VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Có thể bạn quan tâm
Toạ độ địa lý: 20o17' - 22o44' vĩ bắc và 106o06' - 106o39' kinh đông. Diện tích:1.543 km2
Chiều dài bờ biển: 49,25 km (huyện Thái Thuỵ 21,52 km, huyện Tiền Hải 27,73 km).
Dân số: 1.786.000 người với mật độ dân số 1.138 người/km² (số liệu Tổng điều tra dân số năm 2011)
Ðịa hình: Địa hình bằng phẳng, không có đồi núi, ba mặt giáp sông và một mặt giáp biển. Ðất đai phì nhiêu, màu mỡ được hình thành do phù sa bồi đắp. Hệ thống giao thông thuận lợi. Hệ thống giao thông liên tỉnh được trải thảm bê tông atphan. Hệ thống giao thông nội tỉnh đều được trải nhựa.
Diện tích : Tổng diện tích đất tự nhiên : 154.351 ha.
Trong đó : - Ðất nông nghiệp : 103.995 ha
- Ðất lâm nghiệp có rừng : 2.500 ha
- Ðất chuyên dùng : 25.978 ha
- Ðất thổ cư : 12.445 ha
- Ðất chưa sử dụng và sông ngòi: 9.431 ha
Ngoài diện tích đất tự nhiên của tỉnh trong địa giới hành chính, hiện nay còn trên 16 nghìn ha đất vùng triều ven biển thuộc 2 huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải đã được đo đạc xác định, hiện đang được đầu tư khai thác sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng ngập mặn, trong đó đã đưa vào nuôi trồng thuỷ sản trên 4.000 ha và trồng 7.000 ha rừng ngập mặn.
Khí hậu - thời tiết : Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bức xạ mặt trời lớn, tạo nên nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình từ 23oC - 24oC; lượng mưa bình quân trong năm từ 1.500 ly - 1.900 ly (mm); độ ẩm trung bình nhiều năm từ 85% - 90%.
HỆ THỐNG SÔNG NGÒI
Hệ thống sông ngòi Thái Bình có tổng chiều dài 1.500 km, trong đó có 4 sông chính, thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Giao thông đường thuỷ gồm :
Sông Hồng nằm ở phía Nam và Tây Nam, là ranh giới giữa Thái Bình với các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, đoạn chảy qua Thái Bình dài 77,5 km, lòng sông rộng 500 m - 1000 m, chảy qua cửa Ba Lạt ra biển.
Sông Luộc nằm ở phía Bắc, là ranh giới giữa Thái Bình với tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, đoạn chảy qua Thái Bình dài 37 km.
Sông Trà Lý chảy qua khu vực trung tâm của tỉnh, chia tỉnh Thái Bình thành 2 phần Bắc và Nam; sông Trà Lý dài 63 km và lòng sông rộng từ 100 - 200 m.
Sông Hoá là một chi nhánh của sông Luộc, giới hạn huyện Ninh Giang (Hải Dương) với huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) chảy ra biển.
Sông nội đồng có 1.936 con sông, bao gồm: phía Bắc là hệ thống sông Tiên Hưng và sông Sa Lung; phía Nam là hệ thống sông Kiên Giang
Sự hình thành tỉnh Thái Bình :
Cách ngày nay vài chục vạn năm do ảnh hưởng của đợt băng hà cuối cùng, biển lùi, để lộ ra bề mặt đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn hơn ngày nay rất nhiều. Thái Bình khi đó là vùng đầm lầy, rừng rậm ven biển. Sau đó, biển lại tiến vào vùi lấp đồng bằng. Rồi đến khoảng 4000 năm đến 3000 năm cách ngày nay, mực nước biển hạ xuống thấp khoảng 4 mét so với mực nước biển bây giờ, đồng bằng lại được lộ diện. Thái Bình vẫn nằm trong vùng đầm lầy rừng rậm ven biển mà vết tích của nó là những vỉa than dày nằm sâu trong lòng đất thuộc các huyện: Hưng Hà, Ðông Hưng, Kiến Xương và Tiền Hải ngày nay. Khoảng 2500 đến 2300 năm cách ngày nay, biển lại tiến vào đồng bằng Bắc Bộ nói chung và đồng bằng ven biển nói riêng (trong đó có Thái Bình) lại bị trầm tích của đợt biển tiến này vùi lấp. Sau đó biển rút, đồng bằng Thái Bình và Hải Phòng được hình thành với bề mặt địa hình cơ bản như ngày nay.
Ðồng đất Thái Bình được hình thành dọc theo các triền sông Hồng, sông Luộc, sông Hoá, sông Trà Lý là những bờ bãi thuận tiện cho con người cư trú và trồng trọt. Với ưu thế của vùng đất ven biển phù sa màu mỡ nên đã cuốn hút cư dân khắp nơi về khai phá, lập làng. Có hai luồng cư dân chủ yếu vào tụ cư và hợp cư ở Thái Bình. Ðó là luồng cư dân từ miền Trung du xuống và luồng dân cư từ nhiều nơi đi theo đường biển vào. Ðịa bàn tụ cư của những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này là nơi gò cao, những sống đất cao của ven biển, phần lớn thuộc đất đai của huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư (miền Thư Trì cũ), Ðông Hưng ngày nay.
Bộ di vật khảo cổ học thời kỳ này gồm những mũi tên đồng (tìm thấy ở ven sông Hồng thuộc Hưng Hà), những hiện vật đồng thau (tìm thấy ở Quỳnh Xá, Quỳnh Phụ), trống đồng tìm thấy ở Minh Tân, Hưng Hà cùng nhiều lưỡi rìu, lưỡi giáo... tìm thấy ở nhiều nơi trong tỉnh. Mặc dù số lượng không nhiều, song cho phép có thể xếp Thái Bình nằm trong phạm vi phân bố của nền văn hoá Ðông Sơn. Ngoài di vật đồ đồng, đồng thau ở Thái Bình cũng tìm thấy loại gốm thuộc giai đoạn Ðường Cổ, tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đồ sắt tại di chỉ đường con Nhạn thuộc xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ.
Như vậy, có thể khẳng định: Vào cuối thời đại đồng thau, đầu thời đại đồ sắt, làng xóm Thái Bình không chỉ dựng lập ở những khu đất cao mà còn ở cả những vùng trũng: Sông Đại Nẫm và sông Cô, giữa sông Trà Lý và sông Tiên Hưng ngày nay. Những địa danh này mà quen gọi là "đường", "gò", "đống", "mả"... thực chất là những khu cư trú cổ, khu mộ cổ của người xưa. Mật độ mộ cổ tập trung chủ yếu ở các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, một phần của Thái Thuỵ (Thuỵ Anh cũ), Vũ Thư (Thư Trì cũ) và Ðông Hưng.
Mộ cổ chủ yếu là mộ gạch. Rải rác một vài nơi trong tỉnh còn tìm thấy mộ quan tài hình thuyền (tục chôn cất của người Việt đầu Công nguyên) như ở An Khê (Quỳnh Phụ), Ðông Các (Ðông Hưng), Thuỵ Hồng (Thái Thuỵ). Những ngôi mộ ở Hưng Hà và Quỳnh Phụ có quy mô khá lớn, dài từ 5 đến 6 mét, rộng từ 1,5 đến 2 mét, cao khoảng 1,5 mét, xây vòm cuốn. Gạch xây mộ cỡ to (20 x 40 x 0,6 cm), có tráng men xanh hoặc trắng. Nhiều viên gạch có thiết diện hình lưỡi búa (gọi là gạch múi bưởi) để xây vòm cuốn. Ngoài tráng men, có một số viên còn trang trí hoa văn ô trám lồng, chữ "vương" ở rìa cạnh. Gạch xếp từ đáy lên đỉnh mộ từ 35 đến 37 lớp. Ðất đắp lên mộ thành gò, đống, đường, mả. Những đống lớn như Ðống Giang (ở Quỳnh Hoàng), đống Cổ Dải, đống Ba Tầng ở Ðồng Gúc (Quỳnh Giao), tìm thấy rất nhiều mộ cổ. Hiện vật trong mộ thường là đồ gốm (bát đĩa, bình, vò) và đồ đồng, tiền Ngũ Thù (thời Hán). Gốm chia làm ba loại :
- Loại 1 : gốm thường, xương mịn, độ nung cao.
- Loại 2 : Gốm có men, xương trắng mịn, men xanh trắng mốc hoặc trắng ngà.
- Loại 3 : Gốm thô, văn chải, màu xám nâu.
Ðiều đáng chú ý là ở Ðống Giang (Quỳnh Hoàng) tìm thấy mô hình nhà đất bằng đất nung. Qua mô hình này gợi cho ta liên tưởng đến những ngôi nhà lớn nhiều phòng, chủ nhân có thể là người giàu có.
Căn cứ vào đặc trưng mộ cổ, chất liệu gạch, men gạch cùng hiện vật chôn theo có thể xếp niên đại mộ thuộc Hán - Tuỳ - Ðường (nghĩa là thuộc thế kỷ I đến thế kỷ IX sau Công nguyên). Mật độ mộ cổ tập trung khá cao là kết quả của quá trình định cư lâu dài.
Bên cạnh hệ thống mộ cổ là một loại đình, miếu, truyền thuyết lịch sử, câu đối ... phản ánh về thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương, đặc biệt là thời kỳ Hai Bà Trưng ở Thái Bình.
Sự có mặt của công cụ sản xuất và vũ khí cùng với việc tìm thấy những phế tích mộ cổ, khu cư trú cổ đã khẳng định: Cách ngày nay hơn 2000 năm vào thời kỳ đồ đồng, đầu thời kỳ đồ sắt, phần lớn đất đai Thái Bình đã có cư dân đến ở, cư trú đông vui, tạo nên một sự quần tụ của văn minh Ðông Sơn.
Ðất đai và làng xã Thái Bình qua các thời kỳ lịch sử.
+ Thời kỳ đầu Công nguyên (đời Hán), Thái Bình nằm trong vùng đất phía nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ, nơi cuốn hút mạnh mẽ các luồng cư dân tràn về khai phá, lập làng. Với ưu thế của vùng đất ven biển, sông ngòi thuận tiện nên đã sớm trở thành nơi ẩn giấu, gây dựng lực lượng của nhiều thủ lĩnh nổi dậy chống quân Hán. Nhiều thần phả, câu đối ở đình, miếu thuộc các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Ðông Hưng còn ghi rõ tên tuổi của những bà mẹ, những chàng trai, cô gái Thái Bình đã đứng lên dưới ngọn cờ đại nghĩa của bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục và tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Trải qua 5 thế kỷ sau Công nguyên, đất đai và làng xã Thái Bình tiếp tục được mở rộng thêm. Song về mặt hành chính vẫn thuộc phạm vi đất đai của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ.
+ Thế kỷ 6 (thời nhà Tuỳ - Lương bên Trung Quốc): Phần lớn đất đai Thái Bình (phía bắc và tây bắc) thuộc quận Vũ Bình, phần còn lại thuộc đất quận Ninh Hải. Ðịa thế nơi đây không hiểm trở như vùng núi cao, rừng rậm nhưng lại xa thủ phủ của bọn xâm lược nên tạo điều kiện để các cuộc khởi nghĩa bùng nổ, mà điển hình là cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo. Thái Bình là nơi sinh ra Lý Bí - vị lãnh tụ của phong trào, nơi nhen nhóm lực lượng đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa, nơi nhân dân đã góp xương máu xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân non trẻ.
+ Thời nhà Ðường (thế kỷ 7), Thái Bình trong đất đai Châu Diên.
+ Thời phong kiến tự chủ (năm 938, Ngô Quyền xưng Vương) Thái Bình thuộc đất Ðằng Châu.
+Thời nhà Ðinh (thế kỷ 10) Thái Bình đã trở thành một vùng trù phú, kinh tế nông nghiệp phát triển, cư dân, xóm làng đông đúc, Trần Lãm đã tựa dựa vào vùng đất này để trở thành một trong số những sứ quân mạnh nhất thời bấy giờ.
+ Thời tiền Lê, nhà Lê đổi đạo làm lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương thì Thái Bình thuộc về phủ Thái Bình.
+ Thời nhà Lý (thế kỷ 11) đất đai Thái Bình thuộc Châu Ðằng. Dưới tác động của chính sách khuyến nông do Nhà nước ban hành, Thái Bình thực sự trở thành nơi đất đai trù phú, đồng ruộng xanh tốt, lúa một năm chín tới 2 - 3 lần. Năm 1038 và 1065 vua Lý đã về Bố Hải Khẩu (vùng Thị xã - Vũ Thư ngày nay) làm lễ cày tịch điền khuyến khích nghề nông.
+ Thời nhà Trần (thế kỷ 12 - 13) : Thời kỳ này đất đai Thái Bình được khai thác triệt để (trừ vùng đất huyện Tiền Hải ngày nay, vào thời đó còn là vùng hoang, đầm lầy ven biển). Có thể xem sự phân chia đất đai thành những làng xã ở đây đã đạt đến giới hạn tối thiểu. Ðiều này được khẳng định thêm bởi 3- 4 thế kỷ sau đó, nhiều vùng, sự gia tăng về số lượng làng xã là không đáng kể, nhất là vùng đất cổ Hưng Hà, Quỳnh Phụ. Riêng Quỳnh Côi cũ : từ thế kỷ 13 đến 19, số lượng làng xã chỉ lên, xuống ở khoảng giữa hai con số 43 hoặc 47 mà thôi.
Như vậy, đến thời Trần, làng xã Thái Bình đã khá ổn định, cư dân đông đúc, kinh tế nông nghiệp phát triển, đủ điều kiện để nhà Trần khởi nghiệp từ đây và củng cố vương triều của mình.
Ðầu thời Trần, Thái Bình thuộc đất của hai lộ (phủ) Long Hưng và Thiên Trường. Về sau thuộc đất các lộ Long Hưng (nguyên lộ cũ) và Kiến Xương, An Tiêm (lộ mới do Thiên Trường tách ra), dưới lộ là huyện, hương (xã).
Lộ Long Hưng gồm 4 huyện :
- Huyện Ngự thiên (sau là huyện Hưng Nhân)
- Huyện Thần Khê (sau là huyện Tiên Hưng)
- Huyện Duyên Hà
- Huyện Cổ Lan (sau là huyện Thanh Quan)
Lộ Kiến Xương gồm 4 huyện :
- Huyện Kiến Xương
- Huyện Bố (tương đương với huyện Vũ Tiên sau này).
- Huyện Chân Lợi (sau này là huyện Trực Ðịnh).
- Huyện Bổng Ðiền (sau là huyện Thư Trì).
Lộ An Tiêm gồm 4 huyện :
- Huyện An Côi (sau là huyện Quỳnh Côi).
- Huyện Ða Dực (sau là huyện Phụ Dực).
- Huyện Thái Bình (tức hương Thái Bình thời kỳ tương đương với huyện Thuỵ Anh ngày nay).
- Huyện Tây Quan (sau thuộc huyện Thanh Quan - Thái Ninh thời Nguyễn).
Ngoài ra còn có thêm huyện Thận Vi (Thuận Vi) thuộc phủ Thiên Trường (vùng đất nằm ở ven sông Hồng thuộc huyện Vũ Thư ngày nay).
+ Thời thuộc Minh (thế kỷ 14) : đất đai và làng xã Thái Bình thuộc hai phủ Trấn Man và Kiến Xương với các huyện sau :
- Huyện Tân Hoá (nguyên là huyện Ngự Thiên đổi ra).
- Huyện Duyên Hà.
- Huyện Cổ Lan.
- Huyện Thần Khê.
(Ðây là đất của huyện Hưng Hà và một phần của Ðông Hưng ngày nay).
- Huyện Ða Dực và Hà Côi (thuộc Quỳnh Phụ nay).
- Huyện Thái Bình và Tây Quan (thuộc Thái Thuỵ nay).
- Huyện Chân Ðịnh và Thuận Vi (thuộc Vũ Thư và Kiến Xương ngày nay).
+ Thời Lê (thế kỷ 15-18) đất đai và làng xã Thái Bình được phân chia rõ ràng và cụ thể hơn trước. Ðầu thời Lê Thuận Thiên thuộc Nam Ðạo, đời Quang Thuận thuộc Thiên Trường thừa tuyên với 3 phủ: Tiên Hưng (phủ Trấn Man cũ), Thái Bình và Kiến Xương. Theo ghi chép của Nguyễn Thiên Tích thì số làng xã của 3 phủ được phân phối như sau :
Phủ Tiên Hưng : gồm 4 huyện, 170 làng xã.
- Huyện Ngự Thiên : 51 làng xã.
- Huyện Thanh Quan : 43 làng xã
- Huyện Thần Khê : 43 xã.
- Huyện Duyên Hà : 42 xã.
Phủ Thái Bình : gồm 4 huyện nhưng số xã nhiều hơn so với phủ Tiên Hưng. Tổng cộng có 187 xã, 5 trang thôn.
- Huyện Quỳnh Côi (Hà Côi cũ) : 42 xã, thôn.
- Huyện Phụ Dực (Ða Dực cũ) : 50 xã, 1 thôn.
- Huyện Thuỵ Anh (Tây Quan cũ) : 60 xã, 1 thôn.
Phủ Kiến Xương : có 3 huyện, 162 xã.
- Huyện Thư Trì (Cổ Trì cũ) : 59 xã.
- Huyện Chân Ðịnh (Ðồng Châu cũ) : 65 xã.
- Huyện Vũ Tiên : 38 xã.
+ Thời Tây Sơn, Thái Bình được gọi là Trấn Sơn Nam hạ, về địa danh có thay đổi chút ít nhưng về đơn vị hành chính đại thể vẫn như thời Lê (Ví dụ đổi phủ Thái Bình làm phủ Thái Ninh).
+ Thời Nguyễn, (Thế kỷ 19), vẫn theo tên gọi cũ. Riêng phủ Thái Ninh được đổi lại làm Thái Bình, đổi Thanh Lan thành Thanh Quan (thời Gia Long) và nhập vào phủ Kiến Xương (thời Minh Mệnh) sau lại nhập vào phủ Thái Bình (thời Tự Ðức). Ðổi huyện Chân Ðịnh thành Trực Ðịnh (thời Ðồng Khánh). Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) Thái Bình có thêm một huyện mới là huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu, 2.300 suất đinh, 7 tổng, 40 làng, 27 ấp, 20 trại và 40 giáp.
Về làng xã, kể từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 có tăng lên ít nhiều, cụ thể ở 3 phủ như sau :
Phủ Tiên Hưng :
- Huyện Ngự Thiên : Trước có 49 xã, 2 thôn, 4 trang nay có 6 tổng, 56 xã.
- Huyện Duyên Hà : Trước có 42 xã, 11 trang nay có 6 tổng, 59 xã, thôn.
- Huyện Thần Khê : Trước có 49 xã, 4 thôn, nay có 8 tổng, 50 xã, thôn.
- Huyện Thanh Lan : Trước có 47 xã, 3 thôn, nay có 7 tổng, 52 xã.
Phủ Thái Bình :
- Huyện Thuỵ Anh : Có 61 xã, 1 phường.
- Huyện Phụ Dực : Trước có 34 xã, 1 thôn, nay có 6 tổng, 36 xã, phường.
- Huyện Quỳnh Côi : Trước có 42 xã, 1 thôn, nay có 47 xã, thôn.
- Huyện Ðông Quan : Trước có 54 xã, 1 sở, nay có 8 tổng, 56 xã.
Phủ Kiến Xương :
- Huyện Thư Trì : Trước có 53 xã, 1 thôn, 4 trang, nay có 8 tổng, 67 xã.
- Huyện Vũ Tiên : Trước có 38 xã, nay có 7 tổng, 45 xã, thôn.
- Huyện Chân Ðịnh : Trước có 61 xã, 2 thôn, 3 trang nay có 8 tổng, 86 xã, thôn.
Số làng xã tăng lên nằm ở các huyện thuộc phủ Kiến Xương, còn 2 phủ Thái Bình và Tiên Hưng là không đáng kể. Ðiều này một lần nữa chứng minh rằng : Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, làng xã Thái Bình đã ổn định về cả ranh giới và thống nhất trong một loại hình tổ chức đó là xã (sự xuất hiện của những thôn lẻ và trang trại là không đáng kể). Nó đã đạt tới mức chuẩn của làng xã thời trung đại. Mẫu hình này được giữ mãi về sau.
- Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) Thái Bình thuộc trấn Nam Ðịnh. Năm thứ 12 (1831) chia thành tỉnh hạt, Thái Bình nằm ở phạm vi của 2 tỉnh : Nam Ðịnh và Hưng Yên với các huyện : Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân (thuộc tỉnh Hưng Yên), Thái Bình, Thanh Quan, Kiến Xương (thuộc tỉnh Nam Ðịnh), phần đất còn lại thì đặt phân phủ kiêm nhiếp (huyện Kiến Xương kiêm nhiếp huyện Thư Trì, huyện Chân Ðịnh kiêm nhiếp huyện Tiền Hải, huyện Thái Bình kiêm nhiếp huyện Thuỵ Anh). Ðặt thêm phân phủ Thái Bình gồm 2 huyện : Quỳnh Côi và Phụ Dực.
+ Thời thuộc Pháp (Ðầu thế kỷ 20): thực dân Pháp áp dụng chính sách chia để trị, cắt xén và xáo trộn các tỉnh cũ để thành lập các trung tâm cai trị mới; tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 2 1-3-1890 gồm 12 huyện, 96 tổng, 802 làng xã; số đinh là 161.927 người, ruộng đất 365.787 mẫu.
Phủ Tiên Hưng gồm 3 huyện : Thanh Quan, Thuỵ Anh và Ðông Hưng.
Phủ Kiến Xương gồm 4 huyện : Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Thư và Tiền Hải.
Phân phủ Thái Ninh gồm 2 huyện : Quỳnh Côi và Phụ Dực.
+ Sau Cách mạng tháng Tám (1945) :
Ngày 10-4-1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh có 12 huyện, 1 thị xã và 829 xã, thôn.
Năm 1969, sáp nhập 12 huyện thành 7 huyện và 1 Thị xã. Ðó là các huyện : Ðông Hưng (Ðông Quan và Tiên Hưng hợp thành), Hưng Hà (Hưng Nhân và Duyên Hà hợp thành), Quỳnh Phụ (Quỳnh Côi và Phụ Dực cũ), Vũ Thư (Vũ Tiên và Thư Trì), Kiến Xương và Tiền Hải. Hiện nay toàn tỉnh có 284 xã, phường, thị trấn.
Cảnh quan :
Thái Bình là tỉnh đồng bằng duy nhất không có đồi núi, cảnh quan tự nhiên và văn hoá ở các vùng trong tỉnh không khác nhau nhiều, vừa có cảnh quan vùng trung tâm đồng bằng mang đặc trưng của văn hoá Ðại Việt, vừa có cảnh quan miền duyên hải. Những làng mạc trù phú xen giữa những cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu là kết quả của một quá trình lao động kiên trì bền bỉ hàng ngàn năm của người Thái Bình. Cảnh quan tự nhiên do tác động của con người trở thành cảnh quan văn hoá và mối quan hệ giữa hai cảnh quan này vận động, biến đổi theo tiến trình phát triển của lịch sử. Ví dụ sự đổi dòng của sông Hồng, sông Thái Bình... có làng xưa ở ven đê nay thành làng nội đồng với tất cả sự thay đổi về tụ điểm dân cư, xây dựng nhà cửa, nề nếp canh tác, nghề nghiệp...
Từ khóa » Tỉnh Thái Bình Thuộc Miền Nào
-
Tỉnh Thái Bình - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Thái Bình ở đâu, Thuộc Miền Nào? Thái Bình Có Bao Nhiêu Huyện?
-
Thái Bình – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thái Bình ở đâu? Thuộc Miền Nào? Có Bao Nhiêu Huyện? - Bài Viết 69
-
TỔNG QUAN TỈNH THÁI BÌNH - Asean Travel
-
Giới Thiệu Khái Quát Về Tỉnh Thái Bình
-
Những Tỉnh Thành Nào Của Việt Nam Không Có Núi? - Tiền Phong
-
Vùng đất Phì Nhiêu - Báo Thái Bình điện Tử
-
Quảng Bình Thuộc Miền Nào, Có Bao Nhiêu Huyện, Thị Xã
-
Hòa Bình Thuộc Miền Nào? - Luật Hoàng Phi
-
Tổng Quan Về Bình Phước
-
TỈNH HÒA BÌNH - Trang Tin điện Tử Của Ủy Ban Dân Tộc