Viêm Gân Chóp Xoay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng ... - Tâm Anh Hospital
Có thể bạn quan tâm
Khi bị đau quanh khớp vai, nhiều người chủ quan không điều trị vì nghĩ rằng chờ một thời gian sẽ khỏi. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh tiến triển nặng, người bệnh nhập viện trong tình trạng không thể cử động hoặc khi cử động sẽ rất đau vai do hội chứng viêm gân chóp xoay. Vậy bệnh viêm chóp xoay vai phải và trái khởi phát do đâu và phương pháp điều trị như thế nào?
Khớp vai là một khớp hình cầu, cấu tạo gồm xương cánh tay, xương vai và xương đòn. Chỏm xương cánh tay nối liền với ổ chảo của xương vai, được bao bọc bởi hệ thống dây chằng và bao khớp. Trong khớp chứa dịch khớp giúp khớp di chuyển dễ dàng.
Chỏm xương cánh tay được giữ vững trong ổ chảo xương vai nhờ có chóp xoay. Chóp xoay khớp vai (Rotator Cuff) được cấu tạo bởi một nhóm gân cơ cánh tay và cơ vai bám vào trên đầu xương cánh tay, giữa chóp xoay và mỏm cùng của xương vai là túi hoạt dịch. Chính cấu tạo này đã giúp các gân cơ chóp xoay di chuyển dễ dàng, và khớp vai trở thành khớp có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể. (1)
Viêm gân chóp xoay là gì?
Viêm gân chóp xoay (tiếng Anh là Rotator Cuff Tendinitis) là tình trạng các gân cơ chóp xoay bị viêm, có thể kèm theo sự lắng đọng canxi ở gân, kích thích gây đau. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên do thoái hóa khớp, chấn thương ở những người trẻ tuổi hoặc các chấn thương nhỏ tác động lên các sợi gân và cơ khớp vai.
Thống kê số liệu thực tế tại Việt Nam, khoảng 2% dân số mắc hội chứng viêm chóp xoay vai, chiếm 12,5% trong tổng số người mắc bệnh cơ xương khớp. Khớp vai là khớp hoạt động nhiều nhất trong các loại khớp nên chóp xoay (chóp quay) rất dễ bị tổn thương. Một số các chấn thương khác thường gặp ở vị trí này là:
- Viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai: Túi hoạt dịch bị viêm dày gây đau;
- Chèn ép dưới mỏm cùng vai: Khoang dưới mỏm cùng vai bị hẹp, khi người bệnh đưa tay lên cao, mỏm cùng vai sẽ chèn ép vào gân cơ chóp xoay và túi hoạt dịch, gây ra triệu chứng đau;
- Rách gân: Gồm nhiều mức độ, do té ngã, tai nạn hoặc việc chèn ép gân, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân gây viêm gân cơ chóp xoay vai
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương ở gân cơ chóp xoay, bao gồm thoái hóa gân, thiếu máu nuôi gân hoặc sử dụng khớp vai quá mức. Bên cạnh đó, chấn thương nhẹ vùng vai cũng có thể gây ra tình trạng viêm, như chống tay khi té ngã hoặc ngã đè lên tay gây đụng dập hoặc rách gân cơ chóp xoay; nâng đồ vật nặng hoặc đưa tay lên quá đầu không đúng tư thế; tổn thương tái phát, lặp đi lặp lại gân cơ dẫn đến viêm, rách,… Đôi khi viêm gân ở cơ chóp xoay vai không tìm được lý do cụ thể.
Ai có nguy cơ mắc viêm gân quay cơ khớp vai?
Viêm chóp xoay vai phải/trái có thể gặp ở tuổi trung niên và cả những người trẻ. Bác sĩ Mỹ Linh cho biết, chóp xoay vai có nguy cơ cao bị tổn thương ở một số đối tượng như:
- Người lớn tuổi, đặc biệt là trên 40 tuổi;
- Những người thường xuyên hoạt động cánh tay, nhất là di chuyển cánh tay quá nhiều lần như thợ mộc, thợ sơn, hoặc chơi các môn thể thao như bóng chày, cầu lông…
- Tiền sử gia đình có người bị chấn thương từ trước.
Triệu chứng viêm chóp xoay vai thường gặp
Các dấu hiệu ban đầu của viêm gân cơ quay thường nhẹ khiến người bệnh chủ quan, chưa điều trị. Cụ thể:
- Đau ở mức độ nhẹ khi hoạt động lẫn nghỉ ngơi;
- Sưng và đau ở phía trước trên khớp vai;
- Đau lan từ phía trước khớp vai xuống mặt ngoài cánh tay;
- Đau đột ngột khi chạm vùng vai hoặc nâng cánh tay;
- Xuất hiện âm thanh “lách tách” khi hoạt động khớp vai.
Khi không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn. Lúc này người bệnh gặp các triệu chứng gồm:
- Cơn đau xuất hiện về đêm khiến người bệnh mất ngủ do đau hoặc khó chịu cần thay đổi tư thế liên tục;
- Yếu cơ, giảm tầm vận động khớp vai;
- Gặp khó khăn, bất tiện khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như chải tóc, mặc quần áo…;
- Thậm chí, một số trường hợp người bệnh cảm thấy rất đau, vai không thể cử động được.
Biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, thói quen hoặc nghề nghiệp của người bệnh, chóp xoay bị viêm có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Gây viêm gân mãn tính;
- Cứng khớp, hạn chế tầm vận động;
- Giảm sức mạnh và sự linh hoạt các cơ vai, cánh tay, ngực và lưng;
- Khó ngủ, mất ngủ… lâu dài dẫn đến các bệnh về thần kinh.
Chẩn đoán viêm gân chóp xoay như thế nào?
Khi có dấu hiệu khớp quay bị viêm, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe. Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện một số nghiệm pháp đặc biệt nhằm phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương vùng chóp xoay.
Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ MRI… để xác định mức độ tổn thương có thể chỉ là viêm hoặc đã có tổn thương thực thể như rách chóp xoay…để đưa ra phương án điều trị tốt nhất. (2)
Các kỹ thuật thường được chỉ định trong chẩn đoán bằng hình ảnh gồm:
- X-quang: Phát hiện các gai xương nhỏ và vôi hóa trong gân;
- Siêu âm: Cho kết quả rõ nét về cấu trúc, đặc biệt là các phần mô mềm như gân, cơ;
- MRI: Kiểm tra tình trạng viêm, tụ dịch hoặc các tổn thương như rách gân, thoái hóa gân.
Các phương pháp điều trị viêm gân chóp xoay vai
“Trường hợp người bệnh mắc chứng viêm gân cơ chóp xoay vùng vai có thể điều trị tùy theo mức độ bệnh, độ tuổi và nhu cầu vận động của người bệnh mà bác sĩ chỉ định phương pháp và mức độ điều trị khác nhau. Phương pháp chữa trị thường là kết hợp nghỉ ngơi với dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, tập vật lý trị liệu hoặc tiêm corticoid vào khớp. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh cần đến sự can thiệp của phẫu thuật mới có thể điều trị triệt để”, bác sĩ Mỹ Linh cho biết.
1. Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Đa số trường hợp tình trạng viêm được chỉ định điều trị không can thiệp phẫu thuật trước tiên, chỉ khi phương pháp này không đạt hiệu quả mới cân nhắc đến việc điều trị bằng phẫu thuật. Thời gian điều trị không phẫu thuật có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, cụ thể gồm:
- Nghỉ ngơi: Người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động giơ tay cao quá đầu, thay đổi công việc hiện tại nếu gây ảnh hưởng xấu đến bệnh;
- Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không Steroid giúp giảm đau, giảm sưng khớp vai. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng phụ là gây đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa nên phải được sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ;
- Tập vật lý trị liệu: Tập luyện các bài tập phù hợp giúp khôi phục tầm vận động, tăng cường sức mạnh cho khớp vai;
- Tiêm corticoid: Corticoid được biết là một loại thuốc có tính kháng viêm mạnh, tiêm vào khớp vai giúp chống viêm tại chỗ nhưng cũng có thể gây tác dụng không mong muốn. Việc tiêm corticoid vào khớp cần được thực hiện cẩn thận trong môi trường vô trùng bởi bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm vì nếu để nhiễm trùng, tràn máu vào ổ khớp có thể gây ra những biến chứng đáng tiếc thậm chí làm mất chức năng khớp vai vĩnh viễn.
- Phương pháp điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu: Phương pháp này được ứng dụng khá rộng rãi, đem đến kết quả tốt cho nhiều trường hợp viêm gân cơ chóp xoay vai phải/trái. Huyết tương giàu tiểu cầu được chiết xuất từ chính máu của người bệnh, dựa trên chức năng của tiểu cầu là khả năng giải phóng các yếu tố tăng trưởng, các phân tử sinh học, kích thích tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của mô tế bào. Phương pháp này được đánh giá an toàn khá cao do lấy máu tự thân, loại trừ khả năng lây nhiễm bệnh, không dị ứng, tránh được nguy cơ không tương thích. Bên cạnh đó, phương pháp này còn kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương, tái tạo và tăng hồi phục chức năng vận động của khớp vai, rút ngắn thời gian phục hồi, giúp người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
2. Điều trị bằng phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không đem lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện điều trị viêm chóp xoay bằng phẫu thuật. Mục đích của các phương pháp phẫu thuật này là làm rộng khoang dưới mỏm cùng vai, bác sĩ sẽ tiến hành lấy bó túi hoạt dịch viêm, tạo hình mỏm cùng vai. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật giải chèn ép, được thực hiện thông qua mổ hở hoặc nội soi khớp vai. (3)
- Nội soi khớp vai: Sử dụng các dụng cụ chuyên biệt, thông qua các đường mổ chỉ vài milimet để thăm khám, đánh giá các thương tổn bên trong khớp vai. Sau đó, bác sĩ tiến hành lấy bỏ túi hoạt dịch, mài bỏ gai xương. Các thương tổn khác như viêm gân cơ nhị đầu, rách một phần chóp xoay, rách sụn viền,… cũng sẽ được khắc phục thông qua phẫu thuật này.
- Mổ hở khớp vai: Bác sĩ sẽ rạch mở một đường mổ phía trước khớp vai để xử lý các thương tổn một cách trực tiếp.
Hầu hết các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật cần 2-4 tháng để bình phục. Ở những tuần đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh sẽ đeo một chiếc địu nhằm giảm áp lực và căng thẳng cho khớp vai. Khi vai hết đau, người bệnh có thể thực hiện bài tập co duỗi và các bài tập khác theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa viêm gân chóp xoay bằng cách nào?
Bác sĩ Mỹ Linh khuyến cáo, để phòng ngừa, người bệnh nên tránh hoặc hạn chế các hoạt động gây áp lực lên vai. Những người chơi thể thao hoạt động vai thường xuyên cần thực hiện đúng kỹ thuật, tránh tập luyện sai tư thế dẫn đến thương tổn khớp vai.
Viêm chóp xoay vùng vai nói riêng và các bệnh lý, chấn thương cơ xương khớp nói chung nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm mất khả năng vận động, thậm chí gây tàn phế, chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm một cách trầm trọng.
Tiên phong trong việc cập nhật và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất điều trị các bệnh lý/chấn thương cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hàng đầu thế giới như máy X-quang thế hệ mới, máy chụp CT 128 dãy, máy cộng hưởng từ hạt nhân MRI, máy nội soi công nghệ 3D độ phân giải cao, hệ thống phẫu thuật robot Artis Pheno (Siemens)…
Bên cạnh đó, BVĐK Tâm Anh hội tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm đã thực hiện thành công hàng trăm ca phẫu thuật điều trị bệnh lý, chấn thương xương khớp từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, BVĐK Tâm Anh là đơn vị thực hiện thành công ca phẫu thuật thay xương bả vai nhân tạo cho bệnh nhi u xương nhỏ tuổi nhất Việt Nam.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp – Y học thể thao BVĐK Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Trên đây là tất cả các thông tin bạn cần biết về hội chứng viêm gân chóp xoay. Mọi thông tin, kiến thức về các chấn thương trong sinh hoạt thường ngày hay chơi thể thao sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật tại đây.
Từ khóa » Gân Cơ Chóp Xoay
-
Rách Gân Cơ Chóp Xoay- Bệnh Lý đau Vùng Vai Không Thể Xem Thường
-
Rách Cơ Chóp Xoay Vai: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị
-
Viêm Gân Chóp Xoay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Chấn Thương Chóp Xoay/Viêm Bao Hoạt Dịch Dưới Mỏm Cùng Vài
-
Hội Chứng Chóp Xoay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều ...
-
Rách Cơ Chóp Xoay: Cách điều Trị Và Phòng Ngừa | Medlatec
-
Viêm Gân Chóp Xoay Vai | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Rách Chóp Xoay Là Gì? - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
Bệnh Lý Chóp Xoay Khớp Vai – Nỗi Lo Của Người Cao Tuổi
-
Hội Chứng Chóp Xoay Vai - Bệnh Viện Đại Học Y Dược
-
Viêm, Rách Chóp Xoay – Nguyên Nhân Gây đau Vai ở Người Lớn Tuổi
-
Cẩn Thận Kẻo Rách Gân Cơ Chóp Xoay Khớp Vai!
-
Viêm Gân Cơ Chóp Xoay Vai | TCI Hospital - Bệnh Viện Thu Cúc