Viêm Hạch Mạc Treo: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị Bệnh

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về viêm hạch mạc treo
  • Những nguyên nhân gây viêm hạch mạc treo
  • Những triệu chứng của viêm hạch mạc treo
  • Khi nào cần gặp bác sĩ?
  • Chẩn đoán bệnh như thế nào?
  • Điều trị bệnh viêm hạch mạc treo
  • Biến chứng có liên quan đến tình trạng hạch mạc treo ruột bị viêm
  • Phòng bệnh

Viêm hạch mạc treo là một trong những hình thái viêm không phổ biến. Tuy nhiên, một khi đã mắc bệnh này thì sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Điển hình nhất là các triệu chứng về tiêu hóa. Vậy thì bệnh lý này xảy ra do nguyên nhân nào? Triệu chứng của bệnh là gì? Có phương pháp nào điều trị triệt để hay không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang.

Tổng quan về viêm hạch mạc treo

Viêm hạch bạch huyết là tình trạng các hạch bạch huyết của một người bị viêm nhiễm. Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết trong màng kết nối ruột với thành bụng (mạc treo). Khi ấy, bệnh lý này được gọi là viêm hạch mạc treo.

 Viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo

Các hạch bạch huyết này nằm trong số hàng trăm hạch có tác dụng giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm. Chúng bắt và tiêu diệt những kẻ tấn công siêu nhỏ như vi rút hoặc vi khuẩn. Hạch mạc treo bị viêm thường gây ra triệu chứng đau bụng. Bệnh lý này phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó thường ít xảy ra ở những người trên 20 tuổi.

Những nguyên nhân gây viêm hạch mạc treo

Hạch mạc treo bị viêm thường do nguyên nhân phổ biến nhất là tình trạng nhiễm trùng.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dạ dày, tải ngay ứng dụng YouMed.

1. Một số bệnh ung thư có thể làm cho hạch bạch huyết mạc treo ruột bị viêm

  • Lymphoma.
  • Ung thư vú.
  • U ác tính ở phổi.
  • Ung thư tuyến tụy.
  • Ung thư dạ dày, ruột non, ruột già, thực quản,…
 Ung thư tụy
Ung thư tụy

2. Các bệnh lý nhiễm trùng có thể gây viêm hạch mạc treo

  • Viêm dạ dày ruột. Bệnh lý này có thể là do nhiễm virus như rotavirus hoặc norovirus. Nó cũng có thể là do nhiễm vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu hoặc liên cầu. Viêm dạ dày ruột thường bị gọi nhầm tên là bệnh cúm dạ dày.
  • Yersinia enterocolitica. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng hạch mạc treo viêm xảy ra ở trẻ em. Vi khuẩn này có thể gây viêm dạ dày ruột và các vấn đề liên quan. Nó có thể giống bệnh Crohn hoặc viêm ruột thừa cấp tính.
 Viêm dạ dày ruột do Rotavirus
Viêm dạ dày ruột do Rotavirus

3. Các bệnh nhiễm trùng khác ít phổ biến làm cho hạch mạc treo bị viêm

  • Nhiễm trùng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến HIV. Đây là loại vi rút có thể dẫn đến bệnh AIDS.
  • Bệnh lao. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường tấn công phổi. Nhưng nó cũng có thể tấn công các bộ phận khác của cơ thể, trong đó có cả hạch mạc treo.
  • Viêm hồi tràng cấp tính giai đoạn cuối. Đây là tình trạng viêm phần cuối của ruột non. Nó có thể là do một loại vi khuẩn hoặc bệnh Crohn.
 Bệnh Crohn
Bệnh Crohn

4. Các bệnh lý viêm nhiễm có thể ảnh hưởng và dẫn đến hạch mạc treo bị viêm

  • Viêm ruột thừa, viêm manh tràng.
  • Các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
  • Các bệnh mô liên kết như lupus, xơ cứng hoặc viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm túi thừa, viêm niêm mạc ruột già.
  • Viêm tụy, áp xe tụy,…
 Viêm túi thừa
Viêm túi thừa

Những triệu chứng của viêm hạch mạc treo

Với viêm hạch mạc treo, nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể xảy ra ngay trước khi xuất hiện các triệu chứng khác. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như hom đau họng. Các triệu chứng phổ biến của hạch mạc treo bị viêm là:

  • Căng hoặc đau, thường ở khu vực trung tâm hoặc phía dưới bên phải của bụng
  • Sốt cao.
  • Hạch mạc treo bị viêm thường gây ra các triệu chứng ở vùng bụng dưới bên phải. Vì vậy, mọi người thường nhầm với bệnh viêm ruột thừa.

Bạn cũng có thể có các dấu hiệu và triệu chứng khác. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm. Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:

  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Ăn mất ngon, chán ăn.
  • Cảm thấy thiếu năng lượng.
  • Tăng số lượng bạch cầu trong máu.
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau bụng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, và khó có thể biết được khi nào cần chăm sóc y tế. Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu con bạn xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Có các cơn đau bụng đột ngột, dữ dội.
  • Triệu chứng sốt cao đi kèm với đau bụng.
  • Đau bụng kèm theo tiêu chảy hoặc nôn mửa nhiều, liên tục.

Ngoài ra, hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu con bạn có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây mà không thuyên giảm trong một thời gian ngắn:

  • Thay đổi thói quen đi tiêu và xuất hiện triệu chứng đau bụng.
  • Đau bụng và chán ăn.
  • Giấc ngủ bị cản trở do cơn đau bụng dữ dội.

Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và khai thác tiền sử bệnh của người bệnh để tìm hiểu những vấn đề sức khỏe khác mà họ đã mắc phải. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm cần thiết. Ví dụ như xét nghiệm máu có thể xác nhận nhiễm trùng và xác định loại bệnh đó.

Do có một số lượng lớn các hạch bạch huyết ở cùng khu vực với ruột thừa (vùng bụng dưới bên phải). Vì vậy, các triệu chứng của viêm hạch mạc treo tương tự như của viêm ruột thừa (ruột thừa bị viêm). Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp CT. Mục đích là để loại trừ viêm ruột thừa, đây là một trường hợp cấp cứu y tế.

 Siêu âm bụng tổng quát
Siêu âm bụng tổng quát

Một điều cần lưu ý: Nếu nghi ngờ bạn có thể mang thai thì xét nghiệm kiểm tra có thai là cần thiết. Vì tình trạng nguy hiểm như thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng này có thể gây ra những triệu chứng tương tự như viêm hạch mạc treo.

Điều trị bệnh viêm hạch mạc treo

Các trường hợp nhẹ, không biến chứng của viêm hạch mạc treo ruột và những trường hợp do vi-rút gây ra. Vì vậy, bệnh thường tự khỏi, mặc dù có thể mất bốn tuần hoặc hơn để hồi phục hoàn toàn. Để điều trị sốt hoặc đau, hãy cân nhắc cho người bệnh dùng thuốc giảm đau và sốt không kê đơn. Đặc biệt là thuốc cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Những thuốc này được xem như một biện pháp thay thế an toàn hơn cho Aspirin.

 Thuốc hạ sốt Ibuprofen
Thuốc hạ sốt Ibuprofen

Thận trọng khi cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng Aspirin. Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không nên dùng Aspirin. Tình trạng này là do aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở trẻ em. Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn cho trường hợp nhiễm vi khuẩn từ trung bình đến nặng.

Một số phương pháp khác giúp kiểm soát các triệu chứng của viêm hạch mạc treo bao gồm:

  • Nghỉ ngơi.
  • Uống nước để bù nước sau khi nôn mửa và tiêu chảy.
  • Chườm nóng vùng bụng.

Biến chứng có liên quan đến tình trạng hạch mạc treo ruột bị viêm

Nhiễm trùng đường hô hấp trên đôi khi phát triển ở những người bị viêm hạch mạc treo. Các bác sĩ thường điều trị những bệnh nhiễm trùng này bằng thuốc kháng sinh.

Phòng bệnh

Chúng ta có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm hạch mạc treo do nhiễm trùng bằng cách:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Ăn chín, uống chín, đặc biệt là trong mùa dịch, mùa lũ.
  • Tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh như: Lao, nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm phổi,…
  • Giữ khu vực chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút và vi khuẩn.

Một số loại vắc xin có thể phòng được những bệnh lý viêm nhiễm đường tiêu hóa. Từ đó giúp chúng ta hạn chế phần nào nguy cơ bị nhiễm trùng hạch mạc treo. Những văc xin phổ biến nhất bao gồm:

  • Văc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Hiện ở Việt Nam có 03 loại văc xin đó là: Rotavin M1 (Việt Nam), Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ).
  • Văc xin phòng bệnh tiêu chảy do phẩy khuẩn tả: mORCVAX do Việt Nam sản xuất. Đây là một loại văc xin uống.
  • Văc xin phòng bệnh thương hàn: Typhoid VI (Việt Nam) và Typhim VI (Pháp).
vacxin mocrvax
Vắc xin mORCVAX

Viêm hạch mạc treo ruột tuy không phổ biến những có thể gây ra những triệu chứng nặng nề. Vì vậy, đối với bệnh lý này, chúng ta không nên chủ quan. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ mắc bệnh, bạn nên đi khám ngay. Duy trì lối sống sạch sẽ kết hợp với tiêm ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Từ khóa » Viêm Hạch ổ Bụng ở Trẻ Em