Viêm âm đạo: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị

Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm vùng kín mà hầu như chị em nào cũng từng bị ít nhất một lần. Trong đó, tình trạng viêm phụ khoa do vi khuẩn là phổ biến nhất. Bệnh lý này rất thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 15 – 44.

viem nhiem vung kin
Hầu như phụ nữ nào cũng từng bị viêm nhiễm vùng kín. Bệnh nếu được điều trị đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe

Viêm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm, tiết ra dịch có mùi khó chịu, gây nên tình trạng ngứa và đau, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người phụ nữ.

Tình trạng viêm nhiễm ở vùng kín thường được phân loại theo nguyên nhân gây bệnh (2):

  • Viêm do nấm Candida
  • Viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • Viêm do trùng roi Trichomonas
  • Viêm do lậu (Chlamydia) 
  • Viêm do virus
  • Viêm không lây nhiễm
  • Viêm teo âm đạo

Dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo

Âm đạo của phụ nữ thường tiết dịch có màu trắng trong hoặc hơi đục. Đây là cách âm đạo tự làm sạch các tế bào chết, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng và các vi khuẩn có hại xâm nhập vào âm đạo. Có thể nói, tiết dịch âm đạo là cơ chế làm sạch cơ thể tự nhiên mà ai cũng phải có. 

Dịch tiết âm đạo bình thường (không phải bệnh lý) sẽ không gây cảm giác đau hay ngứa ngáy. Lượng dịch tiết ra cũng khác nhau ở từng thời điểm. Có khi nó chỉ là một lượng nhỏ rất loãng, có lúc tiết nhiều và đặc hơn.

banner tâm anh quận 7 content

Tuy nhiên, sẽ là bất thường khi âm đạo của bạn có các triệu chứng dưới đây, bởi đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm nhiễm vùng kín:

  • Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo: dịch màu vàng hoặc trắng đục, có mùi hôi, ra rất nhiều;
  • Ngứa hoặc kích ứng âm đạo;
  • Đau khi giao hợp;
  • Rát, buốt mỗi lần đi tiểu;
  • Chảy máu âm đạo nhẹ.

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện những triệu chứng trên, nhất là khi:

  • Bạn từng bị nhiễm trùng âm đạo;
  • Bạn đã hoặc đang quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ với nhiều bạn tình, không dùng biện pháp bảo vệ STD khi quan hệ, quan hệ đường miệng hoặc hậu môn… 
  • Bạn đã hoàn thành một đợt điều trị viêm âm đạo bằng thuốc chống nấm men không kê đơn, nhưng các triệu chứng viêm không hết hẳn;
  • Bạn đang bị sốt, ớn lạnh hoặc đau vùng chậu.

Tham khảo: Dấu hiệu viêm phụ khoa nặng

tiết dịch âm đạo bất thường
Tiết dịch âm đạo bất thường cùng với biểu hiện đau vùng chậu, sốt… cho thấy bạn có khả năng bị bệnh phụ khoa

Nguyên nhân gây ra tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm

Một số nguyên nhân gây viêm nhiễm âm đạo có thể bao gồm:

1. Viêm âm đạo do nấm men (Candida)

Nhiễm trùng âm đạo do nấm Candida vùng kín là bệnh lý gây ra bởi một loài nấm men. Không chỉ có môi trường âm đạo, candida còn sống trong miệng và đường tiêu hóa của cả nam và nữ. 

banner-lhts-23112024-mb-2

Việc nấm men hiện diện trong môi trường âm đạo là hết sức bình thường. Vậy, yếu tố nào tác động khiến chúng gây ra hiện tượng nhiễm trùng? Câu trả lời là: hiện tượng nhiễm trùng xảy ra khi số lượng nấm candida tăng lên đáng kể sau một tác động từ bên ngoài.

Ví dụ, một phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và phải sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Những loại thuốc này là thủ phạm tiêu diệt các vi khuẩn “thân thiện” với âm đạo, có nhiệm vụ giữ cho nấm men ở trạng thái cân bằng.

Kết quả là, nấm men phát triển vượt mức bình thường và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Ngoài kháng sinh, những yếu tố có thể làm đảo lộn sự cân bằng này bao gồm mang thai, sự thay đổi nồng độ hormone và bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng dễ nhận biết của viêm âm đạo do nấm men là âm đạo tiết dịch đặc, màu trắng ngà và không có mùi. Ngoài ra, bệnh còn khiến âm đạo cũng như âm hộ ngứa và đỏ, đôi khi sưng tấy cả trước khi bắt đầu tiết dịch. Vùng da trên âm hộ cũng trở nên khô rát, khiến cả khu vực âm đạo bị nóng, buốt mỗi khi đi tiểu.

2. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) là bệnh nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (3). Đây là căn bệnh gây ra bởi sự kết hợp của một số vi khuẩn thường sống trong âm đạo. Tương tự như nấm candida, những vi khuẩn này phát triển quá mức, làm cho sự cân bằng pH âm đạo bị rối loạn và khiến toàn bộ khu vực này viêm nhiễm.

Khi bị âm đạo bị viêm do vi khuẩn, bạn sẽ cảm nhận được dịch âm đạo có mùi bất thường (thường là mùi tanh), loãng và có màu trắng đục. Mùi này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi giao hợp.

Đỏ hoặc ngứa âm đạo không phải là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn, trừ khi người bệnh bị đồng nhiễm BV và nấm men. Thậm chí, một số bệnh nhân còn không có triệu chứng gì cho đến khi đi khám phụ khoa định kỳ. 

BV không phải bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, nhưng nó thường gặp ở những người có hoạt động tình dục đều đặn. Các yếu tố nguy cơ khiến tình trạng viêm do vi khuẩn bùng phát thường là:

  • Giao hợp với nhiều bạn tình
  • Thường xuyên thụt rửa âm đạo
  • Hút thuốc lá

Vì BV là bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn chứ không phải nấm men, cho nên, các loại thuốc để điều trị viêm âm đạo do nấm men hoàn toàn vô tác dụng với BV. Chẳng những vậy, việc dùng thuốc không đúng còn có thể khiến triệu chứng bệnh thêm trầm trọng.

3. Nhiễm trichomonas, chlamydia và viêm do virus

Trichomonas (bệnh lây truyền qua đường tình dục – STD)

Do một sinh vật đơn bào có tên Trichomonas vaginalis gây ra. Khi sinh vật này xâm nhập vào âm đạo, nó sẽ khiến nơi đây tiết ra dịch màu vàng xanh có bọt và có mùi hôi. Ngoài ra, phụ nữ bị viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis còn bị ngứa, đau âm đạo và âm hộ, nóng rát khi đi tiểu, có cảm giác khó chịu ở bụng dưới và đau khi giao hợp. Các triệu chứng này thường nặng hơn sau kỳ kinh nguyệt. 

Loại viêm ở âm đạo này dễ dàng lây lan qua đường tình dục. Thế nên, để việc điều trị viêm phụ khoa đạt hiệu quả cao, cả người bệnh và bạn tình cần phải được chữa trị cùng một lúc. Đồng thời, phải kiêng quan hệ tình dục tuyệt đối trong vòng 7 ngày sau khi khỏi bệnh.

Chlamydia

Là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Thật không may, hầu hết phụ nữ bị nhiễm chlamydia đều không xuất hiện triệu chứng, khiến việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn. Một số người thấy dịch âm đạo tiết ra bất thường, bị chảy máu nhẹ (đặc biệt là sau khi giao hợp do cổ tử cung rất mềm), đau ở vùng bụng dưới và vùng chậu. 

Viêm do Chlamydia thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ (18 – 35 tuổi) có nhiều bạn tình. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng tốt nhất vẫn nên phòng ngừa bệnh bằng cách duy trì đời sống tình dục lành mạnh (có một bạn tình, sử dụng dụng cụ bảo vệ khi giao hợp…). Giống như Trichomonas, viêm do Chlamydia cũng cần phải điều trị cùng lúc ở cả người mắc lẫn bạn tình.

Viêm âm đạo do virus

Virus cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm âm đạo. Loại virus thường gặp nhất là herpes simplex (HSV), gây ra tình trạng nhiễm trùng herpes. Căn bệnh này có khả năng lây lan qua đường tình dục với triệu chứng đau kèm theo các vết loét ở khu vực âm đạo. Có những vết loét nằm bên trong âm đạo, chỉ có thể nhìn thấy khi khám phụ khoa. 

Không chỉ có cơ quan sinh dục, tình trạng viêm “vùng kín” do herpes còn có nguy cơ ảnh hưởng đến miệng – họng nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng miệng.

Tham khảo: Viêm sinh dục là gì?

Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV)

Một nguồn lây nhiễm virus khác ở âm đạo là HPV. Loại virus này gây nên những nốt mụn cóc ở âm đạo, trực tràng, âm hộ hoặc bẹn, khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Chúng thường có màu từ trắng đến xám, đôi khi chuyển sang hồng hoặc tím. Virus HPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh phụ khoa cực kỳ nguy hiểm là ung thư cổ tử cung

Không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy mụn cóc do HPV bằng mắt thường, và virus HPV chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm Pap (một xét nghiệm để tầm soát và chẩn đoán ung thư cổ tử cung). 

4. Viêm âm đạo không lây

Hiện tượng này không hiếm gặp: một phụ nữ có thể bị ngứa, rát, thậm chí tiết dịch âm đạo nhiều nhưng khi thăm khám thì không phát hiện viêm nhiễm vùng kín. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do cơ thể người bệnh phản ứng, dị ứng hoặc kích ứng bởi thuốc xịt, dung dịch thụt rửa âm đạo hoặc tampon, cốc nguyệt san, sản phẩm diệt tinh trùng… Vùng da xung quanh âm đạo cũng có thể nhạy cảm với xà phòng thơm, kem dưỡng da, chất bôi trơn, bột giặt, nước xả vải… Cuối cùng, việc sử dụng các sản phẩm khử mùi, ngăn ngứa bôi ngoài da trong thời gian dài cũng khiến tình trạng viêm âm đạo bùng phát. 

Các triệu chứng của bệnh lý này là âm đạo tiết dịch nhiều, nhầy, có màu từ vàng đến xanh. Bệnh gặp nhiều nhất ở phụ nữ mãn kinh.

hiện tượng viêm âm đạo không lây nhiễm
Tampon và cốc nguyệt san có thể là thủ phạm giấu mặt gây ra hiện tượng viêm không lây nhiễm

5. Viêm teo âm đạo

Viêm teo âm đạo được xem là chứng bệnh của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là một dạng viêm không lây nhiễm do giảm nội tiết tố, với biểu hiện âm đạo trở nên khô hoặc teo. Thủ thuật cắt bỏ buồng trứng, trạng thái cho con bú và sau khi sinh, các loại thuốc như chất ức chế aromatase (sử dụng trong điều trị ung thư vú) hoặc Lupron Depot® (sử dụng trong điều trị lạc nội mạc tử cung) cũng là tác nhân làm sụt giảm đáng kể mức estrogen, gây ra tình trạng teo âm đạo/âm hộ. 

Khi bị viêm teo âm đạo, bạn sẽ cảm thấy đau (nhất là khi quan hệ tình dục), ngứa và nóng rát âm đạo, đôi lúc tiểu rắt và thường xuyên. Bệnh có thể điều trị bằng các loại thuốc uống cũng như thuốc đặt âm đạo.

Các yếu tố rủi ro

Có những yếu tố làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh viêm nhiễm âm đạo, gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố, thường diễn ra khi người phụ nữ mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh/mãn kinh, trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng… 
  • Sinh hoạt tình dục thường xuyên, đặc biệt là giao hợp với nhiều bạn tình, giao hợp không dùng bao cao su bảo vệ.
  • Đang bị một tình trạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh và steroid.
  • Sử dụng chất diệt tinh trùng để tránh thai.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Sử dụng các sản phẩm dành cho vùng kín như dung dịch vệ sinh phụ nữ, xịt âm đạo, chất khử mùi âm đạo… 
  • Thụt rửa âm đạo thường xuyên.
  • Mặc quần lót ẩm ướt hoặc bó sát.
  • Sử dụng dụng cụ tử cung (IUD) để ngừa thai.

Phương pháp chẩn đoán viêm âm đạo

Ngay khi có biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Để chẩn đoán tình trạng “cô bé” của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

  • Xem lại bệnh sử: Bác sĩ hỏi bạn về tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bạn từng mắc.
  • Tiến hành khám phụ khoa: Bác sĩ sử dụng một dụng cụ (mỏ vịt) để xem xét bên trong âm đạo, xem vùng kín của bạn có bị viêm và tiết dịch bất thường không. Bạn lưu ý là tránh sử dụng băng vệ sinh, quan hệ tình dục hoặc thụt rửa trước buổi khám để bác sĩ đánh giá dịch âm đạo một cách chính xác nhất.
  • Thu thập mẫu để tiến hành xét nghiệm: Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ có thể thu thập một mẫu dịch tiết âm đạo hoặc cổ tử cung để làm xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp xác định loại viêm âm đạo mà bạn mắc phải. 
  • Kiểm tra độ pH: Bác sĩ kiểm tra độ pH âm đạo bằng cách sử dụng que thử độ pH hoặc giấy đo độ pH ở khu vực thành âm đạo. Độ pH tăng cao cho thấy bạn có khả năng bị nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng roi trichomonas. Tuy nhiên, cần thêm các xét nghiệm khác trước khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
thu thập mẫu dịch âm đạo xét nghiệm
Bác sĩ thu thập mẫu dịch âm đạo đem đi xét nghiệm để phát hiện sớm tình trạng viêm nhiễm vùng kín

Phương pháp điều trị

Viêm nhiễm âm đạo là bệnh lý do nhiều loại sinh vật và điều kiện khách quan gây ra. Vì thế, mỗi loại viêm âm đạo sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:

  • Viêm do vi khuẩn: Đối với loại viêm âm đạo này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc viên metronidazole dùng đường uống, gel metronidazole hoặc kem bôi clindamycin.
  • Nhiễm trùng nấm men: Bệnh thường được điều trị bằng thuốc bôi hoặc kem chống nấm không kê đơn, chẳng hạn như miconazole, clotrimazole, butoconazole hoặc tioconazole. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng nấm, chẳng hạn như fluconazole. 
  • Nhiễm trùng trichomonas: Thuốc được chỉ định là metronidazole hoặc tinidazole.
  • Viêm teo âm đạo: Estrogen – ở dạng kem, viên hoặc vòng đặt âm đạo – sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này. 
  • Viêm không do nhiễm trùng: Để điều trị bạn cần xác định chính xác tác nhân gây kích ứng để tránh xa nó. Những tác nhân này có thể là dung dịch vệ sinh, bột giặt, nước xả vải, băng vệ sinh, tampon… 

Cách phòng viêm nhiễm “vùng kín”

Để phòng ngừa viêm âm đạo nói riêng và viêm nhiễm vùng kín nói chung, bạn cần thực hiện: 

  • Tránh tắm bồn, nhất là bồn nước nóng và bồn tạo sóng. Thay vì vậy, hãy tắm bằng vòi hoa sen.
  • Xả sạch xà phòng/sữa tắm khỏi vùng kín sau khi tắm. Không sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chẳng hạn như xà phòng có tác dụng khử mùi hoặc kháng khuẩn, gel tắm tẩy tế bào chết dạng hạt… 
  • Luôn giữ vùng kín khô ráo để tránh kích ứng.
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: Việc làm này nhằm tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo.
  • Đừng thụt rửa: Vùng kín của phụ nữ không cần biện pháp làm sạch ngoài việc tắm rửa hàng ngày. Việc thụt rửa nhiều lần chẳng những không có ích gì cho tình trạng nhiễm trùng âm đạo mà còn tiêu diệt các sinh vật có lợi cư trú trong âm đạo, đồng thời làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. (4)
  • Sử dụng bao cao su: Cả bao cao su dành cho nam và nữ đều giúp bạn tránh bị nhiễm trùng lây lan khi quan hệ tình dục.
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton: Nấm men phát triển rất mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vải cotton thoáng mát, thấm hút tốt nên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng cho vùng kín, hạn chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn gây bệnh. 

biện pháp phòng chống viêm âm đạo

Sử dụng bao cao su là biện pháp phòng tránh viêm âm đạo lây qua đường tình dục hữu hiệu

Câu hỏi liên quan

1. Viêm âm đạo có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khi được điều trị đúng cách. Ngược lại, nếu không chữa viêm âm đạo dứt điểm, nhiễm trùng âm đạo có thể lây lan sang các cơ quan vùng chậu khác, gây nên tình trạng viêm vùng chậu (PID). Ngoài ra, phụ nữ có âm đạo bị viêm nhiễm quá lâu sẽ tăng khả năng mắc các bệnh STD, chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu. 

Cuối cùng, có nhiều khả năng bạn sẽ sinh con thiếu tháng nếu nhiễm BV (viêm âm đạo do vi khuẩn) khi đang mang thai. Em bé sinh non thường nhẹ cân, dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe về hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh… ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não sau này.

Tham khảo: Nguyên nhân gây viêm âm đạo khi mang thai

2. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài thì có khả năng mang thai không?

Viêm vùng kín kéo dài, khí hư ra nhiều sẽ làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, cản trở trứng gặp tinh trùng. Thêm vào đó, môi trường âm đạo bị “phá hủy” sẽ trở nên mất cân bằng. Dù tinh trùng có bơi vào được cũng không thể sống ở đây. Do vậy, khả năng mang thai sẽ bị suy giảm nghiêm trọng ở những phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa.

3. Chưa quan hệ tình dục có nguy cơ khiến âm đạo bị viêm không?

Nếu bạn có suy nghĩ bệnh viêm nhiễm âm đạo chỉ tìm đến những phụ nữ đã quan hệ tình dục, hãy thay đổi ngay. Bởi lẽ, ngay cả trẻ em nữ ở độ tuổi dậy thì, chưa từng sinh hoạt tình dục cũng có nguy cơ bị các bệnh phụ khoa, trong đó có viêm âm đạo. Nguyên nhân là do thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách, mặc đồ lót quá chật, sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng, tự ý dùng các loại thuốc đặt âm đạo mà không hỏi ý kiến bác sĩ… 

Xem thêm: Nguyên nhân viêm âm đạo ở trẻ em

4. Quan hệ tình dục khi bị viêm âm đạo có hại không?

Nếu bệnh viêm nhiễm vùng kín của bạn là do các tác nhân lây truyền qua đường tình dục gây ra, cần tuyệt đối kiêng giao hợp trong giai đoạn điều trị bệnh. Quan hệ tình dục trong lúc này chẳng những khiến bạn không thoải mái mà còn làm cho các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể lây bệnh cho bạn tình của mình. 

Đối với những trường hợp viêm không lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men mãn tính (nhiễm nấm candida) hay viêm do vi khuẩn, việc giao hợp không khiến triệu chứng bệnh xấu đi. Cho nên, bạn không cần kiêng quan hệ tình dục nếu được chẩn đoán mắc hai bệnh này.

Điều trị dứt điểm chứng viêm nhiễm âm đạo tại Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh

Quy tụ chuyên gia giàu kinh nghiệm và được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh ra đời với mục tiêu chăm sóc sức khỏe phụ khoa toàn diện cho chị em phụ nữ. Nơi đây cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và điều trị các bệnh phụ khoa, ngoài viêm âm đạo còn có viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn kinh nguyệt, bệnh ở tuyến vú…

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Viêm âm đạo là căn bệnh “khó nói” của chị em phụ nữ. Vì thế, bạn cần chủ động thăm khám khi thấy xuất hiện triệu chứng bệnh, hoặc chủ động khám phụ khoa 6 tháng/lần nhằm phát hiện bệnh sớm và được điều trị dứt điểm.

Từ khóa » Gel Phụ Khoa Tốt Nhất