Viết Bài Văn Trình Bày ý Kiến Về Một Hiện Tượng (vấn đề) Mà Em Quan ...

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm lớp 6Bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống Mua tài khoản Hoatieu Pro để trải nghiệm website Hoatieu.vn KHÔNG quảng cáo & Tải tất cả các File chỉ từ 69.000đ. Tìm hiểu thêm Mua ngay Từ 69.000đ

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm là đề bài tập làm văn trong chương trình sách giáo khoa lớp 6 mới bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo dùng trong năm học 2023-2024. Dưới đây là một số mẫu trình bày ý kiến về vấn đề em quan tâm để các em học sinh tham khảo nhằm viết cho mình một đoạn văn hay và ý nghĩa.

  • Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu cảm nghĩ của em về một danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước
  • Hoán dụ là gì? Ví dụ về hoán dụ

Văn mẫu lớp 6: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm

  • 1. Các bước viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm
  • 2. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm số 1
  • 3. Bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống số 2
  • 4. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng số 3
  • 5. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống số 4
  • 6. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà em quan tâm ngắn nhất số 5
  • 7. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng vấn đề mà em quan tâm số 6
  • 8. Viết bài văn trình bày ý kiến của em về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm số 7
  • 8. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: thờ ơ, vô cảm
  • 9. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: bạo lực học đường (10 mẫu)
  • 10. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: Chen ngang khi xếp hàng
  • 11. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình (5 mẫu)

1. Các bước viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm

1. Trước khi viết

a) Lựa chọn đề tài

Đề tài có thể được thầy cô giao (đề kiểm tra, đề thi) hoặc do các em tự lựa chọn. Nếu được tự chọn đề tài, em hãy suy nghĩ xem trong cuộc sống hàng ngày, có hiện tượng (vấn đề) nào khiến em quan tâm và muốn trình bày ý kiến.

Một số đề tài mà các em có thể tham khảo khi viết bài văn trình bày ý kiến về hiện tượng/vấn đề:

- Tôn trọng người khác và mong muốn được người khác tôn trọng.

- Thái độ đối với người khuyết tật.

- Noi gương những người thành công.

- Đánh giá khả năng của bản thân.

Ngoài những đề tài nêu trên, em cũng có thể tự tìm một đề tài mà mình am hiểu và cảm thấy thú vị để thực hiện bài viết.

b) Tìm ý

- Cần hiểu như thế nào về hiện tượng (vấn đề) này?

- Những khía cạnh cần bàn bạc.

- Bài học rút ra từ vấn đề bàn luận.

c) Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.

- Thân bài: Đưa ra ý kiến bàn luận.

+ Nêu ý 1 (lí lẽ, bằng chứng).

+ Nêu ý 2 (lí lẽ, bằng chứng).

+ Nêu ý 3 (lí lẽ, bằng chứng).

+...

- Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của bản thân.

2. Viết bài

Bám sát dàn ý để viết bài. Khi viết cần chú ý:

- Có thể mở bài trực tiếp: nêu thẳng hiện tượng (vấn đề), hoặc mở bài gián tiếp bằng cách kể một câu chuyện ngắn để giới thiệu hiện tượng (vấn đề).

- Mỗi ý trong bài phải trình bày thành một đoạn văn, có lí lẽ và bằng chứng cụ thể.

3. Chỉnh sửa bài viết

Đọc lại bài viết, rà soát từng phần, từng đoạn để chỉnh sửa theo gợi ý sau đây:

Yêu cầuGợi ý chỉnh sửa
Nêu được hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.Đọc lại phần mở bài, nếu chưa thấy hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận thì phải nêu cho rõ.
Thể hiện được ý kiến (tình cảm, thái độ, cách đánh giá,...) của người viết về hiện tượng (vấn đề).Bổ sung những câu thể hiện tình cảm, thái độ, cách đánh giá về hiện tượng (vấn đề) nếu thấy còn thiếu.
Đưa ra được các lí lẽ và bằng chứng để bài viết có sức thuyết phục.Kiểm tra lại các lí lẽ và bằng chứng, nêu lí lẽ chưa chắc chắn, bằng chứng chưa tiêu biểu hoặc còn thiếu thì phải chỉnh sửa, thay thế, bổ sung.
Bảo đảm các yếu tố về chính tả và diễn đạt.Tự phát hiện các lỗi về chính tả và diễn đạt và chỉnh sửa, thay thế, bổ sung.

2. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm số 1

Bài viết được thực hiện bởi HoaTieu.vn, mọi website khác lấy bài xin ghi nguồn

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, theo đó mà guồng quay công việc nhanh chóng đã gây ra áp lực lớn cho mỗi người. Để tìm cách giải tỏa áp lực, nhiều người lựa chọn chơi game online. Mặc dù trò chơi điện tử có thể đem lại nhiều lợi ích, như giúp người chơi thư giãn và rèn luyện tư duy, song nghiện game online lại gây nhiều tác hại đối với con người và cuộc sống.

Về mặt lợi ích, chơi game có thể giúp con người giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi sau giờ học tập hoặc làm việc căng thẳng. Ngoài ra, có những loại game còn giúp người chơi rèn luyện tư duy và nâng cao kiến thức. Thậm chí, game còn trở thành một bộ môn được đưa vào giảng dạy và học tập cũng như tổ chức thi đấu chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, sự phổ biến của game online cũng đã gây ra nhiều tác hại lớn đến sức khỏe và thành tích học tập của học sinh. Hiện tượng "nghiện game" là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chơi game quá nhiều có thể gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người chơi. Bên cạnh đó, chơi game còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, gây ra những thói hư tật xấu như nói dối, trộm cắp, lừa lọc...

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. Trước tiên phải kể đến phụ huynh thường quá bận rộn với công việc và không dành thời gian để kiểm soát việc chơi game của con cái. Tiếp đến là trường học, giáo viên chưa giám sát chặt chẽ đối với học sinh và sinh viên của mình. Ngoài ra, sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè cũng góp phần làm nhiều người sa đà vào việc nghiện game online.

Trên hết, nguyên nhân chủ quan có lẽ là đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi có nhiều cá nhân do quá đam mê với trò chơi và bỏ quên việc học tập. Họ có thể muốn chứng tỏ bản thân với bạn bè rằng mình là người giỏi nhất hay chỉ đơn giản là thích thú với thế giới ảo trong trò chơi. Có rất nhiều trường hợp những người trẻ tuổi bị mê hoặc bởi thế giới ảo của trò chơi, dẫn đến việc họ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong cuộc sống thực. Những hệ lụy tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung.

Do đó, mỗi học sinh và sinh viên nên có ý thức tránh xa các trò chơi độc hại, tập trung vào những hoạt động có ích, giúp bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Chỉ khi có được sự cân bằng trong cuộc sống thực và ảo, ta mới có thể có một tương lai tươi sáng và phát triển.

3. Bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống số 2

Gia đình là điểm tựa tinh thần, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Không có gì quan trọng và quý giá hơn gia đình. Thế nhưng để gia đình luôn là tổ ấm yêu thương thì cần mỗi thành viên trong đó vun đắp, nỗ lực đoàn kết mỗi ngày.

Nếu gia đình luôn yêu thương nhau thì sẽ tạo ra không khí đầm ấm, nguồn năng lượng tích cực và tràn đầy tình yêu đến mọi thành viên. Để làm được điều đó, mỗi người phải biết chia sẻ buồn vui cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và bảo vệ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong cuộc sống, người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng nếu có gia đình luôn đứng phía sau động viên, khích lệ thì sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua.

Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Của cải, vật chất là những thứ có thể mua được, nhưng những tình cảm gia đình thì thật sự là vô giá. Vì thế để có một gia đình bình yên, hạnh phúc chưa bao giờ là điều dễ dàng, các thành viên trong gia đình phải luôn chung tay nỗ lực để gắn kết, giúp đỡ, sẻ chia với nhau.

Về phía người lớn, cha mẹ phải là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Từ hành vi rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày đến cách đối nhân xử thế. Nhiều nghiên cứu cho rằng, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Bởi vậy ngoài việc dạy dỗ con cái những điều đúng đắn, cha mẹ cần phải chú ý hành vi của bản thân. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần học cách trở thành một người bạn của con. Điều đó có nghĩa là cha mẹ sẽ cùng chia sẻ với con những vấn đề hằng ngày, lắng nghe con tâm sự và có thể đưa ra những lời khuyên hay lời động viên đúng lúc.

Về phía con cái thì cần biết vâng lời, lễ phép và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, con cái nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự thấu hiểu, hay nhận được lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần sống hòa thiện, nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Có đôi khi, tình yêu thương lại xuất phát từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Đó có thể là cả gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm, lời nhắc nhở người cha người mẹ mặc ấm, cùng chụp chung một tấm ảnh vào năm mới… Tuy nhỏ bé nhưng lại đem đến sự ấm áp vô cùng.

Đối với người Việt Nam, gia đình là điều tồn tại thiêng liêng, quý giá nhất, vượt trên tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Mỗi người cần phải nhận thức được điều đó, biết quý trọng gia đình mình. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống

4. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng số 3

Bài viết được sưu tầm và thực hiện bởi HoaTieu.vn, mọi website khác lấy bài xin ghi nguồn

Hiện tượng học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường diễn ra khá phổ biến. Bất chấp quy định pháp luật, nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chở quá người quy định... khi tham gia giao thông.

Giờ tan học tại nhiều trường THPT, THCS, bên cạnh các phương tiện có phần "quen mắt" như xe đạp, hay mới hơn là xe đạp điện, xe máy điện thì tình trạng các bạn học sinh điều khiển mô tô trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn" trên đường dẫn tới nguy cơ cao tai nạn giao thông (TNGT), khiến nhiều người đi đường không khỏi giật mình.

Vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng trên vẫn đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong luật giao thông đường bộ hiện hành cũng đã có hình thức xử phạt vi phạm giao thông như phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với người chưa đủ tuổi đã điều khiển xe máy phân khối lớn. Nhưng mức phạt đó, nếu so với sự hậu thuẫn của cha mẹ thì như "muối bỏ biển"

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đã chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về tai nạn giao thông. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,...

Hơn nữa, việc giao thông đô thị như tình trạng tắc đường, thiếu các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc hiện đại... có thể cũng chính là một trong những nguyên nhân mà nhiều bạn học sinh lựa chọn sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy để đến trường.

Tóm lại, việc học sinh, trẻ vị thành viên sử dụng xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Em mong rằng các nhà trường không chỉ giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh về ATGT, mà các bậc phụ huynh cũng sẽ nghiêm túc chấp hành quy định luật giao thông, không cho con em tự điều khiển các phương tiện giao thông có tốc độ cao, bị cấm khi chưa đủ tuổi.

5. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống số 4

Cùng với sự thành công thái quá của con người trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ, khoa học kĩ thuật thì nó cũng gây áp lực cho vấn đề môi trường của thế giới. Ở Việt Nam ngày nay, bên cạnh những vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra sông suối, khai thác sa khoáng làm ô nhiễm nguồn nước, còn có một vấn đề gây nhức nhối làm ô nhiễm môi trường do ý thức con người gây ra, đó là vứt rác bừa bãi. Có những người ngồi bên hồ ngắm cảnh, do lười ra chỗ thùng rác mà người ta cũng tiện tay vứt rác xuống bờ hồ.

Xả rác bừa bãi là thói quen từ lâu của nhiều người. Hiện tượng này có cả trong trường học, nhiều học sinh sau khi ăn quà không để rác vào sọt mà vứt lung tung trên sàn lớp, sân trường. Nhiều túi ni lông, giấy thải bay tứ tung nhìn rất bẩn và khó chịu. Ở một số gia đình, khi có xe đổ rác thì không mang rác ra xe mà khi xe đi qua rồi lại vứt ở góc tường, trước ngõ hay gần nơi họ sống. Một số người đi xe gắn máy, xe buýt, ô tô. Sau khi dùng thứ gì đó thì tiện tau mở của sổ vứt luôn vỏ đựng xuống lòng đường khi đang trên xe. Hay một số người ý thức kém, uống nước ngọt bên đường sẵn sàng vứt luôn que kem vỏ chai gần nơi họ ngồi. Và còn biết bao người thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Họ vứt rác bừa bãi thành thói quen, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đường phố.

Nhiều người đi du lịch các nước phát triển về khoe: Ôi đi Singapore sạch lắm, ôi qua Mỹ sạch lắm, họ đi du lịch không tiếc tiền. Nhưng chính tại nơi mình sống, họ lại tiếc 30 - 50 ngàn đồng tiền đổ rác, đem rác ném lung tung, gây ra một vấn nạn rác ô nhiễm.

Vậy, nguyên nhân của hành động thiếu văn hóa này xuất phát từ đâu? Khách quan, có thể thấy việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân của các cơ quan chuyên trách đối với việc bảo vệ môi trường chưa thực sự cao. Các qui định xử phạt lại thiếu và chưa thật nghiêm khắc. Về chủ quan, ta thấy rất nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường tiện tay thì vứt, cốt sao sạch nhà mình, còn ngoài đường ra sao thì kệ. Họ đâu ý thức rằng những việc làm tưởng như rất bình thường, đó lại có tác hại lớn thế nào đến môi trường sống của chính họ và những người xung quanh.

Vứt rác bừa bãi gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hành động này làm xấu cảnh quan thiên nhiên gây mất mĩ quan đường phố. Nguy hại hơn, nó làm cho môi trường sống của chúng ta lại ô nhiễm: Vứt rác ra sông hồ làm ô nhiễm nguồn nước, chôn rác không phân hủy làm ô nhiễm đất, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tầm nhìn. Gây ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật chứ không kể riêng con người. Sức khỏe của con người suy giảm, dễ mắc các bệnh về hô hấp, về tiêu hóa, ung thư. Các loại sinh vật sống ở biển, hồ sẽ chết vì nuốt phải rác không phân hủy, chết vì nguồn nước quá ô nhiễm gây hoang mang cộng đồng.

Bởi vậy, chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Ở Sing-ga-po, những người vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng dù là rác rất nhỏ như mẩu thuốc lá hay vỏ kẹo cao su. Cũng bị phạt rất nặng. Đó chính là một kinh nghiệm mà đất nước ta cần học tập. Cần có những hình thức xử phạt thật nghiêm hành động này. Bên cạnh đó, các ban ngành chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân để họ không vứt rác bừa bãi. Mặt khác chúng ta cần tích cực trồng cây xanh, phủ đồi trọc giữa môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

Tóm lại, hành vi vứt rác bừa bãi là một hành động xấu, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, thể hiện sự vô văn hóa. Vì vậy, hãy nâng cao ý thức, mỗi người hãy tiện tay mang rác đến đúng thùng rác và nơi quy định để vứt, giúp giữ cho môi trường sống luôn trong lành, sạch đẹp.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm

6. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà em quan tâm ngắn nhất số 5

Bài viết được thực hiện bởi HoaTieu.vn, mọi website khác lấy bài xin ghi nguồn

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia tiên tiến. Việc xả rác và nước thải bừa bãi không còn là một vấn đề phổ biến ở những quốc gia này. Người dân được giáo dục kỹ càng về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và đẹp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tại quê hương ta, chúng ta vẫn chứng kiến hiện tượng vứt rác ra đường và không giữ gìn vệ sinh đường phố, gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường.

Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng phổ biến nhất là việc vứt rác ra đường hoặc các nơi công cộng. Chỉ cần ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta lại vứt que hoặc giấy xuống đất một cách tùy tiện. Thậm chí sau khi uống một lon nước ngọt hay một chai nước suối, họ không chịu đi vài bước tới thùng rác gần đó mà lại vứt lon và chai ngay tại chỗ, dù biết rằng thùng rác chỉ cách đó rất gần. Đáng ngạc nhiên là người ta thường không có bất kỳ sự hối lỗi nào. Đáng buồn hơn nữa là khi ăn xong một tép kẹo cao su, thay vì mang nó đến thùng rác, họ trét nó lên ghế đá và bỏ đi một cách tùy tiện. Điều này không chỉ xảy ra ở nơi công cộng mà ngay cả trong các khu phố, con đường được đặt là khu phố văn hóa, chúng ta có thể dễ dàng thấy cỏ mọc um tùm, rác rưởi ngập đầy và mùi hôi khó chịu lan tỏa khắp nơi.

Suy ngẫm về vấn đề này, tôi nhận ra rằng giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp là một trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức rõ rằng việc dọn dẹp sạch sẽ không chỉ giới hạn trong khu vực ở cá nhân, mà còn bao gồm cả không gian chung, những nơi công cộng mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Việc vứt rác bừa bãi không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức và vô văn hóa, mà còn góp phần làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, tạo ra môi trường ô uế và ô nhiễm.

Hãy tưởng tượng một thành phố văn minh, giàu đẹp với các công trình kiến trúc tuyệt đẹp nhưng lại bị ngập tràn trong biển rác. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp và đáng buồn. Không thể phủ nhận rằng việc vứt rác bừa bãi không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Rác thải có thể phát tán mầm bệnh và gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến đời sống của động vật và hệ sinh thái tự nhiên. Nếu chúng ta không đảm bảo vệ sinh môi trường, chúng ta đang đe dọa cả sự tồn tại và phát triển của chính mình.

Vấn đề này đặt ra cho mỗi người là cần nhận thức rõ rằng mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để xây dựng một xã hội văn minh và bền vững, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như việc vứt rác vào thùng rác, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường... Tôi tin chỉ cần chúng ta quyết tâm hành động, môi trường sẽ trở nên xanh – sạch – đẹp hơn rất nhiều.

7. Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng vấn đề mà em quan tâm số 6

Nhu cầu sử dụng mạng xã hội của con người ngày càng tăng cao. Nó không chỉ là nơi mọi người kết bạn, mua bán, kiếm ra tiền mà còn kéo theo nhiều những ảnh hưởng không mấy tích cực. Một trong số đó là Facebook.

Facebook được tạo ra với mục đích giúp mọi người chia sẻ, gắn kết nhiều hơn. Nhưng việc quá lạm dụng nó đã khiến cho giới trẻ dần đi ngược lại với những mục tiêu ban đầu, trở thành hiện tượng “nghiện Facebook” gây ra nhiều tác hại cho con người.

Thứ nhất, “nghiện Facebook” sẽ ra những tác hại xấu đến sức khỏe của con người. Việc liên tục sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong nhiều giờ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến mắt. Não bộ và khả năng sinh sản của con người cũng sẽ chịu tác động không hề nhỏ của sóng điện thoại…

Con người thường xuyên chia trên Facebook cũng sẽ dẫn đến việc bị lộ thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa gạt để tống tiền, bôi nhọ danh dự. Bên cạnh đó, nghiện Facebook khiến con người dần trở nên vô cảm với những mối quan hệ xung quanh mà thay vào đó là các liên kết ảo. Những biểu cảm, cảm xúc trong giao tiếp bị các biểu tượng trên Facebook thay thế. Con người dường như chỉ chú tâm đến lượt like và share ảo trên mạng xã hội. Ngoài ra, Facebook cũng dần sản sinh ra cụm từ “anh hùng bàn phím” để chỉ cư dân mạng, những người sẵn sàng nhảy vào đánh giá, phán xét về bất cứ cá nhân, sự việc nào đó dù không hề biết rõ vấn đề.

Chính vì vậy, con người cần có những biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của việc nghiện Facebook. Sử dụng Facebook một cách lành mạnh, tỉnh táo. Nên biết cách điều chỉnh thói quen và nếp sống của mình, mở rộng các mối quan hệ thực tế, quan tâm những người xung quanh. Hạn chế việc truy cập mạng ảo một cách lạm dụng và bừa bãi. Hãy là một người dùng thông minh để ứng dụng này phát huy đúng sứ mệnh của nó.

Tóm lại, mọi vấn đề luôn có hai mặt, mạng xã hội cũng như vậy. Chúng ta hãy tỉnh táo để sử dụng những công nghệ hiện đại này một cách hợp lý nhé!

8. Viết bài văn trình bày ý kiến của em về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm số 7

Trong xã hội hiện đại ngày nay, áp lực công việc, cuộc sống ngày một căng thẳng. Việc nuôi thú cưng, ở hữu cho mình những người bạn thân đáng yêu nhỏ nhỏ được nhiều người lực chọn. Họ coi vật nuôi như thành viên trong gia đình. Và thú cưng cũng đem đến cho họ nhiều niềm vui, giải tỏa stress, mang đến nhiều năng lượng tích cực.

Những vật nuôi dễ mến không chỉ đơn thuần là một vật nuôi mà nó như một người bạn một, một nơi để họ chút bầu tâm sự sau những những làm việc vất vả, căng thẳng.

Vật nuôi, vật cưng hay thú cảnh, thú cưng là những loài động vật được nuôi để làm cảnh, ôm ấp, được con người chăm sóc và yêu thương. Thông thường mọi người thường lựa chọn vật nuôi trong nhà là chó hoặc mèo, thỏ, chuột hamster và rất nhiều các loại khác nữa

Các vật nuôi trong nhà ngoài việc làm cảnh nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình đó. Mang lại niềm vui như có thêm những người bạn mới, thường ngày bạn tất bật với công việc, rồi lại tranh thủ ngủ nghỉ, vòng xoay cuộc sống khiến bạn phải quẩn quanh trong nhà suốt ngày, việc có một thú cưng hoạt bát, lanh lợi, như chó chẳng hạn, sẽ buộc bạn phải rời khỏi sự hạn chế của bốn bức tường, gặp gỡ mọi người, từ đó giúp bạn vui vẻ hơn. Ngoài ra các chú cún còn giúp bạn giảm căng thẳng, chúng ta đang sống trong một thế giới với nhịp sống hối hả, rất nhiều người đang tìm kiếm con đường giảm stress và học cách thư giãn. Việc nuôi một thú cưng trong nhà là giải pháp tuyệt vời cho vấn đề này. Theo nghiên cứu của giáo sư Suny Karen Allen, những người sở hữu thú cưng có mức độ căng thẳng thấp hơn đáng kể so với người không nuôi.

Ngoài ra việc nuôi thú cưng còn hỗ trợ một số vấn đề về sức khỏe như giúp huyết áp tốt, ngăn ngừa dị ứng, tốt cho hệ tim mạch,... Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, việc nuôi thú cưng còn giúp các bạn có thêm ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng sự tự tin và nâng cao khả năng giao tiếp với mọi người.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà các vật nuôi đem lại thì cũng sẽ có một số hạn chế như việc những loài vật hay chưa có ý thức nên đôi khi sẽ phá phách đồ đạc, đi tiểu, đại tiện bừa bãi. Hay nếu như bạn có bị dị ứng với lông của các loại động vật thì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là những vấn đề có thể khắc phục được.

Vì vậy, việc thú cưng mang ý nghĩa rất tốt đẹp. Bạn hãy lựa chọn vật nuôi mà mình yêu thích, hãy chăm sóc, bảo vệ và dạy dỗ nó thật tốt. Để nó có thể trở thành một thành viên, một người bạn trong gia đình mình. Tuy nhiên khi đã lựa chọn nuôi dưỡng thú cưng, hãy có trách nhiệm với vật nuôi của mình trong việc giáo dục và nuôi dưỡng nó nhé!

  • Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm

8. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: thờ ơ, vô cảm

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng vấn đề mà em quan tâm lớp 6
Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng vấn đề mà em quan tâm lớp 6

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.

Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”.

Ngày nay, học sinh chúng tôi có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho nhân quần xã hội, dẫn đưa đất nước đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp đà tiến bộ của các nước trên thế giới. Nhưng thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Rất nhiều người trẻ, khi thấy người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

“Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”. Đây chính là bài học giáo dục công dân của học sinh cấp II chúng tôi. Vậy mà ngày nay, nhiều bậc phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.

Bên cạnh đó, ở một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.

Một nguyên nhân của bệnh vô cảm mà ít người để tâm là khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Khi blog, mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm,…

“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô cảm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô cảm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

9. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: bạo lực học đường (10 mẫu)

Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức với bạn mình. Đó là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị.

Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường.

Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp với các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?

Bạo lực học đường là hiện tượng không tốt đối và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường rất thiết thực và cần thiết. Hãy cùng chung tay để nói không với bạo lực học đường. Xây dựng một môi trường giáo dục văn minh và nhà trường sẽ là nơi để học, để phát triển nhân cách, kỹ năng trong mỗi cá nhân.

Tham khảo thêm:

  • Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của mình về vấn nạn bạo lực học đường
  • Đoạn văn ngắn về bạo lực học đường
  • Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường

10. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống: Chen ngang khi xếp hàng

Văn hóa xếp hàng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đây không chỉ là một quy tắc, mà còn là biểu hiện của sự tôn trọng và tình thần cộng đồng trong xã hội. Nó thể hiện qua việc tuân thủ việc xếp hàng theo thứ tự, có người trước và người sau theo một trật tự nhất định tại những nơi công cộng. Tuy nhiên đáng báo động là ở Việt Nam, một đất nước trẻ đang ngày càng phát triển mà hình ảnh người ta chen lấn, xô đẩy nhau để giành vị trí lên trước lại thường được bắt gặp ở nhiều nơi. Bạn nghĩ gì về điều này?

Ở thời bao cấp, khi cuộc sống ăn còn chưa no nhưng người dân đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để mua tem phiếu, không chen lấn xô đẩy, ai đến trước được mua trước, có khi còn nhường cho các cụ già. Điều này đáng để suy ngẫm. Lý do nào khiến thói quen xếp hàng không còn được như trước dù xã hội ngày càng phát triển?

Văn hóa xếp hàng kém phản ánh ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi công dân khi tham gia hoạt động của cộng đồng. Những người có tâm lý khôn lỏi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng, người khác thì sẽ luôn tìm cách có cơ hội đạt được lợi ích. Những tâm lý cá nhân, sự ích kỷ này dần ăn sâu vào hành vi, trở thành văn hóa ứng xử xấu trong xã hội mà chúng ta đang đề cao sự văn minh đô thị.

Văn hóa xếp hàng kém không chỉ có sự ích kỷ, khôn lỏi dẫn đến văn hóa ứng xử xấu xí của một bộ phận người dân mà còn có sự tác động của tâm lý đám đông. Trong hàng người đang ngay ngắn xếp hàng, chỉ một người chen lên thì sẽ có người thứ hai cảm thấy… kém miếng khó chịu. Hậu quả là dẫn đến một đám đông hỗn loạn, thậm chí xảy ra hiện tượng gây gổ, đánh nhau vì chen ngang, cướp lượt.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần cải thiện ý thức và thái độ của mỗi người. Ý thức đẹp về văn hóa xếp hàng không phải là của số ít, mà cần trở thành của số đông. Chúng ta cần nhớ rằng việc xếp hàng đúng cách giúp cho cuộc sống trở nên trật tự hơn, công bằng hơn, và tiết kiệm thời gian. Nó cũng giúp tránh xa khỏi những tình huống xung đột và những cảm xúc tiêu cực. Hãy là một người Việt Nam có văn hóa xếp hàng, một người góp phần xây dựng cuộc sống xã hội văn minh và hòa thuận hơn. Nó không chỉ là quy tắc, mà còn là biểu hiện của tôn trọng và tình thần cộng đồng.

11. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình (5 mẫu)

Tham khảo chi tiết:

  • Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình

Trên đây là 18 mẫu Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm chọn lọc hay nhất sẽ giúp các em có thêm ý tưởng cho bài tập làm văn của mình. Các em tham khảo dàn bài cùng các bài văn mẫu để biết cách triển khai ý tưởng, từ đó, tự viết nên ý kiến các nhân của mình theo lời văn cá nhân sẽ khiến bài văn mang màu sắc độc đáo và hấp dẫn hơn. Các thông tin về hiện tượng hay vấn đề em quan tâm có thể search thông tin trên mạng nhưng nên đảm bảo từ nguồn chính thống để cho lập luận bài viết tạo độ tin tưởng cao nhé.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

  • Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
  • Đóng vai nhân vật Sơn Tinh kể lại câu truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
  • Chủ đề của truyện Sơn Tinh Thủy Tinh là gì?
  • Sính lễ Sơn Tinh – Thủy Tinh đem đến để rước Mị Nương là?
  • Xác định những câu văn thể hiện ý kiến của người viết về việc học thầy, học bạn

Từ khóa » Trình Bày 1 Vấn đề Có Vai Trò Như Thế Nào Trong đời Sống