Vị Thuốc Đan Sâm | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Đan sâm được mệnh danh là “huyết bệnh yếu dược” tức thứ dược quan trọng trị các bệnh liên quan đến huyết. Đan sâm được dùng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.Trước đây, vị thuốc Đan sâm thường được nhập từ Trung Quốc, trong những năm gần đây, cây Đan sâm đã được trồng tại các tỉnh miền núi Việt Nam. Cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hàm lượng hoạt chất cao.

Vị thuốc Đan sâm theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, Đan sâm có vị đắng (khổ) sắc đỏ (đỏ thuộc tâm hỏa), nhập tâm và tâm bào lạc. Đan sâm có tác dụng phá túc huyết (huyết lưu ứ lại), sinh ra huyết mới (ứ khử nhiên hậu tân sinh), dưỡng huyết an thai, trụy tử thai (khứ ứ), điều kinh mạch (phong hàn thấp nhiệt, tích tụ lâu ngày làm tổn thương khí huyết,kinh mạch không điều hòa, gây huyết hư, huyết ứ, khí trệ, đàm trở… kinh mạch điều hòa thì bệnh tự tán).Chủ trị các chứng hư lao, cốt tiết thống (đau nhức xương khớp), phong tý bất tùy (chân tay mệt mỏi, ngại vận động, không theo chủ ý), trường minh phúc thống (đau bụng, sôi bụng), băng đới trưng hà (trưng là khối không di động, hà là khối trong bụng di động được, lúc tụ lúc tán; đều là huyết bệnh), mục xích (mắt đỏ), sán thống ( chỗ rỗng trong thân thể bị trở ngại, làm cho gân thịt co rút, rồi phát ra đau đớn đều gọi là sán 疝), sang giới, thũng độc.

Đan sâm dưỡng thần định chí, thông lợi huyết mạch; giúp dưỡng huyết, điều huyết, quy thủ thiếu âm, thủ quyết âm kinh giúp công năng của tâm, tâm bào được điều hòa. Vì vậy, Đan sâm là dược vị không thể thiếu trong các phương thuốc trị các chứng bệnh về tâm, về huyết.

Cây đan sâm là một cây thuốc quý, dạng cây cỏ, sống lâu năm, cây cao khoảng 30-80cm, thân màu đỏ nâu, đường kính 0.5- 1.5cm. Thân vuông, trên có các gân dọc. Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, m p lá ch t có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thuz; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Mùa ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa quả từ tháng 6-9 hàng năm.

Cách dùng và liều dùng

Đan sâm được dùng độc vị hoặc là thành phần trong những bài thuốc chữa các bệnh về tâm, huyết mạch, phụ khoa… với liều dùng từ 6 – 12g, sắc uống hoặc hoàn tán. Cần lưu ý, Đan sâm úy diêm thủy, kỵ giấm, phản Lê Lô.

Trong y học hiện đại, người ta có thể dùng Đan sâm dưới dạng cao chiết toàn phần hoặc dịch chiết phân đoạn, có thể dùng để điều trị đơn độc hoặc dùng làm bán thành phẩm kết hợp với những hoạt chất từ dược liệu khác để tạo ra những chế phẩm, có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những chế phẩm cụ thể, cần phải được nghiên cứu về tính an toàn (độc tính cấp, độc tính bán trường diễn) và hiệu quả để có được chỉ định và liều dùng phù hợp nhất.

1. Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim

Đan sâm 32g; xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; hồng hoa 16g; xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; đương quy vĩ 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Đan sâm 32g; xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; đảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

2. Chữa suy tim: Đan sâm 16g; đảng sâm 20g; bạch truật, ý dĩ, xuyên khung, ngưu tất, trạch tả, mã đề, mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang

3. Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai: Đan sâm, sa sâm, thiên môn, mạch môn, thục địa, long nhãn, đảng sâm, mỗi vị 12g; toan táo nhân, viễn chí, bá tử nhân, mỗi vị 8g; ngũ vị tử 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

4. Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ: Đan sâm, bạch thược, đại táo, thảo quyết minh (sao), mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g; dành dành, nhân hạt táo (sao), mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

5. Chữa đau dây thần kinh liên sườn: Đan sâm, bạch truật, bạch thược, bạch linh, uất kim, sài hồ, thanh bì, mỗi vị 8g; bạc hà, hương phụ, cam thảo, mỗi vị 6g; gừng 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

6. Chữa viêm gan mạn tính, đau vùng gan: Đan sâm, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang

7. Chữa xơ gan giai đoạn đầu:

Đan sâm 16g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g, bạch truật 12g; bạch linh, bạch thược, sài hồ, hoàng kỳ, mỗi vị 10g; ngũ gia bì, chi tử, mỗi vị 8g; gừng, đại phúc bì, cam thảo, đại táo, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

8. Chữa viêm khớp cấp:

Đan sâm 12g; hy thiêm, ké đầu ngựa, thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 20g; tỳ giải, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

9. Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim:

Đan sâm 12g; kim ngân hoa, ké đầu ngựa, thổ phục linh, đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 20g; bạch truật, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Khi có loạn nhịp: Đan sâm 16g; sinh địa, kim ngân, mỗi vị 20g; đảng sâm 16g; chích cam thảo, a giao, mạch môn, hạt vừng, đại táo, liên kiều, mỗi vị 12g; quế chi 6g; gừng sống 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

10. Chữa kinh nguyệt không đều: Đan sâm, thục địa, hoài sơn, sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

11. Chữa đau kinh, bế kinh: Đan sâm, đương quy, sinh địa, mỗi vị 10g; hương phụ, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Công Dụng Của Vị Thuốc đan Sâm