Viện Mẫu Là Gì | Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

Thỉnh thoảng, chúng ta nghe nói đến các viện mẫu. Viện mẫu là ai vậy?

Tôi không rõ ở Việt Nam có ai mang chức viện mẫu hay không. Viện mẫu dịch từ tiếng La-tinh abbatissa, tiếng Pháp abbesse, tiếng Anh abbess. Và muốn hiểu “viện mẫu” là gì, chúng ta cần phải quy chiếu về một định chế tương đương trong các đan viện, đó là các Viện phụ. Xét về lịch sử, viện phụ có trước viện mẫu.

Viện phụ là ai vậy?

Ở Việt Nam, dòng Biển đức và dòng Xitô có các viện phụ, vị đứng đầu một đan viện. Dĩ nhiên, người ta có quyền nêu thắc mắc: sao không gọi là viện trưởng (như các tu viện trưởng) mà gọi là viện phụ? Câu trả lời là: tại vì càng ngày chúng ta càng xa tinh thần Phúc âm, và chỉ chú trọng tới hình thức bên ngoài. Nói tới các viện phụ, chúng ta liên tưởng đến các vị đeo thánh giá, đội mũ chống gậy giống như các giám mục. Tuy nhiên, vào lúc đầu thì không phải như vậy. Abbas trong tiếng Hy-lạp chỉ có nghĩa là “cha”. Vào lúc khai nguyên đời đan tu Kitô giáo bên Ai cập (hồi thế kỷ IV), các tu sĩ gọi các bậc lão thành là abbas, những người có khả năng dìu dắt trên đường tiến đức. Thiết tưởng có thể ví được như tiếng “sư phụ” bên Đông phương vậy. Các sư phụ này không có quyền hành gì hết, nhưng họ có đặc sủng dìu dắt môn sinh trên đường tiến đức. Đến khi có đời sống cộng đoàn, ta thấy vai trò của abbas bắt đầu thay đổi. Abbas không phải chỉ là người hướng dẫn đường tu đức mà còn là người điều khiển cộng đoàn. Dù vậy, trong luật của thánh Biển đức, vai trò dìu dắt về đường tiến đức vẫn được xếp hàng đầu: abbas là người hướng dẫn các đan sinh trong việc tìm ra ý Chúa. Việc quản trị cộng đoàn được ủy thác cho một thủ trưởng (praepositus). Thánh Biển đức không hề mơ ước Abbas sẽ mang mũ gậy giống như giám mục.

Từ hồi nào, các viện phụ được mang mũ gậy?

Nên biết là các abbas (tức là các sư phụ) không phải là linh mục. Thánh Biển đức cũng không phải là một linh mục, cũng như đại đa số các đan sĩ đương thời. Từ thế kỷ VIII trở đi, số các đan sĩ linh mục càng ngày càng gia tăng vì nhu cầu mục vụ, truyền giáo. Trong bối cảnh đó, abbas cũng là linh mục. Hơn thế nữa, đan viện còn phụ trách mục vụ cho những làng mạc kế cận. Vai trò của abbas không chỉ giới hạn vào việc hướng đẫn tinh thần cho các tu sĩ, mà còn kiêm luôn việc quản trị cộng đoàn đan tu và các giáo xứ. Quyền hạn của abbas tương đương với giám mục, như trường hợp của các vị abbas nullius (nay được gọi là đan viện tòng thổ). Từ đó, không lạ gì mà các abbas cũng có mũ gậy như giám mục, kể từ thế kỷ IX.

Những điều này có liên quan chi đến các viện mẫu không?

Có chứ. Trên đây, tôi đã nói là vào lúc đầu abbas chỉ có nghĩa là “cha” kiểu như sư phụ, một từ bày tỏ lòng cung kính, chứ chẳng có quyền hành gì hết. Một cách tương tự như vậy, vào lúc đầu, hồi thế kỷ IV, bên Ai cập, các nữ tu gọi người hướng dẫn là amma, có nghĩa là “má, mẹ”. Khi các bản luật tiếng La-tinh ra đời, thì người đứng đầu các tu viện nữ được gọi là abbatissa, có nghĩa là “nữ abbas”, hay nữ viện phụ. Dịch nôm na là “bà cha”.

“Ông cha” thì còn nghe được, chứ “bà cha” thì chói tai quá.

Chói tai là điều chắc rồi. Vì thế mà nhiều bản luật không dùng từ abbatissa, thay vào đó là magistra(cô giáo), mater (mẹ), hoặc priora (bà nhất). Tuy nhiên, tuy tiếng “bà cha” nghe chói tai, nhưng trên thực tế, các bà vẫn thích làm cha.

Làm cha là chịu chức linh mục, phải không?

Còn hơn thế nữa, làm cha ở đây có nghĩa là hành sử quyền bính giống như giám mục và cũng có mũ gậy.

Nhưng mà nếu các viện mẫu không chịu chức linh mục thì làm sao hành sử quyền bính giống như giám mục được?

Quyền hành của các viện mẫu tiến triển từng cấp. Lúc đầu, các viện mẫu chỉ là “mẹ và cô giáo” đối với các chị em ở trong đan viện. Nhưng vào thời Trung cổ, vài đấng nổi hứng lập dòng “kép”, nghĩa là một đan viện nam cạnh một đan viện nữ. Theo thói thường, vì bề trên của đan viện nam cũng là bề trên của đan viện nữ; nhưng cũng có luật trừ, đó là bề trên đan viện nữ (viện mẫu) điều khiển cả đan viện nam, như trường hợp xảy ra cho dòng Fontevrault (đầu thế kỷ XI bên Pháp), và dòng Chúa Cứu thế do thánh Brigitta lập hồi thế kỷ XIV.

Lấy danh nghĩa gì mà các viện mẫu điều khiển luôn cả dòng nam vậy?

Trong cả hai trường hợp vừa kể, viện mẫu được coi như biểu tượng của Mẹ Maria, chủ toạ cộng đoàn các môn đệ tại Giêrusalem trong thời gian tĩnh tâm chờ đón Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện nội bộ của vài dòng. Trường hợp đáng kể hơn nữa là có các viện mẫu không những chỉ làm bề trên của nam tu sĩ, mà còn hành sử quyền tài phán trên các linh mục, các giáo xứ, giáo dân. Một trường hợp điển hình là viện mẫu đan viện Xitô ở Las Huelgas (gần Burgos, mạn bắc nước Tây ban nha), thành lập năm 1180. Dưới trướng của bà, có 15 nữ đan viện phụ thuộc. Mỗi đan viện phụ thuộc có những cơ sở đồn điền cùng với dân cư, và hàng giáo sĩ lo việc mục vụ. Tất cả các giáo sĩ và giáo dân này đều thuộc quyền tài phán của bà. Nói khác đi, bà là giám mục của họ, với quyền hạn tương tự như các viện phụ tòng thổ.

Vì thế, viện mẫu cũng có mũ gậy, giống như viện phụ và giám mục, phải không?

Không hẳn như vậy, không phải tất cả các viện mẫu đều mang mũ gậy, và không phải tất cả các viện mẫu có mũ gậy cũng đều hành sử quyền hành giám mục. Thực vậy, những trường hợp viện mẫu hành sử quyền tài phán đã thuộc về quá khứ chứ ngày nay không còn nữa. Còn tục lệ trao mũ gậy cho viện mẫu thì được du nhập hầu như đồng thời với tục lệ dành cho các viện phụ, tuy không được phổ quát cho lắm. Lễ nghi chúc phong cho viện mẫu thay đổi tùy nơi tùy thời. Thường thì viện mẫu được trao thánh giá đeo trên ngực và chiếc nhẫn. Điều này không có gì khác thường. Đôi khi được trao thêm gậy. Gậy ở đây không có ý nghĩa cai quản như giám mục, nhưng chỉ là tượng trưng của sự sửa bảo cũng như sự tận tâm với chức vụ. Còn mũ miện thì đã bị cấm sử dụng từ thời Trung cổ.

Có nhiều viện mẫu không có mũ gậy phải không?

Ngày nay, rất ít viện mẫu sử dụng mũ gậy. Có hai lý do giải thích hiện tượng này.

- Lý do thứ nhất, vì người ta muốn trở về với tinh thần đơn sơ của buổi đầu thời đan tu, khi mà như đã nói trên đây, thánh Biển đức không biết đến mũ gậy. Vai trò của abbas hay abbatissa không phải hành sử quyền bính địa vị, nhưng tiên vàn là sư phụ, nghĩa là thầy dạy dỗ về đường tiến đức.

- Lý do thứ hai, chức vụ viện mẫu không phải chỉ dành cho Dòng Biển đức hay Xitô mà thôi, nhưng còn cho nhiều dòng khác nữa.

Thực vậy, trong khi mà dòng nam giới được thành lập từ thế kỷ XIII về sau (chẳng hạn như dòng Đaminh, dòng Phansinh) đã loại bỏ chức vụ viện phụ (bề trên được gọi là anh nhất, prior; hay phục vụ viên, minister), thì các dòng nữ vẫn còn giữ tước hiệu abbatissa. Trường hợp điển hình là dòng Clara. Như vừa nói, trong dòng Phansinh, chức vụ viện phụ abbas không còn nữa; nhưng trong dòng thánh Clara thì bề trên vẫn còn gọi là abbatissa. Điều này không có gì khó hiểu cho lắm. Có lẽ một phần vì lúc đầu dòng nữ Clara còn theo luật Biển đức, mãi sau này mới có luật riêng. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là tại vì các dòng nữ vẫn còn duy trì cơ cấu của các đan viện, nghĩa là mỗi nhà là một đơn vị biệt lập, và các nữ tu ở trong nhà kín chứ không nay đây mai đó như các nam tu sĩ. Ngoài dòng thánh Clara, vài dòng nữ Augustinô cũng còn giữ tước hiệu viện mẫu. Có lẽ nguồn gốc do thừa kế cơ cấu các nữ kinh sĩ.

Nữ kinh sĩ là gì?

Trong tiếng Việt, kinh sĩ dễ bị hiểu lầm là người chuyên môn đọc kinh. Thực ra đây là dịch không đúng. Trong tiếng Pháp, chanoine có thể hiểu là các giáo sĩ ở nhà thờ chánh toà hát kinh thần vụ, và vì thế gọi là kinh sĩ. Theo nguyên gốc langữ, “canonici” là một tính từ được áp dụng vào thời Trung cổ cho các giáo sĩ tuân giữ một bản luật (canon có nghĩa là lề luật), hiểu ngậm là sống chung với nhau; đối lại với các giáo sĩ sống tư riêng, không khấn giữ một luật. Những người này gọi là saeculares. Dĩ nhiên, đó là nói tới nam giới. Nhưng mà các bà cũng sớm theo gót các ông. Nhiều thiếu nữ thuộc giới thượng lưu cũng họp thành hội (capitulum) để nguyện kinh chung với nhau, hoặc đối đáp với các canonici. Họ mang danh là canonicae, dịch ra tiếng Pháp là chanoinesse; từ đó có chuyện “nữ kinh sĩ”. Các canonicae không phải chỉ họp nhau để hát kinh nhưng còn phụ trách việc giáo dục, cách riêng là giới thượng lưu. Tuy nhiên, trong khi mà các canonici (nam giới) sống có lời khấn, và bề trên (là một giáo sĩ) mang tước hiệu Abbas (với mũ gậy), thì các canonicae sống với nhau mà không có lời khấn, hoặc chỉ có bà chủ tịch tuyên khấn khiết tịnh mà thôi. Nhưng mà bà cũng thích tước hiệu Viện mẫu. Đó là nguồn gốc của các nữ kinh sĩ, nhưng mà định chế này đã biến hóa thay đổi rất nhiều. Một thí dụ điển hình là dòng các bà Oiseaux, mang danh là nữ kinh sĩ Augustinô, nhưng ngày nay đã trở thành một Dòng tu, và chẳng còn biết đến chức vụ viện mẫu nữa. Cũng nên biết là ngay một vài ngành của Dòng Biển đức cũng bỏ danh hiệu viện mẫu. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Từ khóa » Chúc Phong đan Phụ Là Gì