Viết Thư Xin Việc Và CV Khi Chưa Có Kinh Nghiệm Làm Việc Liên ...

xin-viec-khi-chua-co-kinh-nghiem

Nếu mới tốt nghiệp hay đang quyết định chuyển hướng sau một thời gian làm việc, chắc hẳn bạn đang lo lắng làm thế nào để xin việc khi chưa có kinh nghiệm liên quan?

Học khác ngành học mơ ước hồi nhỏ, làm việc trái chuyên ngành đại học không phải là chuyện xa lạ. Càng lớn chúng ta càng học thêm được nhiều thứ về cuộc sống, những điều thích và không thích, phát hiện ra nhiều tiềm năng và sở thích của riêng mình. Lựa chọn khác đi có thể sẽ khó khăn nhưng không phải là không thể. Hãy cùng Reeracoen tìm hiểu cách để thể hiện mình với nhà tuyển dụng để có cơ hội được mời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm hay được rèn luyện bài bản trước đây.

Những điểm bạn cần thể hiện trong thư xin việc và CV của mình

1/ Sự chuyên nghiệp

Bạn xin việc khi chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là khi bạn mới ra trường, hãy chứng tỏ bạn là người chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng. Sự chuyên nghiệp này thể hiện ở nhiều khía cạnh:

  • Nắm vững kiến thức của mình
  • Nghiên cứu và hiểu biết về ngành nghề, hoạt động kinh doanh của công ty
  • Khả năng giao tiếp bạn thể hiện trong cách viết email xin việc và CV

2/ Sự liên quan

Bạn chưa có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực mà bạn ứng tuyển, vì vậy hãy tập trung làm nổi bật những yếu tố khác chứng tỏ bạn có khả năng, tiềm năng đáp ứng được công việc. Đừng làm nhà tuyển dụng xao nhãng với hàng loạt kinh nghiệm làm việc không liên quan. Những điểm liên quan có thể bao gồm:

  • Chuyên ngành đại học, các chứng chỉ, nghiên cứu, khóa đào tạo
  • Hoạt động tình nguyện, các dự án ngoại khóa bạn từng tham gia
  • Quá trình thực tập
  • Kỹ năng mềm, những kỹ năng bạn học được từ công việc cũ có thể áp dụng vào công việc mới
  • Sở thích

Nếu như không có bất kì hoạt động, học vấn nào trước đó liên quan, bạn nên cân nhắc bắt đầu bổ sung kiến thức ngay, và tìm kiếm các chương trình thực tập, cuộc thi, dự án phi lợi nhuận, tình nguyện để lấy kiến thức và kinh nghiệm dần. Đây là những cơ hội trau dồi kinh nghiệm mà họ không yêu cầu quá khắt khe về chất lượng đầu vào. Dù không mang lại lợi ích kinh tế nhưng những hoạt động này sẽ cho bạn cơ hội học hỏi, cọ sát thực tế, mở rộng mối quan hệ, và thậm chí là đào tạo cần thiết.

3/ Động lực làm việc

Nếu bạn đang rẽ hướng, xin việc khi chưa có kinh nghiệm làm việc chuyên môn liên quan, động lực và ý chí làm việc sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định rằng liệu bạn có thể làm việc lâu dài với họ hay bạn chỉ đang có những quyết định nhất thời, chưa chắc chắn.

Động lực làm việc của bạn sẽ thể hiện qua những khoản đầu tư bạn dành cho công việc như:

  • Nghiên cứu và hiểu biết về ngành nghề, hoạt động kinh doanh của công ty
  • Các khóa học, đào tạo, hoạt động ngoại khóa liên quan để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm
  • Mục đích bạn muốn làm việc cho công ty, những gì bạn hi vọng đạt được khi làm việc ở vị trí đó cho công ty

Cách viết thư xin việc khi chưa có kinh nghiệm

Thư xin việc (thường sẽ là nội dung email bạn gửi cho nhà tuyển dụng khi ứng tuyển trực tuyến) là một trong những “điểm tương tác” đầu tiên giữa bạn và nhà tuyển dụng vì vậy hãy gây ấn tượng thật tốt.

Đi vào trọng tâm, ngắn gọn nhưng vẫn đủ 3 điểm cần thể hiện ở trên với những giải thích cụ thể.

  • Giới thiệu bản thân (học vấn, định vị - về chuyên môn – mà bạn muốn người khác nhìn nhận về mình)
  • Vị trí bạn muốn ứng tuyển, bạn tìm được thông tin tuyển dụng ở đâu hoặc vì sao bạn muốn làm việc cho công ty nếu công ty chưa có vị trí tuyển dụng nào
  • Lý do vì sao bạn phù hợp với công việc (tính cách, kỹ năng, kinh nghiệm liên quan)
  • Bày tỏ nguyện vọng được phỏng vấn và thông tin liên lạc của bạn

Luôn kèm theo thư xin việc, đừng để phần email trống. Khi bạn là một sinh viên tốt nghiệp, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm làm việc nào thì đây là cách bạn thể hiện sự chuyên nghiệp (kỹ năng viết email cũng là một phần của hầu hết tất cả công việc).

Cách viết CV dành cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

Bắt đầu CV bằng tóm tắt về bạn. Đây là đoạn văn bạn thể hiện bản thân mình, cho nhà tuyển dụng cái nhìn về bạn là người như thế nào, bạn có thể mang lại gì cho công ty. Các công ty không chỉ tìm người làm được công việc mà còn có thể hòa nhập với văn hóa của công ty.

Chọn 1-2 điểm mạnh nổi bật nhất của bạn và quan trọng nhất đối với công việc. Tùy theo những ưu tiên trong yêu cầu công việc, bạn có thể tùy chọn các yếu tố để trình bày trong phần này: học vấn, bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm thực tế, kĩ năng, tính cách.

Sau đó, cũng theo trình tự ưu tiên đã xác định, hãy trình bày các phần cơ bản của CV.

Học vấn

Nêu tên các khóa học, chứng chỉ liên quan đến công việc, số điểm bạn đạt được, số giờ bạn đã học nếu bạn chỉ vừa bắt đầu.

Kinh nghiệm thực tế

Mặc dù bạn chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức, nhưng quá trình thực tập và các hoạt động ngoại khóa có thể làm minh chứng cho việc bạn có tiếp xúc với môi trường của các tổ chức, thực hành những kiến thức mình học được trong một vài dự án. Bên cạnh đó, các cuộc thi liên quan đến chuyên môn cũng là cơ hội tốt để bạn chứng tỏ khả năng của mình.

Hãy trình bày rõ trách nhiệm bạn đảm nhận và kết quả bạn đạt được trong những hoạt động đó. Ví dụ:

  • Bạn thực tập ở vị trí nhân sự, hỗ trợ công ty hoàn thành quy trình chào đón người mới cho bộ phận nhân sự.
  • Bạn tham gia tổ chức NPO với vai trò truyền thông cho một dự án nâng cao nhận thức của người trẻ về môi trường, dự án đã lan tỏa đến các bạn sinh viên tại ... (số lượng) trường đại học.
  • Bạn là trưởng nhóm tham gia một cuộc thi chế tạo robot cấp quốc gia và đạt giải nhất.

Kỹ năng

Có rất nhiều nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc, không nhất thiết phải đúng theo chuyên môn mà họ cần. Họ sẵn sàng đào tạo lại nhân viên về chuyên ngành, nhưng người đó cần có những kĩ năng mềm đã phát triển được ở những lĩnh vực khác nhưng vẫn có thể áp dụng được ở lĩnh vực này. Ví dụ: kĩ năng chăm sóc khách hàng, quản lý, phân tích dữ liệu, quản lý thời gian, thuyết trình, làm việc nhóm,... Chính vì vậy, các công việc có vẻ như không liên quan trước đây vẫn có thể được nhắc đến để chứng minh cho việc học hỏi và ứng dụng những kỹ năng này ra sao.

Xem thêm: Kỹ năng cần thiết cho mọi công việc

Sở thích

Sở thích không phải là phần bắt buộc nhưng sẽ thể hiện một phần tính cách của bạn bên ngoài công việc. Hãy trình bày sở thích và thể hiện sự liên quan đến công việc một cách ngắn gọn.

Một content writer có một trang blog riêng sẽ là nguồn tư liệu tham khảo cho nhà tuyển dụng về phong cách viết. Trong khi đó, các sở thích về thể thao sẽ tạo ra ấn tượng về sự năng động hay ý chí theo đuổi mục tiêu.

Một số lưu ý khác

  • Dùng từ khóa chính xác như cách mà nhà tuyển dụng sử dụng và chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu của từng công việc khác nhau mà bạn ứng tuyển. Bạn có thể mất đi cơ hội nếu công ty đang tìm kiếm kĩ năng “bán hàng” nhưng bạn lại sử dụng từ khóa là “kinh doanh”. Đọc mô tả công việc và lọc ra các từ khóa để các phần mềm tự động lọc hồ sơ có thể nhận ra.
  • Nhắc đến tên vị trí muốn ứng tuyển trong tiêu đề email để nhà tuyển dụng dễ dàng tìm thấy bạn và có sự liên kết giữa bạn và vị trí ứng tuyển tốt hơn.
  • Đừng sử dụng email với các nickname như cobemongmo, changtraisitinh,… vì nếu vừa mới ra trường, không có kinh nghiệm, bạn cần nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp.
  • Nếu nhà tuyển dụng có form mẫu riêng hãy điền theo đúng thứ tự để tăng cơ hội được gọi phỏng vấn. Nếu bạn không làm đúng, bạn đã tự loại mình khỏi cuộc chơi ngay từ đầu.
  • Nghiên cứu về công việc cặn kẽ. Đây là điều quan trọng nhất để bạn có những chuẩn bị phù hợp khi xin việc mà chưa có kinh nghiệm. Việc này không chỉ nhằm có một CV cuốn hút, hay một cơ hội phỏng vấn, mà còn là để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm phù hợp, tìm những người đi trước trong lĩnh vực để hiểu thêm về ngành.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để bạn có thể tìm được công việc ở một lĩnh vực đó chính là ý chí để theo đuổi, học tập, trau dồi kĩ năng, và sẵn sàng chập nhận các cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Hãy chuẩn bị tinh thần để bắt đầu lại từ đầu và đón nhận thử thách mới.

Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, hãy để Reeracoen hỗ trợ bạn.

💁‍♀ Tư vấn viên của Reeracoen luôn sẵn sàng để tìm kiếm, giới thiệu, và tư vấn những vị trí phù hợp với hồ sơ của bạn. 🌏 Tất cả thông tin tuyển dụng mới nhất trong nhiều ngành nghề từ Reeracoen Vietnam được cập nhật thường xuyên tại www.reeracoen.com.vn. 👍 Hãy follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn để biết các công việc hấp dẫn trong tuần.

Từ khóa » Cách Viết Thư ứng Tuyển Chưa Có Kinh Nghiệm