Việt Nam Chế Tạo Tên Lửa đẩy đưa Thiết Bị Nghiên Cứu Khí Quyển

Đại diện các đơn vị ký hợp đồng nghiên cứu, chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu, sáng 14/11 - Ảnh: Vnexpress

Sáng 14/11, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Khoa học và Công nghệ ký hợp đồng "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu (Souding Rocket) đưa thiết bị khoa học để thử nghiệm thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao".

Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện trong 24 tháng, bắt đầu từ năm 2018.

Tên lửa được nghiên cứu, chế tạo thông qua đề tài nhánh bởi Học viện Kỹ thuật Quân sự dựa trên nguyên lý của tên lửa chiến đấu, áp dụng vào phát triển kinh tế.

Đại tá Đặng Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Khoa Hàng không, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ nhiệm đề tài cho biết, ở đề tài này, tên lửa được thiết kế là vật mang thiết bị khoa học làm nhiệm vụ trên tầng khí quyển.

Tên lửa có thể bay cao trên 40 km, mang theo thiết bị khoa học đo nhiệt độ, tầng khí quyển, không khí, các thông số theo yêu cầu.

Đại tá Thanh cho biết, đây là nhiệm vụ với nhiều thách thức nhưng hiện công nghệ thiết kế, chế tạo được chủ động hoàn toàn trong nước nên có thể thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Souding Rocket là loại tên lửa đẩy loại nhỏ, có khả năng mang các thiết bị nghiên cứu, vệ tinh lên cận quỹ đạo hoặc quỹ đạo với chi phí thấp, tiếp cận được những vị trí khó mà tên lửa đẩy thông thường không thể tiếp cận được.

Trên thế giới, các nước vẫn thường xuyên sử dụng các tên lửa Souding Rocket cho cả mục đích quốc phòng và nghiên cứu khoa học. Một số loại có khả năng mang thiết bị nghiên cứu lên độ cao tới 1.000 km, và mang theo thiết bị nghiên cứu có tải trọng nặng tới 450 kg.

BT

Từ khóa » Công Nghệ Tên Lửa Vn