Vị Trí Du Lịch Các Tỉnh Vùng Đông Bắc đối Với Du Lịch Vùng Trung Du ...

Đông Bắc bộ là vùng lãnh thổ ở phía đông bắc miền Bắc Việt Nam, thuộc hướng bắc vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng cón lại là Vùng tây bắc và Đồng bằng sông Hồng). Vùng Đông Bắc hay Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng bao gồm 10 tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh.

Vùng Đông Bắc được giới hạn về phía bắc và đông bởi đường biên giới Việt –Trung, phía Đông Nam hướng ra vịnh Bắc Bộ, ranh giới phía Nam giới hạn bởi dãy núi Tam Đảo và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đây là vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất như núi Mẫu Sơn, Tam Đảo, Cao nguyên đá Đồng Văn…với độ cao trung bình từ 100- 1600m so với mực nước biển. Vùng đông bắc có nhiều sông chảy qua như sông Hồng, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cùng. Nhờ địa hình có nhiều dãy núi hình cánh cung và gió Bắc nên khí hậu vùng này lạnh vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa hè. Tại vùng núi Mẫu Sơn- Lạng Sơn; Tam Đảo- Vĩnh Phúc nhiệt độ mùa Đông có thể xuống tới 0 độ, thường xuyên xuất hiện băng giá và đôi khi có tuyết rơi.

Mùa đông trên đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn

Theo tổ chức lãnh thổ du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đây là lãnh thổ Tiểu vùng du lịch Đông Bắc –một trong hai tiểu vùng thuộc vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ kết hợp với Phú Thọ thuộc vùng trung du và 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tiểu vùng du lịch Đông Bắc cùng với tiểu vùng du lịch Tây Bắc tạo nên diện mạo du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Lãnh thổ các tỉnh Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ và đường sắt theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây (QL1A, 1B, 2, 3, 4A, 4B, 4C, 18, AH14, 34, 37, 279, đường Hồ Chí Minh; đường sắt liên vận quốc tế nối với Hà Nội và đường sắt Bắc Nam), đường biển ra biên Đông. Từ đây có thể đi lại thuận tiện đến với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.

Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng được mệnh danh là “địa đầu” của Tổ quốc. Lãnh thổ vùng có phía Đông và phía Bắc giáp CHND Trung Hoa, với nhiều cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính (đường bộ và đường sắt) như Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang)…, tạo thành cửa ngõ phía Đông của Tiểu vùng và của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á và thế giới. Tiểu vùng nằm trên hành lang Nam Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là một trong hai hành lang kinh tế trong hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, Tiểu vùng Đông Bắc giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.

Đứng về góc độ du lịch, Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng và liên kết quốc tế để phát triển du lịch. Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng nằm trên tuyến du lịch xuyên Á; là điểm đầu du lịch Bắc – Nam; nằm trên tuyến du lịch vòng cung phía Bắc; điểm đầu tuyến du lịch hướng ra biển đông; cửa ngõ phía Đông Bắc của du lịch Thủ đô Hà Nội…Cùng với Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng (với tâm điểm là Thủ đô Hà Nội) tạo thành tam giác phát triển du lịch quan trọng. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch biên giới. Vì vậy, sự phát triển du lịch Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng không chỉ có ý nghĩa động lực đối với du lịch các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng mà còn đối với du lịch các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Từ khóa » đông Bắc Bộ Gồm Những Tỉnh Nào