Viêm Họng Dùng Thuốc Gì? Lưu ý Và Cách Sử Dụng Hiệu Quả

Viêm họng là bệnh lý thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, gây ra các cơn đau rát họng, ho và khó chịu cho người bệnh. Bệnh thường tiên lượng nhẹ và thường khỏi sau vài ngày điều trị bằng thuốc. Vậy có những loại thuốc điều trị viêm họng nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Mục lục

  • Tìm hiểu về bệnh viêm họng
  • Các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh viêm họng
    • Thuốc kháng sinh trị viêm họng
    • Các loại thuốc kháng viêm
    • Thuốc làm giảm triệu chứng
    • Thuốc súc họng
  • Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm họng
  • Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm họng tại nhà

Tìm hiểu về bệnh viêm họng

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc hầu và họng do nhiễm trùng hoặc do các yếu tố môi trường gây nên. Khi bị bệnh, bạn thường có cảm giác đau rát, ngứa ngáy ở trong cổ họng, đặc biệt là khi giao tiếp hoặc khi nuốt thức ăn. Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị và thường khỏi sau 1 tuần mà không để lại biến chứng.

Tìm hiểu về bệnh viêm họng 1
Viêm họng khiến niêm mạc họng sưng đỏ và đau rát

Dựa vào tình trạng viêm có thể phân loại bệnh viêm họng thành các thể như sau:

☛ Viêm họng cấp: các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và diễn tiến nhanh chóng. Nếu không chủ động điều trị, bệnh rất dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

☛ Viêm họng mạn tính: tình trạng viêm thường kéo dài liên tục và tái phát lại nhiều lần, đặc biệt khi thời tiết giao mùa. Viêm họng mãn tính gồm 4 thể là: viêm họng sung huyết, viêm họng xuất huyết, viêm họng mạn tính quá phát và viêm họng teo.

☛ Viêm họng hạt: là tình trạng viêm họng mãn tính quá phát khiến các mô lympho ở thành phía sau họng tăng sinh và phình to như hạt đậu. Sau khi tăng sinh, các mô lympho bị mất đi chức năng miễn dịch và khiến niêm mạc họng rơi vào tình trạng viêm nhiễm kéo dài.

Tìm hiểu về bệnh viêm họng 2
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng hạt

Viêm họng do nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng chủ yếu là do 2 nhóm nguyên nhân chính sau:

☛ Nguyên nhân do nhiễm trùng: phần lớn các trường hợp gây viêm họng là do các loại virus gây ra, điển hình như virus cúm A, virus cúm B, coronavirus,…

Vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng vùng hầu họng mặc dù tỷ lệ ít hơn, chủ yếu là các loại phế cầu, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn do loại vi khuẩn này có khả năng để lại nhiều biến chứng nặng nề. Viêm họng do vi khuẩn thường được điều trị dựa vào kháng sinh đồ.

Tìm hiểu về bệnh viêm họng 3
Phân biệt triệu chứng bệnh viêm họng do virus và vi khuẩn

☛ Nguyên nhân không do nhiễm trùng:

  • Các chất gây kích ứng đường hô hấp như khói bụi, thuốc lá, hóa chất độc hại,… có thể làm tổn thương lớp lót ở niêm mạc họng và dẫn đến viêm.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): acid dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích ứng, viêm và nặng hơn là tổn thương phần niêm mạc hầu họng.
  • Không khí khô hoặc ngồi điều hòa trong thời gian dài có thể khiến cổ họng bị kích ứng và gây viêm.
  • Nhiễm HIV: bệnh nhân nhiễm HIV thường có hệ miễn dịch suy giảm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh viêm họng mãn tính.

Viêm họng là chứng bệnh phổ biến ở cả người lớn và trẻ em và thường gặp nhất ở thời điểm giao mùa. Bệnh gây ra triệu chứng sốt cao, sưng đỏ, xung huyết ở vùng họng bị viêm nhiễm, gây khó khăn cho người bệnh khi giao tiếp hay nuốt thức ăn. Nói chung, bệnh thường có tiên lượng nhẹ và khỏi sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cũng có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, viêm khớp, nhiễm trùng huyết,…

Tìm hiểu về bệnh viêm họng 4
Vùng niêm mạc ở cổ họng đỏ và sung huyết

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh viêm họng

Thuốc kháng sinh trị viêm họng

Thuốc kháng sinh được chỉ định nếu nguyên nhân gây viêm họng là do vi khuẩn, ví dụ viêm họng do nhiễm liên cầu. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus hoặc các yếu tố môi trường thì người bệnh sẽ không đáp ứng điều trị với các loại kháng sinh.

Ngoài ra, kháng sinh còn được sử dụng để điều trị các biến chứng do viêm họng gây ra như viêm phổi, sốt thấp khớp, viêm cầu thận,… Người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Tự ý dùng kháng sinh có thể khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng hơn.

+) Penicillin: Là kháng sinh đầu tiên thuộc nhóm beta – lactam, được bào chế dưới dạng viên nén dùng đường uống và dạng tiêm dùng để tiêm tĩnh mạch.

Thuốc kháng sinh trị viêm họng 1
Viên nén Penicillin

Penicillin được chỉ định cho các trường hợp là:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: viêm họng, viêm amidan
  • Nhiễm khuẩn ở miệng, họng
  • Nhiễm khuẩn ở da và mô mềm
  • Viêm phổi do phế cầu khuẩn (Pneumococcus)

Thời gian điều trị Penicillin thường kéo dài 10 ngày và chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ. Dùng thuốc trước bữa ăn 30 phút hoặc sau ăn 2 tiếng để tránh ảnh hưởng của bữa ăn đến hiệu quả điều trị. Khi dùng Penicillin dài ngày hoặc dùng liều cao có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như nổi mề đay, phát ban trên da, sốt, sốc phản vệ,…

Đối với các trường hợp người có tiền sử dị ứng với Penicillin hoặc phụ nữ mang thai nên thông báo cho bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

+) Amoxicillin: Là một kháng sinh beta – lactam thường dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây bệnh viêm họng, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn sản khoa, viêm amidan, viêm nội tâm mạc,…

Amoxicillin được điều chế dưới dạng viên nén bao phim hoặc dung dịch uống. Đối với dạng viên nén, người bệnh nên nuốt toàn bộ viên với nước, không nghiền nát trước khi sử dụng thuốc. Amoxicillin dạng dung dịch nên được lắc đều trước khi sử dụng và nên đo liều dùng thuốc bằng dụng cụ chia liều chính xác.

Một số tác dụng phụ khi dùng Amoxicillin mà bạn có thể gặp phải là: vàng da, viêm gan, nổi mề đay, viêm kết mạc, buồn nôn, nôn,… Nếu gặp phải những biểu hiện này, hãy ngừng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

+) Cephalexin: Là kháng sinh hoạt động theo cơ chế ức chế sự gây viêm của vi khuẩn và làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm họng như đau, rát hoặc ngứa ngáy ở cổ họng. Khi sử dụng thuốc Cephalexin, bệnh nhân không được tự ý ngưng sử dụng thuốc dù các triệu chứng đã giảm bớt vì sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh sau này.

Kháng sinh chỉ có hiệu quả điều trị nếu nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng do vi khuẩn.

Các loại thuốc kháng viêm

☛ Thuốc chống viêm không Steroids (NSAIDs)

Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc có công dụng giảm đau, chống viêm và không có steroid trong cấu trúc (phân biệt với nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid). Nhóm NSAIDs có công dụng làm giảm nhanh các triệu chứng sưng, viêm ở vòm họng. Một số thuốc chống viêm không Steroid thường gặp là Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen, Celecoxib,…

Nhóm NSAIDs có công dụng chống viêm thông qua việc ức chế enzyme Cyclooxygenase (COX), từ đó ức chế sinh tổng hợp các Prostaglandin, Kinin – các chất trung gian hóa học của phản ứng viêm.

Mặc dù có hiệu quả tốt trong điều trị nhưng nhóm NSAIDs lại gây ra khá nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là các NSAIDs ức chế không chọn lọc enzyme COX. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc là: xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm thận kẽ, suy thận,…

☛ Thuốc kháng viêm Corticosteroid

Corticosteroid là nhóm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, thường được sử dụng trong các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, hen suyễn,… Thuốc cũng được chỉ định để làm giảm tình trạng viêm khi bệnh viêm họng tiến triển nặng hơn. Một số thuốc thuộc nhóm Corticosteroid thường được sử dụng là Dexamethasone, Betamethasone, Prednisolone,…

+) Dexamethasone: Là thuốc có công dụng làm giảm triệu chứng sưng tấy và dị ứng trong bệnh viêm họng. Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định trong các bệnh đường hô hấp, bệnh tiêu hóa, dị ứng, rối loạn hệ miễn dịch và hạn chế tình trạng nôn mửa do hóa trị liệu ung thư gây ra.

Khi sử dụng Dexamethasone, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ như khó thở, sưng phù, khó ngủ, tăng cân nhanh, buồn nôn, đau đầu,…
Các loại thuốc kháng viêm 1
Dexamethasone dạng viên nén 2mg

+) Prednisolone: Là một Corticosteroid được sử dụng để điều trị triệu chứng do nồng độ Cortisol trong cơ thể giảm thấp, đồng thời làm giảm bớt tình trạng sưng, viêm và các phản ứng dị ứng. Sử dụng Prednisolon trong bệnh viêm họng giúp bệnh nhân giảm nhanh được tình trạng viêm nhiễm kéo dài do vi khuẩn gây ra tại vòm họng, từ đó mà triệu chứng đau rát họng cũng được cải thiện.

Prednisolone được bào chế dưới dạng viên nén 5mg và sử dụng trực tiếp bằng đường uống. Đây là dạng bào chế giải phóng chậm, do đó người bệnh nên nuốt toàn bộ viên thuốc, không nghiền nát hay nhai, làm phá vỡ cấu trúc thuốc, thuốc sẽ không phát huy tác dụng như mong muốn.

Thuốc làm giảm triệu chứng

☛ Thuốc hạ sốt, giảm đau

Nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng để điều trị triệu chứng của bệnh viêm họng, bao gồm 2 loại thuốc thường được sử dụng là Paracetamol và Aspirin.

+) Aspirin: Là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid (NSAIDs). Tác dụng của Aspirin là hạ sốt nhanh và giúp cải thiện tình trạng đau từ nhẹ đến trung bình như: đau rát họng, đau cơ, đau đầu,…

Aspirin thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng liều thấp và ngắn ngày. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc kéo dài, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như phát ban, nổi mề đay, khó thở, buồn nôn,…

Thuốc làm giảm triệu chứng 1
Thuốc Aspirin 500mg có công dụng giảm đau, hạ sốt

+) Paracetamol: Là thuốc giảm đau, hạ sốt hàng đầu, được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, khác với Aspirin, Paracetamol không có tác dụng chống viêm. Thuốc được chỉ định để điều trị triệu chứng như đau họng, đau cơ, đau lưng, đau đầu, hạ sốt,… Theo khuyến cáo, liều dùng tối đa của Paracetamol cho người lớn là 1g/lần và không quá 4g/ngày. Sử dụng quá liều Paracetamol có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh không nên uống rượu vì rượu có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan của thuốc lên nhiều lần.

☛ Thuốc giảm ho

Bệnh nhân bị viêm họng thường có triệu chứng ho kèm theo. Tùy thuộc vào tình trạng ho khan hoặc ho có đờm mà loại thuốc ho được sử dụng trên từng bệnh nhân cũng khác nhau. Siro ho là dạng bào chế được sử dụng phổ biến do phù hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thuốc ho chỉ được sử dụng trong các trường hợp ho nhiều gây kiệt sức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống các chất đờm và chất tiết của phản ứng viêm ra ngoài.

Thuốc long đờm

Thuốc long đờm có công dụng làm loãng, làm đứt hoặc bẻ gãy cầu nối liên kết của dịch đờm, làm cho đờm loãng và giảm độ nhớt, từ đó giúp đờm dễ tống ra ngoài hơn. Một số thuốc long đờm thường dùng là N – acetylcystein, Bromhexin,… Tương tự như thuốc ho, thuốc long đờm cũng chỉ được sử dụng khi dịch đờm quá nhiều làm ảnh hưởng đến đường thở của người bệnh. Nếu dịch đờm ít và loãng, phản xạ ho của cơ thể có thể tự đào thải đờm ra ngoài một cách tự nhiên.

Thuốc súc họng

Thuốc súc họng có công dụng làm sạch đường thở và thay đổi pH môi trường nhằm tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh. Thành phần của các loại nước súc họng này thường chứa các chất sát khuẩn như NaCl, NaF, tinh dầu bạc hà, Menthol, Xylitol, Acid Boric,…

Sử dụng thuốc súc họng từ 1 – 3 lần/ngày để đạt được hiệu quả tối đa. Dùng thuốc sau khi đánh răng có thể kéo dài tác dụng và làm tăng hiệu quả của thuốc lên nhiều lần.

Thuốc súc họng 1
Thuốc súc họng có công dụng sát khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh

Ngoài công dụng diệt khuẩn tốt thì thuốc súc họng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu như sử dụng không đúng cách như phát ban, ngứa họng, phồng rộp môi, nặng hơn có thể bị sốc phản vệ và tử vong. Vì vậy, người bệnh nên cẩn thận lựa chọn các loại thuốc súc họng trên thị trường và đọc kỹ sử dụng trước khi dùng trước khi dùng.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm họng

  • Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả điều trị nếu như nguyên nhân gây viêm họng là nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh nhân sẽ không có đáp ứng với kháng sinh nếu như viêm họng do những nguyên nhân khác gây ra.
  • Penicillin, Amoxicillin là những kháng sinh có hiệu quả tốt với viêm họng do liên cầu. Do đó, bệnh thường chuyển biến tốt sau vài ngày dùng thuốc. Nếu sau 48h các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên thông báo lại cho bác sĩ điều trị.
  • Sử dụng kháng sinh đúng loại, đúng liều lượng, đủ thời gian và theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị viêm họng, người bệnh nên theo dõi kỹ sức khỏe của bản thân. Nếu bệnh chuyển hướng nặng hơn, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị hợp lý.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm họng tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị trên, những phương pháp hỗ trợ điều trị viêm họng ngay tại nhà dưới đây cũng có thể hỗ trợ làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh:

☛ Dành thời gian nghỉ ngơi: bạn nên dành một khoảng thời gian trong ngày để nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp với chế độ ăn hợp lý, giàu chất xơ và vitamin C để tăng sức đề kháng, giúp hệ thống miễn dịch chống lại sự nhiễm trùng.

☛ Bổ sung nước đầy đủ: nước giúp giữ ẩm cho cổ họng và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống gây lợi tiểu, làm cơ thể mất nước như cà phê hoặc rượu, bia.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm họng tại nhà 1
Bổ sung nước đầy đủ giúp người bị viêm họng cải thiện triệu chứng khô rát cổ họng

☛ Súc miệng bằng nước muối: nước muối có công dụng sát khuẩn tốt và làm dịu nhanh các cơn đau họng hiệu quả. Bạn có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc tự pha tại nhà bằng cách dùng ¼ đến ½ thìa cà phê muối trong 120ml – 240ml nước ấm. Súc miệng thường xuyên từ 2 – 3 lần/ngày để đạt được hiệu quả như mong muốn.

☛ Dùng kẹo ngậm: kẹo ngậm thường có hương bạc hà mát lạnh, giúp làm dịu cơn đau do bệnh viêm họng gây ra. Tuy nhiên, không nên dùng kẹo ngậm cho trẻ em dưới 4 tuổi vì trẻ có thể bị nghẹt thở do dị vật mắc lại ở trong cổ họng.

☛ Làm ẩm không khí bằng cách sử dụng một máy tạo ẩm không khí trong nhà để loại bỏ luồng không khí khô gây kích ứng cổ họng. Bạn cũng nên chú ý vệ sinh máy thường xuyên để tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển ở trong máy.

☛ Hạn chế tiếp xúc với các chất gây kích ứng như khói thuốc lá, không khí môi trường bị ô nhiễm hay các sản phẩm tẩy rửa dễ gây kích ứng niêm mạc họng,…

Viêm họng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, có nguyên nhân đơn giản và chỉ cần 3 – 5 ngày là khỏi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể kéo dài hơn 1 tuần và cần dùng thuốc điều trị. Để đạt được hiệu quả tối đa, quá trình dùng thuốc đòi hỏi người bệnh cần sử dụng theo đúng liều, đúng cách và theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Xem thêm các mẹo hay trị viêm họng ngay tại nhà qua video dưới đây:

☛ Tham khảo thêm tại: Bệnh viêm họng nên và không nên ăn gì?

Từ khóa » Viêm Họng đỏ Uống Thuốc Gì