Việc Xử Lý đối Với Hành Vi Vi Phạm Quy định Về Kiểm Tra, Khám Sức ...

Nghiên cứu - Trao đổiViệc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sựNgày cập nhật 11/03/2020

Sau hơn 6 năm triển khai thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh những quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách chính xác, đúng các nguyên tắc xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì vẫn còn có một số nội dung mà cách hiểu, cách áp dụng chưa được thống nhất hoặc chưa được sự đồng thuận cao trong quá trình xử lý của các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định của pháp luật không rõ ràng, cụ thể, không thống nhất, đồng bộ với các văn bản khác như Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đã gây khó khăn cho việc thực hiện, trong đó có nội dung xử lý vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đi sâu, phân tích, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (Nghị định số 120/2013/NĐ-CP) thì những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:

(i) Những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42 của Nghị định này.

(ii) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

(iii) Công chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

Lưu ý: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là công chức cấp xã đang thi hành công vụ, nhiệm vụ, để đảm bảo phù hợp với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người lập biên bản vi phạm hành chính phải là công chức theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, người lập biên bản vi phạm hành chính phải là các chức danh công chức theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 13/2019/TT-BNV đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao.

Về thẩm quyền xử phạt: Theo quy định tại Mục 9 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thì những người sau đây là những người có thẩm quyền xử phạt:

(i) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

(ii) Thanh tra quốc phòng.

Về chế tài xử phạt:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

Vậy thì trong trường hợp này, các chế tài về hình sự được áp dụng như thế nào?

Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.”

Trong trường hợp này, cơ quan, người có thẩm quyền thường lúng túng, không thống nhất trong cách xử lý. Hiện có 02 cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì phải bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu trên.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì không bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà chỉ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng là tái phạm.

Theo quan điểm của tác giả thì tán thành theo quan điểm thứ hai, vì các lý do sau đây:

Một là, đối chiếu với quy định mang tính liệt kê theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu trên thì về mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ quy định 03 hành vi độc lập (không đăng ký, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện); hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 và được hiểu là độc lập với hành vi “không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự” như quy định tại Khoản 1 Điều 332 Bộ luật hình sự.

Hai là, Khoản 2 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

“Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

Khoản 8 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

“Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.”

Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì việc sau khi công dân đăng ký, Ban Chỉ huy quân sự cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân; Chương 2 của Nghị định quy định về trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuy nhiên, việc gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được đề cập như một bước thủ tục, quy trình của sau việc đăng ký nghĩa vụ quân sự. Như vậy, việc gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện sau khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; là bước trung gian, mang tính độc lập giữa đăng ký nghĩa vụ quân sự và gọi công dân nhập ngũ. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được xem là tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Ba là, Khoản 1 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về cơ sở của trách nhiệm hình sự quy định:

“Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Điều đó cũng có nghĩa là, chỉ được xử lý hình sự những hành vi đã được quy định trong Bộ luật hình sự.

Từ những phân tích như đã nêu trên, cũng có thể thấy rằng quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe mang tính chất tái phạm thiếu tính thống nhất giữa Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật nghĩa vụ quân sự 2015 dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự nói chung và hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự nói riêng, kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

Một là, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ theo hướng nâng mức phạt tiền, tăng khoảng cách giữa các mức phạt đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khoẻ để bảo đảm tính răn đe.

Hai là, về xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe có yếu tố tái phạm, cần sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 332 Bộ luật hình sự theo hướng liệt kê thêm hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe; đồng thời sửa đổi quy định tại Chương 2 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2016 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Ba là, cần sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Điều 332 Bộ luật hình sự, Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự về tội trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, làm cơ sở cho việc xử lý được thống nhất, đúng pháp luật./.

Văn Hóa Gửi tin qua email In ấnCác tin khácChuẩn tiếp cận pháp luật và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện (04/02/2020)BẢN TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, UBND CÁC TỈNH, TP TRỰC THUỘC TW ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP NĂM 2019 (25/12/2019)Trao đổi một số nội dung về kinh phí phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và những kiến nghị, đề xuất (25/07/2019)Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường những bất cập, tồn tại và kiến nghị, đề xuất (24/06/2019)Một số ý kiến góp ý Luật sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (28/05/2019)Một số ý kiến góp ý Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (28/05/2019)Hòa giải ở cơ sở: Một số vấn đề cần hoàn thiện (29/03/2019)Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (04/03/2019)Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) (26/10/2018)Tìm hiểu các quy định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật dân sự năm 2015 (04/09/2018)« Trước123456Sau »
Xem tin theo ngày
Sở Tư Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế 09 Tôn Đức Thắng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 0234. 3849036 Email: stp@thuathienhue.gov.vn Người chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Sở - Trưởng ban biên tập

Từ khóa » Hối Lộ Nvqs