Việt Nam: Số Người Bị Bắt Vì An Ninh Quốc Gia Lan Rộng

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố Việt Nam đang sử dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến và bắt giữ những người phê bình chính quyền. Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên khác của Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần gây sức ép để Việt Nam không thông qua các điều luật dự thảo có nội dung gia tăng các chế tài mang tính vi phạm nhân quyền để sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự vốn đã hà khắc.

Tháng Mười một năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang báo cáo với Quốc hội rằng từ tháng Sáu năm 2012 đến tháng Mười một năm 2015, “ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.” Tướng Quang cho biết rằng, “Cũng trong khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”

“Việc chính phủ Việt Nam công bố đã bắt giữ và xử lý hàng ngàn người, đồng thời thừa nhận đã đưa vào tầm ngắm các nhóm hoạt động về dân chủ và nhân quyền, gây lo ngại sâu sắc,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Điều này gợi ra một thực tế rằng chính quyền Việt Nam đang quá lạm dụng các điều luật an ninh quốc gia vốn đã hà khắc, để hình sự hóa các hành vi ngôn luận ôn hòa và đàn áp những người phê bình chính quyền.”

Quốc hội Việt Nam đang xem xét dự thảo bộ luật hình sự sửa đổi và bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi trong phiên hiện hành, sẽ kết thúc vào ngày 28 tháng Mười một. Một số điều luật bổ sung được đề xuất dường như nhằm vào các nhà hoạt động và những người phê bình chính quyền. Thay vì loại bỏ các điều luật vốn đã hà khắc, thì chính phủ lại đề xuất các chế tài trừng phạt còn nặng nề hơn đối với những người hoạt động nhân quyền và các blogger.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chính quyền Việt Nam có “thành tích” dày dặn về việc bắt giữ người dân với lý do được gán cho là vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia, tạm giam họ trong một thời gian dài không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay được gia đình thăm gặp, và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Tình trạng từng người trong số 2.680 cá nhân được Tướng Quang nhắc đến cần phải được làm rõ càng sớm càng tốt. Chính quyền Việt Nam cần công bố thông tin về từng vụ, bao gồm tên họ; tội danh cáo buộc nếu có; có bị xét xử hay không; thời gian đã hoặc đang giam giữ từng người; cùng với các chi tiết khác có liên quan.

Chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều luật có nội dung mơ hồ và có thể được diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác để bỏ tù những người bất đồng chính kiến về tôn giáo và chính trị. Trong đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, với mức án lên tới tử hình); “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” (điều 87 bộ luật hình sự, mức án tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, mức án tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, mức án lên tới 15 năm tù); “trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài để chống chính quyền nhân dân” (điều 91, mức án lên tới chung thân); và “các hình phạt bổ sung” nhằm tước đoạt một số quyền của những người từng bị kết án về các tội danh “an ninh quốc gia,” buộc phải chịu quản chế với thời gian có thể lên tới năm năm và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của họ (điều 92).

Ngoài ra, Việt Nam cũng sử dụng các điều luật khác trong bộ luật hình sự để nhằm vào những người bất đồng chính kiến ôn hòa, ví dụ như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân” (điều 258), hoặc “gây rối trật tự công cộng” (điều 245) hay các tội danh như trốn thuế.

Trong các điều khoản mới được đề xuất, mang tính hà khắc hơn, điều 109 (thay thế điều 79 trước đây), điều 117 (thay thế điều 88 trước đây) và điều 118 (thay thế điều 89 trước đây) đều có thêm điều khoản mới với nội dung, “người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ một đến năm năm.”

“Bộ luật hiện hành đã đủ tệ, và đã được chính quyền áp dụng thường xuyên một cách tùy tiện để dập tắt tiếng nói của những người phê bình,” ông Adams nói. “Nhưng bỏ tù một người dân tới năm năm chỉ vì chính quyền nghĩ rằng họ có thể lên tiếng hay tổ chức các hoạt động bất đồng chính kiến thì thật là lố bịch.”

Trong hai năm 2014 và 2015, giữa quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã phóng thích 14 nhà hoạt động và blogger dưới sức ép của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn đang bị giam giữ, trong đó có những người chưa đưa ra xét xử.

Trong những người đang thụ án tù có các blogger Trần Huỳnh Duy Thức và Bùi Thị Minh Hằng, Cha Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí, các nhà hoạt động nhân quyền Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và nhà hoạt động quyền lợi về đất đai Hồ Thị Bích Khương. Trong những trường hợp chưa đưa ra xét xử, có các blogger Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già), bị bắt từ năm 2014.

Khi vấn đề quyền của người lao động được chú ý cao, vào tháng Sáu năm 2014, Việt Nam đã phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, bị bắt và truy tố năm 2010 theo điều 89 vì đã giúp tổ chức một cuộc đình công tự phát. Những người cộng sự của Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, vẫn đang phải ngồi tù. Nếu bộ luật hình sự sửa đổi được thông qua, Hạnh, Hùng và Chương có thể bị bắt chỉ vì chính quyền lo ngại họ có thể giúp người lao động tổ chức đình công.

Theo báo cáo của Tướng Quang, công an Việt Nam đã “ngăn chặn kịp thời hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Chủ động tấn công chính trị, bao vây cô lập, phân hóa, ly gián số đối tượng cầm đầu, không để tập hợp lực lượng dưới các hình thức ‘tổ chức xã hội dân sự.’” Tướng Quang khẳng định nhiệm vụ của công an bao gồm việc “ngăn chặn ý đồ hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập trong nước cũng như hoạt động lập, công khai hóa các hội, nhóm bất hợp pháp trên Internet.”

“Dường như chính quyền Việt Nam ra vẻ thiện chí trong quá trình đàm phán TPP, còn bây giờ sau khi ký được thỏa thuận rồi thì lại tiến hành các bước nhằm xiết chặt sự kiểm soát đối với những người chỉ trích chính phủ,” ông Adams nói.

Từ khóa » Ví Dụ Về Phạm Tội An Ninh Quốc Gia