Viêm Amidan Cấp: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị

Viêm amidan cấp tính khiến amidan sưng đỏ và gây nên những cơn đau rát họng, sốt cao, khó thở,… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng này có thể trở thành viêm mãn tính cũng như dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Vậy viêm amidan cấp là gì, triệu chứng nhận biết? Viêm amidan cấp có nguy hiểm không? Chẩn đoán và điều trị như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu “tất tần tật” trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm amidan cấp là gì?

Amidan thực chất là hạch lympho nằm ở hai bên của vòm họng. Đây là cánh cửa bảo vệ đầu tiên của cổ họng, có nhiệm vụ sản xuất kháng thể chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Khi các hạch này bị viêm đột ngột, gây ra những triệu chứng rầm rộ trong thời gian ngắn được gọi là viêm amidan cấp. Viêm có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên của hạch lympho. Viêm amidan ảnh hưởng tới mọi người, tuy nhiên, phổ biến nhất là ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và người trung niên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm amidan cấp tính

Bạn có thể nhận biết tình trạng bệnh qua một số triệu chứng sau đây:

  • Sốt cao từ 38 – 39 độ C, toàn thân cảm thấy rét run
  • Mệt mỏi 
  • Khó chịu
  • Cổ họng có cảm giác nóng rát, đau khi nuốt, khó nuốt
  • Phải thở bằng miệng, ngáy to hoặc bị ngưng thở khi ngủ
  • Xuất hiện các mảng trắng, mủ và/ hoặc amidan sưng đỏ 
  • Giọng nói biến đổi, mất giọng
  • Hôi miệng
  • Viêm họng

Với trẻ nhỏ, viêm amidan cấp khiến trẻ chảy nước dãi liên tục, bỏ ăn, quấy khóc bất thường vì đau và khó nuốt. Các triệu chứng này đều khởi phát đột ngột, nặng nhưng sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong vòng vài ngày nếu được điều trị đúng.

Sốt cao triệu chứng viêm amidan cấp

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan cấp là gì?

Amidan là phòng tuyến đầu tiên trong hệ thống miễn dịch để cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus. Cũng vì thế mà amidan dễ bị tấn công ồ ạt bởi vi khuẩn, virus dẫn tới bị viêm. Ngoài ra, sau khi bước qua tuổi dậy thì, khả năng miễn dịch của amidan cũng sụt giảm đáng kể. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm amidan cấp tính ở người trưởng thành.

Vi khuẩn và virus là hai nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm amidan cấp tính, trong đó:

  • Virus: có đến 70% trường hợp viêm amidan cấp là do virus gây nên, chúng thường bao gồm adenovirus, virus cúm, enterovirus, parainfluenza, mycoplasma hay virus Epstein-barr (EBV)
  • Vi khuẩn: chiếm từ 15 – 30% nguyên nhân, phổ biến nhất là vi khuẩn streptococcus pyogenes (hay còn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A). Đây cũng là vi khuẩn gây bệnh viêm họng hạt. 

Cũng bởi tác nhân gây bệnh đặc thù nên viêm amidan cấp có thể lây từ người này qua người khác thông qua các giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi, ho; hoặc do dùng chung đồ ăn uống.

Viêm amidan cấp có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm amidan cấp tính có thể tái phát nhiều lần rồi trở thành viêm amidan mãn tính. Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm mô tế bào amidan: tình trạng nhiễm trùng lan sâu vào các mô xung quanh hầu họng.
  • Viêm amidan hốc mủ: được hình thành do tích tụ mủ hoặc áp xe xung quanh amidan. Bệnh gây sốt cao, đau họng dữ dội, chảy nước dãi, khó mở miệng, giọng nói bị bóp nghẹt.   
  • Chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ.

Mặt khác, người bị viêm amidan cấp tính do nhiễm liên cầu khuẩn còn tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn hiếm gặp như:

  • Sốt thấp khớp, một tình trạng viêm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, da và hệ thần kinh
  • Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu
  • Viêm khớp phản ứng sau mô cầu
  • Bệnh ban đỏ

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán bệnh viêm amidan cấp như thế nào? 

Kiểm tra lâm sàng

Để chẩn đoán viêm amidan cấp, đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng như:

  • Nghe nhịp thở người bệnh bằng ống nghe
  • Soi cổ họng, tai, mũi để quan sát dấu hiệu viêm và đánh giá sơ bộ mức độ bệnh.
  • Sờ cổ để kiểm tra các tuyến hạch bạch huyết (amidan) có bị sưng hay không
  • Kiểm tra xem lá lách có bị to không, tình trạng này liên quan đến bạch cầu đơn nhân – cũng gây viêm amidan.

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm

Cần phải ngoáy họng để lấy mẫu bệnh phẩm. Bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc vô trùng, thoa lên amidan nhằm lấy mẫu dịch tiết. Sau đó, họ làm xét nghiệm nhanh tìm kiếm liên cầu.

Nếu dương tính có thể khẳng định ngay viêm amidan cấp là do liên cầu. Tuy nhiên, xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả, nên khi nhận kết quả âm tính, bác sĩ sẽ nuôi cấy dịch họng để tìm kiếm nguyên nhân cụ thể hơn (do liên cầu, vi khuẩn khác hay do virus). Cần thiết có thể làm luôn kháng sinh đồ để có phác đồ điều trị phù hợp.

Đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu, đánh giá công thức máu để góp phần chẩn đoán nguyên nhân viêm amidan cấp cụ thể hơn; hoặc xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác cũng gây triệu chứng tương tự.

Chẩn đoán viêm amidan cấp

Điều trị viêm amidan cấp như thế nào?

Uống kháng sinh khi nguyên nhân là do vi khuẩn

Dùng thuốc kháng sinh là cách thường được áp dụng để điều trị viêm amidan cấp do vi khuẩn liên cầu gây nên. Trong đó, dùng penicillin trong khoảng 10 ngày là phác đồ điều trị viêm amidan cấp phổ biến mà nhiều bác sĩ thường áp dụng. Nếu người bệnh dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ kê một loại kháng sinh khác thay thế, chẳng hạn như macrolid, clindamycin, cephalosporin.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý uống đúng và đủ liều thuốc mà bác sĩ đã chỉ định, kể cả khi thuốc vẫn còn mà các triệu chứng viêm amidan cấp đã thuyên giảm hoặc hết hoàn toàn. Bởi nếu không thực hiện theo đúng phác đồ, vi khuẩn có thể bùng phát trở lại, kháng kháng sinh rất khó điều trị. Đó là chưa kể bỏ kháng sinh tăng nguy cơ sốt thấp khớp và viêm thận do liên cầu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Điều trị viêm amidan cấp do virus

Nếu viêm amidan cấp do virus, bác sĩ sẽ không kê đơn kháng sinh, thay vào đó, họ sẽ hướng dẫn bạn điều trị tại nhà như sau:

  • Nên nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn
  • Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng cũng như ngăn ngừa tình trạng mất nước do sốt
  • Tránh khói thuốc lá và không sử dụng các loại nước súc miệng có thể gây kích ứng cổ họng
  • Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dung dịch NaCl 0.9%
  • Làm ẩm không khí trong nhà hoặc xông hơi cũng là một cách làm giảm cơn đau họng
  • Sử dụng viên ngậm giảm đau họng, paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt nếu cần thiết. Tuy nhiên, triệu chứng sốt nhẹ và không đau họng thì bạn không cần dùng thuốc. 

Phẫu thuật cắt amidan

Đây là cách được dùng để điều trị viêm amidan cấp khi mà dùng thuốc kháng sinh không hiệu quả, viêm amidan mãn tính hoặc thường xuyên tái phát. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc cắt bỏ amidan nếu bệnh viêm amidan cấp tính dẫn đến một số biến chứng nặng như:

  • Khó thở khi ngủ, việc thở bình thường cũng gặp khó khăn
  • Khó nuốt, đặc biệt là thịt, cá, và một số thực phẩm dai khác
  • Amidan hốc mủ không cải thiện khi sử dụng kháng sinh

Phòng ngừa

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm amidan cấp tính

Như đã đề cập ở trên, viêm amidan cấp chủ yếu do virus và vi khuẩn, chúng có thể lây lan. Do đó, một trong những cách ngăn ngừa hiệu quả nhất là giữ gìn vệ sinh thật tốt. Bạn và gia đình nên thực hiện những lời khuyên sau đây:

  • Thường xuyên rửa tay thật sạch bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Hạn chế dùng chung thức ăn, ly uống nước, chai nước hoặc đồ dùng cá nhân 
  • Thay bàn chải đánh răng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm amidan cấp tính
  • Nâng cao hệ miễn dịch bằng việc sinh hoạt và ăn uống điều độ
  • Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng

Ngoài ra, nếu bản thân mình bị viêm amidan cấp, bạn nên phòng tránh lây nhiễm cho những người khác bằng cách:

  • Ở nhà khi bị ốm, sốt cao
  • Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khuỷu tay của mình, vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác có nắp đậy
  • Rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho

Viêm amidan cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở người lớn. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức để hiểu về bệnh cũng như có thể chủ động thăm khám bác sĩ khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Chẩn đoán Bệnh Viêm Amidan