Viêm Gan B: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Phòng Ngừa - VNVC

Viêm gan B là căn bệnh “nhiễm trùng thầm lặng” gây ra gánh nặng vô cùng lớn trên toàn cầu. Ước tính hiện nay có đến 300 triệu người đang sống chung với bệnh viêm gan B phải đối mặt với nguy cơ biến chứng nặng nề và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.

viêm gan b

Tuy nhiên, viêm gan B đã có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm chủng vắc xin. Hằng năm vào ngày 28/07, cả thế giới kỷ niệm ngày Viêm gan Thế giới để tôn vinh sinh nhật của Tiến sĩ Baruch Blumberg (1), người đã khám phá ra virus viêm gan B vào năm 1967 và 2 năm sau đó chính ông đã phát triển vắc xin viêm gan B. Ngày Viêm gan Thế giới được tổ chức để tăng cường nhận thức về bệnh viêm gan siêu vi B cũng như tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh và các biến chứng của bệnh lý này gây ra.

BS Bùi Công Sự – Quản lý Y khoa Vùng 3 – Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC: “Viêm gan B có thể gây ra nhiễm trùng mạn tính, làm tăng nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, viêm gan B có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin. Vắc xin viêm gan B thường được tiêm cho trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh 24h và bắt đầu mũi đầu tiên của phác đồ vào 2 tháng tuổi.”

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một trong những loại bệnh gan phổ biến nhất trên toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) tấn công và gây tổn thương đến gan.

Viêm gan B được coi là một loại bệnh dịch thầm lặng, vì hầu hết người bệnh không có triệu chứng khi mới mắc bệnh hoặc mắc bệnh ở dạng mạn tính. Do đó, họ có thể vô tình lây nhiễm virus cho người khác và tiếp tục lan truyền bệnh viêm gan B một cách “vô tình – vô hình”.

Thực trạng nhiễm viêm gan B trên thế giới

Số liệu thống kê của Tổ chức Viêm gan B cho thấy, trên toàn cầu có 2 tỷ người bị nhiễm viêm gan B, tức là trung bình cứ 3 người sẽ có 1 người bị mắc bệnh này. Trong đó, có đến 257 triệu người bị mắc bệnh viêm gan B mạn tính, không thể loại trừ được siêu virus HBV khỏi cơ thế. Cũng theo tổ chức này, mỗi năm có khoảng 700.000 người tử vong do viêm gan B và các biến chứng của căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan B là một vấn đề sức khỏe gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế toàn cầu. Gánh nặng lây nhiễm cao nhất là ở Khu vực Tây Thái Bình Dương và Khu vực Châu Phi, với lần lượt là 116 triệu và 81 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Ở các khu vực khác trên thế giới, có đến 60 triệu người bị nhiễm bệnh ở Đông Địa Trung Hải, 18 triệu người ở Khu vực Đông Nam Á, 14 triệu ở Khu vực Châu Âu và 5 triệu ở Khu vực Châu Mỹ.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm viêm gan B, phần lớn là bệnh mạn tính.

nhiễm virus viêm gan b
Đặc biệt nguy hiểm là nhiều người mắc bệnh viêm gan B không biết mình bị nhiễm bệnh, chỉ có khoảng 10% số người nhiễm bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách

Phân loại viêm gan siêu vi B

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan, nhiễm trùng này có thể cấp tính (ngắn và nặng) hoặc mạn tính (dài hạn).

1. Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là một trạng thái nhiễm trùng ngắn hạn do virus viêm gan B (HBV), kéo dài trong vòng 6 tháng tính từ thời điểm người bệnh tiếp xúc với HBV. Thông thường, người nhiễm viêm gan B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ không điển hình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nghiêm trọng khiến người bệnh cần nhập viện để điều trị.

Nhiều người mắc viêm gan B cấp tính, đặc biệt là ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự loại bỏ virus ra khỏi cơ thể bằng hoạt động của hệ miễn dịch và khỏi hoàn toàn sau vài tháng mà không gây di chứng. Thực tế cho thấy, có tới 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV tự khỏi bệnh (2). Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không thể tiêu diệt virus, viêm gan B cấp tính có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính.

viêm gan b cấp tính
“Viêm gan ác tính” là tình trạng viêm gan cấp tính nặng hiếm gặp, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh và gây suy gan đột ngột

2. Viêm gan B mạn tính

Các cá nhân dương tính với HBV trong hơn 6 tháng kể từ lần xét nghiệm máu đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Điều này cho biết hệ miễn dịch của người bệnh không thể loại bỏ virus viêm gan B và virus vẫn tiếp tục tồn tại trong hệ thống cơ thể của họ, chủ yếu là trong máu và gan. Virus có thể tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài và có thể tồn tại trong máu suốt cuộc đời của người bệnh.

Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến các bệnh gan nghiêm trọng, bao gồm xơ gan và ung thư gan. Tuy không phải tất cả những người mắc bệnh viêm gan B mạn tính đều gặp phải những vấn đề gan nghiêm trọng, nhưng họ có nguy cơ cao hơn so với những người không nhiễm bệnh.

trẻ mắc viêm gan b mạn tính
90% trẻ mới sinh và bé bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm viêm gan B mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) gây ra với khả năng lây lan qua máu, tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác từ người bị nhiễm virus. Virus viêm gan B có một lớp vỏ bên ngoài và một lõi bên trong.

  • Lớp vỏ bên ngoài của virus bao gồm một loại protein bề mặt được gọi là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg).
  • Lõi bên trong của virus là một vỏ protein được gọi là kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAg), chứa DNA của virus viêm gan B và các enzym được sử dụng trong quá trình nhân lên của virus.

Triệu chứng viêm gan B

Dấu hiệu viêm gan B cấp tính

Dấu hiệu của viêm gan B cấp tính có thể gồm chán ăn, đau khớp và cơ, sốt nhẹ hoặc có thể gây đau dạ dày. Thông thường, không phải ai cũng có triệu chứng, nhưng trong trường hợp có, chúng thường xuất hiện sau khoảng 60 – 150 ngày kể từ khi mắc bệnh (3), thời gian trung bình từ khi nhiễm bệnh đến khi triệu chứng xuất hiện là 3 tháng. Một số người có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như buồn nôn, nôn mửa, da và mắt bị vàng hoặc sưng dạ dày.

Biểu hiện viêm gan B mạn tính

Hầu hết người mắc viêm gan B mạn tính không xuất hiện các biểu hiện điển hình trong nhiều năm mắc bệnh. Nếu có triệu chứng xuất hiện, chúng thường giống với những triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Trường hợp người bệnh đã bị nhiễm viêm gan B trong một thời gian dài trước khi bắt đầu có triệu chứng, có khả năng cao đó là dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan hoặc ung thư gan.

Ai dễ mắc viêm gan B?

Mặc dù bất kể ai cũng đều có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, nhưng có một số nhóm người nguy cơ cao, dễ bị nhiễm bệnh hơn. Công việc, lối sống và cả việc sinh ra trong một gia đình có người bị nhiễm viêm gan B đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Dưới đây là một số nhóm người có nguy cơ cao:

  • Người kết hôn hoặc sống cùng với người bị viêm gan B, bao gồm cả người lớn và trẻ em.
  • Người sinh ra ở các nước với đặc điểm dịch tễ có bệnh viêm gan B lưu hành, hoặc có cha mẹ sinh ra ở các nước đó, chẳng hạn như Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu và Trung Đông.
  • Người sống trong hoặc đi đến các nước mà viêm gan B là phổ biến như Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu và Trung Đông.
  • Người trưởng thành và thanh thiếu niên có quan hệ tình dục.
  • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
  • Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan B.
  • Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người có tiếp xúc với máu trong công việc.
  • Bệnh nhân mắc bệnh về thận có thực hiện các phương pháp điều trị chạy thận nhân tạo.
  • Những người đã được truyền máu trước năm 1992 hoặc những người đã nhận máu chưa được sàng lọc đáng tin cậy gần đây.
  • Những người có tiền sử tiêm chích ma túy.
  • Những người có xăm hình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể.
người dễ mắc viêm gan b
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B, thậm chí tỷ lệ mắc bệnh chung là cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm khác

Viêm gan B lây qua đường nào?

Virus viêm gan B có thể lây truyền từ người này sang người khác qua máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Điều này có thể xảy ra thông qua quan hệ tình dục; dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm ma túy khác; tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác từ người bị nhiễm bệnh; lây nhiễm từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang trẻ trong quá trình mang thai hoặc khi sinh hoặc sử dụng thiết bị y tế chưa được khử trùng đúng cách, ví dụ như khi tiêm thuốc, châm cứu, xăm hình hoặc xỏ lỗ tai/cơ thể…

Xem thêm: Viêm gan B lây qua đường nào?

Biến chứng viêm gan siêu vi B

Người mắc bệnh viêm gan siêu vi B dạng mạn tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tình trạng viêm liên quan đến virus viêm gan B có thể gây sẹo gan lan rộng, gọi là xơ gan, có thể làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.
  • Những người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc ung thư gan.
  • Suy gan cấp tính là tình trạng mất chức năng gan. Khi gan bị suy yếu, việc cần thiết phải thực hiện ghép gan để duy trì sự sống.
  • Những người bị viêm gan B mạn tính và hệ thống miễn dịch yếu có thể bị tái phát virus viêm gan B ngay cả khi đã điều trị bằng các phương pháp cần thiết. Khi tái phát, bệnh có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng hoặc gây ra suy gan.
  • Những người bị viêm gan B mạn tính cũng có thể mắc các vấn đề sức khỏe khác như viêm thận hoặc viêm mạch máu.

Xem thêm: Viêm gan b có nguy hiểm không?

Chẩn đoán, xét nghiệm viêm gan B

Viêm gan B có thể được chẩn đoán thông qua chuỗi các xét nghiệm máu bao gồm:

  • HBsAg: Xét nghiệm nhằm phát hiện sự có mặt của kháng nguyên bề mặt viêm gan B trong máu, cho biết cơ thể đã bị nhiễm viêm gan B.
  • HBsAb hoặc anti-HBs: Xét nghiệm nhằm đo lượng kháng thể bề mặt viêm gan B trong máu.
  • HBcAb hoặc anti-HBc: Xét nghiệm nhằm phát hiện sự có mặt của kháng thể lõi viêm gan B trong máu.
  • HBeAg: Xét nghiệm nhằm xác định sự có mặt của kháng nguyên vỏ virus viêm gan B trong máu.

Ngoài ra, viêm gan B có thể chẩn đoán thông qua các phương pháp khác như:

  • Siêu âm gan: Được thực hiện bằng cách đo độ đàn hồi của gan nhằm xác định mức độ tổn thương gan.
  • Sinh thiết gan: Được thực hiện bằng cách đâm một cây kim mỏng xuyên qua da vào gan để lấy một mẫu mô gan nhỏ để phân tích trong phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra tổn thương gan.
chẩn đoán viêm gan b
Những người khỏi bệnh một cách tự nhiên sau khi nhiễm bệnh sẽ có kết quả xét nghiệm âm tính với HBsAg và âm tính với HBV DNA khoảng 15 tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng

Điều trị viêm gan B

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm gan B cấp tính, không nhất thiết phải điều trị, vì không có phương pháp nào có thể loại trừ hoàn toàn viêm gan B cấp tính. Thông thường, hầu hết người lớn bị nhiễm bệnh sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước và theo dõi diễn biến của cơ thể. Nếu trạng thái nặng, bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc kháng virus hoặc được nằm viện để ngăn ngừa biến chứng.

Đối với viêm gan B mạn tính, quyết định áp dụng phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một số phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

  • Sử dụng các loại thuốc kháng virus như entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread), lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera) và telbivudine để chống lại virus và làm chậm quá trình gây tổn thương gan do virus gây ra.
  • Tiêm Interferon Alfa-2b: Đây là một chất nhân tạo được sản xuất để chống nhiễm trùng và có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Trong trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng, ghép gan có thể là một phương pháp điều trị cần thiết, gan bị tổn thương sẽ được loại bỏ và được thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh từ nguồn gan từ người khác.

Phòng ngừa viêm gan B

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất hiện nay là chủng ngừa đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng bệnh viêm gan B theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vắc xin viêm gan B được khuyến nghị cho tất cả các trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ. CDC cũng khuyến nghị rằng người lớn thuộc các nhóm có nguy cơ cao nên được tiêm phòng.

Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC hiện đang có đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho cả trẻ em và người lớn với số lượng lớn, được bảo quản nghiêm ngặt ở điều kiện tối ưu với dây chuyền lạnh (Cold Chain) và hệ thống kho lạnh hiện đại, quy mô lớn đạt chuẩn GSP (Good Storage Practice) trên toàn quốc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng vắc xin an toàn cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc.

Ngoài ra, dựa vào những đường lây truyền của viêm gan siêu vi B, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa khác nên được phối hợp thực hiện song song với việc chủng ngừa bệnh như sau:

  • Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn;
  • Đảm bảo tiếp xúc an toàn tuyệt đối với kim (xăm, xỏ khuyên, châm cứu, chích,…);
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của người khác;
  • Tránh sử dụng chung các vật sắc nhọn như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, bông tai hoặc nhẫn trên cơ thể…
tiêm phòng viêm gan b cho trẻ
Vắc xin viêm gan B còn được gọi là “vắc xin chống ung thư” đầu tiên trên thế giới với khả năng giúp ngăn chặn viêm gan B – nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư gan trên toàn cầu

Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng biện pháp chủng ngừa vắc xin. Theo Tổ chức Viêm gan B (Hepatitis B Foundation), Vắc xin viêm gan B được chứng mình là vắc xin an toàn và hiệu quả, được khuyến nghị chủng ngừa cho trẻ sơ sinh, trẻ em người lớn, người mắc các bệnh mạn tính được chỉ định tiêm chủng và những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do công việc, lối sống, hoàn cảnh sống hoặc quốc gia mà họ sinh sống. Vì mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh, nên việc tiêm vắc xin viêm gan B để bảo vệ khỏi bệnh gan mãn tính suốt đời được coi là rất quan trọng.

Từ khóa » Các Triệu Chứng Viêm Gan Siêu Vi B