'Việt Sen':Chơi Kiểu 'nửa Chừng Xuân', Thà đừng… - Mega Story

“Mùa sen mới lại về!”- dòng trạng thái hân hoan reo vui cùng bức tranh đầm sen vào Hạ rực rỡ trên avatar mới thay của Đặng Phương Việt (Việt Sen) như kéo cả hương sen ngào ngạt, sắc sen thắm hồng chen màu lá, màu trời, màu nước ùa vào trang mạng xã hội.

Và nó cũng là nguồn cơn để tôi tìm gặp người họa sỹ mê sen này và nghe anh trải lòng câu chuyện về tranh sen với dăm ba cơn cớ “buồn tủi nghệ sỹ…”

“TÔI NGẠI CÔNG BỐ VÌ TRANH TÔI BỊ CHÉP NHIỀU QUÁ”

– Họa sỹ Đặng Phương Việt lâu nay gần như bị đóng đinh với chủ đề sen và tôi thấy không phải họa sỹ nào cũng may mắn tìm cho mình được một con đường đi như anh trong nghệ thuật.

Tôi đã chứng kiến nhiều họa sỹ mặc dù có thực tài nhưng vẫn loay hoay thể nghiệm để tạo cho mình sức bật, sự khác biệt cũng là phong cách riêng… Vậy thì đó là may mắn của anh hay còn điều gì khác?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Thực ra, mỗi họa sỹ đều có bản ngã và lối tư duy riêng. Nhưng trên thực tế, đôi khi có họa sỹ lại miệt mài theo đuổi cái của người khác, giống như tầm gửi. Họ không đánh thức bản thân mình, không tự giác ngộ.

Không gian sáng tác của họa sỹ Đặng Phương Việt. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Không gian sáng tác của họa sỹ Đặng Phương Việt. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Tôi may mắn khi đã quyết tâm theo đuổi một con đường. Nhưng nếu nói tôi là họa sỹ thành công với chủ đề hoa sen thôi thì có phần phiến diện. Vì tôi còn vẽ rất nhiều đề tài khác.

Tôi không vay mượn, tôi đọc và dung nạp kiến thức, tìm hiểu về thế giới xung quanh sau đó tất cả tự chuyển hóa. Tôi sống trong thế giới của tôi, và vẽ cũng không phải để chiều lòng người chơi mà tôi vẽ cho mình, vẽ để giải tỏa nhu cầu được chia sẻ, giãi bày. Có lẽ vì thế tôi mới có con đường riêng, sự nghiệp riêng và khẳng định được mình từ sớm.

Ngay từ khi học trong trường tôi đã vẽ những màu sắc rực rỡ và va phải rất nhiều sự phản đối, nhưng tôi không thay đổi được vì mọi thứ dường như đã ăn vào máu.

Ngay từ khi học trong trường tôi đã vẽ những màu sắc rực rỡ và va phải rất nhiều sự phản đối, nhưng tôi không thay đổi được vì mọi thứ dường như đã ăn vào máu. Biết điểm yếu của mình và biết sẽ không thay đổi được, tôi chọn cách nâng cấp nó bằng những hình hài tạo hình tỉ mỉ và chi tiết. Tôi thấy nhiều họa sỹ cố đi tìm một cái gì đó, trong khi không tự đánh thức khả năng bản thân mình, khai mở tâm trí. Có lẽ vì thế mà họ loay hoay.

– Trong hành trình tự “nâng cấp” đó, anh đã đưa sen vào bao nhiêu chất liệu rồi và thể nghiệm nào anh thấy phù hợp nhất với mình?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Thực ra, mỗi chất liệu chỉ là cái cớ để họa sỹ thể hiện ý tưởng. Điều quan trọng nhất là họa sỹ thể hiện cái gì trong đó. Nếu vẽ sen mà chỉ vẽ cánh đồng sen hay hồ sen thôi thì 1-2 bức là đủ. Nhưng khi được giác ngộ, giải thoát và đánh thức cõi tâm thì sẽ thấy sen có rất nhiều trạng thái, người họa sỹ tràn đầy cảm xúc để vẽ.

Với chất liệu, sơn dầu sẽ thể hiện được màu sắc một cách mạnh mẽ, màu sắc chính là tình cảm của tác phẩm. Còn sơn mài lại rõ rệt về hình, đường nét, đòi hỏi sự cầu kỳ và vô cùng chi tiết trong lối thể hiện. Ngược lại, đồ họa thể hiện được cao nhất tính khúc triết của chi tiết. Có thể sau này tôi sẽ giới thiệu sen của tôi hoàn toàn trên phương diện đồ họa.

Những nét vẽ đầu tiên trong loạt tranh sen sắp triển lãm của họa sỹ. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Những nét vẽ đầu tiên trong loạt tranh sen sắp triển lãm của họa sỹ. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Với sen, tôi đã thể nghiệm rất nhiều chất liệu và công chúng mới chỉ biết Phương Việt ở một đề tài thôi. Tôi cũng không muốn mọi người quá ngập tràn trong thế giới của mình.

Có lẽ, mọi người không biết tôi còn vẽ về hàng mã. Tôi có cả triển lãm đồ họa tranh nude ở Rumani năm 2010 rồi sau đó là ở Bangkok.

Công chúng Italy lại thích tác phẩm “Chợ tình” của tôi, hay công chúng Australia lại đánh giá cao tác phẩm “Lễ cắt tiền duyên” trong chùm tranh về hàng mã của tôi…

Bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy là một nội lực bền bỉ đã được “thử lửa” hơn hai thập kỷ qua, với sen. Chẳng riêng gì Đặng Phương Việt vẽ sen, nhưng sen trong tranh anh luôn khác biệt, luôn mang lại cảm xúc đẹp và ấm áp cho người thưởng lãm.

Thời còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Phương Việt từng vấp phải nhiều sự phản đối của các bậc thầy, chỉ vì sử dụng quá nhiều màu sắc rực rỡ mà thiếu tạo hình chi tiết. Thế nhưng, Phương Việt “bảo thủ” và quyết theo lựa chọn của con tim đến cùng.

Để rồi sau này, khi đã xác lập được con đường nghệ thuật riêng, vẫn thấy tranh Phương Việt… màu mè. Có điều, là thứ màu mè hình nét sắc sảo, tràn ngập tinh thần đạo Phật, thứ màu mè của một quá trình rèn tâm nhẫn nại và tự giác ngộ bản thân.

Khám phá quy trình làm tranh sơn mài cùng họa sỹ ‘Việt sen.’

– Vậy lỗi là tại anh đấy chứ, vì đã không show cho khán giả trong nước thấy những diện mạo khác trong hội họa của mình?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Không phải lỗi tại tôi, mà là lỗi tại công chúng. Tôi ngại công bố vì tranh của tôi bị chép nhiều quá. Tôi cứ đưa ra “món” nào là các họa sỹ “sống mượn” ở Việt Nam “xào” lại, thậm chí có cả một trang mạng chuyên đứng ra để chép tranh của tôi. Chợ tranh chép đó còn tồn tại và phát triển được là do nhu cầu của công chúng đấy thôi.

Những người chơi tranh đang dễ dãi với những thứ gọi là hàng nhái. Người ta có thể dùng một chiếc túi hàng hiệu nhái, không sao, chỉ làm giảm đi giá trị bề ngoài của con người thôi mà. Nhưng món ăn tinh thần mà giả nữa thì con cháu ta lĩnh đủ.

(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều người mua tranh có cần biết ông Phương Việt là ai đâu, bởi nhiều người trưởng giả học làm sang, cứ thấy tranh nhang nhác, đèm đẹp là được. Họ không tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, cũng không nhận thức tại sao nó đẹp.

Giá trị của tranh thật và tranh chép khác xa nhau nhiều lắm. Tôi thực lòng muốn công chúng hãy tự đánh thức nhận thức về nghệ thuật của mình.

TÔI ĐANG HY SINH HAY ĐÚNG HƠN LÀ HẠ THẤP MÌNH VÌ CÔNG CHÚNG

– Là họa sỹ hay bị chép tranh ở một thị trường mà giá trị nghệ thuật ít được coi trọng như vậy, anh nghĩ liệu chúng ta có giải pháp nào trong việc thức tỉnh sự thưởng lãm nghệ thuật cho công chúng?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Thì đó chính là điều tôi đang “hy sinh” đây bạn ạ. Tôi hy sinh chính bản thân mình, trên góc độ nếu tranh của tôi xuất hiện ở thị trường khác, thì tôi nói thẳng là người Việt sẽ không “chơi’’ được. Vì thế, hiện giờ tôi đang “hạ thấp” mình hơn rất nhiều so với những gì tôi sở hữu.

“Tôi muốn góp phần đánh thức nhận thức người Việt bằng dự án số hóa kho tàng văn hóa Việt Nam đang triển khai cùng một nhóm các chuyên gia đầu ngành.”

Đặc biệt, tôi muốn góp phần đánh thức nhận thức người Việt bằng dự án số hóa kho tàng văn hóa Việt Nam đang triển khai cùng một nhóm các chuyên gia đầu ngành. Mọi người chờ nhé, tôi sẽ làm nhiều điều hay hơn rất nhiều.

– Công chúng nên hiểu thế nào về việc anh “đang hy sinh,” “đang hạ thấp mình” vì họ?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Tôi nói hạ thấp mình ở đây có nghĩa là, tôi kéo mình xuống để tranh của mình gần hơn với người thưởng lãm, sở hữu.

Có một sự thật đáng buồn với thị trường mỹ thuật là những họa sỹ Việt Nam tự động được xếp hạng ở một mức rất thấp. Tôi lấy ví dụ, cùng triển lãm tranh chung ở nước ngoài, nhưng giá tranh của họa sỹ Việt Nam luôn kém hơn rất nhiều so với đồng nghiệp nước ngoài. Chúng tôi đi nhiều và luôn cảm thấy buồn tủi vô cùng.

Một họa sỹ có lòng tự trọng, không gạt bỏ đi cái tôi của mình, nếu không có Đạo, thì sẽ phải làm mọi cách để bằng giá với người ta. Họa sỹ chúng tôi nếu chịu bán rẻ lòng tự trọng thì có thể ở lại nước ngoài làm việc, đổi quốc tịch hoặc đơn giản nhất là không bán tranh ở Việt Nam nữa. Nếu làm như thế tôi đã không bị chép tranh tràn lan với giá rẻ mạt.

“Họa sỹ chúng tôi nếu chịu bán rẻ lòng tự trọng thì có thể ở lại nước ngoài làm việc, đổi quốc tịch hoặc đơn giản nhất là không bán tranh ở Việt Nam nữa.”

Bạn biết không, thậm chí có những họa sỹ tên tuổi đàng hoàng còn trắng trợn chép tranh tôi, rồi ngang nhiên đưa lên truyền thông. Họ chép thế nhưng đâu có hiểu được tinh thần sen trong tranh của tôi, không hiểu tinh thần của đạo nên chép ngô nghê, không ý thức. Những nghệ sỹ sống “tầm gửi” như thế ở ta rất nhiều.

Tôi vẫn luôn nói với các họa sỹ trẻ rằng một cánh cửa đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra, vấn đề là hãy tự giác ngộ, đừng sống vụ lợi và sống mượn. Vì tôi cũng từng là họa sỹ đi lên từ nghèo khó, chấp nhận cuộc sống nghèo khổ để có được những tác phẩm như ngày nay.

– Cho tôi hỏi, nếu ký hợp đồng với gallery quốc tế, giá tranh của anh sẽ là bao nhiêu?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Nếu ký hợp đồng với gallery quốc tế, giá tranh thấp nhất của tôi là 10.000 USD.– Nhưng tôi biết, nếu có ký anh sẽ phải chịu nhiều điều khoản ràng buộc, như việc tranh của anh không được xuất hiện ở Việt Nam trong một khoảng thời gian, như việc tự anh đã xác lập “đỉnh” cho mình, mà khi đã lên tới đỉnh rồi thì một là anh cứ “ngồi” mãi trên đó, hai là “xuống dốc”… Khi ấy, tôi nghĩ, cuộc chơi với nghệ thuật của anh ở trong nước cũng sẽ chẳng dễ dàng gì…

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Đúng là như vậy.

Đặng Phương Việt là một trong số ít những họa sỹ đương đại Việt Nam tạo dựng được phong cách riêng. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Đặng Phương Việt là một trong số ít những họa sỹ đương đại Việt Nam tạo dựng được phong cách riêng. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

CHƠI KIỂU NỬA CHỪNG XUÂN, THÀ ĐỪNG…

– Ở Việt Nam, nhiều nghệ sỹ nói với tôi rằng, họ phải làm đủ thứ để “nuôi” nghệ thuật. Anh thì sao, một họa sỹ tôi được biết có tranh bán “đắt như tôm tươi,” lại có khá nhiều thú vui tốn kém, ví như riêng chơi nhiếp ảnh thì toàn Leica dòng số lượng hạn chế, mà mỗi chiếc đã là cả một gia tài rồi…

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Tôi quan niệm thế này, không có biên giới cho những cuộc chơi. Tôi đang chơi đấy, chính trong hội họa cũng là tôi đang chơi, vì tôi không bao giờ chấp nhận chép lại tranh của mình để kiếm đồng bạc lẻ, đây cũng là điều tôi tự hào nhất.

Còn những thú vui khác như động lực thúc đẩy tôi làm việc. Tôi tiết lộ điều này nhé, chỉ cần bán những bức ảnh chụp tranh vẽ thôi thì phí bản quyền cũng đã đủ để tôi tiếp tục những cuộc chơi dài hơi và đầu tư cho máy móc.

Thực ra, tôi chơi các loại máy như bạn vừa nói vì tôi muốn sản phẩm của mình có chất lượng tốt nhất, để cảm thấy thật nhất khi chụp chính tranh của mình.

Mà tính tôi đã chơi cái gì thì cái đó phải là đỉnh cao của sự chơi bời, và điều quan trọng là tôi chơi bằng sự hiểu biết chứ không phải để khoe mẽ.

“Tôi quan niệm, không có biên giới cho những cuộc chơi. Và quan trọng, tôi chơi bằng sự hiểu biết chứ không phải để khoe mẽ.”

– Tóm lại tôi nghĩ, các bạn trẻ sẽ phải chạy theo anh dài dài, vì tôi cho là, anh chơi nhưng cái chơi ấy luôn tạo ra giá trị kinh tế đấy chứ chẳng phải chơi xuông đâu.

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Các bạn đừng nghĩ là chơi để ra tiền, mà các bạn hãy chơi đi, rồi một ngày nào đó đạt “đỉnh”, các bạn sẽ thấy nó tự ra tiền. Nhưng nếu các bạn chỉ nghĩ đến chơi không, chơi à uôm thôi thì sẽ không tạo ra giá trị gì đâu.

Có những người bán cả gia sản để mua một tác phẩm nghệ thuật, là họ chơi đấy chứ, vì niềm đam mê nghệ thuật…

– Vâng, tôi thấy anh vừa đưa cho các bạn trẻ một kinh nghiệm, làm gì thì làm cũng hãy làm tới cùng kể cả chơi, thì cuối cùng sẽ tạo ra giá trị…

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Và chơi bằng sự hiểu biết tới cùng chứ đừng lờ nhờ, làng nhàng. Chơi kiểu “nửa chừng Xuân”, thà đừng.

THẬT THIẾU SÓT NẾU KHÔNG CHẠM VÀO NỖI BUỒN

(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

– Tôi nghe nói triển lãm về sen trên chất liệu sơn dầu và sơn mài của anh sắp tới khác lắm…

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Tôi đã công bố rất nhiều triển lãm về sen nhưng sen năm nay của tôi hoàn toàn khác. Trước đây, công chúng thấy sen của tôi nở trong sớm, sen nở trong bình minh, sen nở trong chiều muộn… Nhưng năm nay, Sen của tôi không phải là sen nhưng lại là sen hơn bao giờ hết trong câu chuyện của Phương Việt. Sen tàn.

Với tôi, kể cả khi tàn, sen vẫn đẹp. Thật là thiếu sót nếu một họa sỹ không chạm vào nỗi buồn, hay nói đúng hơn là những khoảnh khắc tàn phai, cái tàn trong sự chuyển hóa.

Là một họa sỹ Phật tử, tôi nhìn sen trong sự chuyển kiếp, sinh hồi vãng lai ở một kiếp khác. Vì thế, nói về sự tàn nhưng cũng chẳng phải, đây là chuyển hóa trong thế giới tâm linh, của tri kiến hay nói đúng hơn là lĩnh hội, là giác ngộ trong giải thoát của chính bản thân tôi.

Nếu như trước đây Phương Việt cũng đã đôi lần đụng chạm đến nỗi buồn của sen và đề tài đó đã được vẽ không dưới một lần, thì lần này mang tính khẳng định, nếu họa sỹ chỉ vẽ với cái nhìn một chiều sẽ thật thiếu sót. Tôi muốn kiện toàn mình, để mọi người nhìn Phương Việt không chỉ là một họa sỹ “vẽ sen một chiều” như trước nữa.

– Đó có phải là con đường đạo mà họa sỹ cũng là Phật tử Đặng Phương Việt theo đuổi suốt bao năm qua, Sen là Đạo mà Đạo cũng chính là Sen?

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Chính xác, đó là điều mà một người theo đuổi con đường vẽ tranh sen rất nhiều năm, về tính tri kiến Phật. Một ngày, nhân duyên đến thì chúng ta mới giác ngộ để giải thoát, chứ họa sỹ bình thường chỉ giác ngộ, giải thoát thông qua tác phẩm bình thường của mình thôi.

Phương Việt muốn giới thiệu với mọi người một cảnh giới khác, một nhìn nhận khác. Đấy cũng là điều mà tôi giác ngộ được trong tinh thần của sen.

“Tôi mong công chúng có thể đồng cảm với tôi để cùng chạm vào tinh thần của sen, một khoảng lặng trong quá trình chuyển mệnh, chuyển kiếp của sen cũng đồng thời là chuyển hóa trong cõi tâm người họa sỹ.”

-Tôi nghĩ đây cũng là sự chuyển hóa trong cảm xúc của anh. Bởi thời gian đầu, tranh sen của anh thường là những gam màu rực rỡ, gây cảm giác hoan hỷ ấm áp, còn giờ đây lại là sen của nỗi buồn, là những khoảng lặng…

Họa sỹ Đặng Phương Việt: Đây là chuyển hóa trong tâm, và cũng là quy luật nhân-quả, quy luật của sự đồng hành… trong đạo Phật. Nếu không có niềm vui sẽ không biết nỗi buồn là gì.

Lần này, các tác phẩm của tôi vẫn sẽ là những màu sắc rực rỡ, nhưng sẽ là sự trưởng thành hơn trong cái nhìn về nghệ thuật, giải thoát tư tưởng mình hơn trong cái nhìn về hoa sen, sẽ đúng là tinh thần của sen hơn bao giờ hết. Đó chính là điều mà có thể nói tôi đã giác ngộ được bản thân mình trong quãng đường tu tập về chuyển hóa trong Đạo cũng như trong hội họa.

Vì thế, lần triển lãm này sẽ là khác biệt hẳn so với những gì trước đây công chúng biết về Phương Việt. Tôi mong công chúng có thể cùng đồng cảm với tôi để cùng chạm vào tinh thần của sen, một khoảng lặng trong quá trình chuyển mệnh, chuyển kiếp của sen cũng đồng thời là chuyển hóa trong cõi tâm người họa sỹ.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của anh./.

Một tác phẩm đang dần hoàn thiện của họa sỹ. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Một tác phẩm đang dần hoàn thiện của họa sỹ. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Chia sẻ:

  • Tweet

Có liên quan

Từ khóa » Hoạ Sĩ Việt Sen