Viêm Niệu đạo - Bệnh Thường Gặp Và Dễ Tái Phát - VnExpress

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể ở cả nam và nữ, đây cũng là đường ra của tinh dịch khi xuất tinh. Viêm niệu đạo, còn gọi là nhiễm trùng tiểu, thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục không an toàn do nhiễm các vi khuẩn lây qua đường sinh dục như lậu, chlamydia hoặc vi rút herpes simplex. Những trường hợp này được phát hiện nhiều ở nam giới trẻ tuổi đã có hoạt động tình dục.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Tân Cương, bác sĩ Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ngoài nguyên nhân tình dục không an toàn, viêm niệu đạo còn có thể xảy ra do sự xâm nhập từ bên ngoài vào của các vi khuẩn như nấm men, e coli, klebsiella, proteus... Nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra do chấn thương niệu đạo; sỏi hay dị vật trong niệu đạo; các thủ thuật thực hiện qua đường tiểu như đặt thông tiểu, nội soi bàng quang...

Viêm niệu đạo do quan hệ tình dục không an toàn thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Ảnh: Shutterstock

Viêm niệu đạo do quan hệ tình dục không an toàn thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Ảnh: Shutterstock

Viêm niệu đạo nếu không được điều trị sớm có thể lan đến các khu vực khác của đường tiết niệu như bàng quang và thận. Đặc biệt, viêm niệu đạo có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, gây viêm vùng chậu ở phụ nữ; viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, có khả năng dẫn tới vô sinh ở nam giới.

Những dấu hiệu cảnh báo viêm niệu đạo là tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lượng nước tiểu mỗi lần thường không nhiều, cảm giác buốt rát dọc theo niệu đạo, nước tiểu có lẫn mủ hoặc máu tươi; ngứa cơ quan sinh dục; lỗ tiểu sưng đỏ, tiết dịch nhầy màu trắng, xanh hay vàng xanh, tình trạng này xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng sớm. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy một số triệu chứng khác như đau nhức bộ phận sinh dục khi giao hợp, đau vùng bụng dưới, sốt, buồn nôn, nổi hạch vùng bẹn, sưng khớp, có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch ở nam giới, dịch tiết âm đạo bất thường ở phụ nữ...

Phương pháp điều trị viêm niệu đạo do vi khuẩn thường được các bác sĩ chỉ định là sử dụng kháng sinh. Người bệnh sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh đường uống trong khoảng 5 - 7 ngày. Nếu bệnh không cải thiện hoặc xuất hiện tình trạng sốt, nhiễm trùng huyết..., bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ, viêm niệu đạo do hẹp bao quy đầu hoặc dài bao quy đầu thì cắt da bao quy đầu có thể giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lây lan.

Thói quen nhịn tiểu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm niệu đạo. Ảnh: Shutterstock

Thói quen nhịn tiểu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm niệu đạo. Ảnh: Shutterstock

Viêm niệu đạo do chấn thương hoặc các thủ thuật y học thường không lây nhiễm nhưng người bệnh cần thông báo với bác sĩ khi xuất hiện bất thường để kịp thời điều trị. Bác sĩ Tân Cương khuyến cáo thêm, viêm niệu đạo do vi khuẩn là một bệnh lý rất dễ lây lan và tái phát. Do đó, người bệnh nên chú ý giữ vệ sinh cơ quan sinh dục, mặc quần áo thoáng mát, có độ thấm hút mồ hôi tốt, tránh tình trạng bí bách, ẩm ướt tại vùng kín, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây viêm nhiễm. Người bệnh cần tránh nhịn tiểu quá nhiều và quá lâu, thói quen xấu này sẽ gây tích tụ vi khuẩn, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm niệu đạo.

Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cần ăn uống đủ dưỡng chất để bổ sung năng lượng, tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch; đồng thời, cung cấp đủ 2-2,5 lít nước để giúp cơ thể đào thải độc tố tốt hơn. Ngoài ra, viêm niệu đạo có thể lây truyền từ người sang người thông qua hoạt động tình dục, do đó, người bệnh nên tránh quan hệ với nhiều người, sử dụng bao cao su... Nên thăm khám bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu của viêm niệu đạo và những bệnh lý nguy hiểm khác, từ đó kịp thời can thiệp, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Phi Hồng

Từ khóa » đau Dọc Niệu đạo