Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung Khi Mang Thai: Bà Bầu Cần Làm Gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là do ảnh hưởng của nội tiết tố, không cần điều trị. Tuy nhiên khi có tình trạng viêm nhiễm xảy ra có thể gây nên những triệu chứng khó chịu và tác động không tốt cho mẹ và thai nếu không được quan tâm và điều trị thích hợp.

viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là tình trạng các tế bào tuyến trong cổ tử cung phát triển lấn ra bên ngoài, vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung. Vì vậy thai phụ thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, khí hư có mùi khó chịu, ngứa…dễ dẫn đến viêm nhiễm. (1)

Ngoài ra, bệnh thường gặp ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở hoặc sử dụng thuốc uống ngừa thai kéo dài. Tuy nhiên, một vài trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung là bẩm sinh. Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu kém, cộng với sự thay đổi lớn về nội tiết tố khiến mẹ bầu có lộ tuyến cổ tử cung và dễ bị viêm bội nhiễm hơn.

cổ tử cung bị viêm và không bị viêm

ThS.BS Kiều Lệ Biên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang bầu thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa của thai kỳ) hoặc tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối của thai kỳ) và thường giảm hoặc hết sau sanh 3 – 6 tháng.banner tâm anh quận 7 content

Nguy hiểm hơn, viêm bội nhiễm nặng khi đang mang thai không được điều trị có thể tăng nguy cơ xuất huyết âm đạo, viêm màng ối, ối vỡ non…Chính vì thế, bác sĩ Kiều Lệ Biên khuyến cáo mẹ bầu cần để ý những dấu hiệu bất thường trong cơ thể và vùng kín để có thể thăm khám sớm, chẩn đoán chính xác tình trạng và điều trị thích hợp.

Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Giống như lộ tuyến ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thường không có triệu chứng. Trong các trường hợp có triệu chứng mẹ bầu có thể có các biểu hiện sau đây: (2)

  • Tiết dịch âm đạo là dấu hiệu phổ biến nhất, dịch âm đạo có thể có màu trắng hoặc vàng có thể có mùi hôi khó chịu, ngứa vùng kín
  • Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Đó là một trong những nguyên nhân gây chảy máu âm đạo khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ: máu chảy ra thường có màu đỏ tươi và lượng ít.
khí hư bất thường
Khí hư ra nhiều và có màu sắc bất thường là một trong những triệu chứng đầu tiên của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung trong thai kỳ

Bác sĩ Kiều Lệ Biên cho biết, nguyên nhân khiến mẹ bầu bị lộ tuyến cổ tử cung là do ảnh hưởng của nội tiết tố hoặc yếu tố bẩm sinh. (3)

Các yếu tố làm lộ tuyến cổ tử cung dễ bị viêm bội nhiễm:

1. Vệ sinh

Khi mang thai, dịch âm đạo sẽ tiết ra nhiều hơn khiến vùng kín mẹ bầu thường xuyên bị ẩm ướt. Nếu mẹ bầu không vệ sinh sạch sẽ và đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại dễ phát triển.

Ngoài ra, mẹ bầu mặc quần lót bó sát, không thông thoáng; hoặc thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp, lạm dụng có thể khiến độ cân bằng pH ở âm đạo thay đổi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển gây bệnh.

vệ sinh vùng kín không sạch sẽ
Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi gây ngứa, đau rát…

2. Quan hệ tình dục không an toàn

Tâm lý chủ quan khi quan hệ tình dục trong thai kỳ khiến chị em bỏ qua các biện pháp bảo vệ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung.

Việc quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu, giang mai, sùi mào gà, nguy hiểm hơn là HIV/AIDS.

3. Mắc các căn bệnh phụ khoa khác

Trước khi mang thai, nếu người phụ nữ bị viêm lộ tuyến nặng mà không điều trị hiệu quả có nguy cơ bị tái phát lại khi đang mang thai. Do đó, nếu có tiền sử bị viêm lộ tuyến cổ tử cung trước đó, chị em cần điều trị ổn định trước khi lên kế hoạch có em bé. Tham khảo ý kiến bác sĩ Sản Phụ khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho hành trình mang thai sắp tới.

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có nguy hiểm không?

Lộ tuyến cổ tử cung thường lành tính, không cần điều trị. Tuy nhiên, Nếu mẹ bầu bị viêm cổ tử cung trong thời gian mang thai mà không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ, viêm nhiễm nặng làm tăng nguy cơ viêm màng ối, ối vỡ non,…

Chính vì thế, mẹ bầu cần khám thai theo lịch hẹn và điều trị viêm thích hợp nếu có tình trạng viêm âm đạo, cổ tử cung trong thai kỳ để tránh các tác động bất lợi cho mẹ và thai.

Phương pháp chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung ở mẹ bầu

Hầu hết lộ tuyến cổ tử cung không gây ra triệu chứng nên thường tình cờ phát hiện thông qua khám phụ khoa định kỳ. Do đó, bác sĩ Kiều Lệ Biên khuyến cáo chị em cần xây dựng thói quen chăm sóc sức khỏe bằng cách khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần đồng thời thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm các bất thường tế bào cổ tử cung kèm theo tình trạng viêm lộ tuyến.

Tương tự, lộ tuyến ở phụ nữ mang thai được chẩn đoán khi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ quan sát cổ tử cung bằng dụng cụ dưới nguồn sáng hoặc khi mẹ bầu có tăng tiết dịch hôi ngứa là thời điểm cần được thăm khám và điều trị. (4)

Mẹ bầu cần làm gì khi được chẩn đoán mắc bệnh?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh, hầu hết mẹ bầu đều lo lắng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai có điều trị được không, nếu có thì phương pháp đó có ảnh hưởng đến thai nhi không…

Bác sĩ Kiều Lệ Biên khuyến cáo, mẹ bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc bất cứ liệu pháp dân gian truyền miệng nào bởi chưa được kiểm chứng hiệu quả.

box bác sĩ kiều lệ biên
ThS.BS Kiều Lệ Biên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhiều năm kinh nghiệm sẽ tư vấn cho mẹ bầu phác đồ điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả

Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung cho bà bầu

Thông thường phác đồ điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là điều trị viêm nhiễm bằng thuốc, sau đó cân nhắc áp dụng đốt điện hoặc áp lạnh để diệt lộ tuyến nếu thật sự cần thiết (những trường hợp viêm lộ tuyến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống như họ phải mang băng vệ sinh hàng ngày vì tiết dịch).

Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai, những phương pháp như đốt điện hoặc áp lạnh này không được khuyến khích vì nó không phù hợp cho phụ nữ mang thai.

Do đó, đối với sản phụ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống và/hoặc đặt thuốc âm đạo nhằm cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Khi được chẩn đoán bệnh, mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Ghi nhớ lịch thăm khám định kỳ để được theo dõi chặt chẽ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Để góp phần điều trị hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý:

  • Có chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đủ giấc;
  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress ảnh hưởng đến thai nhi;
  • Lựa chọn sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ. Không thụt rửa âm đạo;
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Tốt nhất, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp và cách sử dụng đúng cách.

mẹ bầu nên giữ tâm lý thoải mái
Mẹ bầu cần giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ để không ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng

Biện pháp phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Lộ tuyến cổ tử cung thường lành tính, tuy nhiên nếu mẹ bầu bị viêm cổ tử cung trong thời gian mang thai mà không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo, viêm nhiễm nặng làm tăng nguy cơ viêm màng ối, ối vỡ non… Vì thế chủ yếu là dự phòng tình trạng viêm nhiễm sinh dục như:

  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý phụ khoa nếu có trước khi mang thai;
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, không làm ảnh hưởng đến độ cân bằng pH tự nhiên của âm đạo;
  • Không thụt rửa âm đạo;
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng đầy đủ các biện pháp bảo vệ;
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trước và sau khi quan hệ;
  • Khám thai định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường vùng kín, cần thăm khám càng sớm càng tốt, tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng liệu pháp dân gian chưa được kiểm chứng.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi có thai vẫn có thể được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý phụ khoa phức tạp ở phụ nữ, tư vấn chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tiền đề tốt cho quá trình mang thai an toàn, mẹ nhàn con khỏe, đủ điều kiện phát triển trí tuệ và thể chất tối ưu.

Để được tư vấn và thăm khám với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Hy vọng những thông tin về viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai trên đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, mẹ bầu có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ, yên tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, chào đón con yêu chào đời!

Từ khóa » đốt Viêm Lộ Tuyến Khi Mang Thai