Việt Nam Liệu Có Thể Phát Triển Thần Kỳ? - Báo Tuổi Trẻ

Việt Nam liệu có thể phát triển thần kỳ? - Ảnh 1.

Ảnh: PHÚC TIẾN

Đã có thời gian dài ở Việt Nam nhan nhản những nồi cơm điện, quạt máy, tivi hiệu National (thường phát âm theo tiếng Pháp là "na-xiô-nan"), nhưng hẳn không mấy người biết khởi nguồn của thương hiệu này có liên quan đến bài Quốc tế ca (The Internationale).

Sau Cách mạng Tháng Mười, bài ca vô sản này thường được phát trên radio Nhật. Ông Matsushita Konosuke (1894 - 1989), người sáng lập Công ty điện gia dụng Matsushita (tiền thân của Panasonic), nhiều lần nghe nhưng không rõ "Internationale" là gì nên tìm hiểu.

Bắt đầu với "Internationale", Matsushita quay về với từ căn "National" hàm nghĩa "dân tộc", "quốc dân" hay "toàn quốc" và thế là sự ra đời của thương hiệu đầy tự hào National.

Những chuyện tương tự có thể thấy trong sách Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 của GS Trần Văn Thọ vừa được Phan Book & Nhà xuất bản Đà Nẵng cho ra mắt độc giả.

Dẫu vậy, đây không chỉ là tập hợp những giai thoại về giai tầng xã hội Nhật Bản, mà còn là hành trình ngược về quá khứ để tìm giải đáp cho câu hỏi Nhật Bản đã làm thế nào để tạo ra kỳ tích. Từ đó là khát vọng về một sự "phát triển thần kỳ" tương tự trong tương lai ở nước ta dựa trên kinh nghiệm Nhật Bản.

Tác giả ý thức rõ về những bối cảnh quốc tế và quốc gia khác nhau của hai đất nước Việt - Nhật, nhưng nhấn mạnh rằng "những yếu tố căn bản làm nên sự thành công của kinh tế thì phổ quát trong mọi thời đại".

Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc đất nước mới phát triển.

GS Trần Văn Thọ

Nhận diện "Nhà nước kiến tạo phát triển"

Ngay trong "Lời nói đầu", GS Trần Văn Thọ đã thổ lộ rằng ông soạn tập sách này "để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045" - năm Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển với thu nhập cao.

Tuy nhan đề tập sách có nêu rõ tiêu điểm của nó là giai đoạn từ 1955 đến 1973, trong đó kinh tế Nhật tăng trưởng ngoạn mục trung bình 10% mỗi năm liên tục trong gần 20 năm, nhưng để có một tổng quan rộng hơn, tác giả đã mở rộng phạm vi xa hơn về 10 năm hậu chiến trước đó, và thêm phụ chương về 2 giai đoạn "hậu thần kỳ" - bao gồm giai đoạn "củng cố vị trí cường quốc kinh tế" (1973-1989) và giai đoạn "suy thoái" (từ thập niên 1990 đến 2020).

Theo đó, cũng có thể nói là sách cung cấp một bức tranh toàn cảnh của việc phát triển kinh tế Nhật từ 1945 đến hiện tại, với trọng tâm nghiên cứu là giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973.

Để giải thích sự phát triển vượt bực của Nhật Bản trong khoảng 2 thập niên ấy, tác giả đã tập trung vào "hai yếu tố cơ bản và phổ quát, đó là nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội".

Tiếp thu và phát triển lý thuyết của Chalrmers Johnson trong MITI and the Japanese Miracle (Bộ Công thương và kỳ tích Nhật Bản), tác giả định nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển (development-[oriented] state) là "nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu".

Với các nước đang ở trình độ thấp hay trung bình, mục tiêu thường là công nghiệp hóa, chuyển hóa đất nước thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong tương quan với thế giới bên ngoài. Hẳn nhiên, lãnh đạo của một nhà nước như thế nhất thiết phải có "tinh thần dân tộc, có khí khái, hoài bão, quyết làm cho đất nước giàu mạnh để sánh vai với các nước tiên tiến".

Nhận thức được vị thế của đất nước mình trong bối cảnh thế giới, giới lãnh đạo phải có trí tuệ và bản lĩnh để đề ra chiến lược phát triển phù hợp với lợi ích quốc gia, dựa trên "lợi thế của nước đi sau" (the advantage of backwardness) kế thừa và phát triển kinh nghiệm của những nước đi trước, cũng như "thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập" (industrialization on the basis of learning).

Bên cạnh định nghĩa khái quát về nhà nước kiến tạo phát triển, Trần Văn Thọ đã phân tích 10 đặc điểm góp phần cho sự phát triển kinh tế kỳ tích Nhật Bản.

Một trong số đó là việc kết hợp được trí tuệ của trí thức bản địa để có thể hội nhập thành công vào thị trường thế giới. Một đặc điểm khác là việc cần thiết phải xây dựng một tập thể quan chức tài năng, thanh liêm, ý thức được sứ mệnh cao cả của mình, được bổ dụng qua chế độ thi tuyển với một cơ chế đãi ngộ nhất định, và phục vụ trong một bộ máy hành chính độc lập với đảng phái.

Nhà nước kiến tạo phát triển phát triển giáo dục theo sát nhu cầu công nghiệp hóa, trong đó Bộ Văn hóa - giáo dục "luôn theo sát chiến lược công nghiệp hóa để điều chỉnh số sinh viên các khoa ở đại học".

Chính nhà nước này đã "toàn dụng lao động, chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình đẳng trong tiếp cận thông tin, triệt để thực hiện giáo dục cơ sở, cưỡng bách…", dẫn đến việc tạo ra công bằng xã hội và phân phối thu nhập thông qua cải cách thuế theo hướng tăng luỹ tiến, thuế thừa kế tài sản.

Việt Nam liệu có thể phát triển thần kỳ? - Ảnh 3.

Bìa 4 tập sách 'Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 - Ảnh: K.LINH

Năng lực xã hội và tinh thần dân tộc

Phát triển lý thuyết và phân tích của Simon Kuztnets về nguyên nhân thành công của Nhật Bản trong quá trình cận đại hóa, Trần Văn Thọ xem năng lực xã hội (social capability) là "năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển".

Quan sát 5 nhân tố cấu thành xã hội nói trên, tác giả kết luận: "Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng".

Với trí thức, ông cũng đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm với xã hội, với đất nước và với giới lao động cũng là tinh thần trách nhiệm dựa trên trình độ giáo dục không ngừng được nâng cao cộng với nhiệt tình lao động.

Rõ ràng, mọi nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế thần kỳ cuối cùng đều đồng quy về con người, những con người với chức trách cụ thể, với lòng yêu nước, tự hào dân tộc, và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước.

Để hình thành những tố chất này ở mỗi cá nhân, Nhật Bản đã xây dựng một cơ chế xã hội trong đó trí thức được tự do phát biểu và được các nhà lãnh đạo chính trị thực sự lắng nghe, tiếp nhận.

Đó là cơ chế của một xã hội không chạy theo bằng cấp, "quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp của Nhật Bản hầu như không ai có bằng tiến sĩ, nếu có là do ngẫu nhiên và ngoại lệ. Đào tạo tiến sĩ chỉ để nghiên cứu và dạy đại học".

Ở xã hội ấy, không có chuyện "con vua thì lại làm vua" mà có sự lưu động xã hội (social mobility) cho phép mọi tầng lớp được thăng tiến bình đẳng.

Việc giáo dưỡng, hình thành nên những nhân cách, những tố chất cần thiết này không chỉ được thực hiện qua sách vở hay những bài học đạo đức mà còn qua gương sáng của lãnh đạo các giới, những người thực sự chí công vô tư, thanh liêm, thụ nhận cơ chế đãi ngộ hợp lý, chỉ nhận tưởng thưởng vật chất vừa phải, nhưng thực sự được tổ chức và xã hội tôn vinh.

Hòa hợp và đoàn kết toàn dân

Bạn đọc sách chắc chắn sẽ không khỏi choáng ngợp với những thông tin, phân tích số liệu phong phú về sự phát triển của kinh tế Nhật Bản.

Những tư liệu ấy không xuất hiện ở đây vì người viết muốn chia sẻ những điều thu hoạch nhấn mạnh yếu tố con người trong việc xây dựng và phát triển kinh tế.

Trần Văn Thọ nói đến việc ở Việt Nam có hiện tượng "lương khủng" của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, thậm chí ở những doanh nghiệp nhà nước "không có thành tích xuất sắc trong kinh doanh, thậm chí làm ăn thua lỗ". Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra ở Nhật trong quá khứ cũng như hiện tại.

Theo ông, "Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc đất nước mới phát triển".

Câu nói lay động lòng người của người sáng lập Sony Ibuka Masaru (1908-1997) tại buổi lễ thành lập công ty năm 1946, "Ta phải đem công nghệ góp phần vào phục hưng tổ quốc chúng ta" hẳn nhiên vẫn vẹn nguyên giá trị trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay.

Để tạo ra một khối đoàn kết toàn dân vững chắc với mục tiêu tối hậu là xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, công bằng tất yếu phải có một nhà nước kiến tạo phát triển, huy động được tổng thể năng lực xã hội.

Kinh tế Nhật Bản nhắc chuyện "Kinh tế Mác-xít, kinh tế "tư sản" đều tham gia phục hưng kinh tế" trong từ giữa thập niên 1940 đến nửa đầu thập niên 1950.

Khi phải đối mặt với khó khăn kinh tế, "các học giả có năng lực, có tinh thần trách nhiệm đã tích cực tham gia lo việc nước, không kể họ thuộc phía nào trong tư tưởng, trong nghiên cứu".

Cải cách xã hội được tiến hành triệt để nhưng không gây thương tổn mà tạo động lực tích cực cho xã hội. "Cải cách ruộng đất" tiến hành trong những năm 1947-1949 "đã không gây bất ổn về chính trị, xã hội. Địa chủ chỉ mất tài sản từ ruộng đất nhưng mọi quyền lợi khác của công dân (nhà cửa, tài sản ngoài ruộng đất) được bảo vệ, nhất là nhân phẩm được tôn trọng".

Việc "giải thể tài phiệt" được thực thi trong nửa cuối thập niên 1940 đã loại trừ việc độc quyền chi phối của các tập đoàn dòng họ đối với kinh tế, "tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tách biệt sở hữu và kinh doanh", giúp tăng hiệu suất kinh tế.

Không chỉ bàn về kinh tế Nhật, tác giả Trần Văn Thọ còn có những phụ chương bàn về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ góc độ so sánh Việt - Nhật.

Câu chuyện dự án đường sắt cao tốc là một ví dụ về quan hệ giữa viễn kiến và thực tế xã hội, và về việc quan tâm đúng mức đến lợi ích tổng thể cho đại đa số đáng để suy nghĩ.

Để "phát triển thần kỳ"

Là một chuyên luận kinh tế nhưng Kinh tế Nhật Bản không hề khô khan; trái lại, sách được trình bày sinh động với những phân tích tinh tế, qua những chuyện kể giàu cảm hứng về gương sáng từ 5 giai tầng xã hội đã nói ở trên.

Việt Nam không thiếu những gương sáng tương tự. Nhưng gương sáng không phải chỉ để kể và nghe suông. Gương sáng là để học, thực sự noi theo và sống đúng từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến mỗi người dân thường trong nước.

Sách Kinh tế Nhật Bản giúp tái khẳng định vai trò của lòng yêu nước, tự hào dân tộc, và trách nhiệm xã hội ở mỗi công dân Việt, hướng đến xây dựng Việt Nam trở thành một nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.

Những tố chất ấy có thể đã trở thành "xa xỉ", xa vời hay hão huyền, không thực tế đối với không ít người do niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp của họ nhiều lúc đã bị lạc mất. Dẫu thế, những tố chất ấy vẫn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, luôn chờ được đánh thức, vun bồi để tích cực tham gia kiến tạo xã hội phát triển đương đại.

Những tố chất đó là những nhân tố bình thường, lành mạnh phải được kích hoạt và thường xuyên giáo dưỡng để tạo nên sự phát triển đáng kể của một quốc gia - dân tộc.

Qua Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973, GS Trần Văn Thọ, người được trao tặng Huân chương Thụy bảo Tia vàng của Chính phủ Nhật Bản (2018), từng là thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc, đã thể hiện những tố chất ấy trên những trang viết tâm huyết với vận mệnh đất nước mình.

Đọc Kinh tế Nhật Bản của GS Trần Văn Thọ trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, người viết không ngừng liên tưởng đến Việt Nam ở thập niên 20 của thế kỷ 21.

Hiện nay, khái niệm "công dân toàn cầu" cơ hồ trở nên cao quý và thậm chí là đích đến cuối cùng của nhiều người. Tuy vậy, "công dân toàn cầu" sẽ không bao giờ có được nếu như không kiến tạo được "công dân quốc gia" chuẩn mực.

"Công dân toàn cầu" không phải là sự triệt tiêu "công dân quốc gia"; trái lại, cả hai phải luôn đồng hành và hỗ tương hoàn thiện.

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng

TTO - Buổi ra mắt đầu tiên của tập sách 'Việt Nam hôm nay và ngày mai' sáng 24-4 như dịp để một số tác giả gặp nhau, chia sẻ tiếng nói về thời cuộc với điểm chung là cùng mơ về một Việt Nam thịnh vượng...

Từ khóa » Thần Kỳ Nhật Bản Là Gì