Vị Trí Mỏ Sao Vàng - đại Nguyệt

Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS. Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110 - 130m.

Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 gồm 2 Dự án thành phần (Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Dự án Đường ống dẫn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt) được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia giao cho PV GAS làm chủ đầu tư với mục tiêu: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng - Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố; bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình khí (giữa nhà máy GPP Dinh Cố, NCS Terminal và GPP2); bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.

Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể có ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo các cam kết của PV GAS cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước) và cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam bộ.

Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 có một chặng đường phát triển dài, bắt đầu từ công tác xem xét, đánh giá, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong những năm cuối của thập kỷ trước. Giai đoạn 1 của dự án đã được chính thức triển khai từ tháng 4/2013 và hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 với 151km tuyến ống biển từ giàn BK-Thiên Ưng đến điểm kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại KP 207.5. Giai đoạn 2 của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với 118km đường ống biển từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; khoảng 10km từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và khoảng 29km dẫn sản phẩm khí khô đến Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ.

Đồng thời với việc triển khai thực hiện Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2, việc đầu tư xây dựng đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn Sao Vàng chiều dài khoảng 23km và đường ống dài 23km dẫn khí từ giàn Sao Vàng kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng cũng được khẩn trương hoàn thành, nhằm thu gom và vận chuyển khoảng 2-3 tỷ m3 khí/năm từ các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt và Thiên Ưng – Đại Hùng về bờ. Khối lượng công việc của mỗi dự án nêu trên đều là rất lớn, tiến độ triển khai thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị của mỗi dự án khá ngắn (khoảng 12 tháng kể từ khi ký kết các hợp đồng EPC đối với các dự án đường ống biển và đường ống bờ) là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ quản lý dự án của chủ đầu tư cũng như các Tổng thầu.

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, hầu như toàn bộ các nước trên thế giới đã ban hành lệnh hạn chế đi lại (đặc biệt là các nước châu Âu - nơi sản xuất các vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án) và Việt Nam, Malaysia (nơi đặt trụ sở của tổng thầu EPC đường ống biển NCS2, nhà thầu thi công đường ống biển của dự án SV-ĐN). Thực tế này đã được các bên tham gia thực hiện hàng loạt các giải pháp sáng tạo, mang tính thực tiễn cao, nhằm đảm bảo tiến độ cung cấp vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án, nghiên cứu lại công tác nhập cảnh các chuyên gia nước ngoài... Thậm chí còn thực hiện linh hoạt việc huy động các phương tiện, thiết bị, tàu thi công rải ống từ khắp nơi trên thế giới, chuyển một phần về tự chế tạo, để triển khai thi công xây dựng các dự án. Quá trình thực hiện còn phải đối mặt với các khó khăn do điều kiện thời tiết biển năm 2020 đặc biệt phức tạp, với nhiều cơn bão diễn ra liên tục vào những tháng gần đây thuộc giai đoạn cao điểm xây dựng của các dự án. Chính vì vậy, lễ đón nhận dòng khí đầu tiên này cũng là sự kiện ghi nhận tất cả nỗ lực và quyết tâm, sự hợp tác hiệu quả để triển khai tích cực chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 của chủ đầu tư – Tổng công ty Khí Việt Nam và các liên danh Tổng thầu, đưa chuỗi dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, chứng kiến dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt hòa vào Đường ống Nam Côn Sơn 2.

Phát biểu chúc mừng sự kiện đặc biệt của toàn ngành Dầu khí, ông Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên PVN khẳng định: Mang sứ mệnh lịch sử là đầu tàu năng lượng của nền kinh tế đất nước, trọng trách trở thành tập đoàn kinh tế trụ cột, những công trình, dự án của PVN đang ngày càng chứng tỏ được vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đưa những nguồn năng lượng mới để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang

Theo Phó Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang: “Thành công của dự án này là kết quả của sự nỗ lực lao động trên tinh thần đoàn kết nhất trí của tập thể CBCNV Ban quản lý dự án Khí Đông Nam bộ/Công ty Quản lý dự án Khí/các đơn vị vận hành của Tổng công ty Khí Việt Nam, sự hỗ trợ kịp thời của các chủ đường ống hiện hữu Rosneft/Perenco.

Nghi thức khởi động “đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt đến đường ống Nam Côn Sơn 2”

Nghi thức đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt đến đường ống Nam Côn Sơn 2 đã diễn ra với sự chứng kiến của các vị đại biểu, trong niềm hân hoan và tin tưởng, hứa hẹn hoàn thành thắng lợi toàn bộ Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 trong tương lai gần.

15h ngày 30 tháng 7 năm 2019. Tại mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt ở lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, ngay trên bãi Tư Chính - vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, một sự kiện rất quan trọng đã diễn ra.

  • Các giàn khoan đạt hệ số làm việc 99,9%

Đó là Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) lắp đặt chân đế giàn khai thác và giàn xử lý khí SV-CPP nặng 12.500 tấn.

Cùng tham gia lắp đặt với nhà thầu chính là PTSC M&C còn có chủ đầu tư Idemitsu Gas Production (IGP); nhà thầu phụ vận chuyển POS; McDermott; nhà thầu phụ chế tạo bộ chân đế Vietsopetro và nhà thầu phụ hạ thủy ALE...

Khối thượng tầng giàn Sao Vàng được PTSC M&C gấp rút hoàn thiện.

Mặt biển vốn mênh mông là thế bỗng trở nên “chật hẹp” bởi những chiếc cần cẩu khổng lồ có sức nâng trên 5.000 tấn mỗi chiếc, những chiếc sà lan có sức chở hàng chục ngàn tấn và nổi bật trên nền biển xanh thẫm là bộ chân đế giàn khai thác cao 113 mét, nặng 12.500 tấn và bộ cọc đóng chân đế xuống biển 4.000 tấn.

Đây là bộ chân đế lớn nhất từ trước đến nay do chính những người thợ của PVN thiết kế, chế tạo và mang ra lắp đặt.

Trước đó 2 ngày, bộ chân đế được kéo từ cảng của PTSC tại Vũng Tàu ra bãi Tư Chính với quãng đường hơn 350km và hành trình trên biển với vận tốc gần 8km/h.

Một bầu không khí căng thẳng tột độ bao trùm toàn bộ vùng hiện trường và ngay tại trụ sở của PTSC M&C ở Vũng Tàu.

Sự căng thẳng đây không phải là vấn đề kỹ thuật hay thời tiết mà chính là từ phía Trung Quốc. Những ngày này vùng biển bãi Tư Chính có cảm giác như một “thùng thuốc nổ”, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào bởi hành động gây hấn, chèn ép, ngăn cản của hàng chục tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực.

Và hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, công nhân viên của PTSC M&C thực sự là những người lính biển. Công việc của họ là hạ thủy, lắp đặt chân đế giàn khoan cho giàn khai thác khí Sao Vàng - Đại Nguyệt nhưng họ còn là những người tham gia tích cực vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Suốt từ đầu tháng 7, Trung Quốc đưa một lượng lớn tàu chiến, tàu hải cảnh và cả tàu dân binh giả dạng tàu cá xông vào bãi Tư Chính, nơi PVN chuẩn bị đặt chân đế giàn khai thác. Cao điểm có ngày Trung Quốc đưa gần 20 tàu vào khu lô 05-1b.

Trong bối cảnh như vậy, PTSC M&C vẫn quyết tâm hạ đặt giàn chân đế để cho kịp tiến độ khoan của chủ đầu tư IGP.

Chân đế giàn khai thác và giàn xử lý khí SV-CPP nặng 12.500 tấn chuẩn bị hạ thủy.

14h30 phút, khi chuẩn bị phóng chân đế xuống biển sâu hơn trăm mét thì 3 con tàu hải cảnh của Trung Quốc rẽ sóng hùng hổ xông vào. Lệnh báo động được phát ra cho các lực lượng. Còn những người làm công tác hạ đặt chân đế vẫn giữ thái độ bình tĩnh và chuẩn bị phóng giàn với sự thận trọng cao nhất.

Tàu hải cảnh Trung Quốc xông vào cách khu hạ đặt chân đế khoảng 3 hải lý thì dừng lại...

15h, bộ chân đế giàn khoan cao hơn 113 mét, nặng 12.500 tấn được lệnh phóng xuống biển... Một cột nước khổng lồ vọt lên bao trùm tất cả và nhanh chóng chìm trong biển nước xanh thẫm. Nhưng ngay sau đó, bộ chân đế được các cần cẩu cực mạnh kéo dựng lên và đưa vào các vị trí đã định.

Đến 18h thì việc hạ đặt thành công mỹ mãn. Các thông số kỹ thuật được đảm bảo và bộ chân đế được đặt vào đúng vị trí, với sai số chỉ vài ba xăng-ti-mét.

Tin vui được báo về cho lãnh đạo PTSC và PTSC M&C..., một bầu không khí vui mừng và tự hào như vỡ òa. Và lúc ấy, mọi người mới biết cả nước quan tâm đến việc này như thế nào. Do phía chủ đầu tư IGP công bố, cùng với hình ảnh chụp được từ vệ tinh của Mỹ, Nhật, người dân mới biết những người thợ của Công ty PTSC M&C cùng các nhà thầu khác đã làm được một việc tưởng như không thể.

Báo chí và mạng xã hội tràn ngập những lời cảm ơn, chúc mừng và cũng là lần đầu tiên tên tuổi của Công ty PTSC M&C được biết đến nhiều như thế. Mặc dù ở thị trường chế tạo giàn khoan thế giới, PTSC M&C là một tên tuổi lớn, đã chế tạo, lắp đặt 70 giàn khoan, giàn thượng tầng cho nhiều quốc gia...

Ngay ở Việt Nam, hiếm có công trình biển nào lại không có sự tham gia của PTSC M&C. Và trước đây, PTSC M&C đã cực kỳ thành công trong việc chế tạo, lắp đặt giàn khai thác khí Hải Thạch - Mộc Tinh, một công trình trên biển lớn nhất cho tới thời điểm này.

* * *

Đây là mốc công việc quan trọng của Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt được hoàn thành trong năm 2019, ghi nhận sự quyết tâm vượt khó của tập thể Công ty PTSC M&C nói riêng và các đơn vị, nhà thầu trong nước và quốc tế nói chung, cũng như sự quan tâm sâu sát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong công tác triển khai Dự án.

Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt gồm 2 mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt. Giai đoạn 1 bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm (CPP) Sao Vàng đấu nối qua hệ thống ống nội mỏ với các giếng khoan. Khối thượng tầng giàn xử lý trung tâm Sao Vàng (topside) nặng gần 14.000 tấn, phần chân đế (jacket) và cọc (piles) nặng khoảng 17.000 tấn. Tổng thời gian thực hiện dự kiến trong 36 tháng cho giai đoạn 1 và kế hoạch First Gas cho Sao Vàng CPP dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2020.

PTSC M&C đã được chủ đầu tư IGP chấp thuận giao thầu trong vai trò tổng thầu EPCIC cho phạm vi công việc bao gồm thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử ngoài khơi cho dự án phát triển mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt vào tháng 2-2018.

Hiện tại, phần việc còn lại của giai đoạn 1 Dự án bao gồm: Hoàn thành công tác chế tạo và hạ thủy khối thượng tầng (SV-CPP), dự kiến quý 2 năm 2020 sẽ lắp đặt kết cấu khối thượng tầng CPP chiến dịch biển quý 2 năm 2020 và hoàn thành công tác đấu nối chạy thử, sẵn sàng cho dòng khí thương mại đầu tiên vào quý 3 năm 2020.

Mặc dù, vẫn tồn tại những thách thức và khó khăn cho công tác hoàn thiện khối thượng tầng CPP, cũng như chiến dịch lắp đặt biển 2020, tuy nhiên với năng lực và vị thế, cũng như uy tín của PTSC M&C đã được khẳng định ở các dự án cơ khí & dầu khí trước đây, Dự án dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn, kỹ thuật công nghệ cao đã đề ra.

Việc đạt mốc hoàn thành lắp đặt biển chân đế CPP vừa qua chính là thành quả từ sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể PTSC M&C sau khoảng thời gian dài phối hợp hiệu quả cùng chủ đầu tư IGP nhằm tìm ra giải pháp phát triển mỏ tối ưu nhất cho dự án, cũng như giải quyết những vấn đề, thách thức kỹ thuật khó khăn trong quá trình triển khai Dự án.

Và trên hết là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của những người thợ PTSC M&C với công cuộc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, với sự nghiệp xây dựng, phát triển của PVN và của đất nước.

Nguyễn Như Phong

Từ khóa » Tọa độ Mỏ Sao Vàng đại Nguyệt