Viêm Bàng Quang | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Điều trị viêm bàng quang cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang là cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn. Các trường hợp viêm bàng quang kẽ diễn tiến lâu dài có khả năng dẫn đến viêm bàng quang mãn tính.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc phải nhưng viêm bàng quang xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ.

Các triệu chứng của viêm bàng quang là gì?

Các triệu chứng của viêm bàng quang có thể bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cảm giác buồn tiểu mặc dù đã vừa mới tiểu xong
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi khó chịu
  • Sốt nhẹ nếu có kèm với nhiễm trùng tiểu
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu.
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác chèn ép hoặc căng bàng quang
  • Căng cơ ở bụng hoặc lưng.

Nếu nhiễm trùng bàng quang tiến triển đến thận có thể gây ra các hậu quả cực kì nghiêm trọng. Ngoài các triệu chứng ở trên, các triệu chứng của nhiễm trùng thận bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn, ớn lạnh
  • Đau lưng hoặc đau bên hông
  • Có thể xuất hiện sốt cao hoặc máu trong nước tiểu.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang:

Nguyên nhân có thể gây viêm bàng quang bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
  • Dùng một số loại thuốc
  • Tiếp xúc với bức xạ
  • Sử dụng liên tục, thời gian dài ống thông nước tiểu.
  • Sản phẩm vệ sinh gây kích ứng

Tùy thuộc vào nguyên nhân có thể dẫn đến các loại viêm bàng quang khác nhau:

Viêm bàng quang cấp là trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính tại bàng quang. Viêm bàng quang kẽ (IC) là một trường hợp viêm bàng quang mãn tính hoặc kéo dài ảnh hưởng đến nhiều lớp mô bàng quang.

Cả viêm bàng quang cấp tính và kẽ đều có một loạt các nguyên nhân như:

Viêm bàng quang do vi khuẩn

Viêm bàng quang do vi khuẩn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo hoặc bàng quang và gây nhiễm trùng hoặc khi vi khuẩn trong cơ thể phát triển với tốc độ lớn hơn bình thường

Cần phát hiện và điều trị nhiễm trùng bàng quang. Nếu nhiễm trùng lây lan đến thận có thể gây nên các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Viêm bàng quang do thuốc

Nhiều loại thuốc được thải chủ yếu qua hệ thống tiết niệu. Một số loại thuốc có thể gây kích ứng khiến bàng quang bị viêm.

Ví dụ, các loại thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang.

Viêm bàng quang phóng xạ

Xạ trị được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, nhưng nó cũng có thể phá hủy các tế bào và mô khỏe mạnh. Điều trị bức xạ ở vùng chậu có thể khiến bàng quang bị viêm.

Viêm bàng quang do các yếu tố bên ngoài

Việc sử dụng liên tục một ống thông nước tiểu từ bàng quang có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn và làm tổn thương các mô trong đường tiết niệu. Cả vi khuẩn và các mô bị tổn thương có thể gây viêm.

Viêm bàng quang do các tác nhân hóa học

Một số sản phẩm, dung dịch vệ sinh có thể gây kích ứng bàng quang. Các sản phẩm có thể gây viêm bàng quang bao gồm:

  • Thuốc diệt tinh trùng
  • Sử dụng màng ngăn với chất diệt tinh trùng
  • Thuốc xịt vệ sinh phụ nữ
  • Hóa chất xà phòng từ ​​bồn tắm

Ai có nguy cơ bị viêm bàng quang?

Viêm bàng quang phổ biến hơn ở phụ nữ do niệu đạo ngắn hơn. Tuy nhiên, cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này.

Phụ nữ có thể có nguy cơ cao bị viêm bàng quang nếu:

  • Đang hoạt động tình dục
  • Đang mang thai
  • Sử dụng màng ngăn với chất diệt tinh trùng
  • Đã trải qua thời kỳ mãn kinh
  • Sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân gây kích ứng.

Đàn ông có thể có nguy cơ viêm bàng quang cao hơn nếu có tuyến tiền liệt phì đại do nhịn tiểu thường xuyên

Các yếu tố rủi ro phổ biến đối với cả hai giới bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu hiện tại hoặc gần đây (UTI)
  • Hóa, xạ trị
  • Bệnh tiểu đường, sỏi thận
  • Sử dụng ống thông nước tiểu
  • HIV
  • Chấn thương cột sống
  • Có các thủ thuật can thiệp vào dòng nước tiểu

Chẩn đoán viêm bàng quang

Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây viêm bàng quang và kiểm tra nhiễm trùng đường tiểu.

Nội soi bàng quang, hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang hoặc siêu âm để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Điều trị viêm bàng quang

Thuốc

Kháng sinh là một phương pháp điều trị phổ biến cho viêm bàng quang do vi khuẩn. Viêm bàng quang kẽ cũng có thể được điều trị bằng thuốc tuy nhiên, phụ thuộc vào tác nhân gây ra bệnh mà bác sĩ có chỉ định toa thuốc khác nhau.

Phẫu thuật

Trường hợp không thể điều trị bằng thuốc, hoặc tình trạng viêm mạn tính kéo dài, phẫu thuật có thể là phương án được lựa chọn.

Chăm sóc tại nhà

Phương pháp điều trị chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm bớt sự khó chịu. Các phương pháp phổ biến là:

  • Áp dụng miếng chườm ấm cho bụng hoặc lưng.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt như: mặc quần áo thoải mái, đồ lót thông thoáng, thấm hút mồ hôi, uống nhiều nước, tránh các thực phẩm hay đồ uống nghi ngờ gây kích ứng.

Lời khuyên sau khi hồi phục viêm bàng quang

  • Uống nhiều nước
  • Tránh đồ uống chứa caffein, vì có thể gây kích thích bàng quang
  • Đi tiểu thường xuyên khi vừa cảm thấy mắc tiểu
  • Mặc đồ lót cotton và quần áo rộng
  • Phụ nữ nên lau từ trước ra sau sau khi đi tiêu để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ phân. Ngoài ra, tắm vòi sen thay vì vòi xịt cũng có thể giúp ích. Đảm bảo rửa da nhẹ nhàng ở vùng sinh dục. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục, uống đủ nước. Cuối cùng, tránh bất kỳ sản phẩm, dung dịch vệ sinh gây kích ứng vùng kín.

Xem thêm: Nội soi niệu đạo, bàng quang

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Chèn ép Bàng Quang