Viêm Mũi Họng Uống Thuốc Gì Và Những Lưu ý Cần Biết | Medlatec

1. Viêm mũi họng uống thuốc gì?

Sử dụng thuốc điều trị viêm mũi họng còn phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, theo nguyên nhân như sau:

1.1. Điều trị viêm mũi họng do virus

Hầu hết trường hợp viêm mũi họng do nhiễm virus thường không nghiêm trọng, triệu chứng bệnh kéo dài từ 5 - 7 ngày. Người bệnh thường không cần điều trị y tế và dùng thuốc đặc hiệu mà triệu chứng bệnh cũng sẽ tự thuyên giảm.

Viêm mũi họng là bệnh viêm đường hô hấp thường gặp

Viêm mũi họng là bệnh viêm đường hô hấp thường gặp

Với các triệu chứng viêm mũi họng do virus gây ra, có thể dùng thuốc uống để cải thiện như thuốc acetaminophen để giảm đau, hạ sốt, giảm rát cổ họng. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, không nên cho trẻ sử dụng các loại thuốc giảm đau trên khi không thực sự cần thiết. Việc dùng thuốc ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên đang phát triển cần tham khảo ý kiến từ bác sỹ.

1.2. Điều trị viêm mũi họng do vi khuẩn

Nếu tác nhân gây viêm mũi họng là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh điều trị, bệnh nhân cần dùng đủ và đúng liều lượng thuốc kháng sinh theo chỉ định. Việc dừng dùng kháng sinh sớm hoặc dùng sai liều lượng có thể khiến viêm mũi họng nặng hơn hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe sau này.

Vi khuẩn gây viêm mũi họng có thể cần điều trị với kháng sinh

Vi khuẩn gây viêm mũi họng có thể cần điều trị với kháng sinh

Viêm mũi họng do vi khuẩn thường có triệu chứng bệnh nặng hơn, nhiễm trùng nặng còn có thể lan sang nhiều bộ phận khác của cơ thể. Do đó, không nên chủ quan khi điều trị viêm mũi họng do vi khuẩn.

Ngoài sử dụng kháng sinh, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc điều trị triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn như: thuốc giảm đau, giảm sưng viêm cổ họng,...

2. Điều trị hỗ trợ viêm mũi họng tại nhà

Ngoài điều trị bằng thuốc, các chuyên gia khuyên nên ưu tiên các phương pháp điều trị tại nhà, lành tính để giảm bớt triệu chứng khó chịu, giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Dưới đây là các biện pháp điều trị viêm mũi họng hiệu quả người bệnh có thể áp dụng:

2.1. Nghỉ ngơi nhiều hơn

Viêm mũi họng gây ra nhiều triệu chứng bệnh khó chịu, khiến cơ thể mệt mỏi nên hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Cùng với đó là chế độ ăn uống lành mạnh, sạch sẽ để tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự tấn công của vi khuẩn Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế nói quá nhiều, tránh khiến cổ họng bị sưng đau nhiều hơn.

2.2. Uống nhiều nước ấm

Khi bị viêm mũi họng, chất lỏng sẽ có tác dụng giữ ẩm, ngăn ngừa mất nước hiệu quả, hơn nữa còn làm dịu và giảm đau cổ họng. Nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, ngoài ra nên tránh xa các thức uống gây hại như rượu bia, caffein.

Uống nước ấm có tác dụng làm dịu cổ họng do viêm mũi họng

Uống nước ấm có tác dụng làm dịu cổ họng do viêm mũi họng

Sử dụng nước ấm, trà không chứa caffein hoặc pha nước ấm với một ít mật ong có tác dụng rất tốt trong giảm đau do viêm mũi họng.

2.3. Súc miệng nước muối

Có thể dùng nước muối sinh lý hoặc pha chế nước muối với tỉ lệ 1/2 thìa cà phê muối ăn trong 120 ml nước ấm. Nước muối có tính sát khuẩn tốt, có tác dụng làm dịu cơn đau cổ họng, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh hiệu quả.

Trẻ từ 6 tuổi trở nên có thể hướng dẫn cho trẻ tự súc miệng với nước muối nhiều lần trong ngày. Lưu ý sau khi súc miệng, cần nhổ nước muối ra ngoài và súc miệng lại với nước sạch sẽ giảm được cảm giác khó chịu do nước muối gây ra.

2.4. Dùng kẹo ngậm

Có nhiều loại kẹo ngậm thảo dược chiết xuất có tác dụng làm dịu cơn đau họng hiệu quả. Tuy nhiên không nên dùng cách này cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống vì kẹo ngậm dễ khiến trẻ bị hóc.

2.5. Làm ẩm không khí

Khi bị viêm mũi họng trong thời tiết khô lạnh, làm ẩm không khí sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, không gây kích ứng thêm ở cổ họng. Có thể áp dụng cách này thường xuyên, tuy nhiên cần vệ sinh máy tạo ẩm định kỳ, tránh sự phát triển của nấm mốc hay vi khuẩn.

Máy làm ẩm không khí giúp bệnh nhân viêm mũi họng cảm thấy dễ chịu hơn

Máy làm ẩm không khí giúp bệnh nhân viêm mũi họng cảm thấy dễ chịu hơn

Ngoài cách này, bạn có thể xông hơi hoặc tắm nước ấm cũng tạo cảm giác dễ chịu, làm ẩm đường mũi và giảm sưng viêm hiệu quả.

3. Cần lưu ý gì khi điều trị viêm mũi họng?

Khi tiến hành điều trị viêm mũi họng, bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau:

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Viêm mũi họng thường không nguy hiểm song người bệnh không nên chủ quan. Điều trị tích cực từ sớm giúp rút ngắn đáng kể thời gian điều trị. Mặc dù các phương pháp điều trị tại nhà sẽ làm giảm triệu chứng viêm mũi họng hiệu quả song vẫn cần điều trị với kháng sinh nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Khi dùng thuốc điều trị, bệnh nhân cần tuân theo đúng phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ về thời gian và liều lượng dùng thuốc.

Thận trọng với thảo dược thiên nhiên

Ngoài thuốc Tây y, một số loại thảo dược được nghiên cứu có khả năng cải thiện triệu chứng viêm mũi họng rất tốt và đã được sản xuất thành thuốc. Tuy nhiên, chỉ sử dụng các loại thuốc được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chế độ ăn uống tốt giúp tăng sức đề kháng chống lại viêm mũi họng

Chế độ ăn uống tốt giúp tăng sức đề kháng chống lại viêm mũi họng

Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh

Đa số tình trạng viêm mũi họng do virus gây ra nên biện pháp điều trị tại nhà hầu hết có hiệu quả tốt. Kể cả khi mắc bệnh và đã chữa khỏi, người bệnh cần lưu ý các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh tại nhà như: rửa tay thường xuyên, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, hạn chế rượu và không hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, nên hạn chế tiếp xúc gần với những người có triệu chứng viêm mũi họng để tránh lây nhiễm virus, đặc biệt với trẻ nhỏ và những người có sức đề kháng yếu.

Như vậy, viêm mũi họng uống thuốc gì cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi thăm khám cụ thể, tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Nếu có thắc mắc khác về điều trị, phòng ngừa viêm mũi họng, hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Viêm Họng Cấp Uống Thuốc Gì