Mùa Trăng- Tết Nhi Đồng
Ngày còn nhỏ tôi được thầy Thắng dạy lớp tư (tức lớp hai sau này) kể về truyền thuyết chú Cuội. Tôi tin và khâm phục chuyện chú Cuội và cây đa trên cung trăng. Chuyện xưa kể rằng ở một miền núi có một gã tiều phu đốn củi tên là Cuội. Một hôm như thông lệ Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoát thân trên ngọn một cây cao. Từ trên cao nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về nhà trồng.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm thay, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi toàn bộ câu chuyện. Nghe xong lão ông cho rằng đây chính là cây "cải tử hoàn sinh". Vâng thưa rằng không sai tí ti ông cụ nào cả, nhạc sĩ Anh Bằng của con số lý tưởng 118 sẽ chú ý ngay cây lạ đấy. Hơn nữa thi sĩ Thái Tú Hạp của niên kỷ 99 sẽ chú ý cây "cải tử hoàn sinh" này mà thôi. Số là vì tôi cùng bà chủ nhà và nhà văn Dương Viết Điền vừa thoát nạn trên xa lộ Interstate 5 miệt San Diego, mà nhạc sĩ Minh Tuấn đã Việt hóa tên "SD" là Sa Đéc. Sau tai nạn, nhạc sĩ Anh Bằng gửi lời chúc mừng sống dzai đến những 118 tuổi, ngày hôm sau ba chúng tôi được anh chị Ái Cầm và Thái Tú Hạp gửi email chúc mừng sẽ đạt con số 99 tuổi, một tấm lòng hậu hỉ cho ba anh em chúng tôi nếu đạt đến con số 90 thôi thì đã đủ đẹp tuyệt vời quá sá rồi.
Ngày Trung Thu nhớ đến nhân vật Cuội già ôm gốc đa trên cao ấy thì Minh Tuấn hay tôi đã từng trong cõi chết chui ra mà được Cuội mớm tí ti lá đa, hihihi... hẳn rằng hai anh em chúng tôi sẽ sống hoài, sống dzai hơn con số 99 của sư huynh Thái Tú Hạp, hay con số lý tưởng 118 của vị chưởng môn của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ là nghệ sĩ Anh Bằng gồm đời con người 100 năm cộng thêm 18 khi vừa biết yêu. Đúng không nhỉ ?
“Giời gầm ăn phải lá đa
Ăn xong niên thọ vững đà thiên thu”
Thật là giời từ trên cao ấy thấy Cuội có lòng thành tâm "cứu nhân độ thế" nên cho Cuội cái cây lạ kia đem về để cứu giúp lấy đời. Thầy Thắng của tôi dậy lớp tôi hát bài "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương, bài hát có câu: Bóng trăng trắng ngà, Có cây đa to, Có thằng Cuội già, Ôm một mối mơ... Rồi truyền thuyết kể là lá cây mầu nhiệm ấy khi nhai nhóc nhách vào trong mồm xong, nhả lá cây lạ ấy từ cây đa, thì lá cây ấy chính là lá đa chứ còn gì nữa? Bởi thế cho nên y khoa tân tiến của các đại dược phòng uy tín và giỏi nhất trên thế giới như Bristol-Myers Squibb, Merck, Norvatis, hay Pfizer; hoặc các viện nghiên cứu y khoa tại các đại học vang danh Harvard, Stanford, Johns Hopkins hay Loma Linda thực sự là những tổ chức dở ẹc, vô dụng về ý niệm sống dzai, sống hoài, chả bằng "Thằng Cuội" của nước ta, cho vài cái lá đa vào mồm nhai nhóc nhách như nhai trầu, xong nhả lại vào mồm của Việt Hải twice stroke hay cho Minh Tuấn SD chịu khổ nạn leukemia xơi vô chẳng chóng thì chầy sống dzai vượt con số 118 của chưởng môn CLBTNS như chơi thôi.
Và rồi trường hợp hi hữu với Cuội khi vợ Cuội đã đi đong bán muối, madame được cho xơi lá đa do Cuội mớm thuốc cho vợ khỏi bệnh. Thế là madame Cuội chết đi sống lại, hay không chứ lị ? Tuy nhiên, theo truyện cổ tích nói là sau khi ăn lá cây xong madame Cuội quên hết những gì Cuội dặn, như người mắc chứng Alzheimer's vậy. Mỗi ngày tưới cây đa phải tưới bằng nước trong sạch. Chả hiểu hiệu quả phụ của lá đa Cuội mớm ra sao mà madame cứ cho công tác thủy lợi của chính nước tiểu mình vào gốc đa; Mạng madame là mạng hỏa, thế là nước sôi tưới gốc cây, thì gốc cây bị trốc gốc là phải, mặt đất rung chuyển, cây đa bung rễ chuyển động như phi thuyền con thoi Discovery, chuẩn bị bay lên không trung, lững thững bứt gốc rời mặt đất bay lên giời. Vừa khi ấy thì Cuội về đến nhà. Thấy thế cây đa đang rời đất nhà, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến níu cây đa lại, cây đa cứ mãi vô tư bay bay thăng thiên mang Cuội theo.
Thế là "Thằng Cuội" ôm gốc đa bay lên giời cao, cây đa vẫn cứ bốc lên cao, không một sức lực nào cản nổi nữa. Cuội cũng nhất định không chịu buông thả, thế nên cây đa kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Bye-bye madame Cuội, Adieu nghe bà con, Sayonara quả địa cầu !!!
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây đa quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, ngày nay người ta thấy một vết đen rõ hình một cây đa cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....
Thằng Cuội hay Chú Cuội?
Ngày hôm nay tôi đọc bài viết "Mùa Trăng" của nhà văn kiêm ca sĩ Quỳnh Giao. Bài viết khiến tôi phân vân giữa 2 từ ngữ "Thằng Cuội già" hay "Chú Cuội trẻ". Ta kêu sao cho hợp lý chứ nhỉ <?>. Chị Quỳnh Giao dẫn chứng bài ca "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương, mà chuyện ngày xửa ngày xưa có thầy giáo Thắng vui tính như thầy giáo Nguyễn Cao Thăng TNS hiện ngụ tại bang New Jersey, thầy Thắng dạy chúng tôi ca "Thằng Cuội” vô tư như con vẹt, chả thắc mắc mà mãi hơn nửa thế kỷ sau tôi mới "động não" khi đọc bài "Mùa Trăng", có thằng Cuội già ôm một mối mơ. Thầy Thắng của ngày xưa ơi, tại sao lại "Thằng Cuội già" mà không là "Chú Cuội trẻ" ? Nhà văn Quỳnh Giao ơi, tại sao lại "Thằng Cuội già" mà không là "Chú Cuội trẻ" ? Thầy Lê Thương của trung học Petrus Ký ơi, tại sao lại "Thằng Cuội già" mà không là "Chú Cuội trẻ" ? Bớ làng nước hàng xóm láng giềng ơi, tại sao lại "Thằng Cuội già" mà không là "Chú Cuội trẻ" chứ lị ?
Thằng Cuội hay Chú Cuội?
Bớ làng nước xong, ta đi tìm hiểu nguyên nhân ra sao chứ nhỉ <?>. Ờ mà thì theo từ điển của cụ Đào Duy Anh chữ “Cuội” có gốc Hán-Việt là chữ “Quải” hoặc “Quảy” có nghĩa là “lừa dối, dụ dỗ người khác” và trong ca dao tục ngữ Việt nam có câu “Nói dối như Cuội”. Nên chi nhân vật Cuội ít nhiều mỗi chúng ta khi còn bé ở quê nhà Việt Nam không ít người mình lại không biết, như trong các bài ca thiếu nhi về chú Cuội qua những câu hát đồng dao “Chú Cuội ngồi gốc cây đa...”, hay được nghe sự tích chú Cuội với nhiều dị bản khác nhau do người lớn kể lại, truyền thuyết “chú Cuội ngồi gốc cây đa” được mọi người nhắc đến trong ngày Rằm Trung thu. Theo tài liệu trên "in-tẹc-nét", nguyên bản của Sự tích chú Cuội thì chú Cuội là một nhân vật tốt, nhưng tiếc rằng lâu dần đã có nhiều dị bản khác nhau đã làm thay đổi những cái tốt của hình tượng nhân vật Cuội, dần dần có xu hướng xấu đi, thay vì gọi chú Cuội người ta đổi sang gọi thành thằng Cuội và từ đó mỗi khi nhắc đến Cuội là người ta dùng để chỉ ám chỉ sự thủ đoạn, dối trá và lừa lọc.
Theo một dị bản về “Sự tích chú Cuội trên cung trăng” thì Cuội là một đứa trẻ thông minh, có phần dễ thương nhưng như cái tên của nó gợi cho bạn thấy, nên gọi là "Chú Cuội" vì là nhân vật trẻ lanh lợi. Cuội dùng phần trí thông minh để nói dối. Nó rất thích gạt gẫm đánh lừa thiên hạ xung quanh. Không một ai tránh khỏi bị Cuội lừa dối, thậm chí cả chú thiếm nó là những người đã mang nó về nuôi sau khi cha mẹ nó qua đời, nó cũng không tha. Và cuộc đời Cuội cũng lúc lên, lúc xuống ba chìm bảy nổi chín long đong, bởi do tài nói dối của Cuội mang lại, đã có lúc Cuội giàu có và có vợ đẹp nhờ cây đa mà lá cây có thể chữa lành các vết thương, chữa khỏi mọi chứng bệnh và còn có thể cải tử hoàn sinh. Nhưng kết cục cuối cùng thì thằng Cuội cũng phải bám vào cây đa để bay vút lên giời cao ở trên mặt trăng và từ đấy, Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình để đền bù cho sự dối trá của Cuội đã từng gây ra với người đời.
Tôi vấn kế vài nhạc sĩ thân hữu cho là bài ca "Thằng Cuội", thay vì "Chú Cuội", có thể tác giả Lê Thương có lý do riêng của ông, chứ ông thầy Petrus Ký ngày nào không dạy sai các cháu nhi đồng đâu. Chúng tôi đưa ra những giả thuyết để giải thích sự việc, khác với lý do của "in-tẹc-nét" như trên, vì nhạc sĩ Lê Thương đã quá vãng từ năm 1994 ở bên nhà, nên không thể hỏi tác giả được. Hai giả thuyết có thể là:
1/ Trong bài hát này về nhân vật tên Cuội, nếu dùng từ ngữ "thằng Cuội" hợp âm vận bằng sẽ dễ nghe hơn âm vận trắc của "chú Cuội", khó nghe khi các ca sĩ nhi đồng phải nâng cao giọng qua đại danh từ "chú”.
2/ Chữ "thằng" cho thấy Cuội là người miền quê, nhà mùa chất phác, bài hát viết cho nhi đồng bình dân đại chúng, cần sự phổ biến phổ thông rộng rãi.
Thôi thì hãy cùng nhau sống với "thằng Cuội già", mà không là "chú Cuội trẻ" nhé, để các em vui với cái vui nối tiếp từ bao thế hệ đã qua. Mùa trăng Trung Thu đến người viết bài bỗng nhớ đến thấy Thắng của lớp Tư ngày xưa, ta vô tư nghêu ngao về "Thằng Cuội già", nếu ta cám ơn thầy Thắng thì phải cám ơn thầy Lê Thương luôn đi chứ lị. Trung Thu về xin nhắc nhớ một nhân tài âm nhạc của ngày nào.
Đôi dòng về tác giả của "Thằng Cuội":
Lê Thương (1914–1996)
Lê Thương có tên thật Ngô Đình Hộ, ngày sinh 8 tháng 1 năm 1914 tại Hà Nội, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của bộ ba ca khúc Hòn vọng phu bất hủ.
Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914, tại phố Hàm Long, Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc. Một bài viết khác cho rằng Lê Thương sinh tại Nam Định. Chi tiết về cuộc đời ông rất ít được nhắc tới. Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương sinh năm 1913 và là một thầy tu hoàn tục.
Nhạc sĩ Lê Thương
Năm 1935, Lê Thương hành nghề dạy học ở Hà Nội, sau đó ông chuyển về dạy ở Hải Phòng. Lê Thương cùng Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, hay theo ban kịch đi hát tại Hà Nội, Vĩnh Yên. Họ cũng là những hướng đạo sinh và hay tổ chức đi cắm trại hay đi hát tại các tỉnh lân cận bằng xe đạp.
Năm 1941, Lê Thương vào miền Nam. Ban đầu ông ở An Hóa, tỉnh Bến Tre, sau đó Lê Thương chuyển về sống tại Sài Gòn. Tuy là một nhạc sĩ tài danh, nhưng nghề chính của ông là dạy học. Ông từng là giáo sư Sử Địa, có một thời gian giảng dạy tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng từng là giáo sư Pháp ngữ tại trường trung học Petrus Ký vào thập niên 60. Lê Thương cũng từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa mình.
Lê Thương cũng nổi tiếng với bài ca thiếu nhi bất hủ và bất tử là “Thằng Cuội”, mà hằng năm thường được trẻ em nghêu ngao hát trong mỗi độ tết Trung Thu về, mặc dù có nhiều người không biết rõ đó là một ca khúc của ông:
"Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ..."
Ngoài âm nhạc, Lê Thương còn gia nhập vào ban kịch của Thế Lữ vào những năm thập niên 1930, và ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch khi ông sống ở Sài Gòn. Lê Thương đã sáng tác ca khúc cho nhiều kịch bản, và viết nhạc phim cho hãng phim Mỹ Vân.
Ông mất 17 tháng 9 năm 1996 tại Sài Gòn.
Việt Hải Los Angeles
Source: Wikipedia, MyOpera, Webtretho.
Mùa Trăng Trung Thu
Kết bài, ta đã cám ơn thầy Thắng và cám ơn thầy Lê Thương, thì cám ơn luôn nhà văn, kiêm nhạc sĩ dương cầm xuất sắc, tức tác giả bài viết "Mùa Trăng", cây bút tạp ghi Quỳnh Giao.
Việt Hải xin trân trọng giới thiệu bài "Mùa Trăng" cho Tết Trung Thu 2010 này đến các bạn nhé. Mời đọc...
Mùa Trăng
Quỳnh Giao
Có lẽ câu chuyện hôm nay phải bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa” thì mới đúng cách.
Người viết nghĩ như vậy vì liên tưởng tới những ngày thơ ấu của mình. Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và trẻ em cũng không ra khỏi ảnh hưởng đó nên rằm Trung Thu là ngày hội của tuổi thơ, chỉ thua sự tưng bừng của ba ngày Tết mà thôi.
Từ bé, mình đã nhìn ánh trăng như một thiên đàng treo trên cao. Qua bao truyện cổ tích, em bé Việt gọi mặt trăng bằng nhiều danh từ mỹ miều, nào là cung Quế, cung Quảng, chị Hằng hoặc Hằng Nga, mà không rõ xuất xứ từ đâu. Rồi thì các em cũng loáng thoáng biết là trên cung Quảng có chú Cuội già, có khi lại là thằng Cuội, vì mải chơi mà bị đầy lên đó! Các em đã nghe ông bà cha mẹ hoặc thầy cô kể như vậy. Và nghe nhiều hơn cả là qua... những bài hát trên các làn sóng phát thanh mỗi dịp Trung Thu.
Ðến mùa Trung Thu, ngoài cái thú được ăn bánh dẻo, bánh nướng đến sún cả răng, trẻ con thích nhất là đêm xuống, cả nhà đã ăn uống xong xuôi, được cha mẹ cho đi hóng mát bằng xe hơi một vòng ngoài phố. Có khi cha mẹ hứng chí cho đi xuống tận Chợ Lớn để xem đèn. Một rừng đèn đầy mầu sắc và hình thù khác nhau cứ làm cho con trẻ sướng mê. Nào là đèn bươm bướm, đèn con cá, đèn ông sao, đèn tầu thủy, đèn máy bay... Nhưng con bé thì mê nhất đèn xếp đủ mầu, và ngây mắt nhìn đèn kéo quân, tưởng tượng cảnh tiên giới hiện ra trước mắt mình nơi trần thề.
Trong khi đó thì các bài hát về Trung Thu vang lên từ góc phố, từ lối xóm vọng lại. Yêu nhất là bài “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương. Nhất là thằng Cuội đó lại “ôm một mối mơ.” Vừa ôm cái gối ôm, vừa nghĩ mình là thằng cuội ở trên cung trăng:
Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ....
Cuội ơi, ta nói cho Cuội nghe
Ở trên cung cấm làm chi?
Các em thích cười, muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám Trời cho
Một ông trăng sáng thật to...
Cùng một chủ đề, Phạm Duy viết bài “Chú Cuội” với nội dung khác hẳn, tình tứ mà ỡm ờ. Chú Cuội của Phạm Duy là người lớn, không phải thằng Cuội của trẻ con. Chú Cuội này yêu cô Hằng năm xưa xuống trần, rồi vì tương tư cô nên để trâu ăn lúa mà quên đường về. Cô Hằng này lại không phải là nàng Hằng Nga trên cung Quảng Hàn của chúng ta. Cô Hằng này là nàng Thái Hằng mà ông đang tán tỉnh ở dương thế.
Ta yêu cô Hằng năm xưa xuống trần
Nàng ơi, nàng về dương gian tìm đường nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga.
Xin đôi cánh vàng, mượn chiếu mây non
Cuội ơi, Cuội theo cánh gió
Cuội lên cung vắng, Cuội không về làng...
Tụi nhóc tì chưa biết yêu là gì, cho nên không thích chú Cuội, mà chỉ thích thằng Cuội!
Lúc hát ban nhi đồng của bác Kiều Hạnh, Quỳnh Giao này còn giữ tên thật và có lần được hát bài “Hình Ảnh Một Ðêm Trăng” của Văn Phụng. Nói theo ngôn ngữ ngày xưa là con bé liền “mết” bài hát này liền. Văn Phụng viết ca khúc trên nhịp Boston dìu dặt, cung Fa trưởng trong sáng, bâng khuâng man mác. Trẻ con tưởng được chắp cánh bay:
Khi ấu thơ, ngồi trông bóng trăng, nhìn theo áng mây đưa
Nghe má ba, kể trong ánh trăng, Cuội đang sống say sưa
Rồi thôn xóm hừng lên tiếng reo, hòa theo khúc ca ngân
Tiếng ngây thơ, bầy em múa ca mời trăng thu xuống trần
Lưng trời mây trắng trôi lững lờ
Mơ hồ tiếng sáo ru hồn thơ
Ngắm trăng thanh và nghe tiếng tiêu đưa câu mơ màng
Lòng tôi mong ước tiên ban cặp cánh bay lên vừng trăng...
Nhưng rồi lại có năm 75 tan tác. Rồi phải sang Hoa Kỳ tị nạn. Khi ấy, gia đình mất vầng trăng cũ và đến tiểu bang Virginia tạm trú nhà người anh cả đã du học từ năm 1950. Lúc đó, anh Bửu Dương đã xong bằng tiến sĩ từ Harvard và làm giáo sư dạy Pháp ngữ và Văn Hóa Trung Hoa cho Ðại Học Bridgewater, cùng tên thị trấn ở miền Ðông, cách thủ đô Hoa Thịnh Ðốn hai giờ lái xe. Cả thị trấn hiền hòa này chỉ có độ 2,000 dân, phần lớn là sinh viên và gia đình của giáo sư dạy trong trường. Bridgewater có vỏn vẹn một trường đại học, một nhà thờ, hai siêu thị Mỹ bằng chợ Anh Minh gần phở Nguyễn Huệ của ta, và một rạp ciné nhỏ xíu tựa cái hộp quẹt.
Lúc mới tới, con gái của người viết mới lên năm, vừa đủ tuổi vào kindergarten. Cả vùng chỉ có anh Bửu Dương là người Á Ðông duy nhất. Nay thêm một gia đình tỵ nạn là có thêm ba người Á Châu. Mỗi khi ra đường, thiên hạ trố mắt nhìn. Người Mỹ có lòng bác ái thiết thực, họ tấp nập đem cho nào khăn tắm nào nồi niêu. Trong nhà có đến mấy chục bộ khăn và mấy bộ comforter cho giường ngủ. Ðôi khi họ đến nhà đón hai mẹ con đi ăn lunch, những món ăn vẫn chưa thể quen, như hot dog hay tuna salad.
Cả hai mẹ con chỉ mong được về ăn cơm nguội với nước mắm!
Tới Mỹ vào tháng 6, 1975, đến tháng 9 hoàn hồn nhìn tấm lịch là lại lẩm bẩm “bây giờ bên ấy đang là rằm Trung Thu.” Con bé con bỗng níu áo hỏi mẹ: “Mẹ ơi, thế cái ông Việt Nam ở trên moon, ông ấy còn đó không?” Phải vài giây sau mới kịp hiểu là cháu nó nhắc đến thằng Cuội! Và muốn khóc òa.
Nó ra đi mà hồn còn đầy ắp hình ảnh mùa trăng cũ. Cứ tưởng là người lớn mới hoài niệm quá khứ, nào ngờ con trẻ cũng như mình, vầng trăng năm xưa vẫn rạng rỡ trong trí nhớ.
Bây giờ, nhìn trăng mới mà nghĩ đến trăng xưa, ngày cũ, mình mới thông cảm với Nguyễn Du. “Vầng nguyệt trời Nam còn một mảnh, đêm về soi thấu dạ đôi nơi...” Ông viết bài này để từ biệt một người bạn trong thời ly loạn. Hai người đôi nơi cùng nhìn lên vầng nguyệt mà nhớ nhau.
Phải chi vẫn còn một lũ trẻ rồng rắn rước đèn, cho mình vui thêm được một chút...
Quỳnh Giao
Việt Hải, Los Angeles.
September, 2010