu thanh Zircon.
Tên lửa nào thì được gọi là siêu thanh?
Không phải lúc nào tên gọi siêu thanh cũng được đặt một cách phù hợp. Tên lửa đầu tiên có tốc độ siêu thanh trên Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) là tên lửa V-2 của Đức, được phóng vào mùa hè năm 1942. Tuy nhiên, nó và tất cả các tên lửa đạn đạo khác không được gọi là siêu thanh, vì chúng chỉ có thể đạt được tốc độ duy nhất một lần, sau đó thì không thể đạt tốc độ như vậy được nữa.
Tất cả là do vấn đề động cơ. Một tên lửa chiến đấu điển hình thường có thể đạt tốc độ trên Mach 5, có nghĩa về hình thức thì là siêu thanh. Nhưng nó sử dụng nhiên liệu rắn, tức là ngay cả khi nhiên liệu của nó đủ cho lần phóng thứ hai, thì làm được điều này vẫn là phi thực tế. Về bản chất, tên lửa nhiên liệu rắn được phóng đi nhờ sử dụng một lượng nhiên liệu rất lớn và phức tạp. Khi áp suất giảm xuống sẽ kết thúc quá trình đốt cháy. Nhưng sẽ không thể khởi động nó trở lại do không có áp suất.
Tên lửa siêu thanh Zircon lần đầu phóng từ tàu chiến mới của Hải quân Nga. Ảnh: RIA Novosti / BQP Nga |
Tuy nhiên, chúng bị giới hạn về năng lượng so với tên lửa siêu thanh sử dụng nhiên liệu lỏng và oxy trong khí quyển. Bởi lẽ, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn mang theo cả nhiên liệu lẫn chất oxy hóa, tức là chúng không có nhiều cơ hội để hoạt động lâu dài.
Tất nhiên, đã từng có những tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Chẳng hạn, người Đức trong Thế chiến II đã kịp chế tạo nhiên liệu tên lửa Tonka-250 khá kỳ lạ, nhưng do sự sụp đổ của Đệ Tam Đế chế, nên họ không có cơ hội để sử dụng. Liên Xô đặt tên cho Tonka-250 là TG-02 và sử dụng nó. Theo đó, máy bay Tu-22 được trang bị tên lửa chống hạm Kh-22 sử dụng nhiên liệu này và chất oxy hóa axit nitric. Nhưng ngay cả ở đây, cũng không thể thực sự sử dụng được nhiên liệu, bởi cả nhiên liệu lẫn chất oxy hóa đều phải được mang trong chính bản thân quả tên lửa.
Có mong muốn tự nhiên là sử dụng tên lửa tương tự tên lửa hành trình cận âm hoặc siêu thanh, vì chỉ có siêu thanh thì mới nhanh hơn. Tên lửa hành trình (trừ tên lửa hạt nhân) mang theo nhiên liệu, còn chất oxy hóa thì được lấy từ không khí. Điều này giúp cho động cơ hoạt động được lâu hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi bay với tốc độ siêu thanh thì động cơ phản lực thông thường sẽ không hoạt động.
Cần phải tạo ra một động cơ phản lực siêu thanh, trong khi đây lại là nhiệm vụ không hề đơn giản. Bởi lẽ, khi bay siêu thanh trong không khí sẽ gây ra những cú sốc làm cản trở nghiêm trọng quá trình bay có kiểm soát của thiết bị, thậm chí cản trở cả quá trình đốt cháy nhiên liệu trong động cơ. Đó là lý do tại sao Mỹ đã nhiều năm thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào phục vụ.
Tại sao nó quan trọng như vậy? Vì mặc dù V-2 cũng đạt được tốc độ siêu thanh, nhưng không có khả năng cơ động theo quỹ đạo tiếp theo, nên việc bắn hạ nó tương đối dễ dàng. Radar cho phép tính toán quỹ đạo đường đạn, sau đó phóng trước một quả tên lửa chống tên lửa, và tên lửa này sẽ phát nổ ngay bên cạnh tên lửa mục tiêu.
Nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy sẽ không hiệu quả trước tên lửa hoặc đầu đạn siêu thanh. Tên lửa siêu thanh liên tục cơ động và việc sử dụng tên lửa chống tên lửa để bắn hạ nó sẽ vô cùng khó khăn. Trên thực tế, tên lửa chống tên lửa khó có khả năng bắn hạ mục tiêu, ngay cả khi nó tự cơ động ở tốc độ siêu thanh. Theo tính toán, hiện nay không có tên lửa chống tên lửa siêu thanh, bất kỳ mục tiêu nào bị tấn công bằng các phương tiện siêu thanh cơ động nhìn chung đều không thể phòng thủ, bởi đơn giản là nó không thể đánh chặn tên lửa đang tấn công nó.
Dư luận biết gì về tên lửa Zircon?
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện vào năm 2016 liên quan đến tên lửa Zircon của Nga và thông tin sau đó cho rằng, nó có khả năng siêu thanh đã gây ra sự nghi kỵ lớn trong dư luận của cả Nga và thế giới. Một mặt, nhiều người cho đây chỉ là những lời đe dọa từ phía Nga, trong khi công nghệ siêu thanh rất phức tạp nên Zircon không thể chủ động bay siêu thanh. Mặt khác, các đại diện của Lầu Năm Góc, luôn nói về các mối đe dọa từ bên ngoài, cũng liệt kê các loại vũ khí siêu thanh của Nga, với ám chỉ cần phải tiếp tục tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Mọi nghi kỵ này đã phần nào mất đi vào đầu năm 2020, khi tên lửa Zircon được phóng đi từ chiến hạm Đô đốc Gorshkov của Nga với lượng choán nước chỉ 5.400 tấn. Trong lần phóng này, Zircon đã đánh trúng mục tiêu trên mặt đất. Tháng 10/2020, lần đầu tiên xuất hiện video về vụ phóng loại tên lửa này, và nó đã đánh trúng mục tiêu trên biển.
Khi đó, một chi tiết quan trọng có thể dễ dàng nhìn thấy trên video. Đó là vụ phóng xuất phát từ một giếng phóng thẳng đứng tiêu chuẩn, có cùng kích thước với tên lửa Calibre. Tuy nhiên, Calibre là tên lửa cận âm (khi tấn công mục tiêu mặt đất và bay tới mục tiêu trên biển) hoặc siêu thanh (khi tiếp cận mục tiêu trên biển). Do đó, về cơ bản nó ít nguy hiểm hơn Zircon. Dù sao thì hệ thống phòng không của nhiều hạm đội cũng có thể bắn hạ những tên lửa hành trình khi bay. Không khí gần bề mặt Trái đất dày đặc, nên ở tầm này tên lửa hành trình sẽ không thể bay tốc độ nhanh hơn Mach 2-2,5. Trong khi với tốc độ này, ngay cả một khẩu pháo bắn nhanh cũng có thể bắn hạ nó. Để xuyên thủng hàng phòng thủ, thì cần phải phóng hàng chục tên lửa hành trình cùng một lúc.
Tuy nhiên, ngay cả khi phóng như vậy, thì chúng cũng rất khó hạ gục tàu sân bay. Bởi mỗi chiếc tàu sân bay luôn được hộ tống bởi hàng chục tàu chiến. Vì vậy, tên lửa hành trình chắc chắn sẽ đánh trúng một trong số chúng, và mặc dù bị đánh đắm, nhưng bản thân tàu sân bay sẽ không chìm xuống đáy biển. Cụ thể, tàu sân bay là mục tiêu chính của chiến tranh hiện đại trên biển, vì hàng không rất nguy hiểm, và bằng cách làm tê liệt các máy bay địch trên boong tàu, thì có thể đảo ngược cục diện và kết quả cuộc chiến trên biển.
Tuy nhiên, Zircon không phải là tên lửa Calibre. Nó không tấn công theo phương ngang khi bay thấp trên mặt nước như tên lửa hành trình, mà tấn công theo phương thẳng đứng. Theo đó, Zircon bổ nhào xuống mục tiêu từ trên cao, ở một góc rộng với tốc độ lên đến Mach 9. Nó mang theo đầu đạn tự tìm kiếm mục tiêu tương phản vô tuyến có kích thước lớn nhất (tàu sân bay) trong khu vực bị tấn công. Đầu đạn này bỏ qua các tàu nhỏ hơn, nên lúc này tàu sân bay không thể lẩn tránh được. Hiện nay, việc bắn hạ một thứ gì đó đang cơ động với tốc độ Mach 9 cũng là điều bất khả thi.
Nói cách khác, video về vụ phóng tên lửa Zircon cho thấy tất cả các tàu Nga được trang bị tên lửa Calibre về mặt lý thuyết đều có thể đặt Zircon vào cùng các giếng phóng trên tàu. Loại nhỏ nhất trong số những tàu này là tàu hộ tống lớp Buyan, với lượng choán nước dưới 1.000 tấn, cũng có ít nhất 4 giếng phóng như vậy. Các tên lửa mới cũng hứa hẹn sẽ được lắp đặt trên cả tàu ngầm.
Điều này có nghĩa là, tên lửa siêu thanh mới sẽ xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến tranh trên biển. Ngoài ra, Nga còn có một nhóm vệ tinh cho phép phát hiện bất kỳ cụm tàu sân bay nào của đối phương trên biển. Sau khi nhận được dữ liệu về vị trí của nó, bất kỳ tàu hộ tống nào (hoặc một số loại tàu ngầm ở vùng biển xa) đều có thể phóng tên lửa Zircon. Theo số liệu chính thức, tầm bắn của chúng là trên 1.000 km, tức là vụ phóng có thể được thực hiện trong bán kính 1.000 km tính từ hàng không mẫu hạm của đối phương. Trong khi đó, không có các cuộc tuần tra thường xuyên trên không ở khoảng cách này từ tàu sân bay, và cuộc tấn công có khả năng xảy ra mà không bị đáp trả (nhất là đối với tàu ngầm).
Trọng lượng đầu đạn của tên lửa mới là 300-400 kg. Với 4 tên lửa loại này bắn vào một tàu sân bay thì tàu sân bay sẽ bị vô hiệu hóa, với khả năng cao xuất hiện một đám cháy lớn. Theo đó, thậm chí chỉ cần một con tàu nhỏ đơn lẻ của Hải quân Nga hiện nay, từ khoảng cách 1.000 km, cũng có thể làm mất khả năng chiến đấu của một tàu sân bay hạt nhân cỡ lớn với lượng choán nước 100.000 tấn.
Từ khóa » Tốc độ Siêu Thanh Tên Lửa
-
Tên Lửa Siêu Thanh Hoạt động Thế Nào? | Báo Dân Trí
-
Tên Lửa Mới Của Nga Nhanh Gấp 27 Lần âm Thanh Và 'không Thể ...
-
Bộ Ba Tên Lửa Siêu Thanh Uy Lực Của Nga - Công An Nhân Dân
-
Đặc Tính Và Các Chủng Loại Vũ Khí Siêu Vượt âm Nga đang Sở Hữu
-
Mỹ Tiết Lộ Tên Lửa Siêu Thanh Bay Hơn 9.000 Km/h, Nhanh Gấp 7,5 Lần ...
-
Nga Và Cuộc đua Phát Triển Vũ Khí Siêu Thanh Mới
-
Hàn Quốc: Tên Lửa Siêu Thanh Hwasong-8 Của Triều Tiên đáng Gờm ...
-
Choáng Váng Tốc độ Tên Lửa Siêu Thanh Mới Của Nga, Mỹ Lại 'đau ...
-
Tên Lửa Siêu Thanh: Anh, Mỹ Và Úc Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng
-
Vũ Khí Bội Siêu Thanh Là Gì Mà Các Nước Chạy đua Phát Triển?
-
Tên Lửa đạn đạo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Avangard (vũ Khí) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Mỹ Có Lo Lắng Khi Nga Thử Thành Công Tên Lửa Siêu Vượt âm
-
Tên Lửa Bội Siêu Thanh đáng Sợ Nhất ở điểm Nào?
-
Tên Lửa Siêu Thanh - Yếu Tố Thay đổi Cuộc Chơi
-
Úc Chế Tạo Tên Lửa Siêu Thanh Có Tốc độ Bay Gấp 5 Lần Tốc độ âm Thanh
-
Nga Phóng Tên Lửa Siêu Thanh Zircon Bay 1.000km - Báo Lao Động
-
Tên Lửa Siêu Thanh Lại Thử Nghiệm Thất Bại, Mỹ Chịu Cú Sốc Lớn
-
Mỹ đứng Trước Nhiều áp Lực Khi Tiếp Tục Thử Nghiệm Thất Bại Tên Lửa ...