Viêm Amidan Mãn Tính: Tìm Hiểu Về Bệnh Và Cách điều Trị

Viêm amidan mãn tính: Tìm hiểu về bệnh và cách điều trị

Viêm amidan mãn tính: Tìm hiểu về bệnh và cách điều trị

Đặt lịch

Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm kéo dài hoặc tái phát nhiều lần trong năm. Tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể mà amidan có thể viêm quá phát (phát triển to lên) hoặc viêm xơ teo (nhỏ lại).

Viêm amidan mãn tính
Viêm amidan mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị đúng cách.

I. Viêm amidan mãn tính là gì?

Viêm amidan mãn tính là tình trạng nhiễm trùng amidan diễn ra trong thời gian dài. Nếu nhiễm trùng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm có thể hình thành các túi nang nhỏ trong amidan. Các túi này chứa lượng lớn vi khuẩn và sau thời gian nhất định sẽ hình thành sỏi amidan có chứa sulfur (mùi trứng thối đặc trưng), gây hôi miệng.

II. Nguyên nhân gây viêm amidan mãn tính

Amidan là một tổ chức bạch huyết lympho xuất hiện ngay từ khi cơ thể được sinh ra. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp trên, tránh xa các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài vào họng và hầu họng.

Một trong những nguyên nhân gây viêm amidan mãn tính nổi bật là do bệnh viêm amidan cấp tính không được chữa trị kịp thời hoặc không được điều trị đúng. Về lâu dài, bệnh chuyển sang mãn tính. Trên cơ sở đó, vi khuẩn, vi rút gây bệnh tấn công ở những người có sức đề kháng yếu sẽ khiến bệnh thêm tồi tệ hơn. Có rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan mãn tính như rhovovirus, virus herpes, virus Epstein-Barr, cytomegalovirus,…

Ngoài ra, còn có một số loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh điển hình khác như:

  • Xoắn khuẩn gây viêm họng Vincent
  • Liên cầu khuẩn nhóm A (St.pyogenes)
  • Staphylococcus aureus
  • Fusobacterium
  • Neisseria gonorrhoeae
  • Corynebacterium diphtheriae
  • Streptococcus pneumoniae
  • H.influenzae

Xem thêm: Trẻ bị viêm amidan nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?

Những ai thường mắc phải bệnh viêm amidan mãn tính?

Người bệnh viêm amidan nói chung và viêm amidan mãn tính nói riêng thường gặp ở những đối tượng vệ sinh răng, miệng và họng không sạch, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Bên cạnh đó, người có sức đề kháng yếu như người cao tuổi, trẻ em bị còi xương,… thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác. Ngoài ra, có nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh, chẳng hạn như:

  • Người sống ở môi trường, không khí ô nhiễm
  • Bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá
  • Thời tiết thay đổi đột ngột như gió mùa đông bắc tràn về, áp thấp nhiệt đới, mưa,… khiến amidan tái phát lại.

III. Triệu chứng viêm amidan mãn tính

Một trong những triệu chứng đầu tiên người bệnh amidan gặp phải đó là tình trạng đau họng, đau khi nuốt. Kèm theo dấu hiệu này có thể xuất hiện các hạch cổ sưng to, gây đau và có đờm dịch viêm chảy ở phía sau thành họng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị chứng hôi miệng có thể liên quan đến amidan nang hoặc cơ thể mệt mỏi, sốt cao.

Triệu chứng viêm amidan mãn tính
Một trong những triệu chứng nổi bật của viêm amidan mãn tính là đau họng.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần gặp ngay bác sĩ nếu gặp phải những trường hợp sau đây:

  • Sốt hơn 38°C
  • Cổ họng sưng
  • Cơ yếu
  • Cứng cổ

IV. Chẩn đoán viêm amidan mãn tính

1. Chẩn đoán lâm sàng

+ Toàn thân:

Thông thường, triệu chứng chẩn đoán toàn thân thường “nghèo nàn”. Có khi không có bất kỳ biểu hiện nào ngoài những đợt viêm hoặc tái phát có xuất hiện những dấu hiệu giống với amidan cấp tính. Một vài biểu hiện thường gặp như thể trạng gầy yếu, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều hoặc da xanh.

+ Cơ năng:

Người bệnh thường có cảm giác nuốt vướng ở họng, ngay cả khi nuốt nước bọt. Đau như có dị vật trong họng, đôi khi đau lan lên tai. Ngoài ra, hơi thở thường có mùi hôi mặc dù bệnh nhân đã thường xuyên vệ sinh răng miệng. Mặt khác, amidan quá phát sưng to thường khiến người bệnh khó thở, thở khò khè hoặc ngủ ngáy to.

+ Thực thể:

Sau khi quan sát, trên bề mặt amidan thường xuất hiện nhiều hốc và khe. Các hốc và khe này thường chứa nhiều bã đậu và có mủ trắng.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Nếu chẩn đoán dựa vào triệu chứng không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một vài xét nghiệm khác. Cụ thể:

+ Test Vigo – Schmidt:

Là thử công thức bạch cầu trước khi làm nghiệm pháp. Bác sĩ sẽ dùng ngón tay xoa trên bề mặt amidan khoảng 5 phút. Sau đó, thử lại công thức bạch cầu. Nếu số lượng bạch cầu tăng dần lên trong vòng 30 phút và giảm xuống trong vòng 2 giờ rồi trở lại bình thường chứng tỏ amidan của bạn bị viêm.

+ Test Le Mée:

Giúp kiểm tra tình trạng viêm của amidan bằng cách xoa trên bề mặt amidan. Nếu thấy xuất hiện phù nhẹ, đau khớp hoặc nước tiểu có hồng cầu, khả năng bạn bị viêm amidan mãn tính khá cao.

+ Đo tỷ lệ ASLO trong máu: Nếu amidan bình thường không viêm số đo ASLO khoảng 200 đơn vị. Nhưng nếu viêm do liên cầu khuẩn, số đo có thể tăng từ 500 – 1000 đơn vị.

V. Điều trị viêm amidan mãn tính

Amidan mãn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên bệnh tự miễn và làm tổn thương đến bao khớp, cầu thận, van tim,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để chữa viêm amidan mãn tính, bác sĩ thường tiến hành điều trị theo các biện pháp sau:

1. Điều trị bằng phương pháp nội khoa

Để kiểm soát cơn triệu chứng viêm amidan mãn tính, người bệnh nên bổ sung đầu đủ nước. Nước giúp cân bằng chất điện giải trong cơ thể, đồng thời giúp bôi trơn và xoa dịu cơn đau. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng đau nhức, bệnh nhân có thể sử dụng một vài loại thuốc không cần kê toa như ibuprofen, Tylenol hoặc thuốc xịt, viên ngậm họng,…

Thuốc điều trị viêm amidan mãn tính
Để điều trị viêm amidan mãn tính, ngoài dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật.

2. Điều trị bằng ngoại khoa

Cho dù là nguyên nhân nào gây viêm amidan mãn tính, nếu bệnh thường xuyên tái phát và các phương pháp nội khoa không mang lại kết quả, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên cắt bỏ amidan. Đặc biệt, trong trường hợp viêm amidan xuất hiện 5 – 7 lần mỗi năm, việc cắt amidan sẽ giúp làm giảm số lần viêm và lượng thuốc sử dụng trong năm.

+ Trường hợp chỉ định phẫu thuật amidan:

  • Viêm amidan mãn tính tái phát nhiều lần trong năm, từ 5 – 6 lần.
  • Bệnh gây các biến chứng gần nguy hiểm như áp xe quanh amidan, viêm tấy thành bên họng hoặc hạch dưới hàm, viêm xoang, viêm phế quản hoặc viêm tai giữa,… Ngoài ra, amidan mãn tính gây các biến chứng xa, chẳng hạn như viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, viêm màng trong tim, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
  • Viêm amidan mãn tính quá phát gây khó thở.
  • Hội chứng Pickwick sleep, gây khó nuốt hoặc nói, giống như ngậm vật gì đó trong miệng.

+ Chống chỉ định phẫu thuật amidan mãn tính

Trường hợp chống chỉ định tuyệt đối, bao gồm:

  • Người mắc phải các hội chứng liên quan đến máu như rối loạn đông máu hoặc bệnh ưa chảy máu.
  • Bệnh nội khoa như cao huyết áp, suy gan, suy tim hoặc suy thận,…

Chống chỉ định tương đối ở một số đối tượng như:

  • Người bệnh đang có bệnh mãn tính chưa ổn định như viêm gan, đái tháo đường, bệnh giang mai,…
  • Phụ nữ đang trong trường hợp mang thai, cho con bú hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Người quá yếu hoặc quá nhỏ, người cao tuổi (trên 50 tuổi).

VI. Thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý viêm amidan mãn tính?

Một số biện pháp và lối sống sau đây có thể giúp bệnh nhân đối phó với triệu chứng viêm amidan mãn tính:

  • Nghỉ ngơi nhiều: Cách làm này giúp cơ thể tập trung và tái tạo năng lượng mới, tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
  • Uống nhiều nước: Thiếu nước sẽ khiến niêm mạc họng khô, kích thích gây khó chịu. Vì vậy, khi bị viêm amidan mãn tính, bệnh nhân nên uống nhiều nước hơn bình thường để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, nhất là thức uống chứa chất kích thích như cồn, caffein, rượu, soda,…
  • Súc miệng bằng nước muối: Nước muối giúp làm ẩm và ấm niêm mạc họng, giúp xoa dịu cơn đau. Đồng thời, chúng còn giúp tiêu diệt vi khuẩn, vi rút gây bệnh, giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm.
  • Ngoài ra, bệnh nhân nên sử dụng máy làm ẩm để giảm sự kích thích do không khí trong nhà, phòng làm việc. Bên cạnh đó, tốt nhất bạn nên tránh xa các tác nhân gây bệnh như thuốc lá hoặc nơi có khói thuốc.

Viêm amidan mãn tính nếu không sớm phát hiện và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa di chứng, bạn nên điều trị bệnh ngay từ khi viêm amidan cấp khởi phát.

ThuocDanToc.VN không đưa ra bất kỳ lời khuyên cũng như chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm

  • Bệnh viêm amidan có mủ ở người lớn và cách điều trị
  • Viêm Amidan xơ teo là gì? Cách điều trị và phòng ngừa

Từ khóa » Chẩn đoán Viêm Amidan Mạn Tính