Việt Nam đang Bồi đắp Thêm Tại 2 đảo ở Trường Sa

Share

Việt Nam đang có các hoạt động bồi đắp hay mở rộng thêm tại hai đảo Nam Yết và Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, theo tổ chức SCSPI.

Tổ chức SCSPI (South China Sea Probing Initiative – Sáng Kiến Thăm Dò Biển Đông) ở Bắc Kinh mới đây đưa tin kèm theo một số hình ảnh do vệ tinh chụp để chứng minh cho các hoạt động mà phía Việt Nam đang làm ở khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Philippines.

Đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. (Hình: Thiềm Thừ)

Ngày 9 Tháng Mười Hai, trang Twitter của SCSPI cho biết “xây dựng đang tiến hành tại đảo Nam Yết do phía Việt Nam trấn đóng. Một cảng biển mới đang được dự trù xây dựng.”

Ngày 8 Tháng Mười Hai, SCSPI viết: “Việt Nam bồi đắp tại đảo Sơn Ca thuộc Biển Đông đang tranh chấp, thấy khác nhau từng tuần lễ.”

Cả hai cái tin ngắn ngủn một câu viết, không có bình luận nhưng kèm các hình khác nhau chụp những ngày gần đây chứng minh sự thay đổi.

SCSPI tuy là một tổ chức nghiên cứu tự nhận là “độc lập” nhưng mọi người đều hiểu tại một nước độc tài kềm kẹp sắt máu như Trung Quốc thì không thể có hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, tư nhân độc lập mà đều có đảng và nhà nước nhúng tay “chỉ đạo,” nhất là ngay tại thủ đô Bắc Kinh.

Hình vệ tinh chụp khu vực có thể đang làm thành cảng biển cho tàu đậu tại đảo Nam Yết. (Hình: SCSPI)

Thật ra, ngày 7 Tháng Năm, 2015, hãng tin Reuters thuật lại tài liệu trên trang mạng của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) tại Washington đã đề cập đến hoạt động cơi nới hai đảo Sơn Ca và Đá Tây của Việt Nam. Thời gian này Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp bảy đảo nhân tạo khổng lồ tại quần đảo Trường Sa như đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn, đá Châu Viên, đá Ga Ven mà họ cướp của Việt Nam vào năm 1988.

SCSPI chỉ đề cập tới các hoạt động của phía Việt Nam mà tảng lờ các hoạt động quy mô hơn gấp ngàn lần của Trung Quốc tại các vị trí họ cướp từ tay Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bây giờ những những gì họ trưng tại hai đảo Nam Yết và Sơn Ca thì chẳng có gì đáng kể.

Ngày 2 Tháng Mười Hai, SCSPI còn trưng tấm bản đồ Biển Đông với hàng trăm chấm nhỏ kèm theo lời giải thích đó là “5,466 tàu đánh cá của Việt Nam qua 64,977 điểm ghi nhận vị trí của tổ chức quốc tế xác định vị trí trên biển (AIS) trong Tháng Mười Một, 2021.” Những vị trí đó đều nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam và cả vùng quần đảo Trường Sa, mà tổ chức vừa kể vẽ chúng hoạt động trong cái “lưỡi bò” ngang ngược của Bắc Kinh, ám chỉ “bất hợp pháp.”

Đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. (Hình: Thiềm Thừ)

Ngày Thứ Ba, 14 Tháng Mười Hai, báo Korea Herald đưa tin Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ Tướng Úc Scott Morrison họp báo ở thủ đô Canberra. Đại diện chính phủ hai nước này “tái khẳng định sự quan trọng của sự duy trì quyền tự do hải hành và phi hành trên Biển Đông, và thỏa thuận tăng cường hợp tác duy trì các nguyên tắc đó…”

Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken đang công du ba nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tin tức quốc tế đều nói chuyến đi của ông thúc đẩy hợp tác với các nươc ASEAN trên nhiều mặt nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

SCSPI đang làm công việc chỉ điểm để thiên hạ biết các đối thủ của Bắc Kinh đang làm gì hầu đẩy sự đả kích họ đi hướng khác. (TN)

Nguồn: nguoi-viet.com

Share

Từ khóa » Bồi đắp Trường Sa