Viêm Họng Cấp ở Trẻ Vào Mùa Hè - Nguyên Nhân, Cách Phòng Ngừa ...

1. Bệnh viêm họng cấp vào mùa hè - nguyên nhân do đâu?

viêm họng cấp tính là tình trạng niêm mạc họng bị sưng nề một cách nhanh chóng do vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc tác động từ môi trường. Trong đó, các yếu tố sau được xem là thuận lợi để bệnh xuất hiện:

- Nóng - lạnh đột ngột

Họng là cửa ngõ dẫn không khí vào phổi, đưa thức ăn và nước uống đến thực quản. Mùa hè thời tiết nắng nóng khiến nhiều bố mẹ hay cho trẻ ăn kem, uống nước lạnh,... Thói quen này vô hình chung khiến cho lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng bị khô đi sinh ra hiện tượng bỏng lạnh, làm cổ họng tổn thương và khô rát nên tạo cơ hội thuận lợi cho các vi sinh vật có hại tấn công vào cơ thể sinh ra viêm họng cấp.

Ngoài ra, trong mùa hè, không ít người cũng muốn tìm những nơi mát mẻ để nghỉ ngơi như trung tâm thương mại, siêu thị,... Việc đi từ nơi nóng đến nghỉ ngơi tại nơi mát sau đó lại quay lại môi trường nóng sẽ tạo ra sự chênh lệch, thay đổi nhiệt độ đột ngột, mồ hôi không thoát ra được. Hệ lụy sinh ra từ đó là sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dễ dàng mắc phải.

viêm họng

Ở lâu trong phòng điều hòa có thể khiến trẻ bị viêm họng cấp vào mùa hè

- Dùng điều hòa trong thời gian dài

Do nóng bức mà ngày càng có nhiều gia đình sử dụng điều hòa để làm mát trong những ngày hè. Để trốn nóng, nhiều cha mẹ sẵn sàng để cho con ngồi điều hòa cả ngày mà không biết rằng nhiệt độ thấp và không khí khô trong phòng điều hòa có thể làm hại cổ họng. Mặt khác, do đặc điểm không gian phòng điều hòa phải kín nên nó làm gia tăng, khiến vi khuẩn trong không khí dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp và gây ra viêm họng.

- Quạt thổi thẳng vào người

Để quạt thổi gió thẳng vào người trong thời gian dài khiến cho mồ hôi nhanh chóng bị bốc hơi, nhiệt độ ngoài da giảm xuống. Tuy nhiên, những vùng da không được đón gió thì nhiệt vẫn cao và mồ hôi bốc hơi chậm. Điều này tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ ở các vùng da nên dễ sinh ra tình trạng chóng mặt, cảm cúm, viêm họng, đau đầu,...

- Quên đắp chăn mỏng

Vào mùa hè, đôi khi có những ngày nhiệt độ rất cao nhưng đêm đến thì nhiệt độ lại hạ xuống thấp. Nhiều người nằm điều hòa hoặc bật quạt cả đêm mà quên không đắp chăn mỏng nên khi nhiệt độ hạ xuống rất dễ bị viêm họng.

- Vừa đi nắng về đã tắm

Sau khi đi ngoài nắng về mồ hôi còn nhiều, nhiệt độ cơ thể đang cao, lỗ chân lông bị bịt kín, nếu tắm ngay sẽ khiến cơ thể bị hạ nhiệt độ đột ngột sẽ rất dễ chóng mặt, viêm họng, đau đầu.

2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm họng cấp ở trẻ vào mùa hè

Khởi phát, viêm họng cấp ở trẻ vào mùa hè không gây tác động quá xấu đến sức khỏe. Điều đáng nói là do chủ quan, không điều trị kịp thời và dứt điểm nên bệnh kéo dài, dễ đưa đến những biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai, viêm amidan, viêm amidan quá phát,...

viêm họng

Viêm họng cấp kéo dài có thể biến chứng VA quá phát

Nghiêm trọng hơn nữa khi viêm họng cấp biến chứng chính là tình trạng trẻ bị nhiễm khuẩn huyết đe dọa sự sống. Đặc biệt, những trẻ bị viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) có thể gây viêm cầu thận cấp, thấp tim.

3. Cha mẹ cần lưu ý

3.1. Biện pháp phòng ngừa viêm họng cấp vào mùa hè

Để tránh bị viêm họng cấp vào mùa hè, cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa bằng cách:

- Mặc quần áo thoáng mát để không bị bí bách mồ hôi làm trẻ nhiễm lạnh.

- Không cho trẻ tắm ngay khi mới từ ngoài nắng về hay khi cơ thể có mồ hôi.

- Không để trẻ tiếp xúc trực diện với gió quạt.

- Hạn chế ra vào phòng điều hòa vì chênh lệch nhiệt độ rất dễ gây viêm họng cấp.

- Không cho trẻ nằm ở nơi có luồng gió điều hòa thổi trực tiếp vào người, chỉ nên để nhiệt độ điều hòa trong khoảng 26 - 28 độ C.

- Hạn chế cho trẻ dùng đồ lạnh.

- Có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường bổ sung vitamin C cho trẻ.

3.2. Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Viêm họng cấp thường khiến trẻ bị sốt cao 39 - 40 độ C, nghẹt mũi, ho, quấy khóc, bỏ ăn, ù tai, khô môi, chảy nước mũi, ho khan, đau rát họng. Có những trường hợp sốt cao còn khiến trẻ bị co giật. Cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:

viêm họng

Khi trẻ sốt cao, thở nhanh, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ

- Với trẻ sơ sinh: sốt cao, chảy dãi nhiều, thở nhanh.

- Trẻ bị đau ở khoang miệng kèm theo sốt.

- Bất thường ở cổ họng của trẻ như: sưng tấy, kém ăn, quấy khóc liên tục, thở khó, không thể mở to miệng,...

Thực tế cho thấy, khi trẻ bị viêm họng, chán ăn, nhiều cha mẹ vì xót con nên cố gắng ép trẻ ăn uống. Đây là một việc làm sai lầm vì nó chỉ khiến cho trẻ khó thở hơn mà thôi. Những lúc này, đưa bé đến gặp bác sĩ thăm khám mới là việc làm cần thiết. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có phương án xử trí phù hợp như: để hệ miễn dịch của bé tự chiến đấu với tác nhân gây hại nếu bệnh còn nhẹ, dùng thuốc kháng sinh,... Khi đã được bác sĩ đưa phác đồ điều trị, cha mẹ hãy giúp trẻ tuân thủ phác đồ ấy, tuyệt đối không tự ý dừng hoặc thay đổi phương pháp điều trị giữa chừng, dễ tạo điều kiện cho tác nhân gây hại quay lại tấn công trẻ khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Viêm họng cấp ở trẻ nhỏ vào mùa hè không phải là bệnh hiếm gặp, nếu phát hiện sớm và xử lý đúng cách thì trẻ sẽ sớm lấy lại sức khỏe. Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nhưng không biết cách chẩn đoán chính xác, tốt nhất cha mẹ hãy gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc cũng có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn cách thức xử trí tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.

Từ khóa » Viêm Họng Cấp ở Trẻ Em