Viêm Khớp Ngón Tay Cái: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị

Viêm khớp ngón tay cái xảy ra khi các khớp ở cổ tay và ngón tay cái phát triển viêm. Bệnh nhân cần đi khám với bác sĩ Cơ Xương Khớp để có các bước điều trị phù hợp.

Viêm khớp ngón tay cái là gì?

Bệnh viêm khớp ngón tay cái, còn được gọi là viêm khớp nối ngón tay cái, là tình trạng sụn nằm ở đầu các xương hình thành khớp ngón tay cái bị mòn đi.

Đau khớp ngón tay cái là một tình trạng phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ chấn thương đến các bệnh lý về xương khớp.

Bệnh không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, giảm sức mạnh và tầm vận động ngón tay cái, làm cho khó thực hiện nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn như chuyển tay nắm cửa và mở lọ.

Triệu chứng viêm khớp ngón tay cái

Dưới đây là những biểu hiện của bệnh viêm khớp ngón tay cái:

  • Các triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của viêm khớp ngón tay cái là đau.
  • Đau xảy ra tại khớp ngón tay cái khi nắm, kẹp một vật giữa ngón cái và ngón trỏ
  • Thậm chí có thể bị đau khi không sử dụng ngón tay cái
  • Sưng, cứng và đau ở khớp ngón tay cái
  • Giảm sức mạnh khi ngắt hoặc nắm bắt các vật
  • Giảm chuyển động nhiều
  • Xương phì đại hay xuất hiện ngoài khớp tại gốc của ngón tay cái
  • Đau đớn, cứng khớp và chuyển động có thể giảm tối thiểu.

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón tay cái

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp ngón tay cái cũng như viêm xương khớp vẫn đang được nghiên cứu.

Về cơ bản, viêm khớp ngón tay cái là biểu hiện của quá trình lão hóa. Ngoài ra, viêm khớp ngón tay cái có thể có nguyên nhân từ chấn thương trong quá khứ hoặc hiện tại: bong gân, gãy xương.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nghi ngờ đó là một sự kết hợp của các yếu tố. Bao gồm thừa cân, quá trình lão hóa, tổn thương khớp hay căng thẳng, di truyền từ người trong gia đình (dây chằng khớp lỏng, dị dạng khớp), yếu cơ. Bên cạnh đó, những ai phải hoạt động ngón tay cái nhiều do tính chất công việc cũng dễ mắc chứng bệnh này.

Những người trên 40 tuổi và là nữ giới cũng có nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái cao hơn nam giới. Đối tượng từng mắc các bệnh làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng,... cũng có nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái cao hơn.

Viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra ở người trung niên và cao tuổi - Ảnh: naver.com 

Chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái

Khám lâm sàng

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh và các triệu chứng họ đang gặp phải. Đồng thời xem xét trực tiếp những dấu hiệu sưng trên những khớp ngón tay. 

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ giữ cố định khớp ngón cái ở cổ tay và di chuyển ngón tay cái. Nếu khớp khi chuyển động tạo ra âm thanh hoặc khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu thì khả năng là sụn đã bị mòn. Quá trình này cũng giúp kiểm tra tầm vận động của ngón tay cái. Một khớp bị viêm sẽ hạn chế tầm vận động và có thể bị cứng khớp.

Chụp X-quang

Chụp X-quang giúp bác sĩ nhận diện những dấu hiệu viêm khớp ngón tay cái gồm:

  • Gai xương
  • Mòn sụn
  • Mất không gian chung

Thông qua kết quả chụp X-quang, bác sĩ Cơ xương khớp sẽ chẩn đoán được sự thay đổi của khớp, mức độ thoái hóa khớp do viêm và ước lượng được lượng sụn khớp trên bề mặt khớp.

Điều trị bệnh viêm khớp ngón tay cái

Có nhiều cách điều trị viêm ngón tay cái phụ thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân.

1. Điều trị không phẫu thuật

Ở giai đoạn đoạn đầu của bệnh viêm khớp ngón tay cái, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân áp dụng những phương pháp không can thiệp không phẫu thuật gồm:

Dùng thuốc 

  • Sử dụng thuốc kháng viêm nhẹ như Aspirin hoặc Ibuprofen
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu làm tái sinh các mô bị hư hại, giúp cho tế bào trở nên khỏe mạnh hơn, kháng viêm, giảm đau

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng

Những bài tập vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị nội khoa. Gồm các phương pháp như nghỉ ngơi, không để ngón tay chịu nhiều áp lực, giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng thuốc thoa ngoài da, thực hiện các bài tập cải thiện khả năng vận động của ngón tay.

Mục tiêu của các bài tập này là giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng, duy trì tình trạng ổn định cho bàn tay và những khớp tay.

Nẹp ngón tay

Bác sĩ sẽ sử dụng một thanh nẹp giúp người bệnh cố định khớp. Nẹp thường được đeo liên tục từ 3-4 tuần. Sau đó, nẹp được đeo vào ban đêm hoặc trong các hoạt động có thể làm căng ngón tay cái.

Tác dụng của phương pháp này là giúp ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ biến dạng khớp ngón tay, giảm đau đớn.

2. Phẫu thuật

Có nhiều phương pháp phẫu thuật áp dụng cho trường hợp viêm khớp ngón tay cái.

Hàn xương

Đây là phương pháp điều trị viêm khớp ngón tay cái bằng cách cho phép các xương tạo thành khớp đó phát triển về phía nhau hay kết hợp với nhau tạo thành một khối xương đặc. 

Hàn xương giúp giảm đau và ngăn ngừa biến dạng khớp do viêm thoái hóa khớp, thường áp dụng cho khớp liên đốt gần và liên đốt xa.

Thay khớp nhân tạo

Tất cả hoặc một phần của khớp bị ảnh hưởng sẽ được loại bỏ bác sĩ sẽ tiến hành ghép gân. Sau phẫu thuật, ngón tay cái cổ tay được cố định bằng nẹp hoặc bột. 

Tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà thời gian cố định sẽ trong khoảng 6 tuần. Sau khi tháo bột và nẹp, bệnh nhân cần thực hiện vật lý trị liệu để ngón tay trở nên linh hoạt hơn.

Chăm sóc hiệu quả bệnh viêm khớp ngón tay cái tại nhà

  • Nếu bạn đang bị đau do chấn thương mô mềm, hoạt động hay duỗi quá mức ngón tay cái mỗi ngày thì hãy cân nhắc để ngón tay cái nghỉ ngơi. Bạn có thể chườm đá vào chỗ đau nếu thấy sưng.
  • Nếu đang điều trị hội chứng ống cổ tay hoặc mất khả năng cầm nắm, bạn có thể được chỉ định đeo nẹp vào ban đêm để ổn định các dây thần kinh bị nén ở cổ tay.
  • Có thể sử dụng thuốc uống không kê đơn cho bệnh đau khớp bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin); naproxen (Aleve) hoặc acetaminophin (Tylenol).
  • Có thể uống một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen
  • Nên để ngón tay cái nghỉ ngơi, ngừng các hoạt động gây ra cơn đau: đánh máy, điện thoại, chơi nhạc cụ…
  • Nên chườm đá vào ngón tay nếu bị sưng, khi đã đỡ sưng thì tiến hành chườm nóng.
  • Đeo nẹp hoặc nẹp cố định ngón cái giúp giảm đau.
  • Sử dụng miếng dán giảm đau cho ngón cái.
  • Không nên sử dụng ibuprofen trong 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương.
  • Không sử dụng túi chườm nóng hoặc tắm nước nóng trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi bị thương.
Đeo nẹp cố định ngón cái giúp giảm đau
Đeo nẹp cố định ngón cái giúp giảm đau - Ảnh: bvnguyentriphuong.com.vn

Sống chung với bệnh viêm khớp ngón tay cái

Để sống chung với bệnh viêm khớp ngón tay cái hiệu quả, người bệnh cần chú ý một số điểm sau:

  • Không nhấc vật nặng hoặc cầm nắm đồ vật quá chặt.
  • Tránh đeo đồ trang sức hoặc găng tay.
  • Nên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều canxi, tốt cho xương khớp trong bữa ăn hàng ngày như các loại tôm, cua, cá, ốc, vừng, đậu nành, rau ngót, các loại sữa và chế phẩm từ sữa… Trong đó sữa và những chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát là nguồn cung cấp canxi, vitamin với chất lượng cao và dễ hấp thu.
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều chất béo: đồ ăn chiên xào, dầu mỡ … Các loại thức ăn này chứa chất béo bão hòa sẽ làm tăng nguy cơ viêm sưng khớp và khiến người bệnh tăng cân.
  • Loại bỏ chất kích thích như rượu, bia và đồ uống có gas; hạn chế đường để tránh gây ra sự đau nhức.

Viêm khớp ngón tay cái là bệnh lý thường gặp. Khi bị viêm khớp ngón tay cái, bệnh nhân nên đi khám sớm để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Mong rằng bài viết trên của BookingCare đã giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này.

Từ khóa » Sưng đau Khớp Ngón Tay Cái