Việt Nam đang Xuất, Nhập Khẩu Mặt Hàng Nào Nhiều Nhất Với EU?

Máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU, nên EVFTA sẽ là cơ hội lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 55,77 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 41,88 tỷ USD, tăng 9,42%; còn kim ngạch nhập khẩu đạt 13,89 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017.

Như vậy, trong quan hệ thương mại với EU luôn có mức thặng dư lên đến gần 28 tỷ USD.

Còn theo số liệu mới nhất, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 22,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 17 tỷ USD tăng nhẹ 0,6%, còn nhập khẩu đạt 5,8%, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩy của cả nước, còn nhập khẩu chiếm tỷ trọng 5,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng qua.

Năm 2018, một số ngành hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang EU là hàng dệt may đạt 4,16 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2017.

Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,47 tỷ USD, tăng 18,6%. Riêng mặt hàng nông sản chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,73 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2017, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác sang thị trường EU. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018 Việt Nam đã xuất 2,27 tỷ USD mặt hàng này, tăng gần 22% so với năm 2017.

Hay xuất khẩu giày dép sang EU cũng xếp thứ hai, chỉ sau Mỹ với kim ngạch 4,72 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5%. Xuất khẩu thuỷ sản cũng đứng thứ hai với kim ngạch 1,47 tỷ USD trong năm 2018.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu tập trung vào một số nhóm sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất… tuy nhiên tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này năm 2018 chỉ đạt 13,89 tỷ USD.

Được biết, dự kiến ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được ký.

Đây được cho là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Từ khóa » Eu Nhập Sản Phẩm Chủ Yếu Nào Của Việt Nam