Viêm Mũi Dị ứng Thời Tiết: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh xa các tác nhân gây dị ứng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ tiến triển nặng của bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết.

độ tuổi mắc viêm mũi dị ứng thời tiết
Viêm mũi dị ứng thời tiết thường xảy ra từ thời thơ ấu và trong độ tuổi 30-40 tuổi

Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?

Viêm mũi dị ứng thời tiết hay còn gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa. Đây là bệnh viêm mũi dị ứng có tính chất kéo dài từ năm này qua năm khác và thời điểm khởi phát các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào mùa xuất hiện của các tác nhân gây dị ứng như mùa nở hoa của một loại cây nào đó, mùa sâu bướm sinh sôi, mùa ẩm ướt nhiều nấm mốc phát triển, mùa khô lạnh…

BSNT.CKII Trần Thị Thuý Hằng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, viêm mũi thời tiết gây ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số trên thế giới ở mọi lứa tuổi. Song nguy cơ cao hơn nhiều ở những người bị hen suyễn hoặc eczema và ở những người có tiền sử gia đình bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ thời thơ ấu hoặc ở tuổi trưởng thành và trở nên nghiêm trọng hơn lúc người bệnh còn nhỏ hoặc bước vào độ tuổi từ 30-40. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể thay đổi ở mỗi thời điểm hoặc độ tuổi trong suốt cuộc đời. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như sự thay đổi môi trường sống, sự thay đổi của hệ thống miễn dịch…

Nguyên nhân viêm mũi dị ứng thời tiết

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết chủ yếu do phấn hoa từ một loài cây thường nở hoa vào mùa nào đó trong năm. Ví dụ:

banner tâm anh quận 7 content
  • Mùa Xuân: Hoa của cây nhãn, cây xoan, cây bưởi…
  • Mùa Hè: Hoa của cây phượng, cây bằng lăng…
  • Mùa Thu: Hoa của cây hoa sữa, ngọc lan…
  • Mùa đông: Hoa của cây cúc hoạ mi, cải ngồng…

Nhưng ngoài ra, bị viêm mũi dị ứng thời tiết còn có thể do mạt bụi, nấm mốc, tiếp xúc với hóa chất, lông hoặc phân động vật. Những người bị hen, suyễn cũng thường đồng mắc viêm mũi dị ứng.(1)

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng thời tiết giao mùa

Bác sĩ Thuý Hằng cho biết, các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết ở mỗi người khác nhau. Mặc dù thuật ngữ “viêm mũi” chỉ đề cập đến các triệu chứng ở mũi, nhưng nhiều người cũng có các triệu chứng ảnh hưởng đến mắt, cổ họng và tai. Giấc ngủ cũng có thể bị gián đoạn.

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết có thể bao gồm:

  •  Mũi: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, chảy dịch mũi sau, giảm khứu giác, đau mặt.
  •  Mắt: Đỏ ngứa, cảm giác cộm ở mắt, sưng và mắt thâm quầng.
  •  Cổ họng và tai: Đau họng, khàn giọng, tắc nghẽn hoặc ù tai, ngứa cổ họng hoặc tai.
  •  Ngủ: Thở bằng miệng, thường xuyên thức giấc, mệt mỏi vào ban ngày, khó thực hiện các hoạt động bình thường như học, làm việc vì nghẹt mũi khó chịu.

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết giao mùa

Để xác định một người có mắc viêm mũi dị ứng thời tiết hay không, bác sĩ cần kết hợp nhiều chẩn đoán.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thường được thực hiện trên lâm sàng dựa trên các triệu chứng đặc trưng và đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kháng histamin hoặc corticoid xịt mũi. Theo bác sĩ Thuý Hằng việc chẩn đoán bệnh sẽ dễ dàng hơn nếu bệnh nhân có các triệu chứng theo mùa, hoặc xác định rõ một nguyên nhân khởi phát hay có nhiều hơn một tác nhân gây kích thích, bao gồm cả chất gây dị ứng và chất kích thích.

Do đó, người bệnh cần:

  • Nhớ lại vị trí và những gì bạn làm trước khi các triệu chứng viêm mũi bắt đầu. Ví dụ như bạn đã dành thời gian dạo chơi ngoài vườn hoặc chơi với thú cưng.
  • Ghi nhận thời gian trong năm thường thấy xuất hiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
  • Xem xét kỹ môi trường gia đình, cơ quan và trường học để tìm các chất gây dị ứng tiềm ẩn.

2. Các xét nghiệm

Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để kết hợp chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm:

  • Xét nghiệm da: Để xác định phản ứng với chất gây dị ứng như phấn hoa, lông hoặc phân động vật.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng, được chỉ định khi khi xét nghiệm da không đạt hiệu quả.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt là phân biệt viêm mũi dị ứng thời tiết với các dạng viêm mũi có nguồn gốc không dị ứng (còn gọi là viêm mũi vận mạch), viêm mũi mạn tính không do dị ứng, viêm mũi hỗn hợp và viêm mũi do virus.

“Cần nghi ngờ viêm mũi do nhiễm virus nếu bệnh nhân là trẻ em và thời điểm xuất hiện các triệu chứng là vào mùa xuân hoặc tháng 9. Bởi vì viêm mũi do virus rhinovirus (2) có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở trẻ em trong tháng 9 và mùa xuân”, bác sĩ Thuý Hằng lưu ý.

xét nghiệm chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết
Xét nghiệm máu đánh giá IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng giúp chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết

Cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng thời tiết có thể điều trị bằng các phương pháp như sau:

1. Thuốc trị viêm mũi dị ứng thời tiết

Theo bác sĩ Thuý Hằng các lựa chọn điều trị bằng thuốc thường bao gồm thuốc kháng histamin H1, corticoid dùng xịt mũi và thuốc đối kháng thụ thể leukotriene. Ba loại thuốc này không chỉ đặc hiệu với chứng viêm mũi dị ứng theo mùa mà còn với cả viêm mũi dị ứng lâu năm.

Thuốc kháng histamin dạng uống thường có tác dụng nhanh chóng nên bất kỳ khi nào có các triệu chứng, người bệnh có thể dùng ngay.

*Bác sĩ Thuý Hằng lưu ý, tác dụng của thuốc kháng histamin đối với các triệu chứng, đặc biệt là nghẹt mũi khá khiêm tốn nên kết quả điều trị sẽ tốt hơn nếu kết hợp với thuốc thông mũi. Tuy nhiên, người bệnh cần dùng thuốc kết hợp theo chỉ định của bác sĩ vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như viêm mũi do thuốc hoặc giảm hiệu quả khi điều trị đến ngày thứ 3. Người bệnh chỉ nên dùng các loại thuốc này trong thời gian ngắn, không nên dùng kéo dài để tránh nguy cơ lờn thuốc.

  • Corticoid xịt trong mũi: Được đánh giá là loại thuốc hiệu quả nhất đối với chứng viêm mũi dị ứng theo mùa. Không chỉ các triệu chứng ở mũi mà đối với các triệu chứng dị ứng ở mắt, glucocorticoid dùng qua đường mũi cũng có hiệu quả tương đương với thuốc kháng histamin đường uống.
  • Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene: Tác dụng của thuốc đối kháng thụ thể leukotriene đối với các triệu chứng của viêm mũi dị ứng cũng tương tự hoặc ít hơn một chút so với thuốc kháng histamine đường uống.
  • Thuốc tiêm: Đây cũng là một liệu pháp miễn dịch dưới da giúp điều trị chứng viêm mũi dị ứng theo mùa. Tuy nhiên, bác sĩ Thuý Hằng khuyến cáo, liệu pháp này có nguy cơ gây phản ứng toàn thân, xảy ra ở 0,1% số lần tiêm. Trong một số trường hợp hiếm hoi có thể dẫn đến sốc phản vệ đe dọa tính mạng.

cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết

Dùng thuốc kháng histamin xịt mũi có thể giúp giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết

2. Lưu ý khi chữa viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp một số cách trị viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà sau đây để cải thiện các triệu chứng.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Phương pháp này giúp loại bỏ các chất gây dị ứng ra khỏi mũi, đặc biệt hữu ích để điều trị triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi, khô mũi và nghẹt mũi. Rửa mũi bằng nước muối cũng giúp làm sạch niêm mạc mũi. Người bệnh có thể sử dụng trước khi dùng thuốc dạng xịt để thuốc phát huy tác dụng tốt hơn.

Xông hơi: Phương pháp xông hơi đơn giản với một nồi nước đun sôi mở vung để hơi nóng bốc lên mặt, hoặc mở vòi hoa sen ở chế độ nước nóng rồi xả khắp phòng tắm. Hơi nước nóng sẽ giúp thông đường thở và giảm nhẹ các triệu chứng.

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết

Theo bác sĩ Thuý Hằng, việc phòng ngừa viêm mũi dị ứng theo mùa quan trọng nhất là cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Theo đó, người dân nên:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày; giặt ga, gối, nệm, chăn, chiếu hàng tuần.
  • Không nên nuôi thú cưng có lông như chó mèo trong nhà.
  • Nếu nghi ngờ một loài thực vật nào đó có thể gây dị ứng trong vườn, hãy loại bỏ nó.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất như nước giặt, thuốc xịt côn trùng.
  • Thường xuyên mở cửa các phòng trong nhà để đón ánh nắng mặt trời để khử nấm mốc.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đồ ấm, nhất là vào mùa lạnh.

Câu hỏi thường gặp về bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết

Bác sĩ Thuý Hằng giải đáp các thắc mắc thường gặp về bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết.

1. Viêm mũi dị ứng thời tiết có chữa được không?

Viêm mũi dị ứng thời tiết có thể điều trị được bằng thuốc và phòng ngừa bằng cách tránh xa các tác nhân gây dị ứng.

2. Có phải trẻ em thường dễ bị viêm mũi dị ứng thời tiết giao mùa?

Những trẻ có cơ địa nhạy cảm, mắc bệnh hen suyễn dễ bùng phát các triệu chứng viêm mũi dị ứng khi thời tiết giao mùa. Chẳng hạn như trẻ sẽ bị viêm mũi dị ứng thời tiết lạnh ở những ngày cuối thu, đầu đông.

3. Viêm mũi dị ứng thời tiết có khác viêm xoang dị ứng thời tiết?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm các niêm mạc phủ trong hốc mũi do các tác nhân dị ứng gây ra.

Trong đó, xoang là các xương rỗng, mỗi bên mặt bao gồm một xoang trán, một xoang hàm, một xoang bướm và 15-17 xoang sàng có liên quan đặc biệt tới hốc mũi. Viêm xoang dị ứng là tình trạng viêm lớp niêm mạc phủ trong xoang do các tác nhân gây dị ứng.

Niêm mạc các xoang cạnh mũi và hốc mũi là một thể thống nhất, các bệnh lý viêm mũi dị ứng và viêm xoang dị ứng được gọi chung là viêm mũi xoang dị ứng.

4. Viêm mũi dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng thời tiết không phải là một bệnh lý cấp tính đe dọa tính mạng, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần làm suy giảm khả năng học tập, lao động do chứng nghẹt mũi gây ra. Thêm nữa, nếu không được điều trị sớm, các biến chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm tai giữa, viêm màng não… đe dọa tính mạng.

5. Viêm mũi dị ứng thời tiết nên làm gì?

Bác sĩ Thuý Hằng khuyên, khi nghi ngờ mắc viêm mũi dị ứng thời tiết, đặc biệt là ở trẻ em, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để thăm khám nhằm phát hiện đúng bệnh và có phương pháp điều trị khoa học, hiệu quả.

chữa viêm mũi dị ứng thời tiết lạnh
Khi xuất hiện các triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi trên 1 tuần, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị thăm khám, chẩn đoán, điều trị chuyên sâu các bệnh lý về tai mũi họng, trong đó có viêm mũi dị ứng thời tiết. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, lại được hỗ trợ bởi hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại bậc nhất như Máy bào mô Microdebrider của Medtronic (Mỹ), máy nội soi XION của Đức, Hệ thống máy COBLATOR của Smith Nephew (Mỹ)… sẽ giúp cho việc khám chữa bệnh chuyên nghiệp, hiệu quả cao.

Từ khóa » đẹt Mũi Là Gì