Viện Vật Liệu Xây Dựng (VIBM): Tự Hào Hành Trình 50 Năm Xây Dựng ...

Viện trưởng Lê Trung Thành báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng , Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng,Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh về một số kết quả nghiên cứu KHCNcủa Viện Vật liệu xây dựng tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (năm 2018)

Phóng viên: Thưa Viện trưởng Lê Trung Thành, đến nay VIBM đã trải qua 50 năm song hành cùng sự phát triển của ngành Xây dựng và đất nước, xin Viện trưởng cho biết một số cột mốc quan trọng trong quá trình lịch sử ấy?

Viện trưởng Lê Trung Thành: Có thể nói, chặng đường phát triển của VIBM trong 50 năm qua gắn liền với nhiều biến cố lịch sử của đất nước, trong đó có cả đấu tranh thống nhất và bảo vệ tổ quốc. Ngày mới thành lập năm 1969, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phải sơ tán nhiều nơi, đời sống cán bộ viên chức gặp nhiều khó khăn, nhưng VIBM đã bắt tay ngay vào công tác nghiên cứu, giải quyết rốt ráo các nhu cầu bức bách của ngành Xây dựng lúc bấy giờ như: Nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ sản xuất ngói xi măng cát để thực hiện chủ trương ngói hóa của Đảng, Nhà nước; nghiên cứu chế tạo gạch chịu axit phục vụ xây dựng các nhà máy hóa chất Việt Trì, Super phốt phát Lâm Thao, Đạm Hà Bắc, Dệt Nam Định, Dệt 8/3; nghiên cứu chế tạo sứ cách điện cao tần phục vụ ngành điện lực; nghiên cứu công nghệ sản xuất và thiết kế xây dựng nhà máy gạch chịu lửa Tam Tầng - Nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa đầu tiên của Việt Nam; thiết kế các nhà máy xi măng lò đứng…

Ngày 16/1/1974, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười ký Quyết định số 108/BXD-TCCB đổi tên Viện Silicat thành Viện Vật liệu xây dựng. Đồng thời, bổ sung một số cán bộ của Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng (nay là Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST) và Viện Xây dựng công nghiệp (nay là Công ty Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị - VCC). Giai đoạn 1974 - 1993 là thời kỳ đất nước có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khi tổ quốc hoàn toàn thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, năm 1986 xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp để chuyển sang phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần. Để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, VIBM đã có những thay đổi về cơ cấu tổ chức, phát triển lực lượng. Đây là giai đoạn Viện có nhiều đơn vị thành viên nhất và lực lượng cán bộ đông đảo nhất, năm 1978 có 19 đơn vị trực thuộc và tổng số cán bộ của Viện là 529 người. Giai đoạn này, Viện đã tiến hành đánh giá về khả năng sử dụng và phân bố sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản theo chất lượng của từng khu vực mỏ, giúp Nhà nước và Bộ Xây dựng có kế hoạch khai thác trong từng giai đoạn; triển khai chương trình cấp nhà nước về VLXD 26 - 02; xây dựng quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD giai đoạn 1991 - 2000 và quy hoạch VLXD cho các vùng kinh tế, các tỉnh, thành phố; nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp ở miền Bắc, như: công nghệ sản xuất gạch tuynel sử dụng tham cám, sử dụng đất đồi, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn; sản xuất men và màu cho gạch ceramic và sứ vệ sinh; công nghệ sản xuất gạch chịu lửa kiềm tính, cao nhôm; công nghệ sản xuất kính màu chống nắng, thủy tinh cách điện cho ngành điện lực; công nghệ sản xuất xi măng trắng, xi măng giếng khoan dầu khí; công nghệ sản xuất các vật liệu hữu cơ, phụ gia hóa học cho xi măng, bê tông… Trong giai đoạn này, Viện cũng lập nhiều dự án đầu tư và thiết kế xây dựng nhiều nhà máy sản xuất VLXD trong toàn quốc.

Ngoài các hoạt động khoa học ở trong nước, VIBM đã mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ VLXD với nước ngoài, như: Liên Xô, Ấn Độ, Cuba. Đặc biệt với nước bạn Lào và Campuchia, Viện đã cử chuyên gia giúp đỡ khảo sát, thiết kế, vận hành sản xuất và lập quy hoạch VLXD dài hạn, như: Công trình xưởng nghiền clanhke xi măng Viêng Chăn, công trình khai thác và phân loại thạch cao Đồng Hến, công trình thiết kế nhà máy xi măng nhỏ 10.000 tấn/năm cho Lào; khảo sát, lên phương án và lập đơn hàng phục hồi nhà máy xi măng Campot công suất 300.000 tấn/năm cho Campuchia.

Giai đoạn từ 1994 - 2004 là thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên của ngành công nghiệp nước ta nói chung, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Ngày 5/5/1993, một bộ phận chuyên môn tư vấn thiết kế của Viện được tách ra để thành lập Công ty Tư vấn xây dựng công trình VLXD. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Viện tiếp tục tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất, cơ cấu tổ chức của Viện bao gồm 11 đơn vị chuyên môn và 2 tổ sản xuất thực nghiệm trực thuộc. Giai đoạn này, Viện đã tiến hành nghiên cứu hàng loạt sản phẩm mới, tiêu biểu là: Xi măng giếng khoan dầu khí theo tiêu chuẩn Mỹ, bê tông chịu lửa thế hệ mới, vật liệu composite chống ăn mòn, cát nghiền thay cát nhân tạo để chế tạo bê tông và vữa. Song song với công tác nghiên cứu các sản phẩm mới, công tác nghiên cứu xử lý môi trường và xây dựng tiêu chuẩn cũng bước sang giai đoạn mới. Viện đã xây dựng và chuyển đổi hầu hết các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử VLXD để hội nhập với các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới như: Tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn Mỹ ASTM, tiêu chuẩn châu Âu và Anh BS EN.

Giai đoạn từ 2005 đến nay, có thể coi là thời kỳ ngành công nghiệp VLXD bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Tổng công suất thiết kế và sản xuất của nhiều loại VLXD của Việt Nam đã đứng trong top 5 - 10 thế giới như: Xi măng, kính xây dựng, vật liệu ốp lát ceramic… đã đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, phát triển đô thị nhanh chóng của đất nước và có một phần VLXD tham gia thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn này, nhất là những năm gần đây, một loạt quy hoạch phát triển ngành do VIBM nghiên cứu, xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt, tiêu biểu là: Quy hoạch Thăm dò và khai thác khoáng sản làm VLXD Việt Nam; Quy hoạch Tổng thế phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh đến năm 2020 và các Quy hoạch phát triển VLXD của các địa phương trong toàn quốc. Đồng thời, trước tình hình nhiều nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân bón, hóa chất... tồn trữ khối lượng lớn chất thải công nghiệp, Viện đã nghiên cứu xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng trong các công trình.

Các hoạt động nghiên cứu phát triển của Viện đã mở rộng hơn ra các lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, nghiên cứu các công nghệ xử lý, tái chế các chất thải để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Viện đã tiếp cận và làm chủ nhiều kỹ thuật tiến tiến, ứng dụng công nghệ nano để chế tạo ra nhiều loại vật liệu nhẹ, cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng và vật liệu thông minh…

Tính đến nay, tập thể lãnh đạo và cán bộ VIBM qua các thời kỳ đã để lại nguồn tài sản đồ sộ, vô giá với hàng trăm công trình nghiên cứu, trong đó nhiều công trình được trao giải thưởng VIFOTEC, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền sáng chế và đặc biệt là đã được ứng dụng hiệu quả trong đời sống thực tiễn. Với những kết quả hoạt động cống hiến trong suốt 50 năm qua, tập thể cán bộ viên chức và người lao động VIBM đã được Đảng và Nhà nươc trao tặng nhiều phần thưởng cao quý bao gồm:Huân chương lao động hạng Ba (1977; 1995); Huân chương Lao động hạng Nhì (1982; 1985); Huân chương Lao động hạng Nhất (1999); Huân chương Độc lập hạng Ba (2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2009); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2014) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2019). 

VIBM vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng năm 2014

Phóng viên: Là đơn vị sự nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, VIBM đã thực hiện vai trò nghiên cứu phục vụ quản lý Nhà nước được thực hiện như thế nào, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Lê Trung Thành: Là đơn vị sự nghiệp KHCN Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, VIBM đã và đang tập trung nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để có thể phục vụ tốt nhất công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực VLXD, cơ khí xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường xây dựng và góp phần phát triển ngành Xây dựng đạt hiệu quả cao nhất.

Chúng tôi thường xuyên nắm chắc các chủ trương, định hướng và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo Nhà nước về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình. Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của VIBM luôn có ý thức chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lãnh đạo và cán bộ công chức của các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng theo lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường và Vụ Kế hoạch Tài chính. Đồng thời, trong lĩnh vực của mình, VIBM cũng đã và đang thường xuyên được tham gia làm việc theo chủ đề với các cơ quan quản lý Nhà nước của Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan.

Từ các yêu cầu của quản lý nhà nước, VIBM đối chiếu với hệ thống dữ liệu thu thập nhiều năm, các kinh nghiệm triển khai KHCN thực tiễn thường xuyên với các doanh nghiệp, các địa phương, các đối tác nước ngoài và dành các nguồn lực chất lượng cao nhất về nhân lực nghiên cứu và hệ thống thiết bị chuyên môn để luôn đảm bảo thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ do các cơ quan quản lý Nhà nước giao.

Phóng viên: Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ quản lý Nhà nước, công tác nghiên cứu khoa học đã được VIBM quan tâm triển khai như thế nào, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Lê Trung Thành: Trong suốt 50 năm lịch sử phát triển của mình, đối với VIBM, nghiên cứu khoa học được xác định là hoạt động ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất và luôn được lãnh đạo Viện qua các thời kỳ quan tâm và được đầu tư thích đáng. Những năm gần đây, số lượng, chất lượng và quy mô các đề tài, dự án từ các nguồn vốn khác nhau đã tăng trưởng rõ rệt so với các năm trước. Các nhiệm vụ đều được thực hiện hiệu quả cả về nội dung, chất lượng và tiến độ. Đặc biệt số lượng các đề tài nghiên cứu từ nguồn vốn doanh nghiệp tăng lên. Điều này cho thấy năng lực nghiên cứu của VIBM được các doanh nghiệp đánh giá cao, bám sát nhu cầu thực tế và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất. 

Từng cán bộ VIBM đều có ý thức rõ ràng về tính cạnh tranh trong thị trường nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như các nhiệm vụ đặt hàng của Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên có các nhiệm vụ tổng hợp xu thế, xu hướng phát triển KHCN lĩnh vực VLXD trên thế giới và trong khu vực để làm tài liệu tham khảo cho các đơn vị nghiên cứu trong toàn Viện. Tiếp theo đó là các cán bộ nghiên cứu có thể phát triển ý tưởng khoa học công nghệ theo cá nhân hoặc theo nhóm trên cơ sở nắm bắt thông tin chặt chẽ, đồng thời luôn tương tác với các tổ chức KHCN của các nước phát triển VLXD và các doanh nghiệp VLXD mạnh trong nước để hoàn thiện các đề xuất, đề cương chi tiết các nhiệm vụ và các hợp đồng KHCN.

VIBM đặc biệt chú trọng các bước triển khai để đảm bảo chất lượng và tiến độ trong các khâu thực hiện và công tác nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN của Nhà nước và các hợp đồng khoa học công nghệ với doanh nghiệp. Chúng tôi đồng thời đề cao công tác bảo hành chất lượng sản phẩm KHCN của mình để có được tin tưởng ngày càng cao của các đối tác khoa học công nghệ.

Theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống,các hoạt động dịch vụ KHCN của Viện cũng được hình thành và phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường, góp phần không nhỏ đến việc tự chủ tài chính về chi thường xuyên của Viện từ năm 2015. Hiện nay, VIBM đã chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ tài chính và đạt được những thành công nhất định nhờ có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước. VIBM đã thành lập Công ty CP VLXD tính năng cao, là đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm do VIBM nghiên cứu, tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học. Sau thời gian nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện, cơ chế tự chủ tài chính đã thúc đẩy VIBM tạo nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ và phân bổ nguồn tài chính. Nhờ đó, thu nhập bình quân của cán bộ viên chức luôn được đảm bảo.

Phóng viên: Xây dựng thành công một thương hiệu lớn cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố, song đâu là yếu tố then chốt làm nên tầm vóc và quy mô của VIBM - Viện nghiên cứu KHCN đầu ngành về VLXD như hiện nay, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Lê Trung Thành: Là Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành trong lĩnh vực VLXD, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, VIBM luôn quan tâm và coi công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, mang yếu tố quyết định. VIBM luôn tạo điều kiện để cán bộ viên chức có cơ hội được học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực, cũng như động viên, khích lệ mỗi cá nhân phát huy tài năng, sở trường của mình. Nhờ vậy, tập thể cán bộ viên chức của VIBM được làm việc trong môi trường khoa học luôn sôi nổi, có tính chuyên môn sâu và cạnh tranh tích cực.

Hàng năm, VIBM đều xây dựng kế hoạch cử các đoàn cán bộ, chuyên gia đi học tập, trao đổi ngắn hạn tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ về VLXD phát triển trên thế giới, theo hoạt động thỏa thuận khung giữa VIBM và các đối tác chiến lược ở các quốc gia phát triển. Trong những năm tới, VIBM sẽ tăng cường chú trọng công tác đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo chuyên gia; thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ có chất lượng cao cũng như chủ động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành, dịch vụ tư vấn đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu KHCN tại cả phía Bắc và phía Nam nhằm đáp ứng tốt nhất các nhiệm vụ trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ và các hợp đồng KHCN với các doanh nghiệp khó tính nhất.

Đồng thời, VIBM đã và đang ngày càng hoàn thiện xây dựng cơ chế và quy chế quản lý các hoạt động KHCN trong toàn Viện một cách khoa học nhất, vận hành nhuần nhuyễn mô hình tự chủ theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN công lập, thích ứng hiệu quản theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích của các đơn vị chuyên môn, các chủ trì nhiệm vụ và các thành viên tham gia trực tiếp vào từng nhiệm vụ, hợp đồng KHCN.

Bên cạnh việc liên kết với các đối tác khoa học công nghệ trong nước, VIBM không ngừng mở rộnghợp tác quốc tế để vươn tầm ra khu vực và thế giới. Trong ảnh là Viện trưởng Lê Trung Thành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với GS. Yan Bilan - Phó chủ tịch CBMA về tăng cường hợp tác giữa 2 bên.

Phóng viên: Để phát huy hơn nữa vai trò một Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành trong lĩnh vực VLXD, chiến lược phát triển của VIBM trong thời gian tới là gì, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Lê Trung Thành: Trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng đã đạt được trong suốt 50 năm xây dựng, trưởng thành và với những tiềm năng, thế mạnh của mình, VIBM đã xây dựng chiến lược của mình với quan điểm phát triển thành một tổ chức KHCN mạnh dựa trên 3 trụ cột chính là: Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Đào tạo và Dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là trọng tâm, động lực chính để phát triển và lĩnh vực hoạt động chủ yếu của VIBM là vật liệu xây dựng (bao gồm vật liệu mới, vật liệu tính năng cao và tiết kiệm năng lượng), kỹ thuật hạ tầng, cơ khí xây dựng, thiết bị và môi trường. 

Đặc biệt, VIBM sẽ là cánh tay nối dài của Bộ Xây dựng trong công tác quản lý Nhà nước về VLXD, nghiên cứu xây dựng chiến lược phát VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VLXD, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy chất lượng hàng hóa, sản phẩm VLXD và thực hiện thí nghiệm, kiểm định, kiểm soát chất lượng VLXD đưa vào công trình xây dựng, nhất là các công trình lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, VIBM sẽ không ngừng phấn đấu để trở thành tổ chức KHCN có uy tín trong khu vực ASEAN và trên thế giới, thực hiện nghiên cứu các sản phẩm và công nghệ mang tính chiến lược phục vụ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam, ngày càng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tái chế phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt trong sản xuất, chế tạo VLXD. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới làm tiền đề cho các hoạt động tư vấn, dịch vụ, sản xuất và kinh doanh và tìm hướng đi mở rộng phạm vi hoạt động của Viện ra nước ngoài.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự đoàn kết, quyết tâm của tập cán bộ công chức cùng khả năng nhạy bén trong việc nắm bắt các tiến bộ khoa học công nghệ về VLXD trên thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế, VIBM sẽ tập trung vận dụng và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển hơn nữa tầm vóc và quy mô Viện, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho cán bộ viên chức và người lao động.

Phóng  viên: Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, xin chúc VIBM ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là Viện nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) đầu ngành về vật liệu xây dựng của cả nước.

Trần Đình Hà (thực hiện)

Từ khóa » Viện Vật Liệu Xây Dựng Ibst