Viên Chức được Hưởng Lương Như Thế Nào Khi Chuyển Từ Bằng Trung ...

Chuyển từ bằng trung cấp sang đại học được hưởng lương thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về việc xếp lương của viên chức khi thay đổi chức danh nghề nghiệp? Viên chức, cơ quan, tổ chức,.. cần tìm hiểu những văn bản quy định pháp luật nào để xác định quyền, nghĩa vụ của viên chức? Trường hợp viên chức thay đổi bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ thì được hưởng lương như thế nào?

Mục lục bài viết

  • 1. Luật sư tư vấn quy định về việc xếp lương viên chức
  • 2. Viên chức được hưởng lương như thế nào khi chuyển từ bằng trung cấp sang đại học?

1. Luật sư tư vấn quy định về việc xếp lương viên chức

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Viên chức được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù. Trường hợp viên chức thay đổi chức danh nghề nghiệp thì được chi trả tiền lương theo chức danh nghề nghiệp mới.

Tuy nhiên, để có thể xếp lương của viên chức được thực hiện theo đúng quy định pháp luật khi thay đổi chức danh nghề nghiệp, trình độ học vấn, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thì không phải đơn vị hay viên chức nào cũng nắm rõ. Trường hợp bạn, cơ quan, đơn vị bạn cũng đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến việc xếp lương của viên chức hoặc vấn đề khác có liên quan quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức,...thì bạn có thể đặt câu hỏi cho Luật Minh Gia để được hướng dẫn tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm thông tin quy định pháp luật về cách xếp lương của viên chức khi thay đổi chức danh nghề nghiệp

2. Viên chức được hưởng lương như thế nào khi chuyển từ bằng trung cấp sang đại học?

Câu hỏi:

Quy định và cách tính lương từ trung cấp sang đại học đối với viên chức. Cụ thể tôi đang ở hệ số lương 2.86 bậc trung cấp, đến tháng 3/2020 tôi đến kỳ hạn tăng lương lên bậc 7 trung cấp là 3.06. Tôi đã được cấp bằng đại học vào ngày 29/09/2019 và hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên quản lý nhà nước. Vậy với trường hợp của tôi, xin luật sư cho hỏi:

Nếu tôi để đến tháng 3/2020 tăng lương từ bậc 6 (2.86) lên bậc 7 (3.06) trung cấp rồi mới nộp bằng đại học vào để xét chuyển sang hệ số của đại học được không? Trường hợp không được, tại sao? - Nếu khi nâng được hệ số lên bậc 7 trung cấp là 3.06 rồi tôi mới nộp bằng đại học vào để xét ăn lương theo bằng đại học thì hệ số lương của tôi sẽ là bao nhiêu?- Tại cơ quan tôi công tác có trường hợp khi nộp bằng đại học vào khi xét chuyển ngạch lượng thì bị giảm bậc. Ví dụ: đang ở mức bậc 4 trung cấp 2.46 khi nộp bằng đại học thì xét chuyển ngạch lương đại học còn 2.34 thuộc bậc 1 đại học. Trường hợp này cơ quan tôi có làm đúng không và căn cứ theo quy định nào?Rất mong được công ty tư vấn sớm.Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là viên chức loại B, đang hưởng lương bậc 6, hệ số lương 2,86 và hiện nay đã có bằng đại học, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên viên quản lý nhà nước nên muốn xét chuyển sang hệ số lương của bằng đại học. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật viên chức 2010 như sau:

“2. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.”

Và Điều 9 Thông tư 12/2012/TT-BNV quy định Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:

“Viên chức được đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;

2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền;

3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn hạng hiện giữ trong cùng ngành, lĩnh vực;

4. Đáp ứng các yêu cầu khác do Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định.”

Trường hợp bạn hiện đang là viên chức và muốn chuyển ngạch hưởng lương từ trung cấp lên đại học thì bạn cần phải đạt tiêu chuẩn, điều kiện để đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 12/2012/TT-BNV, đồng thời đơn vị bạn đang làm việc phải có đợt thi hoặc xét nâng ngạch thì bạn mới có thể chuyển đổi chức danh nghề nghiệp. Ngoài ra, việc thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức không phụ thuộc vào thời điểm nâng lương thường xuyên, do đó bạn có thể để đến tháng 3/2020 bạn được nâng lên bậc 7, hệ số lương 3.06 rồi mới nộp bằng đại học vào để thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (nếu đơn vị có đơn xét/thi và bạn đủ điều kiện để đăng ký) thì vẫn phù hợp quy định pháp luật.

Đối với việc xếp lương khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được quy định tại cụ thể tại khoản 1 Mục II thông tư 02/2007/TT-BNV như sau:

"a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ..."

Theo đó, khi được nâng ngạch lương, bạn được xếp lương vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ. Ví dụ: Bạn là viên chức loại B hưởng lương bậc 7, hệ số 3.06 và được nâng ngạch sang viên chức loại A1 thì bạn được xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất là 3.33, bậc 4. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới của bạn được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (Chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ của bạn là 3.33 – 3.06 = 0.27 nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ của bạn là 0.31).

Như vậy, nếu viên chức đang hưởng lương ở bậc 4, hệ số 2.46 khi xét chuyển ngạch viên chức, đơn vị bạn xếp lương cho viên chức đó hưởng lương bậc 1, hệ số 2.34 là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 1 Mục II thông tư 02/2007/TT-BNV. Trường hợp đơn vị xếp lương cho bạn không phù hợp quy định pháp luật trên thì bạn có thể làm đơn kiến nghị đến thủ trưởng đơn vị để được xếp lương cho phù hợp.

Từ khóa » Hệ Số Lương Bậc 7 đại Học