Việt Nam ở đâu Sau AFF Cup 2020? - VnExpress Thể Thao

Chanathip Songkrasin vượt qua Văn Thanh trong một pha tấn công biên của Thái Lan trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2020 trên SVĐ Quốc gia Singapore hôm 23/12. Ảnh: Leo Shang-wei

Văn Thanh tranh chấp với Chanathip Songkrasin trong trận lượt đi bán kết AFF Cup 2020 trên SVĐ Quốc gia Singapore hôm 23/12. Ảnh: Leo Shang-wei

Tại AFF Cup 2020, Việt Nam không thể thắng hai đối thủ được xem như "khắc tinh", là Indonesia và Thái Lan. Thống kê còn cho thấy, trong ba trận gặp hai đội nói trên, đoàn quân của HLV Park chỉ đưa bóng đi đúng hướng cầu môn năm lần và không ghi được bàn nào. Nhìn vào diễn biến trận đấu vòng bảng với Indonesia và lượt về bán kết với Thái Lan, có cảm giác như Việt Nam áp đảo. Nhưng tất cả chỉ dừng ở mức độ tình huống, chứ thậm chí còn chưa phải là những cơ hội ghi bàn thực sự. Điều đó cho thấy ngay tại làng cầu Đông Nam Á, Việt Nam chưa thể tạo ra khoảng cách về trình độ với những người láng giềng.

Thầy trò HLV Park có gần một tháng chuẩn bị, ưu thế hơn đối thủ vì đang trong chế độ tập trung để đá vòng loại thứ ba World Cup 2022. Việt Nam thiếu bốn - năm trụ cột so với thời điểm lên ngôi năm 2018, nhưng hiếm đội bóng nào không biến động nhân sự trong khoảng thời gian dài đến ba năm. Các chấn thương của Hùng Dũng, Văn Hậu hay Văn Lâm, Trọng Hoàng cũng đã được biết từ lâu chứ không phải đột ngột mất người ngay đầu giải.

Việc đóng khung nhân sự của HLV Park vốn là đề tài tranh cãi. Bởi, bộ khung càng ổn định càng dễ dẫn đến sáo mòn về tư duy chiến thuật, dập khuôn đấu pháp và khát vọng tranh đấu. Nhưng, việc chỉ thua Australia, Nhật Bản hay Saudi Arabia với khoảng cách mong manh 0-1 có vẻ như làm các thước đo trình độ xuất hiện những sai số. Đó là chưa nói đến những điều tất yếu trong bóng đá như thể lực bị bào mòn, hay trạng thái tâm lý bị căng cứng từ cái cảm giác "đã tiệm cận trình độ châu Á".

Nhưng, như HLV Park chia sẻ, ông hầu như không thể tìm thấy những nhân tố mới cho đội tuyển do nguồn cung từ các lò đào tạo hạn chế hoặc các giải quốc nội bị trì hoãn vì Covid-19. Do đó, với những nhân sự cũ trong tay, dù ông muốn thực hiện một cách tiếp cận mới với sự chủ động nhiều hơn cũng không thể. Những loay hoay trong hiệp hai trận bán kết lượt về với Thái Lan càng chỉ ra điều đó. Việc sử dụng Lê Văn Xuân, Phạm Xuân Mạnh trong 10 phút cuối cũng giống như trường hợp của Nguyễn Thanh Bình trong trận đấu với Trung Quốc. Đó đều là những người lẽ ra phải được đá ít nhất 45 phút trong các trận gặp Lào hay Campuchia, bằng không, đến lúc cấp bách như vậy, chẳng có cơ sở nào để dùng họ cả.

Trong khi đó, chất lượng thi đấu của nhóm cầu thủ HAGL là có vấn đề. Họ hầu như không tiến bộ dù đá chuyên nghiệp suốt từ 2015. Phải đến khi Kiatisuk Senamunga sang cầm quân tại V-League 2021, mới thấy có chút tia sáng cho "những đưa trẻ của bầu Đức" về mặt nghề nghiệp. Thành công của HAGL tại V-League 2021 mang dấu ấn lớn của người đã đưa bóng đá Thái Lan đến hai chức vô địch AFF Cup gần nhất. Sự thay đổi ở HAGL, chủ yếu đến từ chiến thuật, tư duy chiến thắng chứ không hẳn là tiến bộ của từng cầu thủ. Thế nhưng, từ chỗ chỉ chuyên đá dự bị cách đây ba năm, các cầu thủ HAGL lại thường xuyên được đá chính ở đội tuyển. Đó có thể là sự ưu ái của HLV Park, cũng có thể là không còn ai tốt hơn họ. Cả hai lý do đều không tốt, và đều cần một sự thay đổi.

Để thất bại vừa qua không vô nghĩa, HLV Park cần những tiếng nói phản biện và những người có thẩm quyền chia sẻ trách nhiệm thay vì "khoán trắng" cho ông như gần đây. Và chiến lược gia thành công nhất lịch sử Việt Nam cũng cần làm mới những con người trong tay ông, hay ít nhất là tạo thêm cơ hội cho các nhân tố mới. Chắc chắn điều này sẽ đem lại rủi ro, nhưng còn gì tệ hơn việc thua sáu trận liên tiếp ở vòng loại World Cup và đánh mất vị trí số một tại AFF Cup 2020?

Song Việt

Từ khóa » Việt Nam Tại Aff Cup