VIẾT NHƯ SÓI - Bếp Chữ
Có thể bạn quan tâm
Nghe đồn blog do mình lập thì mình có quyền viết về mình.
Cũng như những tay viết khác, mình rất quan tâm về phong cách viết của bản thân. Mình quan tâm nghiêm túc lắm, cho đến khi dẹp không thèm quan tâm nữa. Càng nhìn những thứ mình viết, từ tác phẩm cho đến ý tưởng thì mình càng không biết mình thuộc “thể loại” gì. Cũng bày đặt phân tích rồi ghi chú nhưng khi đọc lại thấy thật là xa lạ, giống Sói Ăn Thịt hơn. Những chia sẻ sau đây đều là những phản hồi từ 3 nhóm người hay tương tác với chữ của mình: độc giả, đồng nghiệp và những người yêu cũ (định bỏ chữ “những”, nhưng thấy lòng thiếu vắng).
Tư tưởng
Nôm na là cách mình hay “triết”.
Mình yêu những sự NGHỊCH LÝ. Đọc mấy thứ mình viết, người có chữ thì gọi là “giễu nhại, bông đùa, kiêu bạc”, người có Ielts gọi là “witty, salty, twisted” và người lương thiện thì gọi là “bựa, hóm, nhoi”. Khi suy nghĩ ý tưởng, mình khá nhạy trong việc bắt được những nếp nghĩ cũ của mọi người về một vấn đề nên tìm ra cách tiếp cận mới là không khó. Đọc bài của mình, mọi người luôn cảm giác “mới” nhưng vẫn dễ chịu, không quá xa xôi với kho hiểu biết của họ. Chắc nhờ vậy mà “Ý Tưởng Này” thành công. Một ngành nghề mới nhưng ai đọc vào cũng thấy thích, và thấy mới! Còn khi viết thì mình luôn tâm niệm người đọc đang ngủ một giấc rất say, nếu chỉ lay lay thì sao mà gọi dậy được, nên câu đầu tiên, đoạn đầu tiên phải “kích” cho họ dậy, để mà đọc tiếp cái “tráo trở” của mình. Nếu không có gì quá bi đát thì tháng 7 này mình sẽ ra mắt quyển thứ 3 cũng đầy nghẹt những nghịch lý. Mình tin tác phẩm này sẽ mang đến những giá trị nhân văn xứng đáng với những đồng tiền giựt cô hồn của bạn đọc cả nước. Í, mới bông đùa nè.
Mình không yêu chữ lắm đâu, mình chỉ thấy còn duyên với nó, một cái duyên thật là dễ thương. Nhưng mình rất tôn trọng chữ nghĩa và một trong những cách hơi quái để thể hiện sự tôn trọng ấy là mình cố gắng đa dạng đề tài và phương tiện truyền đạt. Bên cạnh sách và quảng cáo, mình còn âm thầm làm nhiều dự án cá nhân, không cái nào giống cái nào, chỉ để xem chữ của mình nằm trên đó thì thế nào, nó có làm cho nhiều người thấy vui hơn không. Ai thân với mình thì mới biết. Mình cũng đang định sẽ viết về mấy dự án này trên blog, nhá hàng trước dự án đầu tiên vào năm đầu tiên mình vào ngành.
Ngoài ra mình luôn cố gắng “phá” cái này cái kia để ra được những kiểu chơi chữ mới, cho mọi người thấy sự linh hoạt và sức biểu cảm của tiếng Việt. Tới nay vẫn chưa ra cái gì rõ ràng lắm, nhưng mình sẽ cố. Mình luôn coi tiếng Việt là gia tài ông bà để lại, nếu đã có gan mài ra kiếm tiền thì phải cố gắng phát huy, mở mang.
Duy mỹ. Mình luôn đi tìm cái đẹp, dù biết nó không tồn tại. Mình không thích những câu nói như dân viết mà quan tâm hình ảnh làm cái gì. Nhảm nhí. Trước khi đọc chữ, người ta sẽ nhìn đoạn văn như một cái hình. Nó là từng đoạn ngắn (cảm giác dễ đọc) hay cả một khối hiên ngang đều là cách phân bổ của người viết. Một anh CD từng dạy mình “Content is king so the king needs to dress good!”. Mình cũng hay nhắc các bạn viết là cần làm việc tốt với dân hình, phải xem đó là một phần quan trọng trong sự nghiệp ngành. Câu hay trong layout chán òm thì cũng tối om. Có những lúc ngặt nghèo (nghèo nhiều hơn), bài thuyết trình không có thiết kế nhúng tay thì mình cũng ráng cho nó đỡ xấu nhất có thể. Hàng tháng mình tốn tiền mua sách Art không ít dù mấy tuần nữa chắc phải xé từng trang ra trụng với mì gói. Nói điều này vì nó chi phối đến cách viết của mình nhiều. Mỗi khi bí chữ, thật ra mình mở sách Art ra coi, chứ không mở sách chữ (suỵt). Mình thích cảm giác “chiếu phim” trong đầu người đọc. Ngay trong đoạn này thôi, có chữ “nghèo” và “tốn tiền không ít” rồi thì lần thứ 3 mình nhắc đến ý này sẽ là “xé từng trang trụng mì gói”.
Chủ đề
Có 3 mảng luôn cho mình nhiều cảm hứng.
1. Tình yêu
Mình không có bạn thân, nhất là cùng giới (nam giới). Mình luôn thắc mắc là “cảm giác ấy sẽ như thế nào nhỉ?” khi thấy hình ảnh một đám con trai bù khú, quàng vai bá cổ chơi giỡn, nói tán loạn âm binh về gái, ví dụ vậy. Nó lạ với mình lắm, mình chỉ có rất nhiều người bạn nghề hoặc bạn cà phê đàm đạo khi mình cần xin ý kiến thôi. Tình yêu, phụ nữ là tất cả những gì làm nên vũ trụ tình cảm của mình.
2. Sáng tạo
Cái này thì hiển nhiên quá, mình thích sáng tạo từ nhỏ. Hồi cấp 3 là mình đã viết kịch bản cho mọi người diễn kịch rồi, thắng giải 3 luôn, mình đóng vai thái giám. Khi làm báo tường hay bất cứ hoạt động ngoại khoá nào, mình cũng nhất quyết không làm giống các học trò khác. Tập làm văn mình hay nhận lời phê đại loại là “Ý lạ, diễn đạt chưa tốt, cần cố gắng thêm”.
May mắn được làm sáng tạo đến hôm nay, mình luôn muốn viết và chia sẻ nhiều hơn cho những người đang thích chơi cái bộ môn kì khôi này. Sau này nếu muốn đổi không khí có thể mình sẽ viết về chủ đề gia đình (mình muốn viết về ba của mình lắm) nhưng chắc chắn cách thể hiện cũng sẽ phải cuốn hút.
3. Tự do
Mình ghét sự gò bó. Mình tránh nói hoặc viết những từ “phải”, “nhất định là”, “không được phép”… Mình căm những thế lực kiềm hãm sáng tạo.
Cái mình cân nhắc không phải là hay chưa mà là nó có đang “dạy đời” ai không. Mình thường gởi cho mấy bạn thân thân đọc trước, câu mình hỏi mà bọn ấy chán muốn chết là “Ê ê, bài này đọc có thấy tui đang dạy đời, hô hào không?”. Mình ngại kiểu “Những kĩ năng buộc phải có trong thời đại mới” hay “8 điều không biết là cầm chắc thất bại”. Cảm giác nó cứ đe nẹt người đọc, một cách “cầm tù” cao cấp. Chắc vì vậy mà mọi người hay khen là đọc cái mình viết họ thấy “dễ chịu” và “không lên gân” (cái này thì là do mỡ nhiều, mình cũng lâu rồi không thấy gân đâu hết hiu hiu). Đó đó, mình lấy cơ thể ra đùa chút để đoạn này cân bằng, nhẹ đi.
Giọng
Anh thấy pê đê vậy thôi chứ khi viết lại rất nam tính nha!
Trong mảng quảng cáo, mình viết tốt cho rượu, bia, thuốc lá (toàn mặt hàng đoạ lạc). Mình viết ý ẹ cho sữa rửa mặt, bột giặt, sữa. Mình luôn muốn thử sức với xe hơi, nước tăng lực và đồng hồ nhưng không hiểu sao chưa có cái đề nào tới tay. Những yêu cầu viết sắc bén chưa bao giờ làm khó mình. Nhưng kiểu job mình khoái nhất là “nịnh đầm”. Lần đầu mình làm copywriter là ở OgilvyOne, cách đây 11 cái Tết về trước. Chân ướt chân ráo, chỉ biết mình không làm Account được thôi, Ogilvy cần tuyển copywriter thì cứ đâm đầu vào, có biết chi đâu. Rượu Bailey cần copy cho web banner với ý là Valentine này mua Bailey tặng gái đi mấy chim mốc ơi. Banner sẽ có 2 frame nên cần 2 câu nối nhau. Có một copywriter đã viết mà chưa được. Mình hình dung một hồi, nghĩ xem là có cách nào khích mấy anh trai một chút mà vẫn giữ sự thanh lịch (hồi đó chưa biết chữ “premium”, mới vô mà, chưa bị tẩy não). Câu bán được liền chiều hôm đó:
Hoa, quà, những nụ hôn?
Bailey nghĩ bạn cần nhiều hơn thế.
Thấy nam tính tràn bờ đê chưa. Mình thích nhắc lại những câu cũ vì thời đó đầu còn “rỗng”, viết đậm bản năng hơn. Người yêu cũ từng tặng mình một câu “Anh đến trái đất này là để chiều chuộng các cô”. Xét bối cảnh 2020 thì vẫn đúng, nhưng mình xin chừa một cô.
Phong cách
Viết như nói. Mình không có bí thuật, mình có tà thuật thôi. Mình viết khá tự nhiên là nhờ thính giác của mình rất nhạy. Ngồi một chỗ mà lỗ tai của mình luôn kéo về rất nhiều âm thanh và câu nói. Nhờ điều này mà tuy mình không lên rừng xuống biển như người ta nhưng chữ của mình “diễn” được nhiều giọng văn. Mình dựng thoại rất ổn, quyển 90-20-30 là mảnh đất cho mình thoả chí với thoại nhất dù bà con có than là đọc hơi mệt. Nhiều bạn thích bài “Nghe lén” trong “Ý Tưởng Này Là Của Chúng Mình” cũng ráng “nghe”, mà sao thấy mệt quá hoặc họ chẳng nghe được gì hay cả. Hì hì, lêu lêu. Thường khi qua làm ở công ty nào, đồng nghiệp cũng nói “sao cái thằng này vừa viết mà vừa rì rầm rì rầm cái gì á!”. Là do mình đọc câu lên, thuận hay chưa là cơ sở để mình chuốt lại.
Nhịp điệu. Mình có cố gắng học mấy cái luật bằng trắc nhưng rồi lại quên. Nhịp điệu ở đây chỉ đơn giản là kết quả của điều ở trên, mình viết như nói nên cái câu cũng hiếm khi trúc trắc. Khi mình nghe bàn kế bên nói chuyện, mình hay tự nhiên nhớ như in cách họ ngắt nghỉ, lên giọng, thở, yên lặng, tặc lưỡi, thậm chí mình nghe cả “câu chuyện” trong tiếng ho! Những học hỏi này vận vào mình và bộc lộ qua con chữ khá rõ. Cũng trong bài “Nghe lén”, rất nhiều bạn ấn tượng câu kết:
Mang tai nghe vào, và tắt nhạc đi.
Ý tưởng lày là của chúng mềnh.
Khi ngồi cà phê, chỉ khi có từ hay hay lọt vào tai thì mình mới chú ý 100% mà “ghi âm”, và dấu phẩy ở cái câu trên chính là cái giây mình “khựng” lại để ấn nút giảm âm lượng nhạc. Dấu phẩy ở giữa câu là không cần thiết, nhưng có nó thì “có mình” hơn. Ở quyển 90-20-30 mình có vẽ ra mà chắc hiếm ai liên kết được tới bài “Nghe lén”:
Nghe ảo quá ha, vậy mới thiệt.
Tự trào. Mình tôn trọng người đọc nên mình muốn làm bạn với họ lắm. Cách nhanh nhất để mến nhau là không ngại bộc lộ khuyết điểm. Bạn sẽ dễ thấy điều này ở những đoạn tự giới thiệu bản thân của mình.
Copywriter sinh trưởng tại miền Nam, có mối quan tâm đặc biệt với miền nữ.
Hay câu cuối trong trailer của khoá Câu Chốt Hạ:
Chào mừng bạn đến với khoá học viết slogan, từ anh giảng viên chưa hề viết được câu slogan nào để đời.
Nét phong cách cuối cùng mà mọi người thường nhận ra là cái “twist”. Như đã nói ở trên, mình thích nghịch lý nên mình hay “phản đề”, bẻ ngược cái ý hay cái câu lại để ghim vào tâm trí. Cái này mình không ví dụ nữa đâu, cả cái bài này mình cài mìn khắp nơi rồi.
Ngoài ra mình còn một phong cách nữa là năn nỉ bất cần liêm sỉ. Ai thích câu chuyện quán bia ở trên thì mua 90-20-30 về đọc, cuốn này bán chậm như tốc độ chạy bộ của mình vậy. Ai thích twist thì mua khoá “Sáng tạo lưu manh” của mình, lựa chọn thánh thiện cho những ngày cách ly.
Kĩ thuật
Cái này thì đơn giản lắm, một số thủ pháp mình hay dùng. Mạch của bài này là từ bao quát đến cụ thể nên đến đây bạn đã giải mã được mình kha khá và sẽ không bất ngờ với những ngón nghề này.
Liệt kê. Mình sẽ cho người đọc vấp ổ gà ở cuối.
Anh thích em vì em đẹp, tốt bụng, dễ thương, và còn đẹp nữa!
Ẩn dụ.
Muốn nói ra lắm mà sao không vượt được những thành tháp trong lòng.
Chẳng biết là gì, nhưng mình thích trích một cụm từ văn nói vào câu, cảm giác “thật” hơn.
Là bác tài, đã chọn đời rong ruổi thì đừng nói “giá như”.
Đăng đối.
Người nào đủ nhiều mới thấy được số 0.
Chẻ từ 2 tiếng.
Không chuẩn đâu có nghĩa là cần mình chỉnh?
Ghép những cụm từ 2 tiếng, mình biết có lúc nó bị sai, không hợp nghĩa, nhưng mình thấy nó hay thì mình sẽ dùng. Câu dưới là trích trong một đoạn động viên những ai đang chần chừ thực hiện ước mơ lớn của đời mình. Mình không chắc cụm “trễ nải hành trang” là đúng ngữ pháp, nhưng mình thấy nó hùng.
Ta sẽ đi con đường mình khao khát bằng tất cả trễ nải hành trang.
Chơi chữ với nghĩa đen của từ.
Ý tưởng mà đợi có hứng thì bao giờ mới rụng?
Tạm kết
Lâu lâu được giãi bày thích ghê. Gõ phím mà như làm Dalgona. Ai thấy mình còn “điểm mù” nào thì comment cho biết với.
Xin kết cái bài bằng một ví dụ mà mình cảm giác “Sói Ăn Chay” hiện lên nguyên con. Một câu trong chuỗi “Chữ Ơi Hình Nè!” mà mình tâm đắc.
Nghịch lý, cái đẹp (nhờ 2 bạn Art), tự do, nam tính, nhịp điệu, viết như nói… mình thấy phản ánh khá đủ. Một Art Director direct mình chỉ để nói:
Không hiểu sao em siêu thích câu này, em bật cười và cảm thấy comfort lắm, còn hơn những câu “yên tâm đi”, “không sao đâu” người ta hay nói với em.
Dễ hiểu mà, em vừa gặp sói.
Phân phối
- Click to share on Twitter (Opens in new window)
- Click to share on Facebook (Opens in new window)
- Click to print (Opens in new window)
- Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
Từ khóa » Blog Sói Tung Tăng
-
About Sói Tung Tăng - LucciSan
-
LucciSan
-
Đang Tung Tăng Nhảy Múa Chợt Nhớ... - Blog Của Sói Và Chim ...
-
Summer Memories Plus V2.02 Việt Hóa - LucciSan
-
Chiến Thuật Xe Tăng Bầy Sói Trong World Of Tank (WoT) Và Wotblitz
-
CHƠI MA SÓI ONLINE 100% THẮNG TRÊN ONMIC
-
Chó Sói Và Bảy Chú Dê Con - Blog Chia Sẽ Hay
-
Chó Sói Và Cáo - Truyện Cổ Tích
-
Chó Sói Và Bảy Chú Dê Con [Truyện Cổ Grimm]
-
Hướng Dẫn Cách Chơi Ma Sói Cơ Bản Dành Cho Người Mới Bắt đầu ...
-
Blog - Tung Tăng - Tungtang
-
Chỉ Số Dame ẩn Các Loại Sói Tinh Tại Mu Hà Nội Xưa
-
Thỏ, Sói Và Cái Hố - Night-fly
-
Summer Memories Plus V2.02 Việt Hóa – LucciSan
-
Doanh Nhân Nga Thuần Hóa Sói Và Trở Thành Ngôi Sao Instagram
-
Những Bí ẩn Xung Quanh Hiện Tượng Người Sói
-
Dạy Con Kiểu “mẹ Hổ” Châu Á Hay “mẹ Sói” Phương Tây? - Prudential