Viêm Khớp Dạng Thấp: Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và điều Trị

Trungtamthuoc.com - Đặc điểm nổi bật của viêm khớp dạng thấp là viêm đa khớp đối xứng dai dẳng, ảnh hưởng đến cả bàn tay và bàn chân. Mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi theo thời gian, viêm khớp dạng thấp mạn tính phổ biến nhất là gây hủy hoại khớp, biến dạng và giảm chức năng.

1 Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn hệ thống đặc trưng bởi các khớp bị đau, sưng có thể làm suy giảm nghiêm trọng thể chất và chất lượng cuộc sống. Trong viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể có một số khớp bị viêm vĩnh viễn, dần dần bị biến dạng và cứng và cơ bắp cũng sẽ yếu dần.[1]

Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.

2 Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp là bệnh tự miễn với nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ, thường là ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, môi trường, nội tiết tố, miễn dịch và nhiễm trùng.

Người ra thấy rằng, khả năng di truyền của viêm khớp dạng thấp chiếm khoảng 50% và thường liên quan đến các alen HLA.

Các tác nhân truyền nhiễm được cho là nguyên nhân tiềm ẩn của viêm khớp dạng thấp như Mycoplasma, virus Epstein-Bar, virus Rubella...

Hormone giới tính cũng đóng vai trò trong bệnh viêm khớp dạng thấp, trong đó cường prolactin máu là một yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, người ra còn nhận thấy rằng những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn. Đồng thời, các yếu tố kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống cũng ảnh hưởng đến sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp.

3 Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Đặc điểm nổi bật của viêm khớp dạng thấp là viêm đa khớp đối xứng dai dẳng, ảnh hưởng đến cả bàn tay và bàn chân. Mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi theo thời gian, viêm khớp dạng thấp mạn tính phổ biến nhất là gây hủy hoại khớp, biến dạng và giảm chức năng.

Không những thế, viêm khớp dạng thấp còn gây tổn thương các bộ phận ngoài khớp như da, tim, phổi và mắt. Trong đó, người bệnh thường bị viêm màng ngoài tim, loạn nhịp tim, viêm cơ tim, xơ phổi, tràn dịch màng phổi, khô mắt, viêm đa dây thần kinh và mạch máu...

Biểu hiện toàn thân trong viêm khớp dạng thấp gồm mệt mỏi, khó chịu, cứng khớp vào buổi sáng, sụt cân, có thể sốt nhẹ. Ở hầu hết người bệnh, viêm khớp dạng thấp khởi phát ngấm ngầm, cũng có thể khởi phát với các triệu chứng toàn thân trước khi có viêm khớp và sưng.[2]

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán theo tiêu chí của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) năm 1987, nếu người bệnh có 3 trong 7 yếu tố sau:

  • Người bệnh bị cứng khớp vào buổi sáng với thời gian lâu hơn 1 giờ.
  • Viêm sưng mô mềm hoặc tràn dịch ít nhất 3 trong số 14 khớp đối xứng gồm: Khớp liên đốt gần bàn tay, khớp bàn ngón chi trên, khớp cổ tay, cổ chân, khớp bàn ngón chi dưới, khớp khuỷu hoặc khớp gối.
  • Người bệnh sưng ít nhất 1 nhóm trong các khớp chi trên như khớp cổ tay, ngón gần, bàn ngón tay.
  • Có biểu hiện viêm các khớp đối xứng với nhau.
  • Ở dưới da xuất hiện các u, hạt.
  • Khi xét nghiệm huyết thanh, cho kết quả dương tính với yếu tố dạng thấp.
  • Khi chụp X-quang thấy dấu hiệu điển hình là hiện tượng bào mòn, dạng hốc, khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, chất khoáng đầu xương không còn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần được kiểm tra các triệu chứng ngoài khớp như teo cơ, viêm mắt, nốt dưới da, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi...

Viêm khớp dạng thấp cũng có thể được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trước khi có tổn thương khớp trên X-quang theo tiêu chí ACR/EULAR 2010 như sau:

Với biểu hiện tại khớp:

  • Người bệnh bị ảnh hưởng từ 2 đến 10 khớp lớn = 1 điểm.
  • Ảnh hưởng từ 1 đến 3 khớp nhỏ, có thể ảnh hưởng đến khớp lớn hoặc không = 2 điểm.
  • Biểu hiện ở 4 đến 10 khớp nhỏ, có ảnh hưởng đến khớp lớn hoặc không = 3 điểm.
  • Biểu hiện trên 10 khớp trong đó có ít nhất 1 khớp nhỏ = 5 điểm.
  • Một trong hai yếu tố thấp khớp hoặc anti CCP dương tính thấp = 2 điểm, dương tính thấp tức là có giá trị bằng 1 đến 3 lần bình thường.
  • Yếu tố thấp khớp hoặc anti CCP dương tính cao = 3 điểm, dương tính cao khi kết quả lớn hơn trên 3 lần bình thường.
  • Trong giai đoạn cấp, CRP hoặc tốc độ máu lắng tăng = 1 điểm.
  • Thời gian xuất hiện các triệu chứng từ 6 tuần trở lên = 1 điểm.

Nếu bệnh nhân có từ 6 điểm trở lên thì xác định là viêm khớp dạng thấp.

Cần phân biệt viêm khớp dạng thấp với Lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp, hay bệnh gout, bệnh viêm khớp khác...

4 Điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần được điều trị toàn diện theo dõi thường xuyên và lâu dài. Trong đó các thuốc điều trị cơ bản DMARDs kinh điển có vai trò quan trọng giúp ổn định bệnh và điều trị kéo dài. Các thuốc sinh học như thuốc kháng TNF-α, kháng Interleukin-6, kháng lympho B nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nặng hoặc điều trị trên không hiệu quả.

Viêm khớp dạng thấp được điều trị như thế nào?

4.1 Điều trị triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Mục đích của việc điều trị này để cải thiện tình trạng viêm, giảm đau, và giúp người bệnh duy trì được khả năng vận động.

  • Thuốc chống viêm không steroid ức chế chọn lọc COX - 2 điều trị dài ngày cho người bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm Celecoxib, Meloxicam, Etoricoxib.

  • Hoặc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dụng thuốc chống viêm ức chế không chọn lọc gồm Diclofenac, Piroxicam, Cyclodextrin theo hướng dẫn.
  • Các corticoid được điều trị ngắn hạn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp, khi có đợt tiến triển như sau:

+ Người bệnh viêm khớp dạng thấp vừa cho dùng Methylprednisolon với liều mỗi ngày từ 16 đến 32 mg, uống sau ăn lúc 8 giờ sáng.

+ Trường hợp viêm khớp dạng thấp nặng, tiêm tĩnh mạch Methylprednisolon với liều mỗi ngày 40mg.

+ Người bệnh viêm khớp dạng thấp cấp, nặng, nguy hiểm tính mạng, khởi đầu điều trị với Methylprednisolon liều 500-1000mg truyền tĩnh mạch mỗi ngày 30 đến 45p, trong 3 ngày. Sau đó hạ xuống liều thông thường, mỗi tháng có thể lặp lại 1 lần nếu cần thiết.

  • Với bệnh nhân phụ thuộc corticoid hay suy thượng thận do corticoid, điều trị dài hạn, khởi đầu với liều uống 20mg/ngày lúc 8 giờ sáng. Sau đó, giảm dần và duy trì liều thấp nhất dưới 5mg/ngày hay cách ngày hoặc ngừng thuốc khi điều trị cơ bản có đáp ứng.
Celecoxib điều trị viêm khớp dạng thấp
Celecoxib điều trị viêm khớp dạng thấp

4.2 Liệu pháp điều trị cơ bản trong viêm khớp dạng thấp

Để làm chậm hoặc ngưng tiến triển viêm khớp dạng thấp cần sử dụng liệu pháp điều trị cơ bản lâu dài và theo dõi triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng.

Đối với những người bệnh viêm khớp dạng thấp mới mắc, thông thường thì sử dụng phác đồ điều trị như sau:

  • Methotrexate được bắt đầu cho người bệnh viêm khớp dạng thấp với liều duy nhất 10 mg/tuần, có thể điều chỉnh tùy đáp ứng nhưng tối đa là 20 mg/tuần.
  • Hoặc Sulfasalazine, đối tượng viêm khớp dạng thấp dùng mỗi ngày 500 mg, mỗi tuần tăng 500 mg, liều duy trì là 1000 mg/lần, mỗi ngày 2 lần.
  • Hoặc có thể phối hợp Methotrexate với Hydroxychloroquine hoặc Sulfasalazine hoặc phối hợp cả 3 thuốc này.

Đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp nặng, sau 6 tháng điều trị bằng phác đồ điều trị cơ bản kinh điển mà không hiệu quả cần phối hợp thuốc sinh sau:

  • Phối hợp Methotrexate cùng thuốc kháng yếu tố hoại tử U là anti TNF-α.
  • Methotrexate với liều 10-15 mg cả tuần và etanercept tiêm dưới da 1 lần/tuần với liều 50mg. Hoặc thay thế entercept bằng Inflixima tiêm tĩnh mạch với liều 2 đến 3mg/kg cứ 4 đến 8 tuần.
  • Hoặc Methotraxate liều như trên và phối hợp thuốc kháng Interleukin-6 là Tocilizumab truyền tĩnh mạch 4–8mg/kg/tháng, hàng tháng.
  • Hoặc phối hợp Methotrexate liều giống ở trên và Rituximab với 2 lần truyền tĩnh mạch liều 500 - 1000mg cách nhau 2 tuần, mỗi năm có thể dùng 1 đến 2 liệu trình.[3]
Viêm khớp dạng thấp cần được theo dõi và điều trị lâu dài.​​​

4.3 Các phương pháp điều trị phối hợp trong viêm khớp khớp dạng thấp

Người bệnh cần được tập luyện, vận động tránh tình trạng dính khớp, nếu bệnh nhân viêm cấp cần cho khớp nghỉ với tư thế cơ năng, không kê, độn. Khi triệu chứng viêm đã giảm, người bệnh cần luyện tập ngay với cường độ tăng dần theo chức năng sinh lý của khớp.

Người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, phẫu thuật khi có chỉ định. Trong quá trình điều trị cần tránh các biến chứng có thể xảy ra như viêm loét dạ dày - tá tràng bằng thuốc ức chế bơm proton, và đề phòng loãng xương.

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần theo dõi định kỳ theo yêu cầu bác sĩ trong quá trình điều trị, phát hiện kịp thời tổn thương và đánh giá hiệu quả.

Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.

5 Case lâm sàng: Viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Đề bài: Một cậu bé 3 tuổi sốt cao 2 cơn mỗi ngày trong vòng 20 ngày nay. Cậu bé được chẩn đoán viêm tai giữa vào ngày sốt thứ 5 và được kê Amoxicillin, nhưng sốt không thuyên giảm. Sốt đi kèm với ban da trên thân mình, chi trên và cậu bé than phiền “đau người”. X-quang ngực bình thường nhưng công thức máu (CBC) cho thấy hemoglobin 9.8 mg/dL, hematocrit 29.9%, bạch cầu 18,000/mm3 và tiểu cầu 857,000/mm3. Cậu bé dần không chịu đi lại và tiếp tục sốt 102.5°F (39.2°C), nhưng các sinh hiệu khác bình thường. Thăm khám thấy nổi bật là các hạch to rải rác, gan lách to và sưng nhẹ đầu gối và các khớp gian ngón.[4] ➤ Chẩn đoán khả thi nhất là gì? ➤ Xét nghiệm chẩn đoán tốt nhất cho bệnh lý này là gì? ➤ Điều trị cho bệnh lý này?

Tóm tắt: Một cậu bé 3 tuổi có 20 ngày sốt cao, có ban và đau người tăng giảm cùng với cơn sốt. Cậu bé không chịu đi lại 1 ngày. Thăm khám thấy hạch to, gan lách to, sưng khớp. X-quang ngực không có bất thường nhưng CBC thấy tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu và thiếu máu.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: Viêm khớp dạng thấp thiếu niên khởi phát toàn thân (JRA; Bệnh Still).
  • Xét nghiệm chẩn đoán tốt nhất: Không có bộ xét nghiệm nào để chẩn đoán JRA, nhưng kết hợp tiền sử với CBC, cấy máu, tốc độ máu lắng (ESR), yếu tố thấp (RF), kháng thể kháng nhân (ANA), and và đánh giá dịch bao hoạt dịch có thể hỗ trợ trong việc thiết lập hoặc loại trừ chẩn đoán.
  • Điều trị: Thuốc chống viêm nonsteroid (NSAIDs), methotrexate, và glucocorticoids có thể dùng để kiểm soát triệu chứng. Vật lý trị liệu quan trọng trong việc bảo tồn chức năng và ngăn ngừa biến dạng chi.

5.1 Phân tích

5.1.1 Mục tiêu

1. Biết được ba thể của viêm khớp dạng thấp thiếu niên và triệu chứng cơ năng và thực thể thường gặp nhất của bệnh.

2. Nhận biết được viêm khớp dạng thấp thiếu niên khởi phát toàn thân là một bệnh cần cân nhắc trong việc đánh giá sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

5.1.2 Đặt vấn đề

Có nhiều chẩn đoán phân biệt cho sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em, bao gồm các nguyên nhân truyền nhiễm, huyết học và bệnh dạng thấp. Nhịp điệu sốt có thể hỗ trợ thu hẹp các khả năng có thể. Trong trường hợp này, sốt cao thành cơn mỗi ngày đi kèm với phát ban đặc trưng là gợi ý cho bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể toàn thân. Gan lách và hạch to là đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể toàn thân. Viêm khớp có thể phát triển sau các triệu chứng khác, như trong trường hợp này, đôi khi xuất hiện hàng tháng, thậm chí hàng năm trước đợt bệnh. Với những trường hợp viêm khớp xuất hiện lần đầu muộn trong đợt bệnh, cần cân nhắc tới leukemia.

5.2 Tiếp cận lâm sàng

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên (JRA) là bệnh lý dạng thấp phổ biến nhất ở trẻ em. Chẩn đoán khi khởi phát trước năm 16 tuổi và triệu chứng kéo dài 6 tuần hoặc lâu hơn. Các nguyên nhân khác gây viêm khớp ở trẻ em (nguyên nhân truyền nhiễm hoặc các nguyên nhân dạng thấp khác) phải được loại trừ; ở trẻ vị thành niên đã hoạt động tình dục, viêm khớp do lậu phải được cân nhắc. Ba dạng JRA được phân loại dựa trên triệu chứng xuất hiện trong 6 tháng đầu tiên của bệnh: (1) thể khởi phát toàn thân, (2) thể đa khớp, và (3) thể ít khớp.

Biểu hiện toàn thân chiếm chủ đạo trong bệnh cảnh JRA khởi phát toàn thân, khiến việc chẩn đoán khó khăn hơn nếu viêm khớp không xuất hiện. Sốt thành cơn hàng ngày, ban da, đau khớp tăng giảm cùng sốt, hạch to và gan lách to là đặc trưng của bệnh khởi phát toàn thân. Viêm màng ngoài tim, viêm gan, tràn dịch màng phổi, và bệnh não cũng có thể xảy ra.

Thể đa khớp được chẩn đoán khi có sự liên quan của năm khớp hoặc nhiều hơn và các triệu chứng toàn thân cơ năng và thực thể nhẹ hoặc không xuất hiện. Thể này hay gặp hơn ở nữ và thường xảy ra ở tuổi teen nhưng có thể xuất hiện sớm lúc 8 tuổi. Bệnh nhân được phân loại dựa vào yếu tố thấp (RF): bệnh nhân RF (-) thường có tiên lượng tốt hơn, mặc dù 5-10% có phá hủy khớp nặng nề. Hơn một nửa bệnh nhân RF (+) tiến triển thành bệnh mạn tính; chúng được coi như gần giống với viêm khớp dạng thấp ở người lớn.

Thể ít khớp liên quan tới ít hơn 5 khớp; được chia thành loại khởi phát sớm và khởi phát muộn. Bệnh lý khởi phát sớm chủ yếu xuất hiện ở nữ giới và ANA trong máu thường (+). Một nửa số trẻ mắc loại khởi phát sớm có viêm mống mắt – thể mi (hay còn gọi “viêm màng bồ đào trước") thường không có triệu chứng. Bệnh lý mắt không xuất hiện song song với hoạt độ viêm khớp. Loại khởi phát muộn chủ yếu ảnh hưởng tới nam giới lớn hơn 8 tuổi. JRA khởi phát muộn có thể tiến triển tới khớp thắp lưng, khớp cùng (viêm cột sống dính khớp).

Xét nghiệm cận lâm sàng ban đầu ở trẻ nghi ngờ JRA thể toàn thân bao gồm CBC, đo tốc độ lắng máu và cấy máu. Tăng bạch cầu, tiểu cầu và thiếu máu hỗ trợ chẩn đoán JRA toàn thân. Tốc độ máu lắng tăng, cấy máu âm tính. Đánh giá dịch bao hoạt dịch cần thiết để loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn, đặc biệt khi chỉ đau một khớp hoặc đau khớp dữ dội. Yếu tố thấp và ANA thường âm tính trong JRA toàn thân.

Thuốc điều trị JRA bao gồm NSAIDs, steroids, methotrexate, và các thuốc ức chế miễn dịch khác. Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu là quan trọng để duy trì chức năng khớp và ngăn cản các biến dạng. Chỉ định soi đáy mắt định kỳ để theo dõi viêm màng bồ đào. Khoảng 50% bệnh nhân JRA toàn thân cuối cùng hồi phục hoàn toàn nhưng có 25 % tiến triển viêm khớp mạn tính và phá hủy khớp. Có thể tử vong, thường là do nhiễm trùng nặng.

5.3 Câu hỏi lượng giá

26.1 Một cô bé 14 tuổi có bệnh sử nổi hạch cổ và ban màu cá hồi lan tỏa trong 3 ngày. Về các triệu chứng toàn thân, cô bé có đau họng, ho và sốt nhẹ từ 5 ngày trước, những triệu chứng này đã tự khỏi 2 ngày trước. Thăm khám thấy, cô bé có hạch sau tai và dưới chẩm lớn, nhiều khớp lớn nhỏ sưng đau. Đâu là chẩn đoán khả thi nhất ở bệnh nhân này?

A. JRA thể ít khớp

B. JRA thể nhiều khớp

C. Ban đào

D. Lupus ban đỏ hệ thống

E. JRA khởi phát toàn thân.

26.2 Một bé gái 5 tuổi tới khám bác sĩ nhi chuyên khoa bệnh dạng thấp với bệnh sử sưng nhẹ và giảm vận động khớp gối trái và khớp khuỷu phải trong 4 tuần. Cô bé không sốt và trông khỏe mạnh. Khi đánh giá đứa trẻ, triệu chứng dương tính nào sẽ hữu ích nhất trong việc thiết lập chẩn đoán?

A. Chọc dịch khớp gối

B. Công thức máu

C. Chụp CT các khớp bị bệnh

D. Khám mắt bằng đèn slit-lamp

E. Scan xương

26.3 Một cậu bé người Mỹ gốc Phi 12 tuổi than phiền về việc đau đầu gối phải. Không có tiền sử chấn thương. Cậu bé đi khập khiễng rõ, hạn chế chịu lực chân phải. Đánh giá ban đầu bệnh lý này cần điều nào dưới đây?

A. Kháng thể kháng nhân

B. Công thức máu

C. MRI khớp gối 2 bên

D. Tầm vận động khớp háng phải

E. Yếu tố dạng thấp

26.4 Một cậu bé 3 tuổi nghi ngờ mắc JRA thể khởi phát toàn thân xuất hiện nhịp tim nhanh và khó thở vào ngày thứ 5 nhập viện. Cậu bé kêu đau ngực. Nghe tim thấy có tiếng cọ do ma sát. Bước xử trí tiếp theo phù hợp là gì?

A. Khí dung albuterol.

B. Tiêm một liều Furosemide.

C. Uống Acetaminophen.

D. Kiểm tra tình trạng oxy hóa thông qua đo độ bão hòa oxy trong máu và hội chẩn bác sĩ tim mạch nhi.

E. Kiểm tra tình trạng oxy hóa thông qua đo độ bão hòa oxy trong máu, chụp phim phổi ngay lập tích và bắt đầu kháng sinh đường tĩnh mạch

5.4 Đáp án

26.1 C. Chẩn đoán phân biệt của viêm khớp trẻ em bao gồm bệnh lý dạng thấp và bệnh lý nhiễm khuẩn. Triệu chứng cơ năng và thực thể của cô bé này thường gặp trong bệnh Rubella. Vaccin phòng bệnh được tiêm phòng lúc 1 tuổi và nhắc lại ở tuổi đi học. Lý do chính cho việc tiêm vaccin là để phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh, một tình trạng bệnh lý nặng nề ở trẻ sơ sinh; bệnh thường nhẹ khi mắc ngoài giai đoạn này.

26.2 D. JRA là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm mống mắt ở trẻ em. Viêm màng bồ đào có khởi phát tiềm ẩn (insidious), có thể là triệu chứng đầu tiên duy nhất của bệnh JRA. Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới trẻ tuổi. Phát hiện khi soi mắt bằng đèn slit-lamp bao gồm vòng calci ở giác mạc, dính mống mắt sau (posterior synechiae), và đục thủy tinh thể. Trẻ mắc JRA nên được soi đèn slit-lamp định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý mắt. Có thể cân nhắc các xét nghiệm trong những đáp án khác, nhưng kết quả dương tính của những test này không đặc hiệu cho JRA.

26.3 D. Thăm khám cẩn thận khớp hông khi đánh giá đau khớp gối; vấn đề tại khớp hông có thể biểu hiện ở khớp gối. Trượt chỏm xương đùi thường gặp nhất ở trẻ nam người Mỹ gốc Phi. JRA hiểm khi ảnh hưởng tới khớp hông trong giai đoạn đầu của bệnh.

26.4 D. Tiếng cọ là đặc trưng của viêm màng ngoài tim, một biến chứng thường gặp và nghiêm trọng của JRA. Tiếng cọ là một tiếng thô ráp (grating or creaking) nghe rõ nhất ở dọc bờ trái xương ức. Bệnh nhân thường than phiền về tình trạng đau ngực, giảm đi khi nghiêng người ra trước và tăng lên khi hít sâu hoặc ho; tuy nhiên không phải lúc nào cũng đau. Trong các trường hợp hiếm, viêm màng ngoài tim trong JRA có thể xuất hiện trước đau khớp vài tháng, thậm chí vài năm. Điện tâm đồ có thể thấy phức bộ QRS điện thế thấp và ST chênh lên. Điều trị bằng salicylate hoặc steroid.

5.5 Đúc Kết Lâm Sàng

Phổ bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có ba thể: (1) Thể khởi phát toàn thân, (2) Thể đa khớp, và (3) Thể ít khớp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên khởi phát toàn thân là một chẩn đoán phân biệt quan trọng của sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên được dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và loại trừ các nguyên nhân khác có thể; không có xét nghiệm đơn độc nào có thể khẳng định chấn đoán. Bạn đọc có thể tham khảo thêm cách chẩn đoán và điều trị Viêm khớp dạng thấp theo ACR/EULAR 2010 dưới đây:

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Brenda B. Spriggs, MD (Ngày đăng: ngày 6 tháng 8 năm 2020). Everything You Want to Know About Rheumatoid Arthritis, Healthline. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 27 tháng 7 năm 2020). Rheumatoid Arthritis (RA), CDC. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: David Zelman, MD (Ngày đăng: ngày 15 tháng 10 năm 2020). Understanding Rheumatoid Arthritis -- Treatment, WebMD. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
  4. ^ Clinical Cases, tải bản PDF tại đây
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Das 28 Là Gì