Viêm Mũi: Dấu Hiệu, Phân Loại, điều Trị Và Cách Phòng Ngừa
Có thể bạn quan tâm
Viêm mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh. Trong bài viết sau, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Phương Thanh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội gửi đến người bệnh những thông tin tổng quan nhất về triệu chứng, các dạng viêm mũi cũng như lời khuyên trong điều trị và ngăn ngừa bệnh.
Viêm mũi là gì?
Viêm mũi là tình trạng viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi, dẫn đến các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa và hắt hơi. Viêm mũi có thể ảnh hưởng đến người bệnh trong ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính). Viêm mũi cấp tính thường là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra. Viêm mũi mạn tính thường đi kèm với các bệnh lý viêm xoang – họng mạn tính.(1)
Triệu chứng bệnh viêm mũi
Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh, bao gồm:
-
- Nghẹt mũi
- Sổ mũi
- Ngứa mũi, họng, mắt và tai
- Chảy dịch mũi sau
- Hắt xì
- Ho
- Viêm họng
- Chảy nước mắt
- Ngủ ngáy
- Đau đầu
- Đau mặt
- Giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.
Các dạng viêm mũi thường gặp
Viêm mũi được chia thành 2 dạng chính là viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng.
1. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và phản ứng lại với các tác nhân (được gọi là dị nguyên) từ môi trường. Những tác nhân này vô hại với hầu hết mọi người (như bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật, nước hoa…), nhưng nếu người bệnh bị dị ứng với chúng, cơ thể sẽ phản ứng lại như thể chúng có hại.
Khi tiếp xúc với các dị nguyên, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ sản xuất các kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE). Điều này giải phóng các hóa chất liên quan đến phản ứng viêm, bao gồm histamine, dẫn đến các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng.
2. Viêm mũi không do dị ứng
Khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi không do dị ứng không bị kích hoạt bởi chất gây dị ứng và không liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch. Nó được chia thành nhiều loại nhỏ hơn tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là:
3. Viêm mũi do virus
Loại viêm mũi này xảy ra do sự xâm nhập và tấn công từ các loại virus, như virus cảm lạnh hoặc virus cúm. Tình trạng viêm kích thích sản xuất chất nhầy, gây hắt hơi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.
4. Viêm mũi vận mạch
Viêm mũi vận mạch là tình trạng các mạch máu trong mũi trở nên nhạy cảm quá mức do sự mất cân bằng của hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi. Khi các mạch máu quá nhạy cảm, một số tác nhân từ môi trường có thể khiến chúng giãn ra, dẫn đến tăng tiết dịch nhầy và tắc nghẽn.
Các tác nhân gây kích ứng có thể gồm chất kích thích hóa học, nước hoa, khói thuốc, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, uống nhiều rượu, thức ăn cay, stress…
5. Viêm mũi teo
Viêm mũi teo là bệnh mãn tính, xảy ra khi niêm mạc mũi bị teo và cứng lại, khiến hốc mũi nở rộng, khô và đóng vảy. Sự sinh sôi của các loại vi sinh vật cũng gây ra mùi hôi khó chịu, nhưng thường người bệnh không ngửi thấy vì khứu giác cũng suy giảm hoặc mất đi do teo niêm mạc.
6. Viêm mũi do thuốc
Viêm mũi do thuốc thường xảy ra khi có sự lạm dụng thuốc thông mũi không kê đơn (dạng xịt mũi hoặc nhỏ mũi). Lúc này, thay vì làm giảm các triệu chứng mũi – xoang, thuốc thông mũi sẽ quay sang kích thích niêm mạc mũi và dẫn đến viêm mũi.
Các yếu tố nguy cơ của viêm mũi
Người có tiền sử bị hen suyễn hoặc các loại dị ứng khác, hoặc có người thân cùng huyết thống (bố mẹ, anh chị em ruột) bị dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, những người sống hoặc làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng, như mạt bụi hoặc lông động vật, cũng dễ khởi phát bệnh.
Đối với viêm mũi không do dị ứng, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
-
- Tuổi tác: Viêm mũi không do dị ứng thường xảy ra ở độ tuổi sau 20
- Giới tính: Phụ nữ dễ bị viêm mũi và nghẹt mũi tồi tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt và mang thai do sự thay đổi nội tiết tố.
- Tiếp xúc với chất kích thích: Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích như khói bụi, khói thải hoặc khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Nghề nghiệp: Trong một số trường hợp, viêm mũi không do dị ứng được kích hoạt khi người bệnh tiếp xúc với chất gây kích ứng trong không khí tại nơi làm việc. Một số tác nhân phổ biến bao gồm vật liệu xây dựng, dung môi, hóa chất, khói từ vật liệu hữu cơ…
- Bệnh lý: Một số tình trạng sức khỏe mãn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi không do dị ứng, như suy giáp, hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán viêm mũi
Để chẩn đoán bệnh viêm mũi, trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử và hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Vì triệu chứng của một số loại viêm mũi tương đối giống nhau, nên để xác định bệnh có liên quan đến dị ứng hay không, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành kiểm tra dị ứng bằng xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da.
Chụp CT cũng có thể được sử dụng để xác định chẩn đoán và kiểm tra những thay đổi trong khoang mũi. Chụp CT hoặc nội soi mũi cũng có thể loại trừ tình trạng viêm xoang.
Trong trường hợp viêm mũi do thuốc, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về việc sử dụng thuốc thông mũi cũng như các loại thuốc khác.
Điều trị viêm mũi
Cách chữa trị viêm mũi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc chẩn đoán cụ thể.
Đối với viêm mũi dị ứng, cách tốt nhất để ngăn các triệu chứng là tránh tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên. Nếu người bệnh bị dị ứng với lông thú cưng, nấm mốc hoặc các chất gây dị ứng khác trong nhà, hãy tìm cách để loại bỏ những chất đó ra khỏi khu vực sinh sống. Nếu người bệnh bị dị ứng với phấn hoa, hãy hạn chế thời gian ở ngoài trời trong mùa có lượng phấn hoa cao và những ngày lộng gió. Người bệnh cũng nên đóng cửa sổ, cửa ra vào và cửa xe để tránh phấn hoa bay vào nhà hoặc xe hơi.
Dù vậy, việc tránh các chất gây dị ứng đôi khi khá khó khăn. Lúc này, thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid không kê đơn hoặc kê đơn, thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi hoặc các loại thuốc khác. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch cũng là một phương pháp có thể được cân nhắc để giảm độ nhạy cảm của người bệnh với các chất gây dị ứng.
Trường hợp người bệnh bị viêm mũi không do dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn như thuốc xịt mũi corticosteroid, nước muối sinh lý, xịt mũi kháng histamine hoặc thuốc thông mũi để điều trị.
Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng là các bất thường trong cấu trúc khoang mũi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để khắc phục.
Dinh dưỡng cho người bệnh viêm mũi
Bên cạnh việc tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống khoa học để triệu chứng sớm thuyên giảm.
1. Viêm mũi nên ăn gì?
Người mắc viêm mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng nên tăng cường các loại thực phẩm sau:
-
- Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh nhân dễ dàng bổ sung vi chất này qua súp lơ, bông cải xanh, ớt chuông hoặc các loại trái cây có múi như cam, bưởi…
- Thực phẩm giàu omega-3: Một số nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 (có nhiều trong các loại cá: cá ngừ, cá hồi, cá thu…) có thể làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng. Chúng cũng giúp ngăn ngừa các phản ứng sưng tấy tại đường hô hấp.
- Chất lỏng ấm: Nước ấm, canh, súp ấm giúp loại bỏ tắc nghẽn trong đường thở, làm loãng dịch nhầy và hỗ trợ quá trình lưu thông.
- Mật ong, hành, tỏi, gừng, bạc hà, rau mùi… đều là những thực phẩm có lợi cho người bị viêm mũi. Do đó, người bệnh có thể bổ sung chúng một cách hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày.
2. Viêm mũi kiêng ăn gì?
Người bệnh viêm mũi nên cẩn thận khi ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, mực, trứng, sữa, đậu phộng… hoặc các thức ăn lạ như nhộng tằm. Các loại đồ ăn cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt cũng có thể khiến bệnh nhân bị ho, sổ mũi, hắt xì…
Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết chất nhầy, gây tắc nghẽn đường thở. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên uống bia, rượu, cà phê… vì chúng có thể làm mất nước và khiến tình trạng viêm mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi
Không có cách nào để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng, vì nó là phản ứng của hệ thống miễn dịch. Dù vậy, để tránh các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh cần tìm cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu viêm mũi không liên quan đến dị ứng, dưới đây là những việc người bệnh có thể làm để giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát:
- Tránh các tác nhân gây bệnh hoặc khiến các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng
- Không lạm dụng thuốc thông mũi
- Liên hệ lại với bác sĩ nếu việc điều trị không hiệu quả. Bác sĩ có thể thực hiện các thay đổi để cách trị viêm mũi có hiệu quả tốt hơn.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín hàng đầu trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng. Bệnh viện quy tụ nhiều chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh.
Từ khóa » Cay Mũi Rát Họng
-
Góc Hỏi đáp: Bị đau Rát Cổ Họng Sổ Mũi Là Biểu Hiện Bệnh Gì?
-
Bác Sĩ Hướng Dẫn Cách Chữa Viêm Mũi Họng Tại Nhà
-
Viêm Mũi Họng: Căn Bệnh Giao Mùa Hay Mắc Phải | Pacific Cross
-
Viêm Mũi Họng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Viêm Họng: Phân Biệt, Triệu Chứng Và Cách điều Trị
-
Viêm Mũi Họng: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị • Hello ...
-
5 Dấu Hiệu Chứng Tỏ Bạn Phải đi Khám Tai Mũi Họng Ngay
-
[PDF] COVID-19: Xác Định Các Triệu Chứng
-
Tổng Hợp 5 Biện Pháp Giảm Khô Mũi Rát Họng Tại Nhà
-
VIÊM XOANG Ở NGƯỜI MẮC COVID-19
-
Ngạt Mũi Và Chảy Mũi - Rối Loạn Về Tai Mũi Họng - MSD Manuals
-
Bị đau Họng Nên ăn Gì, Kiêng Gì để Bệnh Mau Khỏi, Tránh Tái Phát
-
Cách Chữa Trị đau Họng Tại Nhà đơn Giản An Toàn - Hapacol